Hôn Nhân, Cuộc Sống

Làm gì với trẻ trái tính trái nết?

Friday, 03/05/2019 - 09:13:59

Để chuẩn bị cho con, cha mẹ có thể cùng con đi mua sách, tham khảo tài liệu về những đặc điểm của hai giới khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì. Nếu chưa nắm chắc những kiến thức này, cha mẹ có thể trao đổi thêm với chuyên gia tư vấn để hỗ trợ con.


Bất kể trai hay gái, trẻ em ở tuổi từ 8 đến 14 thường trải qua giai đoạn phát triển tâm sinh lý, gây khó cho cha mẹ. (Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Chị K. Tran, ở Houston, Texas có hai cô con gái vừa xinh xắn, dễ thương: Lynda, 12 tuổi, và Julie, 8 tuổi. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, tính tình Lynda bỗng thay đổi. Chị K. hay than với bạn bè, “Nếu như trước đây bé hoạt bát, năng động, nói nhiều lắm, thì nay cứ lầm lầm lì lì, có khi đi học về là ở trong phòng, khóa trái cửa, cho đến khi ba mẹ gọi ra ăn cơm thì mới ra.”

Vừa nghe xong, chị B. Vu, bạn của chị K. nói ngay, “Trời, lầm lầm lì lì còn đỡ, con bé nhà tôi hồi nhỏ ngoan ngoãn, lễ phép biết dường nào, mà giờ đây trái tính trái nết, hay gắt gỏng với mọi người, không muốn tự nguyện giúp đỡ mẹ làm việc nhà. Muốn nhờ con bé làm gì, đều phải nói please, please, thì nó mới chịu làm.”
Nếu như những ba mẹ cảm thấy hoang mang, lo lắng khi con thay đổi tính tình, thì các chuyên gia tâm lý lại cho đó là chuyện bình thường, bởi trong độ tuổi ấy, trẻ có những biến đổi rất lớn về tâm sinh lý. Đừng trách móc trẻ, mà hãy xem lại chính mình xem đã chuẩn bị đầy đủ cho con mình bước vào tuổi dậy thì hay chưa.
Khi trẻ bắt đầu thay đổi tính nết, ương ngạnh, khó bảo, đều khiến cho các bậc phụ huynh cảm thấy căng thẳng. Nhưng các bé cũng đang trong một thời kỳ phát triển tâm sinh lý nên chính trẻ đôi khi cũng buồn bã, bối rối, sợ hãi. Tuổi dậy thì của bé gái là từ 8-13, bé trai là 9-14.

Nhà có trẻ trong độ tuổi này, cha mẹ cần có kỹ năng và chiến thuật khi xử sự với trẻ, nhưng bạn có thể hướng dẫn trẻ để chúng học cách tự kiểm soát khá hơn, theo đó, cả bạn và trẻ đều cảm thấy bình tĩnh hơn. Hãy nhớ vấn đề nằm ở hành vi của trẻ chứ không phải bản thân đứa trẻ.

Đặt ra nguyên tắc gia đình

Một khi đã biết con sẽ bước vào tuổi thay đổi tâm sinh lý, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị. Đầu tiên hãy đặt ra những nguyên tắc trong gia đình. Một vài nguyên tắc đơn giản và rõ ràng như: cửa phòng luôn để mở, hoặc đóng thì không được khóa trái; lễ phép với mọi người; luôn sẵn lòng giúp đỡ cha mẹ, anh chị em; ngoan được thưởng, hư bị phạt,v.v..

Khi bé làm trái nguyên tắc, ví dụ ở trong phòng và khóa trái cửa, cha mẹ hãy kể một câu chuyện của người khác, làm bài học cho con biết sẽ rất nguy hại nếu trẻ bị gì mà không được cấp cứu kịp thời do không vào được trong phòng. Kể cho bé những câu chuyện về tính ích kỷ, chỉ biết mình mà không biết quan tâm đến người khác, và giải thích đó là tính xấu.

Cha mẹ nên đưa ra những phần thưởng và hình phạt có ý nghĩa. Nên thưởng đúng lúc khi trẻ tuân theo nguyên tắc với phần thưởng có ý nghĩa. Một lời khen của bạn cũng là phần thưởng đầy ý nghĩa đối với trẻ. Đặc biệt không nên thưởng nhiều tiền cho trẻ nhỏ chưa biết gì về giá trị đồng tiền.

Nếu trẻ lỡ mắc lỗi và bị phạt

Tùy lứa tuổi và tùy mỗi trẻ khác nhau, cha mẹ sẽ biết phạt con như thế nào để trẻ không tái phạm. Đối với trẻ lớn hơn, cắt bớt tiền tiêu vặt hoặc yêu cầu làm thêm việc nhà có thể sẽ hiệu quả. Với trẻ nhỏ hơn, hình phạt ngồi im trong thời gian ngắn (không quá một phút tính trên một tuổi) sẽ phù hợp hơn.
Nếu con của bạn có người chăm sóc tại nhà, hãy trao đổi với những người chăm sóc trẻ về các quy tắc. Nếu trẻ ở nhà cuối tuần với bố hoặc mẹ hoặc ở với người giữ trẻ sau giờ đến trường, bạn hãy trao đổi với họ về những gì đã áp dụng đối với trẻ. Đừng để xảy ra tình trạng trẻ ở với người này thì khác, ở với người kia thì khác. Sự thống nhất giữa mọi người sẽ giúp trẻ thành công hơn.

Làm gì khi trẻ giận dữ?

Cơn giận dữ là tình huống bình thường, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Hành vi này có thể kéo dài vài phút hoặc hàng giờ khiến cả trẻ và người chăm sóc chúng đều căng thẳng. Trẻ lên cơn giận dữ có thể gào thét và khóc lóc, nằm ăn vạ, chạy quanh nhà hoặc đấm vào tường. Cơn giận dữ ở trẻ bắt nguồn từ bất cứ điều gì, từ việc mệt mỏi hay đói bụng, đến việc gặp khó khăn khi làm homework. Bạn phải là người biết rõ nguyên nhân vì sao con giận dữ.

Điều quan trọng là bạn phải bình tĩnh khi trẻ nổi cơn tam bành. Nếu bạn bực mình, việc này sẽ chỉ khiến tình trạng tồi tệ hơn cho cả bạn và con. Bạn cần biết rằng những cơn giận dữ như vậy là chuyện bình thường ở trẻ và chúng rồi sẽ qua đi.

Khi trẻ giận dữ và đòi hỏi một điều gì đó, bạn đừng nên chấp nhận làm theo điều trẻ muốn vì làm như vậy sẽ khiến trẻ hiểu rằng giận dữ là hiệu quả, trong khi đó, điều trẻ cần là học cách nhận biết và thể hiện cảm xúc hiện có của mình. Tranh luận và la mắng cũng không giải quyết được vấn đề. Mặc dù có thể thật khó chịu khi trẻ khóc lóc, “làm mình làm mẩy,” nhưng tranh luận và quát tháo lúc đó không đem lại hiệu quả gì. Bạn phải hết sức bình tĩnh và để mắt đến trẻ trong lúc này, vì có thể trẻ sẽ tự làm mình bị đau để khiến cha mẹ phải chiều lòng.

Nếu trẻ đủ lớn để hiểu, bạn hãy đến gần trẻ và bình tĩnh giải thích rằng bạn muốn trẻ không làm như vậy, vì sự giận dữ không giải quyết được vấn đề. Nếu trẻ không thể dừng lại, bạn có thể đưa trẻ đến một chỗ yên tĩnh và yêu cầu trẻ im lặng trong một phút. Khi trẻ đã tuân thủ, bạn hãy chấm dứt hình phạt đó. Và khi cơn giận dữ đã qua đi, hãy mau thể hiện tình yêu của bạn dành cho con. Điều quan trọng là làm cho trẻ cảm nhận được tình yêu thương, và khen con vì con đã biết vâng lời, không giận dữ nữa.

Cư xử với trẻ không phải là con mình

Bà L. Pham nhận giữ hai trẻ nhỏ cho gia đình cặp vợ chồng mà chồng là bác sĩ, vợ là dược sĩ. Bà hay than thở, “Đứa bé dễ thương thế nào thì đứa lớn khó bảo thế ấy. Nó ương ngạnh với tôi lắm, nhưng cứ ba mẹ nó về thì nó lại khác.”

Người chăm sóc trẻ cũng phải biết tâm lý của trẻ nhỏ, và phải áp dụng các nguyên tắc gia đình của trẻ. Người chăm sóc trẻ, và ba mẹ của trẻ, phải thực hiện nguyên tắc với trẻ một cách thống nhất. Đừng cố gắng trở thành cha mẹ của đứa trẻ. Kể cả khi bạn muốn làm điều gì đó hơi khác với cha mẹ đứa trẻ vẫn làm, bạn cũng nên tuân theo nguyên tắc của họ.

Chán nản là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hành vi sai trái, vì vậy, nếu bạn trông trẻ cho người khác, nhớ dành thời gian cùng trẻ chơi trò gì đó vui vẻ, thú vị. Hãy làm cho trẻ trở nên bận rộn và chúng sẽ ít có cơ hội nghịch ngợm hơn. Nếu có thể, hãy tìm hiểu trước điều gì trẻ thích làm. Mỹ thuật và thủ công, trò chơi hoặc đồ chơi yêu thích có thể là những hoạt động hấp dẫn trẻ.

Tránh để trẻ bị đói hoặc mệt mỏi. Đói bụng và mệt mỏi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi khó bảo. Bạn hãy luôn chuẩn bị đồ ăn vặt và thức ăn sẵn phù hợp, và bạn biết giờ ăn của trẻ nhỏ. Trẻ cư xử tốt hơn khi chúng được ăn đủ và đi ngủ đúng giờ.

Bình tĩnh và áp dụng kỷ luật một cách tích cực. Nếu trẻ cư xử không đúng, điều quan trọng là bạn giữ được bình tĩnh, rồi ngồi xuống ngang với chiều cao của trẻ. Bình tĩnh nói cho trẻ biết trẻ đã làm gì sai. Nhớ sử dụng nguyên tắc và hình phạt mà bạn đã trao đổi với cha mẹ của trẻ. Không bao giờ được lên giọng hoặc đánh trẻ.

Trang bị kiến thức cho trẻ

Trên thực tế, với những trẻ được cha mẹ dạy trước kiến thức cơ bản, cần thiết về những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, trẻ sẽ lường trước được những thay đổi về sinh lý của bản thân và đỡ căng thẳng. Cảm thấy tự tin, hạnh phúc và tự hào về sự trưởng thành của cơ thể, trẻ sẽ không có những biểu hiện khác thường như thay đổi tính tình hay khó bảo.

Để chuẩn bị cho con, cha mẹ có thể cùng con đi mua sách, tham khảo tài liệu về những đặc điểm của hai giới khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì. Nếu chưa nắm chắc những kiến thức này, cha mẹ có thể trao đổi thêm với chuyên gia tư vấn để hỗ trợ con.

Ở lứa tuổi này các em rất dễ có biểu hiện thất thường, bốc đồng, sẵn sàng "đá thúng, đụng nia" khi không vừa ý, vì thế mẹ cũng cần trang bị cho con kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ cơ thể mình cũng như kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kiểm soát hành vi.

Hãy thể hiện tình yêu thương của bạn dành cho con trẻ, vì một khi có trách nhiệm và tình yêu thương, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và giúp con vượt qua được thời kỳ khó khăn này.
(Helpstartshere.org, Wikihow)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT