Mẹo Vặt

Làm sao cho đất tốt: Tìm hiểu chua mặn và phân bón

Tuesday, 19/05/2015 - 08:33:08

Độ pH dưới 6 là đất acid (đất phèn, chua), con số càng thấp là càng chua; Trên 7 là đất kềm (đất mặn), con số càng cao là càng mặn (người Mỹ lại gọi là đất “ngọt”)

Bài VŨ HẰNG

Chúng ta đã tìm hiểu về ba loại dưỡng chất chính để nuôi cây, đó là N (Nitrogen), P (Phosphorous) và K (Potassium). Các bao phân bán ở ngoài chợ chủ yếu là giúp bồi bổ ba yếu tố đó. Thế nhưng, khi sử dụng, cây có hấp thụ được dưỡng chất không, hấp thụ được nhiều hay ít, phần lớn là do đất có khả năng tiếp nhận đến đâu.
Mặc dầu phân bón tác dụng trực tiếp vào cây, nhưng đó chỉ là tác dụng tạm thời, muốn đạt được kết quả lâu dài, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của đất là môi trường trung gian phát triển cho cây. Nếu đã từng nuôi em bé, bạn sẽ hiểu rằng sữa có tốt tới đâu chăng nữa mà em bé ăn vào lại ói hoặc tống hết ra cửa sau thì cũng chẳng ích gì, vì thế, cần phải đưa cháu đi bác sĩ để xem cái bụng của cháu có vấn đề gì không trước đã. Vuông đất trồng cây chính là cái bụng, nó phải có khả năng tiếp nhận và tiêu hóa dưỡng chất, và nếu đất không làm được việc ấy, chúng ta cần phải biết lý do tại sao.

Thử nghiệm độ pH trong đất bằng dụng cụ thử “ướt”



Câu trả lời dễ lắm, bà lang vườn này có thể trả lời ngay: Đó là do độ chua mặn, hay đúng hơn là độ pH, biểu thị lượng acid (chua) và lượng base (kềm) trong đất. Độ pH được đánh số từ 1 đến 14. Độ pH trung bình, từ 6 tới 7, là môi trường tốt nhất cho đa số mọi loại cây, rau cũng như hoa. Độ pH dưới 6 là đất acid (đất phèn, chua), con số càng thấp là càng chua; Trên 7 là đất kềm (đất mặn), con số càng cao là càng mặn (người Mỹ lại gọi là đất “ngọt”)

Độ chua mặn và sự hấp thụ dưỡng chất

Đất có độ pH trung bình giúp cây dễ hấp thụ dưỡng chất; Quá chua hoặc quá mặn làm tăng hoặc làm giảm khả năng tiếp nhận và cung ứng dưỡng chất cho cây:
- N (nitrogen): Đất có độ pH trung bình (từ 6 tới 7) là tốt nhất vì nó có thể biến đổi Nitrogen thành dạng thích hợp để cây có thể tiếp nhận ngay.
- P (Phosphorus) cũng chỉ thích hợp với đất có độ pH trung bình. Nếu đất nhiều chất chua (pH dưới 6), phosphorous sẽ kết hợp với calcium, tạo thành vôi cứng, không hòa tan, chẳng còn có ích lợi gì cho cây. Ngược lại, nếu đất quá mặn (pH trên 7), phosphorous sẽ kết hợp với các kim loại như sắt (iron) nhôm (aluminium), và cũng trở thành khối cứng, không hòa tan.
- K (potassium): Đất càng chua (pH dưới 6) càng có ít K. Lớn lên trong đất thiếu K, cây sẽ èo uột, dễ chết vì sâu bệnh, hoặc không đủ sức chống chỏi thời tiết khắc nghiệt…
- Với những dưỡng chất khác, độ pH trung bình (từ 6 tới 7) cũng là môi trường lý tưởng để cho cây hấp thụ. Ngoài ba thứ căn bản NPK, cây còn những dưỡng chất khác, thực ra chỉ là phụ vì cây chỉ hấp thụ một tỷ lệ rất nhỏ. Những dưỡng chất phụ như manganese, iron, copper, zinc và boron không có trong đất mặn; và Molybdenum vắng mặt trong đất chua.
Tuy nhiên, phải nhận rằng cũng một số cây lại thích đất hơi chua hoặc hơi mặn. Chẳng hạn, khoai tây (potatoes), dâu tây như blueberries, strawberries và azalea (hoa đỗ quyên)… thích đất hơi chua (pH dưới 6), trong khi broccoli, cauliflower, cabbage (cải bắp), turnips (củ cải).. lại thích đất hơi mặn (pH cao hơn 7).

Điều chỉnh độ chua mặn

Để có được môi trường trung gian thuận lợi, chúng ta cần phải có những biện pháp điều chỉnh độ pH của đất. Nhưng trước hết, cần phải hiểu đất nhà mình chua mặn thế nào? Có điều hòa không? Hay chua quá? mặn quá?
Cách thử “ướt” là lấy một ít đất, cho vào ống, đổ nước đầy, cho thêm một “cục thuốc,” nước sẽ từ từ biến màu. Rồi dựa vào sự đổi màu mà kết luận về độ pH. Dụng cụ thử “khô” thì dùng một cây đinh dài cắm sâu vào đất, rồi theo dõi cây kim xê dịch trên mặt đồng hồ để xem chỉ số chua mặn ra sao. Cách thử “khô,” tuy đơn giản hơn nhưng chắc chắn không chính xác bằng cách thử “ướt” như trên.
Tìm được kết quả sau khi thử nghiệm mới có thể điều chỉnh độ chua mặn. Nếu đất quá chua, nhà vườn rắc thêm vôi bột, còn đất quá mặn rắc thêm diêm sinh. Quan trọng là phải gia giảm sao cho đủ, đừng ít quá, đừng nhiều quá…. Phải nhận rằng tính toán là chuyện rất nhức đầu, ai làm được chứ Hằng thì không. Con bé này chỉ có một cách đơn giản là pha thêm “vàng đen” vào, càng nhiều càng tốt!
Vàng đen (compost) sẽ giúp điều hòa độ pH trong đất, cao giảm xuống, thấp kéo lên. Dĩ nhiên, dùng vàng đen, chúng ta phải có đủ kiên nhẫn, chờ sự hợp tác của thời gian. Nếu không thể chờ được, hoặc tình trạng đất không thể cải thiện được do quá chua hoặc quá mặn, em đề nghị mình xóa bài làm lại từ đầu, nghĩa là dựng vườn nâng (raised bed) với một lớp đất trong khung hoàn toàn mới. Các bạn còn nhớ vườn nâng chứ?
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT