Hoa Kỳ

Kofi Annan từ chức Đặc Phái Viên Liên Hiệp Quốc ở Syria

Hoài Mỹ/Viễn Đông Thursday, 02/08/2012 - 08:54:58

“Tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với ông Annan về công việc khó khăn và can đảm mà ông đã thực hiện trong tư cách Đặc Phái Viên ở Syria”.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

NEW YORK/DAMASCUS - Thứ Năm, 02-08-2012, tại trụ sở ở New York, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã tuyên bố ông Kofi Annan xin từ chức Đặc Phái Viên LHQ ở Syria.
Ông Kofi Annan hồi tháng Hai đã được đề cử làm Đặc Phái Viên của LHQ và Liên Hiệp Ả Rập ở Syria. Ông đã liên tục hoạt động rất tích cực nhằm thúc đẩy các bên đối nghịch ở Syria chấp nhận một cuộc đình chiến để từ đó duy trì thành quả lâu bền. Thế nhưng ông Annan đã không thành công.
Việc từ nhiệm của ông Annan có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 8 này.


Một đám tang ngày 1-8-2012 có kéo lá cờ Syria của dân quân nổi dậy tại Damascus, Syria, trong khi giao tranh tại nhiều nơi đang nổ ra dữ dội - ảnh: Shaam News Network.

Công nhận thất bại: Điều gọi là kế-hoạch-6-điểm của ông Kofi Annan bao gồm trong đó một sự đòi hỏi chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng bạo lực và ngưng chiến từ ngày 12 tháng 4. Tuy vậy cuộc đình chiến này đã nhanh chóng bị vi phạm bởi cả các lực lượng của chế độ lẫn dân quân nổi dậy. Từ đó các trận giao tranh không ngừng leo thang khốc liệt mà nay đã trở thành một cuộc nội chiến toàn diện ở Syria.
Vào đầu tháng Bẩy vừa rồi, ông Annan đã thú nhận thất bại trong công tác mang lại hòa bình ở Syria.
Công việc khó khăn và can đảm: Tổng Thư Ký LHQ, Ban Ki-moon, tiếp nhận với nỗi buồn lớn lao quyết định từ chức Đặc Phái Viên của ông Kofi Annan. Trong một bản tuyên cáo gửi báo chí, ông Ban Ki-moon phát biểu: “Tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với ông Annan về công việc khó khăn và can đảm mà ông đã thực hiện trong tư cách Đặc Phái Viên ở Syria”.
Tổng Thư Ký LHQ nhấn mạnh: “Con đường xoắn bạo lực bi thảm vẫn tiếp tục ở Syria. Việc kêu mời rộng rãi quay từ bạo lực sang đối thoại và ngoại giao vốn đã được diễn tả trong kế-hoạch-6-điểm, nhưng đã không được đón nhận cho dù đó vẫn là niềm hy vọng tốt đẹp nhất của dân chúng ở Syria”.
Bây giờ LHQ lại phải tìm kiếm một Đặc Phái Viên mới ở Syria.
Hồng Thập Tự rút nhân viên ra khỏi Syria: Thứ Sáu cuối tuần qua, Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế đã loan báo là họ lần lượt rút nhân viên của họ ra khỏi Syria. Tình hình nội chiến ở đất nước này càng lúc càng nghiêm trọng và nguy kịch. Trong những ngày vừa rồi, các trận chiến ở cả Aleppo lẫn tại thủ đô Damascus đã trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Phát ngôn viên của Hội Hồng Thập Tự, Hicham Hassan tiết lộ: “Toàn bộ thành viên thuộc nhóm Nhân Đạo ở Syria của Hội Hồng Thập Tự sẽ được thuyên chuyển sang Beirut nội hôm nay hay cùng lắm ngày mai”.
Tuy nhiên, ông Hassan nói thêm là “50 thành viên ngoại quốc và bản xứ của Hồng Thập Tự sẽ vẫn ở lại Damascus”.
Được biết Damascus là địa điểm duy nhất mà Hồng Thập Tự có thể hiện diện, trong khi tổ-chức-chị-em Hồng Bán Nguyệt tuy “đóng đô” ở Damascus nhưng vẫn có thể hoạt động ở Aleppo, thành phố nằm ở phía Bắc Syria.
20.000 người bị thiệt mạng: Thông tấn xã NTB loan tin, theo nhóm quan sát nhân quyền lưu vong Syrian Observatory for Human Rights, cuộc nổi dậy chống Tổng Thống Bashar al-Assad và chế độ của ông ta đã khởi phát từ tháng 3 năm ngoái, tới nay đã cướp đi tối thiểu 20.000 sinh mạng.
Theo hãng thông tấn AP, ông Kofi Annan hôm qua đã bầy tỏ: “Khi dân chúng Syria mỏi mòn cần đến hành động thì người ta tiếp tục chỉ tay năm ngón và đổ lỗi cho nhau ở Hội Đồng Bảo An”.
LHQ đã mất niềm tin: Chuyên gia về Syria, Giáo Sư Kai Kverme cho rằng việc rút lui của ông Kofi Annan cho biết là LHQ đã mất sự tin tưởng vào công việc ngoại giao của mình. Ông Kai giãi bầy: “Sự việc ấy chứng tỏ càng ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị. Khi ông ấy (Annan) ngã lòng thì LHQ không còn có loại liên hệ nào khác với chế độ vốn cần thiết cho việc đạt được một giải pháp ngoại giao”.
Chuyên gia này nhấn mạnh bổ túc: “Công việc của LHQ ở Syria đã là một sự thất bại. Các quan sát viên đã không có một kế hoạch minh bạch, và bạo lực leo thang cùng lúc LHQ hiện diện ở đây. Tất cả sự kiện ấy chứng tỏ là cuộc khủng hoảng này bất kể gì cũng còn lâu mới có được một giải pháp”.

Tổng Thống Obama đã duyệt ký một mật lệnh
Thông tấn xã Reuters loan tin, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã duyệt ký một mật lệnh nhằm bật đèn xanh cho việc gia tăng yểm trợ cho các nhóm nổi dậy ở Syria.
Mật lệnh này mở rộng điều kiện cho CIA và các tổ chức tình báo Hoa Kỳ hỗ trợ kháng chiến quân trong nỗ lực lật đổ Bashar al-Assad. Không chính xác rõ rệt thời điểm Tổng Thống Obama đã duyệt ký mật lệnh này. Hơn nữa, Tòa Bạch Ốc cũng không muốn bình luận gì về vấn đề trên đây nhưng thông tấn xã Reuters xác nhận là đã nhận được các chi tiết từ các nguồn ẩn danh trong chính phủ.
Thực tế thì vẫn diễn ra một sự rất tích cực hỗ trợ các nhóm nổi dậy sau khi Hội Đồng Bảo An LHQ trong những tuần lễ qua đã bất khả đồng thuận về các biện pháp trừng phạt gay gắt hơn đối với chế độ ở Damascus. Hoa Kỳ không ở trong số các quốc gia viện trợ vũ khí cho kháng chiến quân Syria. Công việc này vẫn do Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Saudi-Arabia đảm trách.
Trung tâm chỉ huy: Cả các nhân viên Hoa Kỳ lẫn Âu Châu đều nói rằng trong những tuần lễ vừa qua đã có một sự cải thiện đáng kể trong việc tổ chức của các nhóm nổi dậy. Hiện Hoa Kỳ hợp tác với một trung tâm chỉ huy do Thổ Nhĩ Kỳ chỉ huy vốn nằm không xa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trung tâm chỉ huy này phối hợp công việc hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi-Arabia và Qatar dành cho các nhóm nổi dậy. Trung tâm được thiết lập tại thành phố Adana, cách biên giới đúng 100 cây số.
Thứ Ba vừa rồi, đài truyền hình NBC News tường thuật là kháng chiến quân thuộc Quân Đội Syria Tự Do (FSA/Free Syrian Army) đã “tiếp cận” được hơn chục hỏa tiễn loại “surface-to-air” hầu có thể phóng bắn chiến đấu cơ và máy bay trực thăng của Assad.
(Surface-to-air là loại hỏa tiễn dễ vận chuyển; có thể đặt trên vai một người để làm thế bắn. Loại hỏa tiễn này có thể bắn chính xác một chiếc phi cơ ở độ cao 4.800 thước).
Nhiều nhóm Hồi Giáo cực đoan: Theo đài NBC News, kháng chiến quân Syria đã nhận được những hỏa tiễn này xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới nay việc cung cấp vũ khí chỉ gồm toàn những loại vũ khí nhẹ khiến việc chống lại các cuộc tấn công của các lực lượng-Assad bị khó khăn và ít hiệu quả.
Một số nghị sĩ Hoa Kỳ, trong số này có những Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa như John McCain và Lindsey Graham, vẫn phê phán chính phủ Obama là đã yểm trợ quá ít cho phe nổi dậy. Các chính khách này cho là phải cung cấp cho họ kể cả loại vũ khí hiện đại. Một số khác cảnh giác là người ta biết quá ít về các nhóm nổi dậy này gồm có những ai. Một số bản phúc trình cho biết một sự gia tăng về nhân số người Hồi Giáo cực đoan; trong đó có vài người quan hệ chặt chẽ với al-Qaida.
35 người bị sát hại: Rạng sáng hôm qua Thứ Năm (giờ địa phương) có những tin tức tuy chưa được xác nhận là ít nhất 35 người đã bị quân lính của chính phủ Syria sát hại ở ngoại ô thủ đô Damascus. Các kháng chiến quân và nhân chứng quả quyết rằng các vụ sát hại này xẩy ra khi quân đội Syria tấn công và oanh tạc khu vực Jdeidet Artouz.
Một cư dân ở địa phương nói trên đã thuật lại với thông tấn xã Reuters: “Bọn lính và xe tăng rút đi vào lúc 4 giờ và chúng tôi đã tìm thấy 35 tử thi... Gần như tất cả những nạn nhân này đã bị hành quyết bằng một phát đạn vào mặt, vào đầu và sau gáy ở ngay trong nhà của họ”.
Theo nhóm lưu vong Syrian Observatory for Human Rights, đại đa số những người bị giết này là thường dân.

Hành quyết tù nhân
Có thể nói cả hai bên đều vi phạm nhân quyền nặng nề ở Syria. Một phim video mới cho thấy cảnh quân kháng chiến hành quyết tù nhân.
Cuốn video mới này thâu hình từ cuộc nội chiến ở Syria đã gây sự chú ý lớn lao. Nhiều người bị thương được một đám đông la hét đưa ra giữa một nơi lộ thiên. Họ đã bị phe nổi dậy bắt được trong thành phố Aleppo. Mặt mũi họ đầm đìa máu. Tất cả họ bị buộc đứng dựa vào một chân tường. Sau một tràng đạn nổ từ các cây súng máy của kháng chiến quân, những thây người nằm lại bất động trên mặt đất gồ ghề.
Cuộc nội chiến ở Syria đã bước sang tháng 17 và các trận đánh ngày một ác liệt hơn. Trong hai tuần lễ qua, chiến tranh tàn phá Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria. Theo thông tấn xã NTB, Thứ Tư vừa rồi LHQ đã xác quyết cả hai bên đều sử dụng loại vũ khí hạng nặng. Dân quân nổi dậy đã có được các chiến xa, trong khi Tổng Thống Bashar al-Assad vẫn tận dụng máy bay quân sự. Ngoài hình thức chiến tranh qui ước, trên khắp lãnh thổ vẫn diễn ra những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) hôm qua đã trình bầy trong bản báo cáo mới nhất những tài liệu việc các lực lượng an ninh Syria và nhóm bán quân sự khét tiếng tàn bạo Shabiha đã bắn giết những người biểu tình ôn hòa, tấn công các nhân viên y tế và thực hành các cuộc tra tấn và thủ tiêu.
Theo Amnesty, những vụ tấn công dữ dằn và có hệ thống này của phía chính quyền đã kết tạo thành những tội ác chống nhân loại. Tổ chức Human Rights Watch (HRW) trước đây cũng đã vạch trần qua các bằng chứng cụ thể là phe nổi dậy cũng vi phạm các nhân quyền.
Theo các nhà hoạt động Syria, đã có trên 20.000 người bị thiệt mạng trong cuộc xung đột trường kỳ này. Bao nhiêu người đã bị tra tấn đến chết, bị bắt cóc, thủ tiêu hay bị đàn áp dưới các hình thức khác... thì không rõ nhưng con số dù thế nào cũng vẫn ngày một gia tăng. Ông Jan Egeland, người điều hành HRW ở Bắc Âu nhận định: “Chúng tôi đã nhận được nhiều phúc trình về các cuộc đàn áp của chế độ, “thế nhưng người ta hy vọng và tin tưởng là một chế độ độc tài tàn bạo như của al-Assad sẽ chỉ bảo phe đối lập là họ phải thực hiện một kế hoạch tối đẹp hơn”.
Như Viễn Đông hôm qua đã đăng tải, nhà độc tài Bashar al-Assad trong một bài phát biểu nhân ngày Quân Lực Syria, đã ca ngợi quân nhân của ông ta và tán thưởng họ về lòng dũng cảm trong trận chiến chống lại “các băng đảng khủng bố”.
Tổ chức HRW qua lời phát biểu của đại diện Jan Egeland, yêu cầu các đối tượng ủng hộ của mỗi bên trong cuộc nội chiến này hãy đòi hỏi việc chấm dứt các cuộc vi phạm nhân quyền: “Điều này có nghĩa là đặc biệt người Nga, Trung Hoa và người Iran phải nói thẳng với chế độ của al-Assad rằng các cuộc đàn áp chỉ nuôi dưỡng hơn nữa sức chống đối ở phía bên kia. Tuy nhiên, Saudi-Arabia và các quốc gia vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và nhất là Hoa Kỳ vốn yểm trợ cho đối lập, cũng phải đòi hỏi các nhóm này tuân thủ nhân quyền. Nay tình trạng đã xấu xa rồi, hẳn có thể nhiều lần khác trở nên tồi tệ hơn nữa”.

Trên 1.000 đứa trẻ đã bị giết ở Syria
Tổ chức War Child hôm qua đã phổ biến tập hồ sơ: “Syria: A War on Childhood”; theo đó tình trạng của trẻ con Syria được mô tả là rất đáng ngại: Có từ 500 đến 1.300 trẻ em đã bị thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Syria vốn đã kéo dài hơn 16 tháng nay. Trong số này: “49 trẻ bị giết trong một vụ thảm sát - 650 trẻ bị nhốt cho tới chết trong một trại tập trung khổng lồ - Trẻ con, kể cả những bé dưới 8 tuổi đời, đã bị cưỡng bức thi hành các hành động chiến tranh - Cả các bé trai lẫn gái, trong đó nhiều trẻ dưới lứa tuổi 12, đã bị lạm dụng tình dục - Trẻ vị thành niên chiếm phân nửa tổng số người di cư/chạy loạn”.
Chủ Tịch của tổ chức trên, Rob Williams, xác quyết: “Hành động như vậy đối với các trẻ em là sự vô cùng tàn nhẫn bất khả chối cãi: Những đứa trẻ này bị tàn sát, giam cầm bất hợp pháp, ngược đãi về tình dục, bị sử dụng vào chiến tranh, bị bắt cóc, bị từ chối đến trường và cấp cứu...”.
Bản báo cáo của War Child đã được dựa trên các tài liệu của LHQ và của nhiều tổ chức nhân đạo khác.
Trẻ em phải trả một giá quá cao: Cuộc nội chiến ở Syria nổi bật với hiện trạng các đứa trẻ đã và đang phải trả một giá quá cao so với ở các quốc gia trong vùng vốn cũng bị thiệt hại bởi sự xung đột. Tổ chức War Child quả quyết: Đó là bởi sự khinh thường của các bên đối với sự an toàn của trẻ em đồng thời nó chứng tỏ việc lạm dụng trẻ vị thành niên vào cuộc chiến. Thêm vào đó, tổ chức này cũng “tấn công” mạnh mẽ cộng đồng quốc tế vốn thất bại trong việc chặn đứng các vụ đàn áp, tấn công ấy. Thực tế là hoàn cảnh của các đứa trẻ đã trở nên tồi tệ hơn nữa sau khi ông Kofi Annan đã nỗ lực đàm phán về một hòa ước (đình chiến) vào giữa tháng Tư. Theo War Child, 34 trẻ em bị giết trong tháng Tư - Trong tháng Sáu: 203 trẻ bị thiệt mạng!
Đại diện LHQ xúc động: Giống như War Child, đại diện LHQ đặc trách trẻ em trong các địa phương xung đột, bà Radhika Coomaraswamy, đã hết sức kinh ngạc về các chi tiết ấy. Bà phát biểu với đài BBC: “Về các đứa trẻ bị hành hạ hay bị giết ở các khu vực xung đột là điều chúng tôi vốn đã quen, nhưng việc tra tấn mà các em phải hứng chịu ở Syria thì hoàn toàn bất thường. Đó là sự kiện mà chúng tôi không thấy ở các nơi khác”.
Bà Radhika Coomaraswamy cũng đã phê phán các lực lượng của phe nổi dậy là đã đưa các đứa trẻ vào nguy cơ bằng cách đặt chúng ở tiền tuyến cho dù các em này “được” giao công tác về thuốc men hay các phận sự tiếp tế khác. – (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT