Tiêu Thụ

Kính đeo mắt: Chọn lenses

Friday, 27/01/2017 - 08:51:12

Làm một cặp tròng tiệm tiến đòi hỏi nhiều công phu của kỹ thuật viên, nên đương nhiên giá cả phải đắt hơn kính đơn tròng hoặc đa tròng có phân ranh, ít nhất $200.

Bài ERIC TRẦN

Chọn gọng kính (frames) là vấn đề thẩm mỹ, nhưng chọn “tròng kính” (lenses) phải coi là vấn đề sức khỏe. Trong khi đa số chúng ta chỉ chú ý việc chọn gọng, thì việc chọn tròng không thể coi là kém quan trọng mà có thể còn quan trọng hơn, và cũng phức tạp hơn về nhiều phương diện, chứ không phải chỉ là về giá tiền.

Kính đơn tròng

Nếu bị cận thị, bạn chỉ cần một loại tròng kính giúp bạn nhìn rõ hơn những vật thể ở xa. Hoặc nếu bị viễn thị, bạn chỉ cần một loại tròng kính giúp bạn nhìn rõ hơn những vật thể ở gần. Tròng kính dùng cho những cặp mắt này gọi là “kính đơn tròng” (single vision).

           Kính hai tròng với lằn ranh giữa tròng nhìn gần (near vision) và tròng nhìn xa (distance vision).


Bạn có thể chọn bốn loại chất liệu sau đây:
- CR-39: Loại tròng sơ đẳng và đỡ tốn kém nhất, nhưng hơi dầy khiến cho mắt kính trông có vẻ nặng nề. Theo điều tra của Consumer Reports, bạn có thể mua được cặp tròng này với giá từ $29 tới $149.
- Polycarbonate: Loại tròng này được ưa chuộng hơn vì mỏng và nhẹ hơn, mà giá vẫn rất rẻ, du di từ $9 tới $205.
Hai loại tròng nói trên, CR-39 và Polycarbonate, có thể được tặng miễn phí nếu bạn đồng ý mua gọng với một giá nào đó.
- High-Index: Loại tròng này còn mỏng và nhẹ hơn nữa, nhưng bạn phải bỏ ra từ $150 mới mua được một cặp. Nếu mắt có nặng độ thì cặp kiếng vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát trên gương mặt.
- Trivex: Loại tròng này tốt hơn, không bị trầy xước (scratch-resistant), thích hợp với những gọng kính không riềm (rimless frames). Dĩ nhiên, Trivex đắt nhất với giá từ $200 trở lên.

Với kỹ thuật tiệm tiến (progressive), cặp kính hai tròng không có lằn ranh phân chia, khiến người đeo giữ kín được “lý lịch” của đôi mắt kém.

Kính đa tròng

Nhưng có người lại vừa cận vừa viễn, nghĩa là nhìn gần không rõ mà nhìn xa cũng không rõ. Nếu có một đôi mắt “khó tính” như vậy, bạn phải cần tới một loại tròng phức hợp, giúp nhìn gần rõ ràng mà nhìn xa cũng rõ luôn, gọi là tròng “bifocal” (hai tròng), thậm chí “trifocal” (ba tròng), nói chung là đa tròng. Kính đa tròng cũng có thể làm bằng một trong các chất liệu kể trên - CR-39, Polycarbonate, High-Index, và Trivex.

Tròng tiệm tiến

Kính đa tròng thường có một lằn ranh chạy ngang, để phân chia phần tròng nhìn gần và phần tròng nhìn xa. Với làn ranh phân chia này, cặp kính trở thành một dụng cụ “tố giác” lý lịch của khổ chủ, rằng “đây là một người có cặp mắt vừa viễn vừa cận, tức là già rồi!” Dĩ nhiên, chẳng ai ai muốn tự “khoe” ra như vậy. Trong trường hợp này, bạn có thể che mắt thiên hạ bằng cách dùng “tròng tiệm tiến” (progressive lenses).
Tròng tiệm tiến không có lằn ranh chạy ngang mắt, người ngoài nhìn vào vẫn chỉ thấy mắt kính “đơn tròng”, nhưng nó lại có khả năng đáp ứng nhu cầu nhìn gần và nhìn xa của đôi mắt cận viễn hỗn hợp. Với kỹ thuật tiệm tiến, tròng kính biến đổi dần dần, nhẹ nhàng từ thấp lên cao để đáp ứng nhu cầu lúc nhìn gần lúc nhìn xa của khổ chủ.

Làm một cặp tròng tiệm tiến đòi hỏi nhiều công phu của kỹ thuật viên, nên đương nhiên giá cả phải đắt hơn kính đơn tròng hoặc đa tròng có phân ranh, ít nhất $200.

Nói một cách lý tưởng, tròng tiệm tiến vừa che đậy khuyết điểm vừa phục vụ hữu hiệu ... đôi mắt già. Nếu được như vậy thì mất thêm $200 nữa cũng xứng đáng. Nhưng trong thực tế, có người không thể đeo được tròng tiệm tiến. Mặc dầu tiền bạc không phải là vấn đề, nhưng họ vẫn đành phải đeo kính đa tròng có phân ranh. Vì thế, bạn cần đắn đo kỹ càng trước khi chọn lựa tròng kính tiệm tiến (progressive) kẻo rồi mất tiền vô ích, rồi lại phải lắp cặp kính khác cho dễ chịu hơn.

Tròng HD

HD là tên viết tắt của High-Definition, là một kỹ thuật cao cấp giúp chuyển tải hình ảnh rõ nét trung thực hơn. Cũng như những màn ảnh TV được gọi là High-definition, tròng HD tăng cường thị lực cũng như tầm nhìn ngang của đôi mắt, đặc biệt thích hợp cho những người có bịnh mắt phức tạp như cườm hoặc bị sẹo trong giác mạc (corneal). Về chất liệu tròng, bạn có thể dùng CR-39, Polycarbonate, hoặc High-Index.
Sau khi đã có quyết định về tròng kính, bạn sẽ được hỏi “có làm coating không?” Vậy, coating là gì? Có ích lợi không? Có những cấp bậc nào để chọn lựa không? Chúng ta sẽ đề cập những thắc mắc này trong bài lần sau.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT