Người Việt Khắp Nơi

Lá phiếu cử tri gốc Việt

Monday, 17/09/2018 - 08:13:43

Trong nhiều năm gần đây, cử tri gốc Việt có khuynh hướng ghi danh ít hơn theo cả hai đảng và nhiều hơn theo khuynh hướng độc lập.


Những tấm bảng tranh cử tại Little Saigon trong tháng Chín, 2018. (Hình: NQL)

Bài LS NGUYỄN QUỐC LÂN

Mùa bầu cử tổng quát vào tháng 11, 2018 tại Hoa Kỳ đã bắt đầu. Đây là giai đoạn mà các ứng cử viên chuẩn bị vận động cũng như kêu gọi cử tri tham gia bầu cử và bỏ phiếu cho mình. Tài liệu bầu cử đã bắt đầu được gởi về nhà các cử tri. Khối cử tri gốc Việt tại Quận Cam cũng đang đang chuẩn bị tham gia bầu cử như mọi cử tri khác.

Khối cử tri gốc Việt

Tại Quận Cam, có khoảng 100,000 cử tri gốc Việt đã ghi danh, trong số đó khoảng 29,500 (29.5%) cử tri ghi danh theo Đảng Dân Chủ (DC), 32,000 (32%) ghi danh theo Đảng Cộng Hòa (CH) và 35,000 (35%) không ghi danh theo đảng nào (DL). Trên toàn Quận Cam có khoảng 1,500,000 cử tri, trong đó tỉ lệ ghi danh theo đảng Dân Chủ, Cộng Hòa và Độc Lập, theo thứ tự, là 34%, 36% và 26%. Trong nhiều năm gần đây, cử tri gốc Việt có khuynh hướng ghi danh ít hơn theo cả hai đảng và nhiều hơn theo khuynh hướng độc lập.

Khu Vực Nghị Sĩ Tiểu Bang, State Senate, 34th, nơi NS Janet Nguyễn đang tranh cử, có khoảng 64,000 cử tri gốc Việt trong số khoảng 350,000 tổng số cử tri. Tỉ số cử tri ghi danh theo đảng DC, CH và DL là 40%, 30% và 26% so với tỉ lệ của cử tri gốc Việt là 29%, 33% và 35%.

Trong Khu Vực Dân Biểu Tiểu Bang, State Assembly, 72nd, nơi có Phó Thị Trưởng Tyler Diệp đang tranh cử, có khoảng 230,000 cử tri, trong đó có khoảng 54,000 cử tri gốc Việt. Tỉ lệ cử tri ghi danh theo đảng DC, CH và DL là 33%, 37% và 26% so với tỉ lệ tương tự của cử tri gốc Việt là 28%, 33% và 35%.
Tại Thành Phố Garden Grove, có khoảng 22,500 cử tri gốc Việt trong số khoảng 70,000 cử tri trong toàn thành phố. và tỉ lệ ghi danh theo đảng cũng tương tự như trong các khu vực khác trong Quận Cam. Tại Thành Phố Westminster, có khoảng 17,500 cử tri gốc Việt trong số khoảng 40,000 cử tri trên toàn thành phố.

Trong vòng hơn 20 năm trở lại đây, khối cử tri gốc Việt đã dần dần từ bỏ khuynh hướng ghi danh với các đảng chính và tăng dần khuynh hướng không ghi danh theo đảng nào. Từ năm 1992 khi tỉ số cử tri gốc Việt ghi danh 62% theo Đảng Cộng Hòa, đến nay chỉ còn 37%. Trong khi đó, tỉ số cử tri gốc Việt không ghi danh theo đảng nào gia tăng từ 14% vào năm 1992 đến nay đã lên đến 32%. Riêng Đảng Dân Chủ đã gia tăng từ 21% vào năm 1992 nhưng chỉ lên khoảng 27% như hiện nay. (Christian Collet, International Christian University, Tokyo)

Tỉ lệ chưa ghi danh bầu cử

Trên đây chỉ là số lượng các cử tri đã ghi danh. Hiện không có dữ liệu thống kê người Việt Nam có quốc tịch nhưng vẫn chưa ghi danh bầu cử. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Thống Kê Dân Số (Census Bureau) vào năm 2015, thì trong số khoảng 219 triệu người Mỹ có quốc tịch, chỉ có khoảng 142 triệu (65%) đã ghi danh bầu cử và 92 triệu (42%) tham gia bầu cử. (Census Bureau, Who Votes? Congressional Elections and the American Electorate: 1978-2014, July 2015)
Nếu dùng tỉ lệ này đối với cư dân gốc Việt, cộng đồng Việt Nam có thể ghi danh thêm khoảng 35,000 cử tri gốc Việt nếu mọi người Việt Nam có quốc tịch đều ghi danh bầu cử. Đây là con số không tưởng, nhưng nó biểu hiện một tiềm năng mà cộng đồng Việt Nam nên tìm cách khai thác để gia tăng sức mạnh chính trị của minh.

Tỉ lệ tham gia bầu cử

Trong nhiều năm qua, khối cử tri gốc Việt được nỗi tiếng là tham gia bầu cử đông. Trên thực tế, các cử tri gốc Việt thường tham gia bầu cử với tỉ lệ dưới 50% hay thấp hơn so với các cử tri khác. Trong cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 6, 2018, chỉ có khoảng 36% cử tri gốc Việt tham gia bỏ phiếu so với 43% đối với các cử tri khác. Trong cuộc bầu cử tổng quát vào tháng 11, 2016, cử tri gốc Việt chỉ tham gia với tỉ lệ 66% so với 76% đối với các cử tri khác. Trong kỳ bầu cử sơ bộ vào tháng 6, 2016, chỉ có 41% cử tri gốc Việt tham gia bầu cử so với 48% các cử tri khác.
Các tỉ lệ thấp của cử tri gốc Việt trong nhiều cuộc bầu cử vừa qua có dấu hiệu chuyển hướng và sút giảm hơn với mức độ tham gia bầu cử đông hơn các sắc dân khác trong các kỳ bầu cử trước đó. Trong kỳ bầu cử tổng quát vào tháng 11, 2014, tỉ lệ cử tri gốc Việt tham gia bầu cử là 44% so với 42% đối với các sắc dân khác; trong cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 6, 2014, tỉ lệ cử tri gốc Việt là 28% so với 24% các cử tri khác.
Sự sút giảm về tỉ lệ các cử tri gốc Việt trong các kỳ bầu cử trong vòng bốn năm trở lại đây, nếu đúng như vậy, có thể là do sự nản lòng các các cử tri gốc Việt khi thấy các ứng cử viên gốc Việt chửi bới và triệt hạ lẫn nhau thay vì tập trung vào nỗ lực bảo vệ quyền lợi và tiếng nói của cộng đồng. Sự nản lòng này và giảm sút sự hứng khởi tham gia bầu cử có thể có lý do chính đáng, nhưng hành động như vậy là không đúng vì khi cử tri gốc Việt không tham gia bầu cử, toàn bộ quyền lợi chính trị của cộng đồng bị suy yếu đi và tạo điều kiện cho các thế lực không thân thiện với cộng đồng có lợi điểm hơn.
Do đó, cho dầu các cử tri gốc Việt nhận định như thế nào về các ứng cử viên gốc Việt, các cử tri gốc Việt cũng vẫn nên tham gia bầu cử thật đông để bảo vệ quyền lợi và tiếng nói của cộng đồng. Khối cử tri gốc Việt trong bất cứ đơn vị bầu cử nào cũng vẫn là thiểu số. Do đó, muốn có lợi điểm gây ảnh hưởng thì khối cử tri gốc Việt cần tham gia với tỉ lệ cao hơn so với các sắc dân khác. Còn nếu tham gia với tỉ lệ cũng giống như các sắc dân khác thì cũng không có lợi điểm gì hết đối với các ứng cử viên có lợi cho quyền lợi và tiếng nói của khối cử tri gốc Việt.

Hiện tượng phiếu bầu khiếm diện bị bỏ lơ

Phân tích kỹ về số phiếu bầu từ khối cử tri gốc Việt, một hiện tượng đáng quan ngại là gần một nữa số phiếu bầu qua bưu điện được gởi về nhà nhưng không được sử dụng hay gởi lại phòng phiếu để bỏ phiếu. Số phiếu bầu khiếm diện bị “bỏ rác” này có thể lên đến gần một nửa số cử tri gốc Việt tham gia bầu cử.

Trong kỳ bầu cử sơ bộ vào tháng 6, 2018, bên cạnh khoảng 36,500 cử tri gốc Việt tham gia bầu cử, có đến gần 41,500 phiếu khiếm diện gởi về nhà nhưng không được gởi lại. Trong cuộc bầu cử tổng quát vào tháng 11, 2016, bên cạnh gần 69,000 cử tri gốc Việt tham gia bầu cử, có đến 13,500 phiếu bầu bằng bưu điện gởi về nhà nhưng không được gởi trả lại. Trong cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 6, 2016, bên cạnh 38,500 cử tri gốc Việt tham gia bầu cử, có đến 32,000 phiếu bầu qua bưu điện đã gởi ra nhưng không được sử dụng. Trong cuộc bầu cử tổng quát vào tháng 11, 2014, bên cạnh khoảng 41,000 cử tri gốc Việt tham gia bầu cử, có đến 21,500 phiếu bầu gởi qua bưu điện nhưng không được gởi trả lại để tham gia bỏ phiếu.

Câu hỏi cần đặt ra là làm sao giải thích được khi có đến số phiếu bầu lớn như vậy được gởi qua bưu điện nhưng bị cử tri gốc Việt “cho vào thùng rác” trong khi các ứng cử viên tranh nhau từng phiếu một. Tầm quan trọng của vấn đề này nên được nhìn cùng với nhiều kết quả bầu cử rất khít khe trong khu vực Little Saigon như 3 phiếu giữa GSV Janet Nguyễn và Luật Sư Nguyễn Quang Trung vào năm 2008, 15 phiếu giữa TT Bruce Broadwater và TT Nguyễn Quốc Bảo vào năm 2014 tại Thành Phố Garden Grove, hay 43 phiếu giữa NS Tiểu Bang Lou Correa và GSV Andrew Đỗ trong cuộc tranh cử vào chức vụ Giám Sát Viên vào tháng 1 năm 2015.

Kết luận

Trong cuộc bầu cử hiện nay, quyền lợi và tiếng nói của cộng đồng Việt Nam có thể bị mất tại Thượng Viện Tiểu Bang, Hạ Viện Tiểu Bang và nhiều chức vị nghị viên trong nhiều đơn vị thành phố có ảnh hưởng quan trọng trong khu vực Little Saigon, tỉ lệ tham gia bầu cử của khối cử tri gốc Việt là yếu tố tiên quyết để quyết định ảnh hưởng chính trị của khối cử tri gốc Việt. Do đó, cộng đồng Việt Nam và khối cử tri gốc Việt cần có một kế hoạch cụ thể để nhắm vào các mục tiêu chính như (1) ghi danh thêm cử tri gốc Việt mới, (2) gia tăng tỉ lệ tham gia bầu cử của các cử tri gốc Việt, và (3) giảm thiểu tệ nạn cử tri nhận được phiếu bầu khiếm diện nhưng bỏ lơ những phiếu bầu quí giá này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT