Sức Khỏe

Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm

Friday, 04/05/2018 - 08:33:59

Rã đông thực phẩm an toàn. Không làm tan thức ăn ở nhiệt độ phòng. Cách an toàn nhất là rã đông trong tủ lạnh. Nếu dùng lò vi sóng để rã đông bằng nút "rã đông" hoặc "50% công suất", thì phải nấu thực phẩm này ngay lập tức.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Gần đây có nhiều tin tức về ngộ độc thực phẩm, thí dụ như ngộ độc vi trùng E. Coli từ rau xà lách "romaine lettuce" từ Arizona, đến nay vẫn chưa chấm dứt mà lan rộng ra nhiều tiểu bang. Hôm thứ Nam lại có tin ngộ độc vì ăn hàu sống từ Canada. Ở những xứ văn minh như Mỹ và Canada với vệ sinh thực phẩm chặt chẽ mà còn như vậy, huống gì ở những nước chậm tiến. Như vậy thì làm sao có thể ngăn ngừa việc ngộ độc thực phẩm và nên làm gì khi chính chúng ta bị ngộ độc. Bài sau đây sẽ giúp quý vị có câu trả lời.
Ngộ độc thực phẩm có nghĩa là chúng ta đã ăn vào người một số lượng những sinh vật nhỏ li ti có khả năng gây nhiễm trùng như vi trùng, siêu vi, ký sinh trùng... Dĩ nhiên không thức ăn nào là không chứa những vi sinh vật này. Tất cả các loại thực phẩm đều chứa một lượng nhỏ vi sinh vật. Nhưng việc rửa, nấu hoặc bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể làm tăng số vi sinh vật này lên nhiều lần với số lượng đủ lớn để gây bệnh.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng thường thay đổi theo nguồn ô nhiễm, và bệnh nhân có bị mất nước hoặc bị huyết áp thấp hay không. Các triệu chứng có thể gồm:
Tiêu chảy, có thể kèm máu
Buồn nôn
Đau bụng
Nôn mửa
Mất nước
Sốt thấp (đôi khi)

Khi bị mất nước đáng kể, bệnh nhân có thể bị:
Cảm thấy choáng váng hoặc ngất xỉu, nhất là khi đang đứng
Mệt mỏi
Nước tiểu sẫm màu
Đi tiểu ít hơn
Khát nước

Nguy cơ nhiễm bệnh

Nguy cơ nhiễm bệnh sau khi ăn phải thức ăn ô nhiễm tùy thuộc vào vào vi trùng gây bệnh, số lượng vi trùng tiếp xúc, tuổi tác và sức khỏe của bạn. Các nhóm có nguy cơ cao gồm:

Người cao tuổi. Hệ thống miễn dịch của nhóm này có thể không phản ứng nhanh và hiệu quả đối với các vi trùng gây bệnh như trước đây.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hệ miễn dịch của chúng chưa phát triển đầy đủ.
Những người bị bệnh kinh niên. Bệnh kinh niên chẳng hạn như tiểu đường hoặc AIDS, hoặc đang hóa trị hoặc xạ trị cho bệnh ung thư, làm giảm đáp ứng miễn dịch của bạn.
Phụ nữ mang thai. Mang thai làm thay đổi hệ thống miễn dịch của bạn khiến khó khăn hơn để chống lại nhiễm trùng.

Nếu bị ngộ độc thực phẩm

Nhắp chất lỏng thường xuyên, chẳng hạn như nước uống thể thao hoặc nước, để tránh mất nước. Uống chất lỏng quá nhanh có thể làm nặng thêm buồn nôn và nôn mửa, vì vậy hãy thử uống từng ngụm nhỏ trong vài giờ, thay vì uống một lượng lớn cùng một lúc.

Để ý đến việc đi tiểu. Bạn nên đi tiểu đều đặn, và nước tiểu của bạn phải loãng và trong trẻo. Nước tiểu sẫm màu và không thường xuyên là dấu hiệu mất nước. Chóng mặt và đầu choáng váng cũng là dấu hiệu mất nước. Nếu những triệu chứng này xảy ra và bạn không thể uống đủ nước, hãy vào phòng cấp cứu ngay.
Tránh dùng thuốc chống tiêu chảy vì chúng có thể làm chậm lại việc loại bỏ vật hoặc chất độc gây bệnh. Nếu nghi ngờ, hãy hỏi bác sĩ về tình trạng của bạn.

*Không nên cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ dùng thuốc chống tiêu chảy vì các tác dụng phụ nghiêm trọng.
*Bệnh do thực phẩm thường bớt trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, cần gọi cho bác sĩ nếu:
Nôn mửa kéo dài hơn hai ngày
Tiêu chảy kéo dài hơn vài ngày
Tiêu chảy biến thành có máu, đen hoặc như hắc ín
Sốt 101 F (38,3 C) hoặc cao hơn
Đầu nhẹ, choáng váng hoặc ngất xỉu xảy ra khi đứng
Lẫn lộn
Đau bụng nhiều

Tìm kiếm trợ giúp y tế khẩn cấp (đến phòng cấp cứu) nếu:
Có các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như đau bụng dữ dội hoặc tiêu chảy ra máu trong vòng 24 giờ.
Bạn thuộc nhóm nguy cơ cao.
Bạn nghi ngờ bị ngộ độc botulism. Botulism là một ngộ độc thực phẩm có thể gây tử vong do độc tố là từ một loại bào tử trong thực phẩm. Độc tố ngộ độc botulism thường được tìm thấy trong thực phẩmtự đóng hộp tại nhà, đặc biệt là đậu cô ve hoặc cà chua. Triệu chứng của ngộ độc botulism thường bắt đầu từ 12 đến 36 giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm và có thể gồm đau đầu, không nhìn rõ, yếu bắp thịt và sau cùng là tê liệt. Một số người cũng bị buồn nôn và ói, táo bón, bí tiểu, khó thở và khô miệng. Những dấu hiệu và triệu chứng này cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.


Nguyên nhân gây ngộ độc

-Ô nhiễm thực phẩm có thể xảy ra tại bất kỳ điểm sản xuất nào: trồng trọt, thu hoạch, chế biến, tàng trữ, vận chuyển hoặc chuẩn bị. Lây nhiễm các sinh vật gây hại từ bề mặt này sang bề mặt khác thường là nguyên nhân. Điều này đặc biệt gây hại đối với các thực phẩm ăn sống, chẳng hạn như xà lách hoặc các rau trái khác. Vì những thực phẩm này không được nấu chín, sinh vật gây hại không bị phá hủy và có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Biến chứng
Biến chứng nghiêm trọng thường gặp nhất của ngộ độc thực phẩm là mất nước và các chất muối và khoáng chất cần thiết. Nếu bạn là một người trưởng thành khỏe mạnh và có thể uống vào đủ để thay thế chất lỏng bạn bị mất do nôn mửa và tiêu chảy thì mất nước không phải là một vấn đề.
Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người yếu hệ miễn dịch hay mang bệnh kinh niên có thể bị mất nước nghiêm trọng khi số chất lỏng bị mất nhiều hơn lượng nước họ uống vào để thay thế. Trong trường hợp đó, họ có thể cần phải nhập viện để vô nước bằng đường tĩnh mạch. Trong trường hợp nặng, mất nước có thể gây tử vong.

Một số loại ngộ độc thực phẩm có thể gây *biến chứng nghiêm trọng* đối với một số người. Đó là ngô độc do nhiễm các loại vi trùng sau:

Listeria monocytogenes. Các biến chứng do vi trùng này có thể nghiêm trọng nhất đối với thai nhi. Đầu thai kỳ, nhiễm trùng listeria có thể gây ra xảy thai. Sau đó trong thai kỳ, nhiễm trùng listeria có thể gây ra thai chết, sinh non hoặc nhiễm trùng năng gây tử vong ở trẻ sau khi sinh - ngay cả khi người mẹ chỉ bị bệnh nhẹ. Trẻ sơ sinh sống sót sau nhiễm trùng Listeria có thể bị tổn thương thần kinh lâu dài và chậm phát triển.
Escherichia coli (E. coli). Một số loại vi trùng E. coli có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng gọi là hội chứng "hemolytic uremic syndrome". Hội chứng này phá hư lớp niêm mạc của các mạch máu nhỏ trong thận, đôi khi dẫn đến suy thận. Người lớn tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ bị biến chứng này cao hơn. Nếu bạn thuộc một trong những người này, nên gặp bác sĩ ngay khi bị tiêu chảy quá nhiều hay có nhiều máu.

Phòng ngừa
Để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm ở nhà:
Thường xuyên rửa tay, dụng cụ và các bề mặt (mặt bàn, thớt...) dùng chế biến thức ăn. Rửa tay kỹ bằng nước ấm, xà phòng trước và sau khi chế biến hoặc chuẩn bị thức ăn. Sử dụng nước xà phòng nóng để rửa dụng cụ, thớt và các bề mặt khác mà bạn sử dụng.
Giữ thức ăn sống tách biệt với thức ăn đã sẵn sàng để ăn. Khi mua sắm, chuẩn bị thức ăn hoặc cất giữ thực phẩm, hãy cất thịt, gia cầm, cá và sò ốc tránh xa các thực phẩm khác. Điều này ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
Nấu thức ăn đến nhiệt độ an toàn. Cách tốt nhất để biết các loại thực phẩm đã được nấu ở nhiệt độ an toàn là sử dụng nhiệt kế thực phẩm. Bạn có thể giết các sinh vật gây hại trong hầu hết các loại thực phẩm bằng cách nấu chúng đến nhiệt độ thích hợp.

Nấu thịt bò xay đến 160 F (71,1 C); nấu bít tết, thịt quay và sườn, chẳng hạn như thịt cừu, thịt lợn và thịt bê, đến ít nhất 145 F (62,8 C). Nấu gà và gà tây đến 165 F (73,9 C). Hãy chắc chắn rằng cá và động vật có vỏ được nấu chín kỹ.

Làm lạnh hoặc đông lạnh thực phẩm dễ hư hỏng ngay - trong vòng hai giờ sau khi mua hoặc chuẩn bị chúng. Nếu nhiệt độ phòng cao hơn 90 F (32,2 C), thì cất thực phẩm dễ hỏng vào tủ lạnh trong vòng một giờ.

Rã đông thực phẩm an toàn. Không làm tan thức ăn ở nhiệt độ phòng. Cách an toàn nhất là rã đông trong tủ lạnh. Nếu dùng lò vi sóng để rã đông bằng nút "rã đông" hoặc "50% công suất", thì phải nấu thực phẩm này ngay lập tức.

Vứt bỏ khi nghi ngờ. Nếu bạn không chắc chắn là một thực phẩm đã được chuẩn bị, phục vụ hoặc lưu trữ một cách an toàn, nên loại bỏ nó. Thức ăn còn lại ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể chứa vi khuẩn hoặc độc tố không thể bị tiêu diệt bằng cách nấu. Đừng nếm thử thức ăn mà bạn không chắc chắn - chỉ cần vứt nó đi. Ngay cả khi trông OK và có mùi thơm, có thể món ăn ấy không an toàn đâu.
Ngộ độc thực phẩm đặc biệt nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và thai nhi, người lớn tuổi, và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Những người này nên thận trọng hơn bằng cách tránh các loại thực phẩm sau:
Thịt và gia cầm sống hoặc chín không kỹ
Cá hoặc sò ốc sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm hàu, trai, và sò điệp
Trứng sống hoặc chưa nấu chín hay các loại thức ăn có trứng như bột bánh ngọt chưa nướng và kem tự làm ở nhà.
Rau mầm, chẳng hạn như alfalfa, đậu, clover và mầm củ cải
Nước trái cây và rượu táo không khử trùng
Sữa và các sản phẩm sữa không khử trùng
Phô mai mềm, chẳng hạn như feta, Brie và Camembert; phô mai có gân xanh; và phô mai chưa khử trùng
Pa tê và thịt trét
Hot dog, thịt ăn trưa chưa nấu chín

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT