Tiêu Thụ

Làm sao đánh giá một cơ sở từ thiện?

Friday, 26/01/2018 - 08:07:37

Chẳng hạn, để được vào “bảng phong thần” của BBB Wise Giving Alliance, các tổ chức từ thiện phải dùng ít nhất 65 phần trăm số tiền quyên góp được vào các mục đích từ thiện thực sự, và phần còn lại cho các dịch vụ hành chánh không thể vượt quá 35%.

Bài ERIC TRẦN

Xét từ góc độ người tiêu thụ, làm từ thiện cũng là… mua sắm. Ở đây, chúng ta không mua một sản phẩm hoặc một dịch vụ, mà chúng ta mua “nhân nghĩa.” Ích lợi của nhân nghĩa không thấy ngay được trước mắt, nhưng ai cũng tin là vô cùng lớn lao trong tương lai. Nhưng mua “nhân nghĩa,” chúng ta không đánh giá sản phẩm, mà đánh giá “người bán,” nghĩa là đánh giá những tổ chức đứng ra quyên góp. Làm từ thiện, chúng ta phải đặt câu hỏi: Đồng tiền của mình có đến đúng với đối tượng đang cần được giúp đỡ hay không.
Sở dĩ phải đặt ra câu hỏi ấy là vì không phải tổ chức từ thiện nào cũng giống nhau; Không phải tất cả những ai đứng ra xin tiền cho người nghèo đều là vì người nghèo cả. Các chuyên gia Consumer Reports, một tổ chức chuyên tìm hiểu các vấn đề về người tiêu thụ, nêu lên lời cảnh giác: “Đóng góp từ thiện mà chỉ nhìn vào cái tên của tổ chức thôi thì có thể lầm chết được. Đồng tiền của bạn có thể sẽ rơi vào tay những tổ chức không xứng đáng.”

Nhưng làm sao chúng ta có thể kiểm tra được việc làm của những tổ chức đứng ra quyên góp ấy?

Xem bản tường trình chi tiêu Form 900

Có nhiều cách giúp chúng ta tìm ra những tổ chức xứng đáng và loại trừ những băng nhóm mượn danh để mưu đồ lợi ích riêng; Ông Bennett Weiner, giới chức quản trị BBB Wise Giving Alliance, đưa ra một tiêu chuẩn: Xem bản tường trình chi tiêu, gọi là Form 900; Bản tường trình này ghi rõ chi phí hành chánh - bao gồm tiền lương nhân viên, tiền quảng cáo, tiền gửi thư gây quĩ... - cũng như số tiền dùng vào mục đích từ thiện.


Tiền đóng góp để làm từ thiện có thể coi là tiền “mua nhân nghĩa.”

Nói một cách khác, đọc bản tường trình này, người tiêu thụ có thể đi ngay đến một kết luận: Chi phí nhiều thì từ thiện ít, và ngược lại, chi phí ít thì từ thiện nhiều. Từ đó, không mấy khó khăn để suy ra: Những tổ chức từ thiện chân thực thường hạn chế chi phí hành chánh đến mức tối đa; Những tổ chức tá danh chắc chắn sẽ dành phần lớn hơn cho các chi phí phụ thuộc.

Consumer Reports so sánh hai tổ chức có danh từ thiện là National Veteran Services Fund và National Military Family Association, với sự tương phản rõ nét như sau:


Phùng Hoan giải nợ cho dân nghèo để “mua nhân nghĩa” cho chủ của mình.

- National Veteran Services Fund (Quĩ Phục Vụ Cựu Chiến Binh Toàn Quốc), văn phòng chính đặt tại Connecticut, quyên góp được $8.6 triệu đô trong năm 2015. Nhưng chưa đến 1/3 số tiền đó được sử dụng để giúp những cựu chiến binh thương tật. Phần tiền lớn hơn, gần $6.9 triệu được chi tiêu vào các dịch vụ hành chánh như gây quĩ, trả lương nhân viên, điện nước văn phòng, chi phí hội họp….

- Đối chiếu với một tổ chức khác, hoạt động trong cùng lãnh vực, có tên National Military Family Association (Hiệp Hội Gia Đình Quân Nhân Toàn Quốc), trụ sở tại Alexandria, Virginia, chúng ta sẽ thấy một tỷ lệ khác hẳn: Cũng trong báo cáo năm 2015, tổ chức này dùng 82% số tiền quyên góp, tương đương $5.2 triệu, cho các chương trình từ thiện, và chỉ có gần 13% cho lương nhân viên và sinh hoạt gây quĩ.

Những con số ấy đã nói lên sự khác biệt giữa hai tổ chức mang danh từ thiện, phục vụ cùng một đối tượng là những cựu quân nhân thương tật. Giới tiêu thụ có thể dễ dàng tìm ra những chi tiết này qua báo cáo Return of Organization Exempt from Income Tax, hoặc Form 900, mà các tổ chức có danh nghĩa từ thiện phải trình bày công khai hằng năm.

Xem tường trình Watchdog

Tuy nhiên, tự mình tìm hiểu những cái Form 900 dày đặc chi tiết là một việc làm có thể vượt tầm tay đa số chúng ta. Có một cách đơn giản hơn, đó là theo dõi tường trình Watchdog. Như tên gọi đã gợi ra, Watchdog là những tổ chức điều tra theo dõi việc làm của các tổ chức mang danh từ thiện, rồi đúc kết thành một bảng xếp hạng thành tích của những tổ chức từ thiện ấy.
Theo dõi các báo cáo đúc kết này, giới tiêu thụ sẽ có một ý niệm khá cụ thể và chính xác trước khi “chọn mặt gửi tiền” mà không phải tự mình tìm hiểu những cái Form 900 phức tạp
Bạn có thể tham khảo bản tường trình hằng năm của những tổ chức Watchdog có uy tín sau đây:
- BBB Wise Giving Alliance
- Charity Navigator
- Charity Watch
Bản tường trình của những watchdog này sẽ giúp chúng ta chọn lọc những đối tượng xứng đáng để giao phó đồng tiền mua “nhân nghĩa.”


Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm có tiếng trong lịch sử.

Chẳng hạn, để được vào “bảng phong thần” của BBB Wise Giving Alliance, các tổ chức từ thiện phải dùng ít nhất 65 phần trăm số tiền quyên góp được vào các mục đích từ thiện thực sự, và phần còn lại cho các dịch vụ hành chánh không thể vượt quá 35%.

CharityWatch thì dùng một thang điểm, đánh số từ A tới F, trong đó A là điểm tốt nhất và F là điểm xấu nhất. Trong bảng đánh giá này, National Veterans Services Fund được điểm F; và National Military Family Association được điểm A. Ông Daniel Borochoff, chủ tịch sáng lập viên CharityWatch cho biết: “Để đồng tiền của mình được sử dụng đúng nghĩa, các bạn nên chọn những tổ chức từ thiện có điểm A.”
*

Đề tài “mua nhân nghĩa” không khỏi làm chúng ta nhớ đến một chuyện xưa: Mạnh Thường Quân là một người hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần thiết. Có lần kia, ông nhờ Phùng Hoan, một trong các nhân sĩ được ông trọng đãi lâu nay, đi đòi lãi nợ để lấy tiền về trang trải chi phí trong nhà.

Trước khi đi Phùng Hoan hỏi Mạnh Thường Quân, “Chủ nhân có cần gì xin cho biết để khi về tôi sẽ mua?” Mạnh-thường-Quân trả lời vu vơ, “Ông thấy nhà còn thiếu thứ gì thì mua!”


Salvation Army, một tổ chức từ thiện đã hoạt động lâu đời tại Hoa Kỳ và Canada.

Phùng Hoan ra đi, ít lâu sau trở về trình báo, “Thưa chủ nhân, tôi đã dùng tiền để mua cho ngài sự nhân nghĩa! Vì xét ra, trong nhà ngài chẳng còn thiếu gì, chỉ có nhân nghĩa là còn thiếu thôi.” Chả là vì, Phùng Hoan đến gặp các con nợ, thấy họ nghèo khổ quá, không nỡ đòi lấy lãi, mà trái lại, còn tha luôn cả nợ gốc bằng cách cho họ mang văn tự vay mượn mà đốt đi, để mua lấy nhân nghĩa mang về cho Mạnh Thường Quân.

Thời xưa, tìm được một người như Mạnh Thường Quân là khó, mà tìm được một người như Phùng Hoan cũng không phải là dễ. Thời nay, chúng ta có nhiều cơ hội trở thành Mạnh Thường Quân, và việc “mua nhân nghĩa” cũng trở nên dễ dàng hơn qua sự hiện diện của các Watchdog. Điều căn bản là chúng ta phải đồng ý với nhau rằng “nhân nghĩa” cũng là một món hàng cần được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi.
Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT