Bình Luận

Kỳ thị và Hội Thảo Chiến Tranh Việt Nam

Saturday, 30/04/2016 - 10:42:04

Đến bao giờ chúng ta mới học được cái khôn là quan tâm tìm hiểu đối tượng mà chúng ta muốn giúp? Đến bao giờ chúng ta mới bỏ thái độ chủ quan -nhìn mọi việc trên thế giới chỉ qua nhãn quan Hoa Kỳ mà thôi? Không ai thèm biết chiến tranh Việt Nam chỉ là một bi kịch nhỏ cho Hoa Kỳ; nhưng đối với người VN đó lại là một thảm họa.


Bài PAUL WOODRUFF
 
Giới Thiệu: Ngày còn trẻ giáo sư Woodruff -hiện đang giảng dạy tại viện đại học The University of Texas at Austin- cũng là một quân nhân phục vụ trên chiến trường Việt Nam từ tháng Sáu 1969 đến tháng Sáu 1970, với cấp bực đại úy, và trong chức vụ cố vấn cho một đơn vị Việt Nam. Năm nay, là giáo sư khoa trưởng, ông viết quan điểm của ông về chiến tranh Việt Nam và post lên mạng vào lúc 12 giờ đêm thứ Ba 26 tháng Tư, 2016. Dưới đây là nguyên văn bài ông viết.
 
Cuộc Hội Thảo Thượng Đỉnh về Việt Nam tại thư viện Lyndon Baines Johnson được nhóm tổ chức mô tả là không tô điểm, không mầu mè; nhưng thật ra chỉ trong cách thức tổ chức thôi, cuộc hội thảo cũng đã lộ rõ góc nhìn thiển cận và kỳ thị - hai đặc tính này của cuộc hội thảo cũng là hai đặc tính của chiến tranh VN. Trong toàn bộ chương trình hội thảo gần như không có tí góc nhìn nào của người VN, hoặc không đề cập đến hậu quả của cuộc chiến đối với người dân VN.

 Giáo sư Woodruff

Ngay từ những ngày đầu can dự vào chiến tranh VN, giới cầm quyền Mỹ cũng đã không mấy quan tâm đến người dân Nam Việt, về ước nguyện của họ, và về những thảm kịch họ phải sống. Nếu không phải vì ngu đần thì vì lý do nào mà năm 1954 họ đặt một chính phủ Thiên Chúa Giáo lên cai trị một dân tộc theo Phật giáo. Hôm nay, sau 60 năm dài và với 1 triệu người tị nạn VN đang sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ, người Mỹ chúng ta vẫn nghĩ về chiến tranh VN như diễn biến chỉ liên quan đến chúng ta -nghị trình của cuộc Hội Thảo này phản ánh quan điểm đó.

Nhưng dĩ nhiên chiến tranh VN không phải như vậy. Từ tháng Sáu 1969 đến tháng Sáu 1970, tôi là cố vấn tại một địa phương VN, chỗ này không có đơn vị Mỹ nào cả. Tôi yêu thương những người VN mà tôi cộng tác -yêu thương toàn bộ những người đó. Giờ này họ bị kẻ thù xử tử, nếu họ không chạy thoát sau khi bị người Mỹ phản bội.

Cũng may mà chúng ta còn biết đón nhận nhiều người tị nạn vào lãnh thổ Hoa Kỳ, mặc dù chúng ta đãi ngộ họ không thật tốt như đáng lẽ chúng ta phải biệt đãi họ. Những ai chưa tin điều tôi vừa nói, có thể đọc quyển tiểu thuyết “The Sympathizer” của tác giả Việt Thanh Nguyễn, tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm nay. Với thái độ chống đối người Á Châu, chúng ta lạnh nhạt tiếp đón người tị nạn, điều đó quả đã tác hại, và cho đến nay, chúng ta vẫn còn áy náy.

Không biết trong chương trình hội thảo có phần thảo luận về những nguyên cớ đã tạo ra người tị nạn không? Có phần thảo luận về chính sách của Hoa Kỳ đối với những người đó không?

Vào thời điểm này, thì mọi chuyện còn tệ hơn nữa tại Trung Đông. Hoa Kỳ đang đẩy hàng trăm ngàn người vào vị thế nguy hiểm mà không hề có ý định cung cấp cho họ một cuộc sống an toàn sau này. Chúng ta tưởng niệm 50,000 quân nhân Hoa Kỳ tử trận tại VN mà không hề nghĩ đến bao nhiêu thường dân bị giết -con số này phải trên 1 triệu?

Chúng ta cũng không nhớ đến vài trăm ngàn binh sĩ Nam Việt đồng minh với chúng ta; họ cũng đã bị giết? Cũng không ai buồn ý thức việc vài triệu người tị nạn đã phải bỏ quê hương chạy trốn khi chúng ta cắt viện trợ quân sự, bội phản lời hứa mà chúng ta đã long trọng cam kết với chính phủ Nam Việt Nam?

Chỉ cần nhìn qua chương trình nghị sự của cuộc Hội Thảo Vietnam Summit cũng đủ thấy cái kỳ thị ngu đần của người soạn thảo, cũng cái ngu đần đó đã đưa chúng ta vào tham chiến tại Việt Nam và bại trận.

Đến bao giờ chúng ta mới học được cái khôn là quan tâm tìm hiểu đối tượng mà chúng ta muốn giúp? Đến bao giờ chúng ta mới bỏ thái độ chủ quan -nhìn mọi việc trên thế giới chỉ qua nhãn quan Hoa Kỳ mà thôi? Không ai thèm biết chiến tranh Việt Nam chỉ là một bi kịch nhỏ cho Hoa Kỳ; nhưng đối với người VN đó lại là một thảm họa.
 
Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Mặc dù có một vài sai lầm chi tiết, bài viết của giáo sư Paul Woodruff quả là tiếng nói đứng đắn của người lính Mỹ từng sát cánh với người lính Việt Nam trong một cuộc chiến tranh vô cùng khó khăn cho người Việt Nam và vô cùng khó hiểu cho người Mỹ; những chỉ trích của Woodruff về thái độ thiển cận và kỳ thị chỉ đúng trên bình diện chính trị; trên bình diện quân sự người lính Mỹ và người lính Việt Nam dễ dàng hiểu nhau, dễ dàng thương yêu nhau.

Các chính khách Mỹ không nhìn chiến tranh Việt Nam trực tiếp như người lính Mỹ; ông Henry Kissinger không biết chuyện vợ người lính nghĩa quân trở thành xạ thủ trung liên ngay phút anh nghĩa quân gục xuống vì trúng đạn địch, như đại úy Woodruff đã vài lần chứng kiến, và thắc mắc nêu lên vấn đề vợ lính không được trả lương, trong lúc vẫn thường xuyên chia sẻ những nguy hiểm chiến tranh, và đôi khi gánh vác công tác chiến đấu.
Woodruff gọi thái độ của các chính khách Hoa Kỳ là “nhìn mọi vấn đề qua lăng kính Hoa Kỳ.”
Ông Kissinger tệ hơn mức chủ quan: ông lèo lái cả cuộc chiến tranh lẫn cuộc hội thảo theo ý ông.

 Cựu ngoại trưởng Kissinger

 Một cựu quân nhân VN được phóng viên Mỹ phỏng vấn, người đứng giữa là ông Nguyễn Văn Tần, Cộng Đồng Người Gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Trả lời một người Việt Nam tham dự Hội Thảo hỏi về việc đại sứ Mỹ Graham Marin ngăn cản không cho không quân Việt Nam yểm trợ các chiến hạm VN đang giao tranh với chiến hạm Trung Cộng, Kissinger nói Hoa kỳ không hề ký một thỏa ước nào với Trung Cộng về Hoàng Sa, và chính Trung Cộng cũng không bao giờ tuyên bố điều đó. Ông còn nói vào thời điểm xảy ra cuộc xâm lược Hoàng Sa, chính phủ Mỹ đang bối rối về vụ Watergate, không còn tâm trí nào để ý đến chuyện Hoàng Sa.

Ngoại Trưởng Kerry, người cũng đã phục vụ trên chiến trường Việt Nam, nhưng không trong vai trò cố vấn cho một đơn vị Việt Nam như giáo sư Woodruff, nên có nhiều hiểu biết sai lạc về chiến tranh Việt Nam. Ông "hồ hởi phấn khởi" khoe, "Không ai có thể ngờ là Hoa Kỳ, Việt Nam và mười quốc gia khác sẽ hợp tác với nhau để tạo ra một vận hội vô giá trên thương trường." Ông muốn nói về TPP (Trans-Pacific Partnership). "Không ai tin được là kẻ thù ngày trước, giờ này lại cộng tác với mình." Có thể nói là sau gần nửa thế kỷ trung úy John Kerry cũng không trưởng thành hơn bao nhiêu.

   Người Việt sống tại Texas đổ về Austin khá đông; nhiều người cầm khẩu hiệu Stop Assasinating the Corpse of        a Former Ally: The South VietNam. (Đừng ám sát xác chết của một người đồng minh cũ: Nam Việt Nam)

                           
Người Việt Nam biểu tình chống những luận điệu xuyên tạc về chiến tranh Việt Nam. (Hình báo Austin American Statesman)

Nhiều người Mỹ tham dự hội thảo đến bắt tay người biểu tình tỏ ý chia sẻ quan điểm của họ.Không biết ngoại trưởng Kerry có ám sát xác chết của Nam Việt Nam như khẩu hiệu của người biểu tình tố cáo hay không, nhưng điều có thể biết chắc chắn là giáo sư Woodruff mô tả Kerry khi ông viết, “người Mỹ nhìn mọi việc trên thế giới chỉ qua nhãn quan Hoa Kỳ.”

Điều gì Mỹ bảo đúng là đúng, kể cả lệnh bỏ Hoàng Sa, bỏ Quân Khu I, rút toàn thể lực lượng Quân Khu II và quần chúng, qua tỉnh lộ 7 để gần Ban Mê Thuột, gần những sư đoàn pháo của Bắc Việt cho chúng tiện chặn đánh. (nđt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT