Đạo và Đời

Kinh Thủ Lăng Nghiêm (kỳ 2)

Thursday, 31/07/2014 - 02:00:36

Đó là duyên khởi tại sao chúng ta có kinh Lăng Nghiêm. Trong đây có vài ba việc mà chúng ta cần chú ý:
1/Do duyên khởi chớ không phải tự nhiên đức Phật nói kinh. Phải có chuyện gì đó, ngài mới nói. Khi ngài nói ra thì chuyện ngài nói là chân lý.

Bài giảng của Thầy Hằng Trường

Đó là duyên khởi tại sao chúng ta có kinh Lăng Nghiêm. Trong đây có vài ba việc mà chúng ta cần chú ý:

1/Do duyên khởi chớ không phải tự nhiên đức Phật nói kinh. Phải có chuyện gì đó, ngài mới nói. Khi ngài nói ra thì chuyện ngài nói là chân lý.

2/Ngày xưa bên Ấn Độ cũng dùng bùa chú nhiều, ngày nay chúng ta gọi là ếm bùa. Thời nay cũng có nhiều người bị ếm bùa. Chúng ta thường nghe nói ông này đi về VN rồi mê cô kia, qua bên này thế này thế nọ, sống với nhau không bao lâu, rồi cô này bỏ đi, cô này lấy hết tiền.v.v... Đọc tin này, ta biết ngay là ông này bị ếm bùa. Ta không biết chuyện thực hư ra sao, nhưng việc ếm bùa khiến ta mất đi khả năng tự chủ. Bùa chú là gì? Là khả năng điều động những loại quỷ để làm những việc ích kỷ, hại người khác. Đây không phải là việc tốt.

Nhưng có những bùa giúp chữa bịnh, giúp làm những việc tốt. Đây là một chuyện mà có thể chúng ta đã nghe nhiều lần, ai cũng biết, nhưng có một việc rất quan trọng trong nhân duyên của kinh Lăng Nghiêm này là chú Lăng Nghiêm có thể phá được những bùa đó. Đó là lý do tại sao thời này có rất nhiều người trì chú Lăng Nghiêm để bảo vệ thân mình. Hồi nhỏ, ở Việt Nam. thầy cũng nghe rất nhiều chư tăng khuyên là phải tụng chú Lăng Nghiêm thật nhiều, nhất là phần cuối cùng “án đa na lệ, kỳ xá lệ...” Đây là đoạn chú rất thịnh hành trong người Trung Hoa, người Đài Loan, người Singapore. Bây giờ, đây là đoạn chú mà hầu như người ta đã thuộc lòng sau Chú Đại Bi. Vì sao người ta lại học thuộc như vậy? chính là bởi duyên khởi mà người ta biết rằng hễ bị bùa chú nào ếm, cứ đọc câu chú này, bùa sẽ bị phá đi, ta sẽ không bị hại nữa.

3/Hàm ý của câu chuyện này là thế nào? Từ nơi đỉnh đầu, tức luân xa số 7 hay huyệt bách hội, là chỗ cao nhất, đã hóa ra một hoa sen một ngàn cánh. Có nghĩa là một sự khai mở. Hoa là sự khai mở, khai mở ở chỗ cao tột nhất, khai mở ở chỗ ta không còn chấp trước vào pháp nữa. Nếu hoa sen nằm trong ngực, trong bụng hay trong cổ, trong mắt tức là còn trong thân xác. Nhưng hoa sen này lại nở trên đỉnh đầu, hàm ý nói rằng đây là một sự khai mở, giải thoát hoàn toàn nằm ngoài thế giới của thân xác, ta không nói là thế giới của dục vọng vì trong thế giới thân xác bao gồm cả thế giới của dục vọng, thế giới của suy tưởng, thế giới của cảm xúc của suy tư .v.v... Từ nơi đỉnh đầu, nơi hoàn toàn giải thoát, khai mở. Tại sao lại là hoa sen 1000 cánh? Ý nói là có hàng ngàn công hạnh, hàng ngàn việc làm, nhưng không việc nào ta bị kẹt mà tất cả hoàn toàn khai mở hết. Ngàn cánh hoa mở ra để nói rằng đức Phật đã hoàn toàn siêu thoát trong tất cả phương diện của cuộc sống. Từ nơi siêu thoát đó tỏa ra hào quang. Hào quang là gì? Là sự sáng suốt cực độ. Từ nơi ta không bị kẹt trong thân xác, có một sự sáng suốt cực độ về mọi chuyện, mọi sự việc. Hào quang đó tỏa ra khắp mọi nơi, không phải nằm trong hoa sen, mà tỏa ra khắp mọi nơi, mọi chốn. Không có một điểm nào cột hào quang lại. Ý nói là trí huệ, quang minh hay ánh sáng đó không cột vào bản ngã, không dựa vào đâu cả, y hết như lời ngài Huệ Năng đã nói: “Không dựa vào đâu để khởi lên một tư tưởng”. Hào quang này cũng vậy, không dựa vào đâu để lan tỏa.

Hoa sen 1000 cánh vừa nở ra thì hào quang lan tỏa ra khắp mọi nơi trong vũ trụ. Hào quang đó chính là trí huệ của chúng ta, không nên dựa vào chỗ nào. Ta có ý kiến, người khác có ý kiến. Mỗi ý kiến dừng dựa vào bản ngã, đừng dựa vào môn chuyên nghiệp hay vào một tiền đề nào đó. Đương nhiên là khi ta có chỗ dựa thì ta sẽ có điểm mù. Nếu nhìn về hướng đông, ta sẽ không nhìn thấy hướng tây. Khi có một lập trường tức là ta đã có một điểm mù rồi. Không cách chi mà có một lập trường hoàn toàn đúng mà phải có một điểm mù.

Hào quang của trí huệ lan tỏa mọi nơi không có điểm mù bởi vì không có một lập trường nào cả mà nhìn được toàn diện, ra ngoài lập trường. Hoa sen ngàn cánh lan tỏa ánh sáng khắp mọi nơi. Đặc thù của hoa sen ngàn cánh này là không ở trong thân thể mà ở phía trên thân thể. Sau đó, hào quang không chiếu một hướng mà chiếu tất cả mọi hướng không có điểm tựa. Từ nơi chỗ đó mới hiện ra hình tượng đức Phật. Vị Phật này tượng trưng cho sự trở lại trần gian, từ chỗ không dựa vào mà có sự giác ngộ. Đức Phật đó mở miệng ra nói thần chú. Chú là lời nói không bị kẹt vào văn hóa của loài người. Mỗi lời nói đều có một văn hóa. Ở đây lời nói này là văn hóa của Phật. Lời nói đi ra và tới một chỗ nào đó. Ở đây, chỗ đó là chỗ cứu độ chúng sanh. Người được cứu là ông Anan và thần chú đã phá được bùa.

(còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT