Tiêu Thụ

Kính đeo mắt: Chọn Coating

Friday, 03/02/2017 - 07:29:52

Lớp coating này không chỉ bảo vệ tròng kính mà còn bảo vệ mắt nữa. Hiện nay, khách hàng có thể chọn 1 trong 5 loại “coating”

Bài ERIC TRẦN

Kính đeo mắt là một sản phẩm càng lúc càng được thị trường chú ý hơn. Không chỉ người lớn tuổi, hoặc “trí thức nặng ký” mới cần đến kính. Thời đại này, có nhiều em nhỏ mới 4, 5 tuổi đã cần tới kính rồi. Lý do: Chúng ta vận dụng con mắt quá nhiều, hết sách vở, TV, màn ảnh computer, lại màn hình iPad, iPhone, smart phone… nên thị lực mau giảm sút. Và kính đeo mắt trở nên một “món thuốc” phổ thông cần thiết. Muốn có “thuốc” này, chúng ta cần phải đi bác sĩ để độ kính, sau thì đi mua kính. Lần trước chúng ta đã nói về cách chọn gọng (frames), chọn tròng (lenses). Hôm nay, xin nói tới việc chọn “coating”, tức là chọn màng bảo vệ cho tròng kính.

Lớp coating này không chỉ bảo vệ tròng kính mà còn bảo vệ mắt nữa. Hiện nay, khách hàng có thể chọn 1 trong 5 loại “coating”, mỗi thứ một lợi ích và một giá tiền. Chúng ta cần phải so đo lợi hại để có được một coating vừa ý và vừa tiền:

Tròng kính thường bị phản chiếu ánh sáng (trái), gắn thêm màn anti-glare, tròng kính lúc nào cũng sáng trong. (phải)


1. Anti-scratch (chống trầy trụa): Cứ như ngày xưa mà 2 tròng kính có trầy trụa thì chúng ta cũng đành chịu. Nhưng bây giờ thì không, kiếm ra một cặp tròng trầy trụa cũng khó, bởi vì đa số đã được bảo vệ bởi màng Anti-Scratch. Màng này thường được gắn miễn phí đi kèm với lời bảo đảm của người bán: “Nếu tròng bị trầy trong năm đầu sử dụng, bạn cứ việc mang trả lại, chúng tôi lắp tròng khác miễn phí.”
Tuy nhiên, không phải là tròng kính nào cũng đương nhiên được gắn màng này. Người mua cần phải hỏi lại để được chắc chắn: Tròng kính có màng chống trầy hay không? Bảo hành chống trầy bao lâu? Nếu không vừa ý với thời gian bảo hành, chúng ta sẽ suy nghĩ “có nên mua màng anti-scratch thật tốt để bảo vệ tròng kính lâu hơn không?”

2. Anti-Reflective, cũng được gọi là Anti-glare, nghĩa là “chống phản chiếu”. Có màng chống phản chiếu, người ngoài nhìn vào sẽ thấy trọn vẹn con mắt chúng ta, bởi vì tròng kính lúc nào cũng trong sáng, không có bóng sáng bóng mở phản chiếu trên đó. Đối với người đeo kính, có màng anti-glare sẽ giúp bạn nhìn dễ hơn vào ban đêm, khi làm việc trước màn ảnh Computer, khi lái xe. v.v.. Phí tổn khi lắp thêm Anti-Glare là từ $50 đến $100.

                           Tròng kính có màng anti-scratch sẽ không bao giờ bị trầy trụa thế này.


3. Ultraviolet protection (chống tia cực tím): Tia cực tím (ultraviolet) vốn có trong ánh sáng mặt trời, có thể là nguồn gốc dẫn đến bệnh cườm mắt. Nếu không đeo kính thì không có cách gì chống tia cực tím được, nhưng với đôi kính, bạn có thể lắp thêm màng bảo vệ để tia cực tím không làm hại mắt. Đa số tròng kính bây giờ đều có màng này, nhưng làm sao biết chắc rằng cặp tròng của mình có gắn? Nhớ hỏi lại cho kỹ càng. Nếu phải trả thêm tiền thì phí tổn cũng chỉ từ $20 tới $100.

4. Photochromic (chuyển màu tự động), cũng được gọi là “Light-Adaptive” hoặc “variable tint”: Bạn có thể yêu cầu lắp tròng chuyển màu tự động. Nghĩa là, tròng kính bình thường sáng trong (clear) khi bạn ở trong nhà hoặc nơi râm mát, khi ra ngoài nắng sẽ tự động thẫm lại để khỏi chói mắt. Tròng kính loại này còn bảo vệ mắt chống lại tia cực tím. Chịu thêm $50 hay tối đa $150, bạn có thể yêu cầu lắp thêm Photochromic được rồi.
5. Blue-light-blocking, có nghĩa là “chống lại ánh sáng xanh” tức là tia sáng LED phát xuất từ màn ảnh Computer. Bỏ thêm từ $30 tới $180, những người làm việc trước máy có được cặp tròng kính với màng Blue-Light-Blocking để bảo vệ võng mạc trong đôi mắt quí giá của mình. Tuy nhiên, đây chưa phải là một kết luận tổng quát mà chỉ là nhận định của một số nhà nghiên cứu. Nhiều bác sĩ khác cho rằng, chưa có kết luận chắc chắn là tia sáng LED có thể gây ra tác hại. Nếu kỹ càng, bạn cứ việc lắp thêm màng Blue-Light-Blocking. Bằng không cũng chẳng sao.

Nói tóm lại, những người “bốn mắt” nên dành chút thời giờ suy xét về các kỹ thuật mới liên quan đến các gọng, tròng, và màng bảo vệ, để có được “đôi mắt thứ hai” thích hợp hơn.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT