Đạo và Đời

Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Kỳ 1)

Thursday, 24/07/2014 - 03:07:32

Khi câu thần chú được nói ra, tất cả mọi người ngồi đó không ai biết, nhưng ông Anan lúc đang ở trạng thái mê man gần mất giới, tự nhiên bừng tỉnh. Ông sửa lại áo quần cho chỉnh tề, đẩy cô gái kia ra và đứng lên.

Thầy Hằng Trường

Ngày hôm nay chúng ta sẽ nói về kinh Thủ Lăng Nghiêm. Đây là một bộ kinh rất khoa học, không có điều chi mê tín, đòi hỏi ở ta một sự suy nghĩ sâu sắc, không bắt chúng ta tin tưởng một cách mù quáng vào kinh. Bộ kinh giống như một bộ luận hay một bài viết, hay một sự nghiên cứu rất sâu sắc về tâm linh. Những lý luận trong kinh khiến người ta rất ngạc nhiên về trí huệ của đức Phật cũng như trí huệ của dịch giả.
Thưa các bác, chúng ta cũng nên nói sơ quan về nhân duyên khiến đức Phật nói kinh này. Tên bộ kinh này là thế nào.
Nhân duyên khiến đức Phật nói kinh này là bởi ngài Anan, một đệ tử rất trang nghiêm của ngài. Đức Phật có 32 tướng tốt, thì ngài Anan có 30 tướng tốt. Nghĩa là ngài Anan rất trang nghiêm, chúng ta gọi là đẹp. Không phải đẹp trai mà là đẹp, trang nghiêm vô cùng.
Một ngày nọ ngài đi khất thực trên đường, tới nhà của một bà tên là Ma Đăng Già (Ma Thang Gi). Chữ Ma khiến ta nghĩ là ma quái, nhưng thực ra không phải vậy. Bà này có một cô con gái rất trẻ. Cô này trông thấy một vị tăng tới khất thực mà đẹp như vậy nên ngã lòng liền. Bà Ma Đăng Già thấy con mình mê mẩn một vị tăng tới khất thực nên muốn làm cho vị tăng này thương con gái mình. Bà bèn bỏ bùa vào thực phẩm cúng dường cho ngài Anan.
Ngài Anan thọ thực bị trúng bùa, nên khi ăn xong thay vì đi về, ông đã ở lại nói chuyện. Cô con gái bà Ma Đăng Già cũng lên ngồi cùng một chiếu lả lơi ve vuốt ngài Anan đến lúc có thể làm cho ông mất giới. Anan lúc đó bị ảnh hưởng của bùa nên mất tự chủ, mất sáng suốt. Ngay lúc đó đức Phật vừa ăn xong, dùng thần lực nhìn quanh và biết có đệ tử của mình đi khất thực chưa về và đang gặp nạn.
Thay vì thuyết pháp như thường lệ - vì đây là một tập quán rất quan trọng của những người tu hành: Khi chúng ta mời một vị tăng nào tới nhà thọ trai, hoặc thọ trai trong chùa, sau khi ăn trong, chúng ta nên mời vị tăng đó nói vài lời hay tụng một bài kinh nhỏ, giảng một bài pháp, để vị tăng đó có cơ hội đền trả lại công ơn cúng dường cho họ. Người ta thường nói nếu chúng ta cúng dường thực phẩm, các vị tăng sẽ hồi đáp bằng pháp thực, tức là cho ta một bài pháp. Đó là tập quán mà lúc nào đức Phật cũng có. Đây là một tập quán rất hay khiến cho người thí chủ rất muốn cúng dường. Tại sao vậy? Vì họ biết khi cúng dường, họ sẽ được nghe một bài pháp.
Lần này thay vì ăn xong rồi thì thuyết pháp, đức Phật lật đật thu xếp đồ đạc vào trong bao, đứng dậy rời khỏi chỗ vừa nhận cúng dường thọ trai và đi về nơi pháp tòa của ngài. Chỗ ngài đang ngồi là Kỳ Viên tịnh xá, ngài lên pháp tòa, ngồi xếp bằng và tụng chú. Các chúng đệ tử của ngài ngạc nhiên vì sự bất thường này, nhưng cũng vội theo ngài về lại nơi đây. Khi ấy trên pháp tòa nơi đức Phật ngồi, từ nơi đỉnh đầu của ngài hiện ra một bông sen gọi là Thiên Dịch Bảo Liên, hoa sen một ngàn cánh. Từ hoa sen này có hào quang phóng ra. Cũng từ đỉnh đầu đó xuất hiện một vị Phật hào quang sáng chói.
Vị Phật này nói ra một câu chú mà đời nay chúng ta gọi là chú Lăng Nghiêm; nhưng thời đó không ai biết đó là chú Lăng Nghiêm mà chỉ biết vị hóa Phật này nói một câu thần chú. Khi câu thần chú được nói ra, tất cả mọi người ngồi đó không ai biết, nhưng ông Anan lúc đang ở trạng thái mê man gần mất giới, tự nhiên bừng tỉnh. Ông sửa lại áo quần cho chỉnh tề, đẩy cô gái kia ra và đứng lên.
Ông hổ thẹn vô cùng vì biết mình đã mắc bùa chú mà không hay. Ông tức tốc rời khỏi căn nhà đó, cầm bình bát chạy về gặp đức Phật. Khi ông Anan về tới nơi, đức Phật mới giải thích cho ông Anan. Nghe qua, ông Anan xụp xuống lạy đức Phật bày tỏ sự hổ thẹn vì đã bị ma quỷ cám dỗ, tưởng không còn đường thoát, nhưng may nhờ đức Phật cứu kịp thời. Ông khóc lóc và xin đức Phật dạy cho ông một bài pháp. Bài pháp đó chính là kinh Lăng Nghiêm mà ngày hôm nay chúng ta gặp.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT