Tiêu Thụ

Lại nói về Final Walkthrough

Saturday, 23/11/2013 - 02:00:15

 

Eric Trần



Đối với người trong giới tiêu thụ, mua được một căn nhà là chuyện rất lớn. Không giống như một chuyên viên địa ốc có thể trải qua hằng trăm cuộc mua bán, người tiêu thụ thì chỉ có kinh nghiệm đó 1 hoặc 2 lần trong đời. Sau đây là một câu chuyện chúng tôi mới được chia sẻ về việc kiểm tra lần cuối trước khi nhận nhà.

Hỏi: Hi anh Eric. Tôi có đọc những bài viết ở mục này, thấy rằng rất hữu ích. Trường hợp “final walkthrough” như anh viết đúng thực là cần thiết. Tôi có kinh nghiệm bản thân khi mua căn nhà đầu tiên. Mặc dầu có qua agent, nhưng người này không thu xếp cho tôi một buổi kiểm tra cuối cùng. Sau khi nhận nhà thì mới khám phá ra những thiệt hại khác. Cũng may đó là những thiệt hại nhỏ, có thể bỏ qua được. Nhưng trường hợp chú em tôi thì khác, người bán có bằng lòng để lại một kệ bàn thờ khá đẹp và đáng giá. Hơn nữa, nó cũng đã được đóng vào tường rồi. Nhưng khi chú em tôi dọn đến thì cái kệ bàn thờ đã đi theo người chủ cũ. Chú ấy phải gọi người đến làm lại, tốn phí mất mấy ngàn đô…. Vậy xin anh dành chút thời giờ nói thêm chi tiết về vấn đề final walkthrough.”

Đáp: Cám ơn bạn nêu câu hỏi. Những người đã từng mua nhà, ngay cả một cái nhà Mobile Home chăng nữa, chắc không khỏi có những kinh nghiệm không vui khi nhận nhà. Hy vọng, đó là những điều mình có thể bỏ qua được, giống như trường hợp của bạn, và không đến nỗi quá tốn kém như trường hợp người em của bạn.

Final Walkthrough, kiểm tra lần cuối cùng, là chuyện ít người Agent nào muốn nêu lên cho người mua. Bởi vì, tiếng là đại diện cho quyền lợi của bạn, nhưng đối với họ, việc mua nhà kể như đã xong, tiền huê hồng chuẩn bị bỏ túi, không mấy ai nhắc tới việc này để bận tâm thêm. Nếu gặp được một agent nhắc nhở và dàn xếp cho bạn một buổi kiểm tra cuối cùng trước khi ký tờ giấy cuối cùng (escrow), bạn phải coi như đó là sự may mắn bất ngờ.

Nhưng, chúng tôi xin có lời khuyên rất thành thực rằng, nếu điều bất như ý bỏ qua được, thì xin bạn bỏ qua luôn, đừng để nó bận lòng trong những ngày vui vẻ bước vào nhà mới. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, chúng tôi xin nói thêm chi tiết về những điều cụ thể cần để ý trong buổi kiểm tra cuối cùng như sau:

1. Nên nhớ rằng cuộc kiểm tra cuối cùng không phải là buổi thanh sát (Inspection). Một cuộc thanh sát chi tiết phải được thực hiện trước đó rồi.

2. Nhớ mang theo bản hợp đồng, tức là những gì người bán đã thỏa thuận sửa chữa, để tiện việc đối chiếu.

3. Chúng ta không thể đòi hỏi người bán phải có mặt. Nhưng nếu người bán thuận có mặt trong lúc kiểm tra cuối cùng thì càng thuận lợi, bạn có thể hỏi được nhiều điều cần thiết trong việc bảo trì sửa chữa hoặc sử dụng các tiện nghi trong nhà.

4. Nếu căn nhà đã bỏ trống, thì buổi kiểm tra cuối cùng lại càng cần thiết. Bởi vì biết đâu khi dọn ra, người ta đã vô tình còn để vòi nước nhỏ giọt ở đâu đó trong nhà, vô tình gây thiệt hại cho người chủ mới.

5. Sau đây là những điều cụ thể cần kiểm tra:

Xem ngoại diện căn nhà, nhất là khi có gió lớn mưa to trong mấy ngày vừa qua.

Mở/đóng đèn điện và mọi công tắc.

Xem người bán có dọn đi những thứ mà đương sự đã đồng ý để lại hay không, chẳng hạn như tấm gương đứng, hoặc bộ đèn phòng khách….

Kiểm tra tất cả các máy móc trong nhà, như bếp, máy rửa chén đĩa, máy giặt sấy…

Thử mở máy sưởi/máy lạnh xem có hoạt động bình thường không

Thử cửa garage, và các máy remote xem có mở được không,

Xem lại phòng tắm, mở/đóng các vòi sen. Giật nước dội bồn cầu.

Mở/đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ

Kiểm tra các bức tường, trần nhà… có bị tì vết gì mới, hoặc nước nhỏ giọt làm hoen ố không

Mở/đóng máy xay rác ở bồn rửa chén và các quạt hút khói

Xem tình trạng những chỗ hư hại đã khám phá thấy trong cuộc Inspection trước đây đã sửa chữa chưa
Xem lại nhà kho có để lại những thứ thừa thãi, độc hại như các bình sơn cũ hoặc các thuốc diệt sâu rầy hay không.

Kiểm tra nhanh mặt đất, xem người bán có đào xới cây cối mang đi không? Có để lại rác rến bẩn thỉu trên sân không?

Kể ra thì nhiều, nhưng thực sự cũng là những điều thường thức, kiểm tra thoáng là biết ngay. Tổng cộng thời gian có thể kéo dài từ 45 phút tới 1 tiếng là cùng. Final Walkthrough, đây không phải là ý kiến riêng của người viết, mà các nhà chuyên môn trong ngành cũng khuyên như vậy: Thà biết trước để phản ứng với bên bán, rồi cùng đi đến một thỏa thuận nào đó, còn hơn bị đặt trước những “sự đã rồi” có thể làm hoen ố niềm vui của người chủ mới.

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT