Văn Nghệ

Làm phim của lớp tiếng Việt tại đại học (kỳ 8)

Sunday, 13/08/2017 - 10:01:24

Các em tự dạy tiếng Việt, nói tiếng Việt với nhau. Nhưng rồi bận bịu quá các em cũng bỏ không duy trì sinh hoạt của CLB tiếng Việt nữa.

Bài BĂNG HUYỀN

Câu lạc bộ tiếng Việt tại UCI

Song song với việc cho các sinh viên lớp tiếng Việt 1 C và 2 C làm phim trong kỳ thi cuối khóa tại đại học UCI của Tiến sĩ Trần Chấn Trí, thì Câu Lạc Bộ (CLB) Tiếng Việt tại UCI được lập ra cũng là một cách sinh hoạt ngoại khóa cho các sinh viên, chú trọng phần nói tiếng Việt giữa các sinh viên với nhau. Thầy Trần Chấn Trí nói, “Trường UCI có câu lạc bộ tiếng Việt, tiếng Ba Tư, tiếng Ả Rập. Trước đó đã có CLB tiếng Việt rồi, có em làm chủ tịch, thư ký, có tổ chức những buổi họp… Các em tự dạy tiếng Việt, nói tiếng Việt với nhau. Nhưng rồi bận bịu quá các em cũng bỏ không duy trì sinh hoạt của CLB tiếng Việt nữa. CLB đã bị gián đoạn khoảng hai năm nay. Mới đây, cuối năm 2016 đầu năm 2017, tôi có hô hào lại các em lớp tiếng Việt lập lại CLB Tiếng Việt. Nhưng sự tham gia vẫn chưa có.”


Thầy Quyên Di được sinh viên giúp đội khăn đóng. (Hình cung cấp)

Thầy Trí cho rằng việc ít sinh viên ghi danh tham gia sinh hoạt với CLB tiếng Việt cũng có nhiều lý do, có hai lý do chính là do các sinh viên bận bịu bài vở, và các sinh viên cũng ngại nói tiếng Việt với nhiều người. Tham gia CLB tiếng Việt, bắt buột các sinh viên phải nói tiếng Việt, nên nhiều sinh viên thấy đó là một thách thức nên cũng ngại tham gia.

Theo thầy Trí, đây là hai trở ngại lớn nhất, nhưng bằng giá nào thầy cũng sẽ lập lại CLB tiếng Việt.
Khang Đỗ là sinh viên năm thứ ba, đang học ngành Quan Hệ Quốc Tế (International Relations) và Lịch Sử tại UCI, đã học xong lớp tiếng Việt 2 C của thầy Trí dạy, vào khóa học mùa xuân 2016. Khang cho biết, “Năm học 2017 này Khang không còn học lớp tiếng Việt với thầy Trí nữa, nhưng có tham gia cùng với bạn Jac Nguyễn và thầy Trí để gầy dựng lại hoạt động của CLB tiếng Việt, vốn đã có trước đây, nhưng sau đó bị ngưng hoạt động. CLB tiếng Việt chỉ mới lập lại cách nay vài tháng thôi, đến niên học mùa thu 2017 sẽ tìm thành viên ghi danh tham gia. Jac Nguyễn là chủ tịch, Khang là phó chủ tịch. Khi Khang vào học UCI, Khang có nghe nói về CLB tiếng Việt, nhưng Khang không tham gia vì lúc đó Khang tham gia nhiều câu lạc bộ khác trong trường. Đến khi học lớp tiếng Việt với thầy Trí, Khang có hướng dẫn cách nói tiếng Việt cho những bạn chưa rành, gặp Jac Nguyễn cũng là sinh viên của lớp tiếng Việt, Jac sinh ra tại Mỹ, lớn tuổi hơn Khang, vì sau khi đi lính về, Jac ghi danh học lại, Jac đề nghị với Khang lập lại CLB tiếng Việt, nên Khang đồng ý tham gia, với mong muốn bảo tồn ngôn ngữ của mình thông qua CLB này.”
Khang giải thích, “Trường UCI có câu lạc bộ VSA (Vietnamese Student Association- Hội Sinh Viên Việt Nam) rất lớn, nhưng VSA không thiên về học thuật, chỉ thiên về sinh hoạt xã hội thôi, chứ không có mục đích truyền bá ngôn ngữ, truyền bá văn hóa qua ngôn ngữ như CLB Tiếng Việt. Dù mang tên CLB tiếng Việt của đại học UCI, nhưng mục đích CLB mở ra không chỉ dành cho thành viên trong phạm vi trường UCI, mà mở rộng ra những người nào ngoài trường UCI, muốn học thêm ngôn ngữ tiếng Việt, học thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam. Những bạn ở tiểu bang khác, cũng có thể tham gia CLB tiếng Việt của UCI, bằng cách vào facebook của CLB để ghi danh.”

Địa chỉ Face Book của CLB tiếng Việt trường đại học UCI: https://www.facebook.com/ Câu-Lạc-Bộ-Tiếng-Việt-UCI-Vietnamese-Language-Club-593600007506258/. Nếu các bạn muốn ghi danh tham gia CLB, chỉ cần gửi tin nhắn đến email của Khang: khangld@uci.edu hoặc gửi tin nhắn trực tiếp đến trang FB của CLB.

Khang cho biết, “CLB không giới hạn với bất kì ai. Các bạn có thể tham gia từ xa. Mục đích chính của CLB là để quảng bá hình ảnh đất nước văn hóa và con người Việt Nam. CLB hoàn toàn miễn phí. Các thành viên có cơ hội tiếp cận với tiếng Việt nhiều hơn cũng như có cơ hội nghe các bài giảng bổ ích từ các giáo sư tên tuổi Asian American Studies tại đại học UCI cũng như các trường liên kết có chương trình tiếng Việt (như UC San Diego, UCLA, UC Davis, UC Berkeley, University of Washington, Cornell University).”
Theo Khang Đỗ, dù CLB tiếng Việt chuyên về học thuật, nhưng cũng có những sinh hoạt xã hội. Các bạn ở xa thì tham gia CLB qua online, học tiếng Việt trên online, Khang và Jac Nguyễn đang có ý tưởng bỏ phim Việt Nam lên trang web của câu lạc bộ cho các bạn xem, để các bạn cùng bàn luận về phim đó bằng tiếng Việt. Còn những bạn ở quanh quận Cam thì có thể tham gia CLB hai tuần một lần, sẽ có những buổi họp mặt để các thành viên gặp gỡ nhau. Địa điểm gặp nhau sẽ thay đổi mỗi lần họp mặt, để tạo hứng thú cho các bạn.

Có thể là ngoài công viên hay trong một nhà hàng nào đó, không nhất thiết phải trong lớp học. Khang Đỗ và Jac Nguyễn cố gắng sẽ tạo những sinh hoạt xã hội cho các thành viên cùng tham gia, và có cả học thuật, nhưng trung hòa cả hai. Vì nếu chú trọng học thuật, nhiều bạn không thích, do các bạn đã học nhiều quá, khi tham gia CLB sẽ không thích tiếp tục học nữa, nên CLB vừa giúp các bạn xả stress, nhưng vẫn phát triển khả năng tiếng Việt cho các bạn.

Khang Đỗ cho rằng, “Ngôn ngữ Việt Nam mình rất đẹp. Tính ra tại Đông Nam Á, chỉ có tiếng Việt sử dụng ngôn ngữ latin là chữ cái để viết, người Việt có quyền tự hào vì tiếng Việt đồng điệu với các ngôn ngữ khác trên thế giới. Tiếng Việt còn có điểm mạnh là có thể dịch các thứ tiếng khác ra tiếng Việt.
“Nhiều khi phải dùng từ Hán Việt, nhưng nó cũng đã trở thành tiếng của mình rồi, Khang cảm giác bây giờ tiếng Việt của mình có nhiều người biết đến hơn, có nhiều người nước ngoài học ngành Việt Nam học trong nước, đó cũng là một trong những điều Khang rất tự hào. Hơn nữa, người Việt của mình sống nhiều nơi trên thế giới, cũng là thế mạnh giúp truyền bá ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử…đến với các sắc dân bản địa. Vì vậy mọi người gốc Việt sống ở hải ngoại nên cùng nhau học tiếng Việt, để phát triển nó dài lâu nơi xứ người.”

Đêm Hội Văn Hóa Việt Nam

Bên cạnh việc duy trì tiếng Việt bằng sinh hoạt ngoại khóa như CLB tiếng Việt tại trường UCI, hầu hết các trường đại học tại Hoa Kỳ có đông sinh viên gốc Việt học, đều có Hội Sinh Viên Việt Nam và Hội Sinh Viên Việt Nam luôn có tổ chức Đêm Hội Văn Hóa Việt Nam (Vietnamese Culture Night). Có thể nói Đêm Hội Văn Hóa Việt Nam là chương trình lớn và tâm huyết nhất của Hội Sinh Viên Việt Nam tại các trường đại học, thu hút các sinh viên, giáo viên, gia đình của sinh viên và thành viên trong cộng đồng Việt và cộng đồng các sắc dân khác.

Đêm Hội Văn Hóa Việt Nam cũng là một nỗ lực của Hội Sinh Viên Việt Nam để duy trì và quảng bá nền văn hóa của cộng đồng người Việt. Đêm Hội Văn Hoá còn tượng trưng cho tình đoàn kết và tính thống nhất của Hội Sinh Viên trong việc gìn giữ, thấu hiểu, và bảo tồn nền di sản văn hóa của cha ông. Đây còn là cơ hội để các thành viên trong Hội Sinh Viên Việt Nam thể hiện sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam của mình qua các vở kịch ngắn, trình diễn áo dài, ca hát và trình diễn những điệu múa dân tộc.

Thầy Quyên Di cho biết, “Tại Cal State Long Beach, đã có truyền thống lập hội VSA lâu lắm rồi. Chính từ truyền thống đó mà có cuộc thi Áo dài trong cộng đồng chúng ta. Tại trường đại học, bất cứ nhóm sinh viên nào muốn lập hội, cũng điều có thể lập, miễn là phải theo những điều kiện mà nhà trường đưa ra. Có nhiều điều kiện để lập hội, nhưng một trong những điều kiện là phải có một nhân viên trong ban giảng huấn của nhà trường làm cố vấn cho hội đó. Khoảng sáu, bảy năm nay, các em sinh viên mời tôi giúp cho vai trò đó, làm cố vấn cho hội VSA tại Cal State Long Beach.

“Trách nhiệm tôi không có nhiều, vào đầu năm học chỉ cần tôi xác nhận mẫu đơn bằng lòng làm cố vấn cho hội VSA, cứ ba tháng các em gặp tôi một lần cho biết các em đang sinh hoạt như thế nào. Tôi không có trách nhiệm, nhưng nếu tôi muốn tôi có thể đến thăm những buổi sinh hoạt của các em. Nhưng thật ra tôi nhiều việc quá, nên cũng ít đến lắm. Chỉ có các em cho biết đang thực hiện những việc gì, sắp có những sự kiện lớn nào sẽ tổ chức, ví dụ như Đêm Hội Văn Hóa Việt Nam.”

Thầy Quyên Di nói dù Hội Sinh Viên Việt Nam VSA tại Cal State Long Beach đã có từ lâu rồi, nhưng mới năm rồi (2016) mới lập ra được VGRAD (graduation), là buổi lễ Sinh Viên Việt Nam ra trường, mời đại diện nhà trường tới dự, mời các giảng viên tới, thầy Quyên Di có tới, mặc áo ra trường, đội mũ mão và đọc diễn văn (thường thì chỉ đọc bằng tiếng Anh, đôi khi có 2 ngôn ngữ Anh- Việt), rồi phát chứng chỉ cho các em.

Thầy Quyên Di giới thiệu, “Tại UCLA thì Hội Sinh Viên Việt Nam lấy tên là VSU (Vietnamese student Union), nhờ lấy tên nghiệp đoàn thì sẽ được funding của nhà trường cho nhiều. Nhà trường có những biên chế về nghiệp đoàn, nên nằm trong biên chế của union, có rất nhiều lợi ích. Vì vậy người cố vấn chính thức của VSU phải là người của nhà trường, mới có thể cấp những funding cho các em, còn tôi chỉ là cố vấn không có tên chính thức. Tuy vậy, sự gắn bó của tôi với VSU tại UCLA lại mật thiết hơn là tại VSA ở Cal State Long Beach.

“Vì tinh thần làm việc của các em của VSU ở UCLA với tôi thân thiết hơn, các em thường xuyên hỏi ý kiến của tôi từ việc nhỏ đến việc lớn. Hai hội VSA tại Cal State Long Beach và VSU tại UCLA đều có sinh viên tham gia khá đông, không phải chỉ có sinh viên gốc Việt, mà có cả những sinh viên sắc dân khác cùng tham gia. Những Đêm Hội Văn Hóa Việt Nam luôn có chào cờ Việt- Mỹ, hát quốc ca VNCH, kịch bản dàn dựng sân khấu chuyên nghiệp lắm, nhưng phần lớn là nói tiếng Anh, lâu lâu thì có những đoạn nói tiếng Việt.”

Bày tỏ ước mong các thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt cần giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa Việt. Vì theo thầy Quyên Di, “Điều đó không những chỉ vì sự ràng buộc tinh thần (Là người Việt thì phải biết tiếng Việt và văn hóa Việt), mà còn vì ngôn ngữ và nhất là văn hóa Việt có nhiều điều tốt đẹp đáng cho mình học hỏi, trau giồi. Vả lại, biết tiếng Việt, đời sống của các em sẽ phong phú hơn, cả về tinh thần, tình cảm lẫn vật chất.

Phong phú về tinh thần, vì biết hai ngôn ngữ, hai văn hóa, đương nhiên đời sống tinh thần của mình phong phú hơn người chỉ biết có một. Phong phú về tình cảm, vì mối liên hệ của mình với người thân sẽ bền chặt, ấy là chưa nói tới mối liên hệ với cả một dân tộc. Phong phú về vật chất, vì một sinh viên ra trường biết tiếng Việt, tìm việc làm sẽ dễ hơn là những sinh viên Việt mà không biết tiếng Việt. Đã có rất nhiều sinh viên Việt Nam biết rành tiếng Việt, sau khi ra trường thì trở về sinh hoạt và sinh sống với cộng đồng Việt Nam.”

Có bao nhiêu ngôn ngữ thì có bấy nhiêu cách biểu đạt tình cảm, nhưng có gì tuyệt vời hơn khi con trẻ lớn lên có thể chia sẻ cảm xúc của mình với người thân bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Và có gì buồn hơn khi nhìn thấy con trẻ của mình bất lực trong việc chia sẻ cảm xúc với ông, bà vì bất đồng ngôn ngữ.

Nếu các em biết đọc, biết nói tiếng Việt, sẽ có cơ hội tìm hiểu những tinh hoa của truyền thống văn hóa Việt qua những lời hay ý đẹp từ ca dao, tục ngữ, những bài học luân lý Việt Nam. Những triết lý sống nhân bản, hiền hòa của ca dao tục ngữ Việt Nam đã ngấm vào máu từng người theo cuộc đời.

Dạy con người hãy "Ở hiền gặp lành," dạy con người sống tử tế với nhau, "Thương người như thể thương thân". Hoặc các em đọc được những câu chuyện về lịch sử đấu tranh của dân tộc, về các anh hùng dựng nước, giữ nước, để biết thế nào là lịch sử của dân tộc bị 1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, nhưng ông cha vẫn gìn giữ được văn hóa để truyền lại cho con, cháu. Khi các em hiểu được lịch sử của cha ông, thì mới biết tự hào về nguồn cội của mình.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT