Hoa Kỳ

Lại thay đổi về cuộc thảo luận vấn đề nguyên tử của Iran

Hoài Mỹ/Viễn Đông Thursday, 24/05/2012 - 09:49:38

Trước buổi hội họp, hai bên đều bầy tỏ rằng họ sẽ làm tối đa để giải quyết vấn đề tranh chấp này, trong lần này.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

NEW YORK/BAGHDAD - Ngoại Trưởng của Liên Hiệp Âu Châu (EU), Catherine Ashton sau cuộc thảo luận ở Baghdad, thủ đô Iraq, trong hai ngày, Thứ Tư và Thứ Năm, hôm qua bà đã tuyên bố rằng các cuộc các cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục tại thủ đô Nga, Moscow (Mạc Tư Khoa), trong hai ngày 18 và 19 tháng 6 tới đây.
Theo ý kiến của bà Ashton, người Iran đã thể hiện các bước thực tế nhằm giảm nhẹ những nỗi lo âu của cộng đồng thế giới về các hoạt động nguyên tử của họ.
Trong khi đó Tehran tiếp tục quả quyết là chương trình nguyên tử của Iran chỉ có những mục tiêu hòa bình, và mục đích việc xây dựng cơ xưởng nguyên tử năng là để cung cấp điện cho đất nước. Ngược lại, các quốc gia Tây Phương nghi ngờ chế độ Hồi Giáo Tehran vẫn nỗ lực trang bị cho mình vũ khí nguyên tử.

Tái lập việc thảo luận: Tháng 4-2012
Trưa Thứ Bẩy, ngày 14 tháng 4, năm quốc gia thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ) là Anh, Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Trung Cộng đã gặp gỡ các nhân vật đại diện của Iran để tái lập việc đàm phán.
Các cuộc thảo luận sẽ tiếp nối việc bàn cãi về chương trình nguyên tử của Iran. Vấn đề chính yến vốn vẫn gây nên tranh cãi là những gì thật sự là mục tiêu của chương trình ấy. Người Iran có nói thật không khi họ tuyên bố rằng họ chỉ muốn xây cất cơ xưởng nguyên tử lực mà thôi hay là họ trong thực tế vẫn nỗ lực tự trang bị cho mình vũ khí nguyên tử?
Nhiều nguồn gần gũi với việc thảo luận cho rằng không có lý do gì để mong đợi quá nhiều, và điều tốt hơn cả là người ta chỉ nên hy vọng sẽ có sự đồng thuận về nhiều đợt thảo luận trong những tuần lễ sắp tới.
Trước buổi hội họp, hai bên đều bầy tỏ rằng họ sẽ làm tối đa để giải quyết vấn đề tranh chấp này, trong lần này.
Theo thông tấn xã DPA, Mark Fitzpatrick tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế - IISS (International Institute for Strategic Studies) - ở London nói rằng người Iran cho thấy thiện chí thảo luận thật sự. Đó là do đặc biệt họ cảm thấy bị áp lực bởi các biện pháp trừng phạt về kinh tế của quốc tế.
Hệ quả của việc các cuộc thảo luận bị ngưng lại cách nay hơn một năm đã tạo ra mạnh mẽ các phản ứng dữ dội từ hai phía đồng thời những câu nói cường điệu (giống như một cuộc khẩu chiến) đã đạt tới mức độ ác liệt tối đa.

Các cuộc thảo luận với Iran được tiếp tục vào tháng 5
Việc tái lập thảo luận kể trên đã diễn ra tại Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 14 tháng 4, Iran và 6 cường lực của thế giới đã đàm phán về chương trình nguyên tử của nước này. Kết quả: Hai bên đồng thuận thảo luận tiếp theo vào tháng 5. Ngoại trưởng của EU, bà Catherine Ashton sau buổi họp đợt đầu này ở Istanbul đã tuyên bố: “Chúng tôi thảy đều ước muốn duy trì việc đối thoại. Chúng tôi sẽ đi theo một sự tiến lại gần nhau hơn, tuy nhiên từng bước một”. Bà xác nhận thêm là các cuộc nói chuyện ở Istanbul rất hữu ích và xây dựng. Tuy nhiên bà tiết lộ rằng các cường quốc thế giới trong các cuộc hội họp tới đây sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ chính quyền Iran, trong số đó là việc các bên tiến sâu hơn nữa vào chi tiết trong các cuộc thảo luận.
Nữ Ngoại Trưởng của EU như muốn nhắc nhở đối phương: “Chúng tôi mong đợi là các cuộc gặp gỡ sau này sẽ dẫn đến những bước thực tế tiến tới một giải pháp bao quát vốn tái lập sự tin tưởng quốc tế đối với các mục tiêu hòa bình trong chương trình nguyên tử của Iran. Bởi thế chúng tôi đồng thuận tái họp vào ngày 23 tháng 5, tại Bagdad”.
Ngoài bà Ashton còn có các đại diện của Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Anh, Đức và Trung Cộng - được gọi là nhóm 5 + 1 - đã tham dự hội nghị này.
Trong khi đó, trưởng phái đoàn thương nghị của Iran, Saeed Jalili, cũng bầy tỏ hài lòng về cuộc thảo luận ở Istanbul. Ông xác nhận: “Chúng tôi đã đạt được sự tiết bộ. Có những ý kiến dị biệt, nhưng những điểm mà chúng tôi đã nhất trí với nhau thì rất quan trọng”. Jalili tuyên bố tiếp: “Các cuộc thảo luận sau này nên nhắm vào các kế hoạch nhằm xây dựng niềm tín nhiệm hỗ tương”. Sau đó ông nhấn mạnh rằng việc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Iran nên nằm trong số các kế hoạch ấy.

Cuộc thảo luận ở Baghdad: 23 tháng 5
Khó khăn: Iran đã tố cáo các nước khác đã tạo nên một bầu không khí khó khăn nhân cuộc đàm phán ở thủ đô Iraq. Theo thông tấn xã NTB, không rõ rệt những gì là cụ thể đã gây ra sự bất mãn cho phía Iran. Trước cuộc họp, một nguồn tin đã được thông báo là Iran sẽ được trình bầy về một đề nghị chi tiết mà mục đích nhằm để Iran đồng ý đóng cửa cơ xưởng làm giầu chất uranium.
Về phía Iran, họ đòi hỏi việc hủy bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt nước này trước khi họ chấp thuận yêu sách của 6 quốc gia tham dự hội nghị.
Bà Catherine Ashton đã thảo luận nhân danh Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Cộng, kể cả Đức - còn gọi là P5 + 1. Có những đề nghị là các biện pháp trừng phạt ấy sẽ không được giảm xuống trước khi Iran bấy tỏ thiện chí về hành động cụ thể. Theo các cơ quan truyền thông Iran, bên Iran đã đòi hỏi một sự “có đi có lại” lớn lao hơn trong các cuộc thảo luận nhưng đã không được sự đáp ứng.
Lạc quan: Cả hai bên đều cho rằng họ đã tiến đến bàn hội nghị với thái độ nghiêm chỉnh. Riêng Hoa Kỳ thì trước đó đã bầy tỏ một sự lạc-quan-cẩn-thận đối với sự suy đoán là Iran sẽ đồng thuận một sự cởi mở đầy đủ về chương trình nguyên tử của họ.
Vòng thảo luận mới này tại Baghdad về chương trình nguyên tử của Iran là việc tiếp nối cuộc đàm phán vốn đã được khởi sự ở Istanbul hồi tháng Tư. Quyết định từ hai phía cho là các cuộc đàm phán này nên chấm dứt vào tối Thứ Tư, nhưng tới đêm Thứ Năm thì rõ rệt là các bên nhận thấy cần thêm thời gian.
Các chuyên gia Tây Phương công nhận là Iran cho đến hôm nay chưa có chương trình vũ khí nguyên tử và giới lãnh đạo nước này cũng chưa bật đèn xanh để phát triển loại vũ khí ấy. Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad của Iran đã nhiều lần quả quyết là vũ khí nguyên tử đi ngược lại với Hồi Giáo. Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, tu sĩ Ali Khamenei, cũng minh xác như vậy.
Còn nghèo nàn chất uranium: Các nhà lãnh đạo Tây Phương muốn thấy sự giới hạn minh bạch trong chương trình nguyên tử dân sự của Iran, trước nhất là (sự giới hạn) trong việc phát triển chất uranium.
Iran đã ký kết hiệp ước không khuếch trương vũ khí nguyên tử (NPT/Nuclear Non-Proliferation Treaty) và cũng đã mở cửa các cơ xưởng nguyên tử cho việc thanh tra của Cơ Quan Nguyên Tử và Năng Lượng Quốc Tế (IAEA).
Được biết, để có thể sử dụng vũ khí nguyên tử thì chất uranium phải có độ tinh khiết là 90 phần trăm, trong khi Iran mới chỉ làm giầu chất uranium được 20 phần trăm mà thôi để dùng như chất đốt trong một cơ xưởng nguyên tử lực mà họ đã được Nga giúp xây dựng.

“Atom-fatwa” - hay việc kết án nguyên tử - chỉ là sự giả dối
Lãnh tụ của Cách Mạng Hồi Giáo đã ban hành một lệnh “fatwa” (bản án) để chấm dứt cuộc tranh chấp về nguyên tử giữa Iran và các cường quốc Tây Phương.
Theo một số nhà phân tích, Iran nay đã phát triển chất uranium ở một mức độ khá cao khả dĩ sản xuất được vũ khí nguyên tử. Sự kiện này đã gây ra mối lo âu trong cộng đồng thế giới. Trong bối cảnh này, lãnh tụ tinh thần của Iran, Aytollah Khamanei, đã phán quyết một bản án đối với vũ khí nguyên tử. Thế nhưng nhiều người hiện đặt dấu hỏi bên cạnh mức độ của sự thật trong những lời hứa hẹn của Iran.
Chủ biên Tariq Alhomayed tại Al Sharq Al Awsar viết là bản án này - fatwa - là một thí dụ về “taqqiya”, một truyền thống trong Hồi Giáo Shia vốn mở đường cho người ta giấu giếm các mục đích của mình khi người ta bị đe dọa. Vị chủ biên này viết: “Tehran có truyền thống lâu dài vi phạm những trách nhiệm của mình”.
Có thể nói dối và lường gạt: Một nhân vật khác nữa đã đặt dấu hỏi bên cạnh mức độ sự thật trong những lời hứa hẹn của Iran, ấy là Tổng Trưởng Quốc Phòng Ehud Barak của Do Thái. Ông Barak đã nói với nữ phóng viên Christine Amanpour của đài CNN: “Taqqiya trong Hồi Giáo, đặc biệt Hồi Giáo Shia, có nghĩa là một sự cho phép từ trời dành cho các nhà lãnh đạo để họ có thể nói dối và lường gạt những kẻ khác nhằm đạt được mục tiêu của họ”.
Vần đề tranh cãi lớn lao trong các cuộc thảo luận giữa Iran và các cường quốc Tây Phương là những gì là mục đích của chương trình nguyên tử của Iran. Như trên đã kể, Tehran vẫn quả quyết họ chỉ muốn xây dựng cơ xưởng nguyên tử lực mà thôi, trong khi cộng đồng quốc tế nghi ngờ Iran trong thực tế vẫn nỗ lực phát triển vũ khí nguyên tử.
Cởi mở cho việc bàn cãi: Cuối tuần qua, Ngoại Trưởng của Iran, Ali Akbar Salehi đã xác quyết là Iran sẽ không từ bỏ quyền làm giầu chất uranium, tuy nhiên, nước này sẵn sàng đàm phán về mức độ của sự phát triển này. Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đe dọa bằng nhiều biện pháp trừng phạt nếu không có kết quả tốt nào trong các cuộc thảo luận về nguyên tử trong những ngày tháng tới đấy.
Sẽ nghiêm cấm sản xuất: “Fatwa” là một sự tuyên bố bản án của Hồi Giáo vốn thể hiện việc giải thích các đạo luật Hồi Giáo. Fatwa có tính cách hướng dẫn pháp lý chứ không ràng buộc. Bản án này của lãnh tụ tinh thần Khamanei nghiêm cấm việc sản xuất, bành trướng và sử dụng vũ khí nguyên tử. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton kêu gọi các nhà lãnh đạo Iran chứng tỏ là họ suy nghĩ nghiêm chỉnh. Thông tấn xã AP viết, bà Clinton trong hội nghị thượng đỉnh G8 ở Washington hồi tháng Tư, đã phát biểu: “Họ quả quyết rằng chương trình của họ hoàn toàn có mục tiêu hòa bình và họ đã cho biết một fatwa mà lãnh tụ tối cáo của họ đã ban hành dành cho vũ khí nguyên tử. Chúng tôi mong muốn họ chứng tỏ rõ ràng trong các hành động của họ là họ đã thật sự từ bỏ mọi tham vọng về vũ khí hạch tâm”.
Bị nhục mạ: Đồng thời đề nghị về “atom-fatwa” của lãnh tụ tối cao Ali Khamanei đã gặp sự khinh miệt từ nhiều phía. Điển hình như Tariq Alhomayed, chủ biên của Al Sharq al Awsat, đã viết trong một bài bình luận trên trang mạng arabnews: “Nếu bản án (fatwa) này là một trong những lợi điểm trong việc đối thoại của Iran thì bởi Thượng Đế chúng ta thật sự đứng trước một đại họa ở vùng này”.
Ông viết tiếp là vấn đề của chính phủ Obama là họ mong muốn “theo đuổi một chính sách vốn có thể được chấp nhận đối với sự tinh hoa văn hóa, nhưng không (được chấp nhận) đối với các chế độ vốn đầy xảo quyệt và phản trắc”.

Do Thái có thế tấn công?
Do Thái từ lâu vẫn quả quyết là Iran đang phát triển vũ khí nguyên tử và đe dọa tấn công cơ xưởng nguyên tử của Iran nếu cộng đồng thế giới không can thiệp. Những sự đe dọa của Do Thái đã đặt Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vào thế khó khăn. Một cuộc tấn công của Do Thái vào Iran trước cuộc bầu cử Tổng Thống vào mùa Thu này sẽ làm hư hỏng các cơ may thắng cử của ông.
Iran còn bị đánh giá là một mối đe dọa của vùng đối với nhiều quốc gia Ả Rập Hồi Giáo Sunni, nhất là bởi sự yểm trợ của Tehran dành cho Tổng Thống độc tài Bashar al-Assad của Syria và phong trào Hizbollah ở Lebanon. - (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT