Người Việt Khắp Nơi

Ký ức của hàng vạn người tỵ nạn 1975 lại hiện về

Friday, 09/04/2010 - 04:02:17

CAMP PENDLETON – Đánh dấu 35 năm tiếp nhận những người Việt tỵ nạn Cộng sản đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ, Căn cứ Thủy Quân Lục Chiến với tên gọi ...

Những hình ảnh 35 năm tuổi tại trại tạm cư Camp Pendleton


4cot-camppendleton-0100.jpg


Một pa-nô treo hai bức ảnh trắng đen trong phòng triển lãm, chụp một em bé Việt Nam được một quân nhân TQLC Hoa Kỳ dắt đi tại Camp Pendleton (không ghi tên người chụp), và một tấm của Maj. G. L. Gill chụp các trẻ em mặc áo lạnh để làm quen dần với khí hậu mới. Bên phải là hai cựu quân nhân Hoa Kỳ đang trò chuyện, kể lại những kỷ niệm xưa – ảnh: Bách Lam/Viễn Đông.


Thanh Phong/Viễn Đông



CAMP PENDLETON – Đánh dấu 35 năm tiếp nhận những người Việt tỵ nạn Cộng sản đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ, Căn cứ Thủy Quân Lục Chiến với tên gọi Camp Pendleton, nằm dọc theo Freeway I-5 trên đường từ Little Sài Gòn xuống San Diego, hôm thứ Năm, ngày 8-4-2010, khai mạc buổi triển lãm hình ảnh những ngày đầu tiếp nhận người tỵ nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ cho công chúng vào xem.


Sáng thứ Năm, chúng tôi đến Camp Pendleton, sau khi xuất trình thẻ báo chí, một quân cảnh cho biết sẽ có người ra đón. Chờ khoảng 20 phút, một sĩ quan từ trong trại lái xe ra niềm nở đón chúng tôi vào khu triển lãm. Đoạn đường từ cổng chính vào đến khu triển lãm dài khoảng 13 dặm. Hai bên đường nhiều cơ sở thương mại, tiệm sửa xe, tiệm cà phê, tiệm ăn, v.v., quang cảnh như một khu dân cư thường, nhưng hỏi ra mới biết, tất cả khu này đều thuộc Camp Pendleton, thỉnh thoảng có những chiếc xe nhà binh chạy qua, một vài người lính cỡi xe gắn máy chạy vụt đi. Vào sâu bên trong mới nhìn thấy những doanh trại quân đội, một phi trường nhỏ trên có độ năm, bảy chiếc Cessna nằm im lìm, vào sâu hơn có phi trường với khoảng vài chục máy bay trực thăng quân đội, có chiếc vừa từ đâu bay tới đáp xuống, và từ trong máy bay mấy quân nhân nhảy xuống đi vội vã.

Viên sĩ quan còn khá trẻ hướng dẫn chúng tôi đi vòng qua may đường nhỏ có trồng hoa hồng và vài loại hoa khác, cỏ cây cắt tỉa gọn gàng, sạch sẽ. Phòng triển lãm nằm trong một nhà nguyện cổ xưa. Trước cửa đã có sẵn một số phụ nữ, đa số lớn tuổi, ăn mặc lịch sự, ân cần chào hỏi và mời chúng tôi ăn bánh ngọt, uống cà phê trước khi vào xem. Viên sĩ quan dẫn chúng tôi vào từng phòng giới thiệu qua rồi anh trở ra.

Chúng tôi đi từng phòng xem những hình ảnh trưng bày, ảnh chụp lúc đoàn người tỵ nạn vừa xuống máy bay, những cụ già và những em bé mắt ngơ ngác, có lẽ không biết nơi này là đâu?

Có những hình ảnh người lính Mỹ đang xịt một loại thuốc trên lưng một cụ già, ảnh một em bé khệ nệ ôm một thùng tã Pamper, không biết em có hiểu cái gì bên trong? Trong một thoáng suy nghĩ, tôi không biết giờ này khi nhìn thấy tấm hình, người đồng hương nào đó có còn nhận ra mình 35 năm trước? Và hiện anh đang ở đâu, làm gì? Thành công hay thất bại?


Camp-Pendlenton-001.jpg


- Các quân nhân Hoa Kỳ cấp tốc dựng lều tại Camp Pendleton đón người Việt tỵ nạn – ảnh: Maj. G. I. Gill, Thanh Phong chụp lại trong phòng triển lãm.


Qua một phòng khác, những tấm ảnh ghi lại các quân nhân Hoa Kỳ đang tất bật dựng lều để đáp ứng nhu cầu cho hàng ngàn người Việt tạm cư. Một tấm hình khác chụp hàng trăm lều san sát bên nhau.

Một tấm ảnh chụp đám cưới của hai cặp Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Thị Kiều Oanh, cùng cặp khác Nguyễn Thị Tuyết Oanh và Phùng Văn Hảo (hay Hào, chữ viết không đúng tiếng Việt, không bỏ dấu). Cả hai cùng làm lễ cưới một lượt tại nguyện đường thánh Francis Parish trong Camp Pendleton ngày 22-5-1975 (chúng tôi sẽ có bài viết liên quan đến đám cưới này ở các số báo sau). Một số hình ghi lại sinh hoạt của người mới đến, một tủ nhỏ trưng bày một tấm mền cũ màu xám và một chiếc quần đùi đen, có lẽ mang từ Việt Nam qua. Một tấm hình chụp ông Nguyễn Cao Kỳ đang nói chuyện với một người dân sự Mỹ, và tấm khác, ông đang nói chuyện với đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Betty Ford ngày 26-6-1975.


Camp-Pendlenton-003.jpg


Em bé Việt Nam ôm thùng tã Pamper – ảnh: Pfc. F. E. DeJulio, Thanh Phong chụp lại trong phòng triển lãm.


Vài tấm ảnh không ghi tên người chụp. Bà Faye Jonason, giám đốc Bảo tàng viện Camp Pendleton, nói với Viễn Đông rằng những tấm ảnh này do các quân nhân Thủy Quân Lục Chiến chụp, nay họ tản mác khắp nơi, có những người đã mất hẳn liên lạc.

Ngoài những hình chụp còn một số tranh vẽ khá sống động về những sinh hoạt quanh khu trại giữa những người Việt mới đến và quân nhân Hoa Kỳ của Đại tá Charles Waterhouse, nay đã hồi hưu.

Chúng tôi xem hết các tấm ảnh chụp cũng như ảnh vẽ và luôn để mắt xem có gặïp người Việt nào hay không. May thay, một lúc sau có hai chị em ruột Đặng Thị Phấn và Đặng Thị Mỹ, kế tiếp có chị Thu Hà Anders (một nữ quân nhân TQLC trừ bị) và ông Phạm Hòa. Những người này, trừ chị Thu Hà, đều là người tỵ nạn đầu tiên đặt chân đến Camp Pendleton năm 1975, và qua câu chuyện trao đổi với chúng tôi, mỗi người có một kỷ niệm riêng, một suy nghĩ riêng sau 35 năm đặt chân lại chốn cũ. Đặc biệt, chị Thu Hà qua Mỹ từ nhỏ trước năm 1975, hoàn toàn không nói được tiếng Việt, nhưng rất muốn tìm về cội nguồn. Khi nghe nói có nhà báo người Việt Nam đến làm phóng sự về buổi triển lãm, chị đã tìm đến chúng tôi với ước mong qua bài báo của Viễn Đông, người thân của chị, có thể vẫn còn ở Quận Cam, sẽ nhận ra chị.

Câu chuyện của những quý vị này, chúng tôi sẽ lần lượt đăng trên nhật báo Viễn Đông trong loạt bài kỷ niệm Quốc Hận 30-4-1975.

Camp Pendleton đã từng tiếp nhận khoảng 50.000 người Việt tỵ nạn khi họ vừa đặt chân đến Hoa Kỳ, trước khi gặp các gia đình bảo trợ và bắt đầu cuộc sống mới trên xứ người.


Camp-Pendlenton-002.jpg


Hàng trăm lều đã dựng xong để đón ước lượng 18-20.000 người tỵ nạn Đông Nam Á – ảnh: Sgt. N. E. Albrektsen, Thanh Phong chụp lại trong phòng triển lãm.


Đại tá Dick Rothwell, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hội Bảo Tồn Lịch Sử Camp Pendleton, từng phục vụ trên chiến trường miền Nam Việt Nam, nói được một ít tiếng Việt, kể lại hai lần “có những kỷ niệm tốt đẹp” chiến đấu bên những quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà ông nghĩ là đã làm tròn bổn phận với đất nước của họ. Ông chia sẻ với phóng viên Viễn Đông cái nhìn của mình về thời điểm 1975: “Nơi đây, tại trại Camp Pendleton này, là một bước khởi đầu, nếu không nói là cho một tương lai tươi sáng hơn, thì ít ra cũng là cho một giai đoạn chuyển tiếp để con người trở lại cuộc sống bình thường sau bao năm chiến tranh”.


Triển lãm “Những Hình Ảnh vào Cuối Cuộc Chiến”

Mở cửa từ ngày 8-4 đến 30-9-2010

Tại Camp Pendleton, CA 92055

(vào cổng chính ở Oceanside)

Xe vào doanh trại phải có bảo hiểm, giấy đăng bộ, và bằng lái hợp pháp

Xin gọi trước để biết giờ mở cửa: (760) 725-5758

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT