Đạo và Đời

Kinh Pháp Bảo Đàn (Kỳ 12)

Wednesday, 23/04/2014 - 10:50:36

Thời đó, Thiền tông chỉ tới đời thứ 6 mới hưng thịnh mà thôi. Cho nên việc truyền y bát từ đức Phật qua vĩ đại vô cùng. Đức Phật nhập diệt đã hơn 1,000 năm, nên bây giờ người nào có được y bát của Phật quả không phải là chuyện bình thường. Đó không phải là chuyện nhỏ. Tổ sư Hoằng Nhẫn đã có y bát

Thầy Hằng Trường

Thời đó, Thiền tông chỉ tới đời thứ 6 mới hưng thịnh mà thôi. Cho nên việc truyền y bát từ đức Phật qua vĩ đại vô cùng. Đức Phật nhập diệt đã hơn 1,000 năm, nên bây giờ người nào có được y bát của Phật quả không phải là chuyện bình thường. Đó không phải là chuyện nhỏ. Tổ sư Hoằng Nhẫn đã có y bát, lại trao cho một người vô danh thành tổ sư.

Các bác đọc truyện kiếm hiệp cũng thấy các môn phái, chỉ một một võ công thôi, thí dụ môn Tịch Tà Kiếm Phổ đã làm cả giang hồ truy lùng, giết hại lẫn nhau. Hay một Cửu Dương Chơn Kinh, hay Cửu Âm Bạch Cốt Trảo cũng làm cho mọi người nhốn nháo, truy tìm huống chi đây lại là y bát của Phật.

Truy đuổi

Thưa các bác, chúng ta đã nói tới phần ngài Huệ Năng được Ngũ tổ chứng nhận để trở thành Lục tổ và bây giờ sẽ mang y bát đi về hướng Nam. Ngũ tổ còn dặn dò ngài hãy đi ở ẩn, vì có nhiều người đang đố kỵ. Phật pháp không dễ hưng khởi nên chớ vội thuyết pháp. Lúc đó ngài Huệ Năng nghe theo lời dạy và mấy ngày sau, Ngũ tổ cũng nhập thất, không thuyết pháp

Các đệ tử thấy lạ nên thăm hỏi và từ đó mới biết y bát đã đi về hướng nam và người có khả năng giữ những vật này này là ngài Huệ Năng. Không ngờ những lời ngài nói đã tạo nên phong ba bão táp. Hàng trăm người bỏ chùa truy đuổi theo Lục tổ, trong số những người này có một số là đệ tử của ngài Thần Tú. Họ nghĩ rằng sư phụ họ, tức ngài Thần Tú, xứng đáng để nhận pháp, nay lại vào tay ngài Huệ Năng, một người không tên tuổi, không chức vị, chỉ là một người tại gia, làm việc giã gạo trong nhà bếp. Vì vậy họ không chấp nhận vị tổ sư mới.

Lão Tử rất hay khi nói trị quốc không nên đem những đồ vật quý giá cho người ta thấy, vì họ sẽ sinh lòng tham, huống chi đây lại là chiếc bình bát và áo cà sa của Phật đã dùng hàng ngàn năm về trước. Vì sao chùa hay tùng lâm bên Trung Hoa thời đó, lại xẩy ra những chuyện như vậy được? Nơi của ngài Hoằng Nhẫn phải là một nơi thanh tịnh, tại sao có chuyện này xảy ra? Chúng ta hãy thử nghĩ coi, trong xã hội phong kiến thời đó, chùa hay tùng lâm bị ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng, nghĩa là trên thì phương trượng, dưới có đệ tử, đệ này lại có lớp đệ tử khác ở dưới.

Tất cả những người này đều phục tòng người bên trên. Bên trên nói xuống, không phải bên dưới nói lên, nên chỉ còn cách phục tùng chớ không phải hai chiều như thời nay. Phương cách này cũng giống y hệt hệ thống quan quyền. Các chức sắc trong chùa rất rõ ràng: trên là phương trượng, dưới có giám viện, rồi rất nhiều chức vụ khác, liên hệ theo hàng dọc. Do đó người phương trượng có quyền hành rất cao, quyền sinh sát rất cao. Vì vậy ắt phải có sự tranh giành, tạo ra từ quan điểm về quyền lực.

Là một vị tổ sư, đương nhiên quyền hành còn cao hơn nữa, vì không phải tổ sư một ngôi chùa mà còn là tổ sư của nhiều chùa khác nữa. Vì vậy có chuyện tranh quyền và tranh lợi, không phải chỉ là vấn đề tranh pháp không thôi. Nhiều khi chúng ta tranh quyền, tranh lợi, đố kỵ, nhưng ngoài miệng thì nói không, chỉ muốn đòi lại cái pháp mà thôi. Người nào cũng lấy lý do bảo bệ Phật pháp, hoằng dương Phật pháp, phá tà hiển chánh..., nhưng thực sự trong đầu óc chỉ là đố kỵ chướng ngại, không có chi sâu sắc hơn.

Có một vị tăng họ Trần, tên Huệ Minh, ngày xưa làm tới tứ phẩm tướng quân, là người tánh tình nóng nẩy vô cùng. Nghe Ngũ tổ nói pháp đã đi về phương Nam, vị này rất tức giận, quyết chí tìm cho ra ngài Lục tổ, đã cầm đầu một toán người đuổi theo. Khi gặp ngài Huệ Năng, tăng Huệ Minh bèn đòi lại y bát. Lục tổ đem y bát ra đặt lên một tảng đá và nói:

“Y bát là vật biểu tín, làm sao anh có thể đoạt được.”

Nói rồi, ngài Huệ Năng tới ngồi trên một tảng đá. Huệ Minh tới cầm y bát lên, nhưng không nhấc lên nổi. Dù tìm đủ mọi cách, nhưng y bát vẫn trơ trơ, không lay động. Đây là chuyện thần bí. Cũng giống ngày xưa có chuyện ông Merlin cắm một cây gươm vào một hòn đá và nói chừng nào có người tới làm vua sẽ rút được thanh gươm này ra. Sau đó vua Arthur đã lấy thanh gươm được ra khỏi tảng đá.

Trường hợp của Huệ Minh cũng vậy, vị tăng này bèn đổi giọng nói mình tới đây là vì pháp, không phải vì y bát. Các bác thấy, khi họ ra đi không phải vì pháp mà là muốn lấy lại y bát; nhưng bây giờ lấy không được nên đổi giọng.

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT