Thế Giới

Lại một vụ kiện về địa hạt bầu cử, những bất công trong quá khứ

Tuesday, 04/10/2011 - 09:17:28

Vào hôm 29-9-2011, các thành viên Cộng Hòa nộp cho Tòa Thượng Thẩm tiểu bang một lá đơn kiện, chống lại những tấm bản đồ địa hạt bầu cử Quốc Hội...

Cử tri và lá phiếu 2012

Vanessa White/Viễn Đông

SACRAMENTO, California –  Trong tuần qua, người ta bận rộn với chuyện tái phân định địa hạt tuyển cử, giữa lúc California tham gia cùng với sáu tiểu bang khác, trong việc nộp đơn kiện liên quan tới những bản đồ tái phân chia địa hạt bầu cử lập pháp. Vào hôm 29-9-2011, các thành viên Cộng Hòa nộp cho Tòa Thượng Thẩm tiểu bang một lá đơn kiện, chống lại những tấm bản đồ địa hạt bầu cử Quốc Hội (Dân Biểu Liên Bang) của Ủy Ban Công Dân Tái Phân Định Địa Hạt Tuyển Cử California (CRC), được chấp thuận hôm 15-8-2011.

Ủy ban CRC được các cử tri thành
lập, với nhiệm vụ vẽ ra những tấm bản đồ phân chia lại ranh giới những địa hạt bầu cử Quốc Hội, Hạ Viện Tiểu Bang, Thượng Viện Tiểu Bang và Ủy Ban Thuế, thành lập những địa hạt được áp dụng cho những kỳ bầu cử trên khắp tiểu bang trong mười năm sắp tới. CRC có 14 thành viên, gồm 5 Dân Chủ, 5 Cộng Hòa, và 4 thành viên không thuộc đảng phái nào. Vụ kiện chống lại bản đồ địa hạt tuyển cử Quốc Hội xảy ra sau khi nhóm Công Bằng và Trách Nhiệm trong Tái Phân Định Địa Hạt (FAIR) đâm đơn kiện, gởi cho Tòa Thượng Thẩm California vào hôm 15-9-2011, liên quan tới những tấm bản đồ đã được chấp nhận, mà Viễn Đông đã tường thuật hồi tuần trước. Theo những lời tố cáo trong đơn kiện, FAIR tin rằng những tấm bản đồ bầu cử Thượng Viện mới được vẽ này đã làm giảm bớt tiếng nói của các cử tri Latino ở Monterrey, Santa Clara, và phần San Fernando của Quận Los Angeles, vi phạm Đạo Luật Những Quyền Bỏ Phiếu (Voting Rights Act - VRA). Đơn kiện của FAIR yêu cầu Tòa Thượng Thẩm bổ nhiệm “những người phụ trách đặc biệt” vẽ một tấm bản đồ với những đường ranh giới mới của các địa hạt bầu cử Thượng Viện.

Còn trong đơn kiện mới này, Cộng Hòa tố cáo CRC vi phạm đạo luật VRA, bằng cách cố ý giảm thiểu số phiếu của những người Mỹ gốc Phi Châu, trong ba địa hạt của Quận Los Angeles. Mặc dù không được bao gồm vào trong vụ kiện này, cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở trong và gần khu vực Little Saigon của Quận Cam cũng đã bị tách ra thành hai địa hạt bầu cử Quốc Hội, làm giảm bớt sức mạnh lá phiếu của những cử tri người Mỹ gốc Á Châu.

Vụ kiện chống bản đồ địa hạt tuyển cử Quốc Hội còn tố cáo rằng ba địa hạt gây tranh cãi này đã được vẽ ra nhằm bảo vệ cho những người sắp ra ứng cử, trong lúc lẽ ra CRC phải chấm dứt chuyện này. Trước đây khi chưa có CRC, thì các nhà lập pháp tự vẽ lấy bản đồ của các địa hạt của họ.

Đơn kiện yêu cầu Tòa Thượng Thẩm bổ nhiệm một “người phụ trách đặc biệt”, người này sẽ vẽ ra một tấm bản đồ hoàn toàn mới cho tất cả 53 địa hạt bầu cử Quốc Hội.

Các thành viên đảng Cộng Hòa “thường thúc đẩy những đòi hỏi của đạo luật VRA, khi họ thực sự phản đối kế hoạch này căn cứ trên những lý do khác”, theo lời ông Bruce Cain, giáo sư chính trị học tại trường đại học University of California (UC) Berkeley nói, được đài phát thanh KPCC trích dẫn lại vào hôm 30-9-2011.

Tuy nhiên, đã từng có những điều bất công ở đằng sau việc tái phân định địa hạt, trong đó các nhà lập pháp cố ý vẽ sao cho những đường ranh giới gây ra bất lợi cho một số nhóm, bằng cách làm tan loãng đi những tiếng nói chính trị của họ.

Trong thực tế, có 16 tiểu bang từng xảy ra những vụ như vậy, và những tiểu bang này được đòi buộc phải nộp những tấm bản đồ đã được sửa lại cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, cứ 10 năm một lần. Thế nhưng, hiện nay vẫn có những vụ kiện tụng chống lại các tiểu bang, điều này có nghĩa là những tấm bản đồ ấy vẫn gây bất lợi cho một số nhóm.

Và vẫn có những người đứng lên tranh đấu nhằm chấm dứt những chuyện ấy.

* Những vấn đề tại một số tiểu bang khác

Cho đến nay, California, Arizona, New Mexico, Texas, Florida, Ohio, và Missouri đã xảy ra những vụ kiện trong các tiểu bang của họ. Giống như California, những tấm bản đồ mới tái phân chia địa hạt đã được vẽ ra bởi một nhóm công dân độc lập, do các cử tri lập ra. Các cử tri Arizona cũng hy vọng rằng các nhà lập pháp tiểu bang này sẽ không có cơ may thiên vị nữa, trong việc vẽ bản đồ tái phân chia các địa hạt tuyển cử. Arizona là một trong những tiểu bang bị buộc phải nộp các tấm bản đồ tái phân định địa hạt tuyển cử cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ mỗi 10 năm. Nơi đây cũng đang có tình trạng kỳ thị người Latino càng lúc càng gia tăng.

Tuy nhiên, Ủy Ban Độc Lập Tái Phân Định Địa Hạt Arizona (AIRC) đã bị những người bảo thủ chỉ trích là tỏ ra thiên vị bênh vực đảng Dân Chủ, chứ không độc lập chút nào cả. AIRC gồm hai thành viên Dân Chủ, hai thành viên Cộng Hòa, và một nữ chủ tịch độc lập. Những người chỉ trích thuộc phe bảo thủ tỏ ra giận dữ vì chuyện AIRC biểu quyết với 3 phiếu thuận và 2 phiếu chống, cả hai thành viên Cộng Hòa đều chống, để mướn một chuyên viên cố vấn về vẽ bản đồ ở Washington, người này từng tham gia vào cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Barack Obama hồi năm 2008.

Công tố trưởng Arizona, ông Tom Horne đã tham gia xem xét vụ phê bình này, bằng cách mở một cuộc điều tra xem liệu ủy ban AIRC có vi phạm Luật Hội Họp Công Khai bằng cách nhóm họp riêng tư để thu thập số phiếu cần thiết để mời người cố vấn về bản đồ nêu trên, trước khi công khai bỏ phiếu. Nhưng ông Horne cũng đã bị chỉ trích là có sự thiên vị và đã quyết định trước kết quả của cuộc điều tra do ông tổ chức.

Cả ba thành viên AIRC không thuộc đảng Cộng Hòa đã từ chối tham gia điều trần trong cuộc điều tra của ông Horne, và ông đang cố gắng dùng một buổi điều trần trước tòa vào ngày 7-11-2011 tới đây để bắt buộc họ phải ra điều trần.

Florida là một tiểu bang khác bị buộc phải nộp bản đồ phân định địa hạt bầu cử tiểu bang cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ mỗi 10 năm.

Có một thỏa thuận giữa thành viên đảng Cộng Hòa và các dân biểu sắc tộc thiểu số, và kết quả là Dân Biểu Corrine Brown được bầu lên đại diện cho một địa hạt hầu hết là người Mỹ gốc Phi Châu vào năm 1992. Từ đó đến nay, bà liên tục tái đắc cử vào Quốc Hội. Thỏa thuận này tạo ra một địa hạt duy nhất gồm ba thành phố kéo dài 150 dặm bao gồm các khu dân cư người Mỹ gốc Phi Châu. Người Mỹ da đen trong những khu dân cư đó thường bỏ phiếu theo đảng Dân Chủ, được đại diện trong Quốc Hội; trong khi đó, hầu hết người da trắng, cử tri đảng Cộng Hòa được đại diện qua những địa hạt Quốc Hội hình thành khắp tiểu bang.

Năm 2010, ghế của DB Brown tại Quốc Hội bị lung lay vì, qua kết quả trưng cầu dân ý, cử tri chấp thuận sửa đổi luật về việc chia địa hạt để thôn tính lá phiếu (gerrymandering). Những tu chính án sửa đổi hiến pháp tiểu bang đã khiến cho việc vẽ địa hạt để giúp đỡ hoặc làm thiệt hại đảng phái chính trị hay nhóm cầm quyền nhất định nào, đều bị coi là bất hợp pháp.

DB Brown vẫn tiếp tục thắng trong kỳ tổng tuyển cử 2010 vừa qua.
Một thẩm phán Tòa Khu Vực Liên Bang Hoa Kỳ ra phán quyết giữ nguyên tu chính án hồi đầu tháng 9, cho rằng đạo luật đó không vi phạm Hiếp Pháp Hoa Kỳ, như DB Brown và những người khác tìm cách chứng minh rằng nó vi hiến.

Thế là vị dân biểu liên bang đại diện Florida này đang khiếu nại phán quyết của vị thẩm phán, dùng tiền thuế của dân để chống lại một tu chính án do cử tri ủng hộ thông qua.

* Những bất công trong quá khứ
Đạo luật VRA năm 1965 thực hành Tu Chính Án số 15 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, đã được thông qua gần 100 năm trước đó vào năm 1870.

Theo Tu Chính Án số 15, việc từ chối người nào quyền bỏ phiếu dựa trên màu da, sắc tộc, hay “tình trạng phục tòng trước đây”, tức đã từng làm nô lệ, là bất hợp pháp. Tu Chính Án số 15 được thông qua bảy năm sau khi tất cả những nô lệ, hầu hết là người Mỹ gốc Phi Châu, được trả tự do theo Tuyên Ngôn Giải Phóng.

Mặc dù vậy, tự do không có nghĩa là được bỏ phiếu.
Bắt đầu từ thập niên 1870, các nhà lập pháp tạo ra nhiều đạo luật, như việc trắc nghiệm xem có biết đọc hay không và các loại thuế đánh vào việc bỏ phiếu, để ngăn cản người Mỹ gốc Phi Châu đi bầu.

Khi Hoa Kỳ trở nên đa chủng hơn, càng có nhiều nhóm sắc tộc thiểu số cũng bị mất lợi thế chính trị, không được mời mọc tham gia tiến trình bầu cử.

Dẫu cho đạo luật VRA được thông qua, về mặt luật pháp, đã cấm việc làm giảm thiểu lá phiếu cử tri sắc tộc thiểu số, điều này vẫn xảy ra. Hơn nữa, như các vụ kiện về tái phân chia địa hạt bầu cử đang xảy ra trên toàn quốc cho thấy, có những cách khác để làm giảm bớt tiếng nói của cử tri, cho dù cử tri sắc tộc thiểu số có quyền đi bầu hay không.

Cũng theo các vụ kiện này cho thấy, như những người đã từng tranh đấu gần cả trăm năm qua để hợp thức hóa việc thi hành quyền bầu cử, người ta vẫn còn tiếp tục tranh đấu cho công cuộc này mỗi lúc mọi nơi.

* Để suy gẫm
Cộng đồng này có bao giờ bị thua thiệt chiếu theo đạo luật VRA chưa? Nếu có, như thế nào? - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT