Phóng Sự

Kinh nghiệm chữa lành ung thư vú của Katharine

Saturday, 28/10/2017 - 08:42:20

Trong một tháng ở nhà người bạn, Katharine được bạn chở chị đi tái khám, gặp bác sĩ thẩm mỹ là nhiều nhất để họ kiểm tra hai túi đeo hai bên ngực cho những chất dịch trong vết thương chảy ra.

Bài BĂNG HUYỀN

Một số phụ nữ Mỹ gốc Việt sau khi chiến thắng ung thư vú đã từ chối lên tiếng, e ngại chia sẻ câu chuyện của mình, thậm chí muốn giấu diếm, một phần vì sự tế nhị của bệnh. Tuy vậy, có hai nữ bệnh nhân đã đồng ý nói chuyện với nhật báo Viễn Đông, muốn chia sẻ kinh nghiệm chữa trị của họ vì mong muốn giúp những người cùng cảnh ngộ có thêm kiến thức, sức mạnh, sự trợ giúp để vượt bên trên nỗi sợ hãi, đi tới chiến thắng bệnh tật.


Katharine có sức khỏe tốt, chẳng có một triệu chứng gì để nghi ngờ. Đến khi biết mình bị ung thư vú, chị rất bàng hoàng. (Getty Images)

Trên số báo ra ngày thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017, chúng tôi đã cống hiến đến độc giả câu chuyện của chị Mimi Ngô, một câu chuyện mà sau đó đã khích lệ nhiều người liên lạc với chị Mimi để tìm hiểu thêm. Nay chúng tôi mời quí độc giả nghe một câu chuyện khác, cũng can đảm và khích lệ không kém, của chị Katharine N., một phụ nữ Mỹ gốc Việt sống tại Quận Cam. Chị Katharine sẵn sàng hồi đáp những ai muốn biết thêm về bệnh cũng như kinh nghiệm của chị. Chị Katharine N. vừa được chữa trị ung thư vú thành công khoảng ba tháng nay.

Katharine cho biết, "Tôi đã 47 tuổi, là một phụ tá nha sĩ, tôi có hai đứa con, con gái 26 tuổi, con trai 24 tuổi, tôi li dị 17 năm rồi, là mẹ đơn thân. Hiện nay hai đứa con tôi đang đi học và đi làm ở xa, con trai sống tại Bắc Cali, con gái ở New York. Tôi sống một mình và không có thân nhân nào ở gần. Trong gia đình của tôi, bên nội bên ngoại đều không có tiền sử ung thư vú hay bất cứ ung thư nào khác. Trước khi phát hiện bệnh, tôi ăn uống thoải mái, thường đi bộ để tập thể dục.

"Làm phụ tá nha sĩ tính ra mình làm còn nhiều hơn nha sĩ nữa. Nên trong việc làm có nhiều hoạt động. Tôi không gặp trở ngại gì về sức khỏe hết, cuối tháng Tư năm nay đi khám phụ khoa, tôi yêu cầu khám ngực luôn. Tôi đã không đi chụp mammogram theo định kỳ hằng năm, vì tôi bận rộn đi làm và thấy bản thân cũng khỏe mạnh, không đau ốm gì. Qua việc này tôi khuyên đến chị em phụ nữ từ 40 trở lên hãy đừng xao lãng trong vấn đề sức khỏe phụ nữ, hãy khám phụ khoa và chụp mammogram theo định kỳ mỗi năm. Vì phát hiện sớm thì cơ hội chữa trị sẽ thành công hơn."

Chị Katharine nói kết quả khám phụ khoa của chị thì bình thường, nhưng kết quả chụp mammogram thì bệnh viện UCI yêu cầu chị phải trở lại để làm thêm xét nghiệm là ultrasound. Lúc đó chị hơi lo, nhưng vẫn nghĩ rằng mình không bị bệnh đâu, vì chị có sức khỏe tốt, chẳng có một triệu chứng gì để nghi ngờ mình bị ung thư vú hết. Đến khi biết mình bị ung thư vú, chị rất bàng hoàng.

"Tôi gọi điện cho người bạn ở trong nhà thờ Tin Lành nơi tôi đi lễ hằng tuần là Church Harvest (ở Irvine) do mục sư Pastor Greg Laurie hướng dẫn, cầu nguyện giùm tôi. Người bạn ấy đã gọi cho những người bạn khác trong nhà thờ và mục sư quản nhiệm đã cầu nguyện cho tôi suốt thời gian tôi chữa trị, nhắn tin thăm hỏi, khích lệ tinh thần cho tôi."

Nhắc lại tiến trình thực hiện các xét nghiệm và chữa trị, chị Katharine kể, "Đầu tháng Năm (2017) phát hiện bệnh ung thư, bệnh viện UCI đã giới thiệu cho tôi gặp bác sĩ Erin Lin chuyên về chữa ung thư vú và bác sĩ thẩm mỹ tạo ngực mới cho tôi. Từ bác sĩ Erin Lin giới thiệu những bạn đồng hành cùng cộng tác với bà về xạ trị, hóa trị… để tôi tìm đến những bác sĩ đó để nhận các thông tin. Nên tôi cũng không tự mình đi tìm bác sĩ. Vài tuần trước khi giải phẫu, tôi mới báo cho hai con biết. Vì con gái mới được đi học trở lại ở một trường tại New York, sau khi đi làm một thời gian. Con trai cũng vậy, sắp đi học lại, nên tôi không muốn con lo lắng."

Các xét nghiệm cần thiết

Bác sĩ Erin Lin đề nghị Katharine làm thêm hai xét nghiệm nữa, đầu tiên là xét nghiệm để xem có di truyền hay không, khám ra thì cho biết chị không bị di truyền.

Vì một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú rất cao bởi họ thừa hưởng các đột biến trong một số gen nào đó. Các gen liên quan bệnh ung thư vú thường thấy nhất là BRCA1 và BRCA2. Người bị đột biến trong các gien này có nguy cơ bị ung thư vú đến 80% vào một thời điểm nào đó trong đời. Các gen khác cũng có thể liên quan đến nguy cơ ung thư vú nữa. Bệnh nhân ung thư vú nên đi làm xét nghiệm kiểm tra đột biến gen BRCA1 và BRCA2. Đây là xét nghiệm sàng lọc ung thư di truyền đối với gen BRCA1 & BRCA2 sẽ giúp tìm kiếm các đột biến trong hai loại gen này.

Đây là một xét nghiệm máu đơn giản do bác sĩ chỉ định. Thời gian có kết quả xét nghiệm trung bình là hai, ba tuần. Việc phát hiện đột biến ở các gen BRCA có thể cung cấp nhiều thông tin, người bệnh có thể thực hiện các cách giảm rủi ro phát triển các bệnh ung thư khác, hoặc sử dụng kết quả để ra các quyết định điều trị.

Kết quả xét nghiệm mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên có quan hệ huyết thống với người được xét nghiệm. Nếu một thành viên mang một đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, các thành viên khác có khả năng mang đột biến tương tự lên đến 20%. Như vậy, các thành viên còn lại trong gia đình có thể tận dụng kết quả xét nghiệm, cũng như các giải pháp giảm đi các rủi ro.

Sau đó chị được bác sĩ Erin Lin đề nghị làm thêm xét nghiệm về MRI, vì MRI sẽ rõ hơn là siêu âm ngực. Chính khi chụp MRI thì phát hiện thêm bên phía vú trái có khối u, lúc đó bác sĩ yêu cầu chị làm thêm một số các xét nghiệm nữa, cũng giống như các xét nghiệm bên vú phải. Vì chụp mammograms và ultrasound không thấy rõ bằng MRI, bác sĩ Erin Lin kỹ lưỡng, muốn biết rõ hơn các xét nghiệm trước khi giải phẩu. Vì vậy bác sĩ muốn biết chắc khối u bên vú trái đó lành hay ung thư, nên chị phải làm thêm xét nghiệm biopsy. Đây là cách duy nhất chắc chắn để xác định xem một khối u có phải là ung thư không và nếu có thì đó là loại ung thư nào. Vì có một vài dạng ung thư vú, và phương pháp điều trị phải tương thích với từng loại một cách cẩn thận.

Chị Katharine chia sẻ, "Do phải làm nhiều xét nghiệm cả hai vú, nên hầu như tuần nào tôi cũng phải đi gặp bác sĩ hết. Tuần thì đi làm ultrasound, rồi tuần thì làm biopsy. Trước khi giải phẩu phải đi gặp bác sĩ trị liệu về xạ trị, hóa trị, để họ cho biết các thông tin chữa trị. Họ cho biết sau khi giải phẫu xong, phụ thuộc vào kết quả giải phẫu để xem có cần thêm những trị liệu tiếp theo. Nên suốt hai tháng đó, tôi rất mệt về tinh thần. Ban đầu thì không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là người bị bệnh, một khi đã biết bị bệnh rồi, thì lại phải chờ thêm những kết quả xét nghiệm khác, khiến mình thêm lo lắng hơn.

"Bà bác sĩ Erin Lin rất tận tình, bà tìm các cuộc hẹn để thực hiện xét nghiệm cũng nhanh. Ngay dịp quyết định xếp lịch để mổ, rơi vào thời gian bà phải nghỉ phép một tuần đã lên kế hoạch trước đó cả năm rồi, lễ ra trường của con bà, gia đình cùng đi du lịch, cộng thêm ngay thời gian đó lễ Độc Lập, một phần nữa là bà và những bác sĩ thẩm mỹ phải cùng một ngày với nhau để thực hiện ca mổ. Tôi cám ơn bác sĩ rất tận tình và cô y tá của bà tên Vân, là người Mỹ gốc Việt, đã giúp cho mọi việc nhanh và suôn sẻ cho ca mổ của tôi, diễn ra vào ngày 6 tháng Bảy năm nay."



Bác Sĩ Erin H. Lin đang thuyết trình về bệnh ung thư vú tại văn phòng Hội Chăm Sóc Toàn Diện, Westminster trưa thứ Tư, 18 tháng 10, 2017. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Chị Katharine chọn cắt bỏ hết ngực và đặt silicon để tái tạo ngực mới. Hai cuộc giải phẩu cùng lúc kéo dài sáu tiếng, gây mê hoàn toàn. Chị nói, "Vì tôi không muốn giải phẩu thêm trên người mình nữa, nên tôi từ chối tái tạo ngực bằng thịt và mỡ từ bụng của mình, mà chọn cách đặt túi silicon. Vì mổ bụng để lấy thịt và mỡ thì là thêm một đại giải phẩu nữa, sẽ hao sức khỏe, mình lại phải cần thêm thời gian để dưỡng vết thương nữa. Còn đặt túi silicon thì trong vòng 10 năm hay 13, 15 năm thì sẽ lấy ra thay cái khác, hoặc không đặt túi silicon nữa là tùy mình.

"Bác sĩ thẩm mỹ cũng giải thích cho tôi là silicon bây giờ cũng an toàn lắm, không như hồi xưa, nên tôi chọn cách này. Khi giải phẩu, ngoài bác sĩ Erin Lin cắt bỏ hai vú của tôi, còn có ba bác sĩ thẩm mỹ đặt túi silicon tái tạo ngực giả. Sau khi cắt bỏ hai vú, bác sĩ đưa ngay cho phòng Lap trong bệnh viện để thử nghiệm ngay lập tức, xem các tế bào đó có lan vào trong người tôi chưa. Thì có kết quả may mắn là tế bào ung thư chưa lan ra trong người, nên tôi không cần hóa trị và xạ trị."

Quá trình lành bệnh

Nhắc lại quá trình dưỡng và bí quyết để lành vết thương, chị Katharine nhiều lần nghẹn ngào vì xúc động. Chị kể, "Khi tôi đi giải phẩu, cô bạn trong nhà thờ, gốc Phi Luật Tân đã chở tôi đi, giải phẫu xong, cô vào thăm trong thời gian tôi ở bệnh viện, rồi đưa tôi về nhà cô ấy để chăm sóc và người bạn trong nhà thờ người Mễ cũng phụ giúp chăm sóc vết thương cho tôi sau khi từ bệnh viện về. Người bạn Phi Luật Tân này có nhà, cô ấy cũng độc thân và có dư một phòng, nhà rất gọn gàng, sạch sẽ, cô ấy biết rất nhiều về chăm sóc sức khỏe và ăn uống.

"Hồi trước cô ấy làm công việc về rửa ruột trong bệnh viện. Nên cô ấy rất kỹ về ăn uống, giữ gìn sức khỏe. Cô ấy và tôi đều hầu việc chúa trong nhà thờ, cùng ở trong ban phụ nữ, cũng có đi gặp gỡ nhau ăn uống vài lần trước đây. Nhưng gặp nhau thường xuyên là trong nhà thờ, cũng không quá thân thiết. Chính vì không thân lắm, nhưng cô ấy nghe hoàn cảnh của tôi, cô ấy sẵn sàng giúp tôi tận tình, tôi thật sự xúc động vì cô ấy có tấm lòng thật tốt."

Chị kể tiếp, "Khi cô ấy đề nghị sau giải phẫu hãy đến nhà cô ấy để cô chăm sóc, tôi cũng lưỡng lự. Vì thật ra tôi không muốn làm gánh nặng cho cô ấy, nhưng tôi lại không có sự lựa chọn nào khác. Tôi cũng tính cách này cách kia. Cuối cùng trước hai tuần giải phẩu, tôi nhận lời sẽ đến nhà cô ấy để dưỡng vết thương. Khi nghe tôi đồng ý, cô vui lắm. Cảm động là trước khi tôi đồng ý, cô ấy đã tìm hiểu những người đã từng bị ung thư vú và giải phẫu như tôi, phải mặc đồ như thế nào sao giải phẫu, tắm rửa làm sao, ăn uống như thế nào.
"Cô ấy sắp xếp hết cho tôi, chu đáo vô cùng. Tôi nghĩ thậm chí như bản thân tôi còn không có được những chi tiết như vậy để tự chăm sóc cho chính mình. Cô ấy có người bạn ở chung trong nhà share phòng, cả hai là tín đồ Tin Lành, có niềm tin rất mạnh, và tốt lắm. Suốt trong một tháng ở nhà của bạn, mỗi khi đi gặp bác sĩ tái khám, cô ấy đều chở chị đi, hỏi bác sĩ những câu hỏi mà tôi không hỏi được. Cô ấy đối xử với tôi như một người ruột thịt vậy."

Mỗi sáng cô bạn làm cho chị một ly sinh tố, gồm có các rau cải trái cây, có kale, cà rốt, chuối, trái bơ. Cho chị ăn rau rất nhiều như xà lách, bông cải xanh, bông cải trắng, củ dền, cà rốt, rau kale, nghệ và gừng và tỏi. Nghệ và gừng ướp vào gà để ăn với cơm và chị đã ăn thịt gà suốt 1 tháng đó. Khi thì ăn cơm, lúc thì ăn phở gà. Vì thịt gà rất lành cho người sau khi giải phẫu. Những thức ăn đó giúp cho cơ thể chị khỏe lên từng ngày.

"Những rau cải càng xanh thì càng tốt cho sức khỏe của mình. Cô bạn tôi có một cái máy để lên người mình, tạo ra những làn điện để làm máu huyết thư giãn, mỗi ngày hai lần cố ấy đặt máy lên người tôi, và để lên ngực tôi để điều hòa máu, gân, những tế bào trong người tôi. Mỗi tối thì cả ba chúng tôi cùng cầu nguyện, tập trung về tâm linh rất nhiều. Đó là một trong những chìa khóa giúp tôi đối diện trong suốt quá trình khi biết mình bệnh, đến khi giải phẫu và sau khi giải phẫu và đến bây giờ."

Chị Katharine cho biết từ khi giải phẫu xong cho đến về sau này chị phải tránh ăn nước tương, tránh ăn đậu hủ, chao, những thực phẩm mà có chất soy (đậu nành) trong đó. "Tại vì tôi có chất estrogen, là một nội tiết tố sinh dục ở nữ trong người rất cao. Nhờ tiến trình xét nghiệm ung thư, phát hiện ra tôi có nhiều chất estrogen. Bác sĩ Erin Lin có giải thích cho tôi là chất Estroten phụ nữ nào cũng có, ví dụ người A bị bệnh ung thư vú, nhưng chất này không phải là một kích thích yếu tố mạnh gây nên ung thư vú, nhưng người B thì chất này lại kích thích ung thư vú, có những người chất này cao, có người thì thấp. Với tôi, chất này trong người tôi rất cao, hơn 90 phần trăm, là yếu tố kích thích tạo nên ung thư vú, chất đó hay kích thích mụt ung thư trong ngực phát triển, nhất là những người vẫn đang còn kinh nguyệt. Tôi vẫn còn kinh nguyệt và lại có chất đó cao trong người, và dù là cao hay thấp thì khi bị bệnh ung thư vú rồi, được khuyên tránh những thực phẩm có chất soy."

Chị cũng phải tránh ăn đường, không ăn chè, không ăn kem, bánh sinh nhật, bánh ngọt…, chỉ ăn những chất ngọt của trái cây, nhưng cũng không ăn một lúc quá nhiều. Chocolate dark 100% thì ăn được, nhưng chocolate có đường thì không được ăn.

"Vì đường sẽ kích thích những tế bào không tốt trong người thành ung thư, dù rằng đã được lấy ra rồi, không lan bên trong cơ thể nữa, nhưng cơ thể tôi trước kia nó đã tạo ra do tôi đã không biết, không tránh ăn những chất đã kể trên, đã tạo ra tế bào ung thư, khi biết được những yếu tố nào kích thích nó thì mình phải tránh. Nhờ tôi tìm hiểu trên internet và những người đã từng bệnh như tôi để học hỏi. Vì nhiều người có nhiều ý rất hay để mình học hỏi, nhất là những người đã có kinh nghiệm trãi qua bệnh ung thư và sống sót, mình nên đọc để rút tỉa kinh nghiệm từ họ. Tôi còn được người bạn chỉ cho uống thuốc bổ làm từ rau củ trái cây, có cả nghệ trong đó, để uống mỗi ngày, cộng thêm ăn uống rau cải… giúp cho chất Estroten trong người mình giảm xuống dần."

Trong một tháng ở nhà người bạn, Katharine được bạn chở chị đi tái khám, gặp bác sĩ thẩm mỹ là nhiều nhất để họ kiểm tra hai túi đeo hai bên ngực cho những chất dịch trong vết thương chảy ra.

Chị khuyên, "Những người giải phẩu ngực nên mặc áo mở nút đằng trước, để dễ cho mình, không nên mặc áo tròng đầu, vì khi giải phẩu hai ngực ra, bác sĩ sẽ lấy mụt ở dưới nách của bệnh nhân để xét nghiệm, hai nách có vết thương, rất đau, mặc áo cài nút phía trước dễ hơn là áo tròng đầu. Một người bạn khác có chỉ tôi tìm mua trong Home Depot giống như cái yếm bằng vải, cho mấy người sửa nhà đeo để bỏ đồ nghề, nó có hai cái túi có sợi dây cột sau lưng mình, mua mấy cái đó đeo sát trong người để bỏ hai túi đeo ngay hai bên ngực, thoải mái cho mình hơn là cài kim băng đính vào áo trong người bất tiện lắm. Chỉ cần đeo nó sát trong người và mặt áo phủ bên ngoài che lại. Vì mỗi ngày phải thay túi đó tùy theo lượng nước dịch chảy ra từ hai vết thương trên hai ngực. Tôi không ra nhiều, hồi đầu chỉ thay hai lần, sau đó chỉ cần thay một lần vào tối thôi. Tôi gặp bác sĩ vào tuần thứ ba thì được lấy hai túi đó ra hẳn, không đeo nữa."

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm của mình, chị nói, "Trong hai tuần đầu tôi có uống thuốc giảm đau, trụ sinh thì uống mỗi ngày đến khi lấy hai túi đeo hai bên ngực ra, khi bác sĩ thấy vết thương lành rồi thì mới ngưng. Nhưng tôi ngưng thuốc giảm đau trước khi ngưng thuốc trụ sinh. Trong tháng đầu không lái xe, chỉ để dưỡng cho lành, được bác sĩ thẩm mỹ khuyên sau hai tuần chỉ cầm vật nặng 3 lbs thôi, sau ba, bốn tuần thì chỉ khiêng nặng chừng 5 lbs thôi, càng tránh nâng vật gì nặng thì càng tốt. Sau một tháng mới tự lái xe về nhà, chỉ lái chậm thôi. Ít nhất trong bốn, sáu tuần đầu sau giải phẫu không cử động hai tay mình nhiều quá, đừng có cầm vật gì nặng quá, vì không chỉ hai ngực mình đau mà dưới hai nách cũng đau, vì có vết mổ ngay nách. Sau một tháng vẫn tiếp tục đi gặp bác sĩ thẩm mỹ và bác sĩ Erin Lin, mỗi năm phải chụp hình MRI để chắc ăn là cơ thể khỏe, không bị gì nữa hết, và ăn uống kỹ lưỡng, hạn chế không hoạt động hai tay nhiều. Khi nào cảm thấy sức khỏe tốt, tinh thần tốt thì đi làm trở lại. tùy theo nhu cầu cuộc sống, nếu cần tiền nhiều thì đi làm toàn thời gian, nếu không thì làm bán thời gian, cần để ý sức khỏe trên hết."

Chị cho biết đã ba tháng qua, cơ thể chị lành rất nhanh, đến nay chị đã sinh hoạt bình thường lại, lái xe đi những nơi chị cần, không khiêng được bao gạo 25, 50 lbs như trước, nhưng có thể cầm vật nặng khoảng 5 lbs. Vết thương bên tay trái hoàn toàn không có cảm giác đau, nhưng bên tay phải thì khi chị cử động cả một ngày, quên không để ý đến, thì tối nằm ngủ, trở mình, hơi cảm thấy đau một chút. Còn hai vết thương hai bên nách thì bình thường, đã lành, không đau nhức. Chỉ trừ khi lái xe nhiều, hoạt động nhiều mà quên, do cảm thấy khỏe, nên có lúc chị quên, vì chị vốn là người ưa hoạt động xưa nay, nên theo thói quen cũ. Những lúc như vậy, vào cuối ngày thì bên phải hơi đau chút xíu, nói chung thì mọi chuyện đều ổn. Dù vậy, chị vẫn quyết định tạm nghỉ làm đến hết năm nay, để chị thư giãn, đi nghỉ dưỡng, du ngoạn nơi này nơi kia, gặp gỡ bạn bè để tâm trí tinh thần phục hồi lại.

Có nên đi làm lại sớm hay không?

Chị cho biết, "Vì khi bị ung thư thì cuộc đời mình đã hoàn toàn thay đổi. Dù đã lành, vẫn không còn như xưa, cái nhìn của mình về cuộc đời này và mọi chuyện cũng khác hết. Tinh thần với mình lúc này rất quan trọng. Nếu tài chính nhiều mà không cần làm nữa thì càng tốt. Có những người sau khi chữa bệnh xong, họ không đi làm luôn. Chỉ dành thời gian với gia đình, đi nghỉ dưỡng, làm những gì mà họ thích, để họ luôn vui vẻ. Tôi vẫn có thể đi làm lại, nhưng chẳng thà tiết kiệm chút xíu để tinh thần, sức khỏe ổn định. Năm sau mới đi làm lại. Tôi đang sống nhờ tiền dành dụm trước đây chứ không được nhận tiền lương 75 phần trăm nghỉ bệnh, do khi phát hiện bệnh, lo chạy chữa, tôi đã không nhớ đến làm đơn xin tiền này, vì mình đi làm có đóng thuế thì khi nghỉ bệnh, mình có được tiền này. Vì vậy tôi khuyên những ai đi làm có đóng thuế, trước khi giải phẫu, hãy làm đơn này vì nếu nộp đơn quá thời hạn bao lâu đó tôi không nhớ rõ, thì sẽ không apply được nữa như trường hợp của tôi."

Theo chị Katharine, nếu đi làm trở lại sớm, việc hồi phục của mình chậm lại, không đáng, chẳng thà mình xài tiết kiệm, giữ gìn sức khỏe của mình. Với lại cũng tùy theo việc làm nữa, những ai làm văn phòng, nghe điện thoại, tiếp xúc khách hàng thì đi làm sớm trở lại được. Còn chị, công việc phải cử động hai tay và chân di chuyển rất nhiều.

Chị Katharine tâm sự, "Mỗi người có cách đối diện với bệnh ung thư khi mình gặp phải khác nhau, riêng tôi, tôi phải tự trấn an để mình bình tĩnh, mình càng bình tĩnh thì giúp có sự sáng suốt rõ ràng hơn, để gặp bác sĩ, có những câu hỏi để họ giải đáp cho mình. Nghe lời khuyên của họ để suy xét lại và chọn cách tốt nhất cho mình. Việc làm của bác sĩ chỉ là đưa ra các cách trị liệu, nhưng sự quyết định lựa chọn hoàn toàn do mình. Vì vậy mình cần tự quyết định, nếu có thân nhận bạn bè yêu thương cùng đi theo thì càng tốt, nhưng chính mình phải quyết định, vì đó là thân thể của mình. Dù lời đề nghị của bác sĩ đưa ra tốt, nhưng phải suy nghĩ xem có hợp với mình hay không. Ví dụ có những trường hợp không cần hóa trị, nhưng được khuyên cần hóa trị để chắc ăn bệnh không tái phát lại, rồi tin tưởng bác sĩ đi hóa trị, làm cơ thể vừa hồi phục chưa khỏe để chống chọi, khiến suy yếu và có thể qua đời. Bây giờ tôi ăn uống, ngủ, nghỉ chú trọng đến sức khỏe và biết được những ai cũng trải qua việc ung thư, sẽ đối diện với con đường như tôi đã trải qua, thì tôi cảm thông với họ hơn."

Chị nói sau khi lành bệnh, niềm tin vào Chúa chữa lành càng mạnh mẽ trong tâm linh chị nhiều hơn. Chính tôn giáo, sự cầu nguyện rất quan trọng giúp chị vượt qua nghịch cảnh. "Tôi không biết chắc được tương lai mình ra sao, nhiều khi cũng có sự lo lắng bệnh tái diễn trở lại, cái đó đã được các bác sĩ báo trước cho mình. Đương nhiên mình không muốn điều đó nó xảy ra, nhưng nếu nó xảy ra thì mình cũng đã từng trải qua rồi, mình không còn bị shock nhiều như hồi đầu mới biết bị bệnh.
"Dẫu vậy tôi vẫn đang tận hưởng cuộc sống hiện tại sau khi lành bệnh. Gặp gỡ những người bạn trong nhà thờ nhiều hơn, đi lễ và cầu nguyện nhiều hơn. Nếu ai cần giúp đỡ trong khía cạnh nào của quá trình chữa trị ung thư vú mà tôi biết được, giúp được gì thì tôi xin sẵn sàng giúp, hãy gọi điện cho tôi để lại voice mail hoặc text tin nhắn vào điện thoại cell của tôi 714-757-6852. Tôi hy vọng sẽ giúp được càng nhiều người càng tốt." (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT