Đạo và Đời

Kinh Pháp Bảo Đàn (Kỳ 10)

Thursday, 10/04/2014 - 12:53:13

Ngũ tổ rất tinh tế, biết rõ người học trò nên làm gì, nên khuyên bảo rất rõ ràng: “đến Quảng Tây thì ở lại, còn nếu tới Quảng Đông thì ẩn cư”. Từ Quảng Tây sang Quảng Đông rất xa. Bây giờ có xe lửa đi thì lẹ, nhưng ngày xưa thì lâu vô cùng. Ngài Huệ Năng đã nhận y bát vào canh ba đó

Thầy Hằng Trường

Lúc ngũ tổ nói: “Con hãy cẩn thận, có người hại con, hãy trốn đi.”

Ngài Huệ Năng hỏi ngay rằng: “Như vậy con đi đâu bây giờ?”

Ngũ tổ đáp: “Gặp Hoài thì ở lại, gặp Hội thì ẩn nương”.

Hoài đây là Hoài Tập, là một chỗ ở nơi Quảng Tây. Tức là “nếu tới thôn Hoài Tập thì con ngừng lại”. Hội là huyện Tứ Hội ở Quảng Đông, có thể ẩn cư được.

Ngũ tổ rất tinh tế, biết rõ người học trò nên làm gì, nên khuyên bảo rất rõ ràng: “đến Quảng Tây thì ở lại, còn nếu tới Quảng Đông thì ẩn cư”. Từ Quảng Tây sang Quảng Đông rất xa. Bây giờ có xe lửa đi thì lẹ, nhưng ngày xưa thì lâu vô cùng. Ngài Huệ Năng đã nhận y bát vào canh ba đó, thưa rằng: “Con là người Lĩnh Nam xa xôi tới đây, không thông thạo đường đi ra sông.”

Ngũ tổ bèn đưa lục tổ ra tới sông Cửu Giang, ngài còn tự tay chèo thuyền đưa lục tổ qua sông. Trong đêm tối, ngũ tổ không mặc áo nội y, tự tay đưa người đệ tử vừa được truyền ấn xong, ra đi. Lục tổ xin chèo thuyền thay cho ngũ tổ, nhưng ngài trả lời: “Ta đưa ngươi đi mới đúng, ta độ ngươi mà”.

Lục tổ trả lời: “Lúc mê thì sư phụ độ con, nhưng bây giờ con ngộ rồi thì con tự độ”.

Câu trả lời cho thấy có một sự bình đẳng giữa hai người đã khai ngộ, không bản ngã, không sợ hãi nhau nữa. Ý của lục tổ là “khi mê thì ngài Hoằng Nhẫn độ ngài, nhưng nay đã ngộ thì tự ngài sẽ chèo một mình”. Câu trả lời này cho thấy ngài Huệ Năng rất thông minh, sáng suốt và không làm mất lòng tổ sư. Ngài dùng chữ “độ” rất hay, có hai nghĩa: độ có nghĩa là chèo mà cũng có nghĩa là tự cứu vớt mình.

Tổ sư nghe qua rất hài lòng, bèn đưa tay chèo cho ngài lục tổ. Hành động này cho thấy mối giao tình, giao cảm giữa hai vị tổ sư với nhau. Chúng ta học bài học đó để biết rằng muốn học đạo sâu sắc thì cần có một niềm tin rất sâu với người thầy của mình, mình phải mở hết cõi lòng của mình, đồng thời có những câu nói không sợ hãi. Mình thương vị thầy của mình không phải vì mình bám, mình chấp mà mình thương vì biết rằng chân lý trôi từ vị thầy xuống tới mình.

Chân lý của mình cũng sẽ trôi ngược lại sư phụ; và nếu là người giác ngộ, ngài sẽ lắng nghe chân lý của mình. Đó là một biểu tượng rất hay của tình thầy trò học đạo, một mối giao tình không có cửa, nhưng sự chuyển giao của chân lý lại hai chiều, không có sự ngăn cản nào của tâm tình. Nếu các bác nhìn lại những tấm gương thầy trò từ xưa đến nay, từ Socrates, Plato cho đến thầy trò những vĩ nhân, họ đều như vậy, không có cửa ngõ, tâm tình hoàn toàn trống trải. Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất của những người sống với chân lý, không phải sống vì những cảm xúc cá nhân.

Tiến trình học đạo

Trở lại câu chuyện, ngũ tổ nghe lục tổ đáp, bèn nói:

“Phải vậy, phải vậy. Từ nay Phật pháp sẽ do con truyền ra. Bây giờ ngươi đi rồi, 3 năm sau ta sẽ tạ thế, nhập diệt. Bây giờ ngươi hãy ráng sức đi về hướng Nam. Nhưng đừng thuyết pháp vội. Hãy ẩn thân một thời gian. Phật pháp phải từ chỗ khó khăn nẩy sinh ra chớ không từ chỗ dễ dàng mà được”.

Chúng ta cần phải lý giải đoạn này. Chúng ta phải qua giai đoạn học đạo, ngộ đạo rồi dưỡng đạo thì mới hành đạo được. Lúc đi học đạo khó khăn lắm, vì chúng ta không hiểu đạo ra sao, hình thù như thế nào. Đây là trường hợp của ngài Huệ Năng. Nhưng lúc ngộ đạo, chúng ta thấy được đạo nhờ ở trong vùng trực giác cao (siêu ý thức). thấy được đạo, thấy chân lý rồi cũng chưa đủ, chúng ta cần dưỡng đạo.

Dưỡng đạo là làm cho tập khí của mình biến đi, những thói xấu của bản ngã từ từ không còn nữa, mình thay đổi những thói quen, tật xấu của mình. Dưỡng đạo xong rồi, chúng ta ra hành đạo. Hành đạo là truyền cái đạo của mình cho người khác, để người ta cùng cảm nhận được cái đạo. Có những người đã khai ngộ một chút trước đó, như ngài Huệ Năng, nghe kinh đã ngộ rồi; nhưng ngài chưa dưỡng đạo. Ngài ngộ chút ít rồi đi cầu học đạo, học rồi mới chớm ngộ. Khi ngũ tổ trùm áo cà sa giảng kinh Kim Cang thêm một lần nữa, lúc đó ngài mới ngộ.

Thưa các bác, tiến trình tu đạo rất dễ thương. Tại sao dễ thương? Vì lúc nào chúng ta cũng nghĩ tới đạo, phần vô ngã, mà không nghĩ tới phần đời hay phần ngã của mình. Vì lúc nào cũng chuyên tâm vào phần vô ngã nên con người dễ dãi, dễ chịu ra. Mình hết sức siêng năng, nhưng cũng hết sức dễ chịu, không cau có, giận dữ, hung hăng. Nhiều khi vì đố kỵ với người này, người kia mà chúng ta không tu được.

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT