Mẹo Vặt

Làm thế nào để trị … lizards

Wednesday, 03/09/2014 - 09:29:50

Xuất hiện bên trong nhà, bò trên vách tường hoặc đeo ngược trên trần nhà, đó là thạch sùng hoặc thằn lằn. Lizards ở ngoài vườn là thằn lằn, rắn mối và tắc kè. Phần dưới đây, Hằng cũng theo bạn, gọi chung là Lizards cho đỡ rắc rối.



Rắn mối là một loài Lizards



Vũ Hằng

Đó là điều Hằng chưa bao giờ nghĩ đến, nhưng bạn đọc thắc mắc thì Hằng xin đưa ra để xem ai có cao kiến gì không. Lá thư vắn tắt thế này: “Chào chị Hằng. Vườn nhà tôi có một số lizards, chị có biết mẹo vặt nào để làm cho lizards chạy đi hay chống lại lizards. Nếu chị đăng lên báo Người Việt Tự Do ở San Diego, xin cho biết báo ngày nào sẽ có đăng bài để chúng tôi coi. Xin cám ơn chị.”
Cám ơn bạn đã tín nhiệm và tham khảo. Nói lòng ngay, trong số những trở ngại xảy ra khi làm vườn (mà bực mình nhất là đám mèo hoang hay tìm vào ỉa bậy), Hằng chưa phải đối phó với lizards bao giờ. Hỏi cô giáo thì cô bảo tại số mình … không hên. Bởi vì, lizards là phúc tinh, nhìn thấy chúng xuất hiện đâu đó trong vườn là may mắn đấy. Nghe lạ nhỉ!

Lizards là gì?

Nhưng trước tiên, cần phải đồng ý với nhau là mình đang nói tới cái giống gì trong vài ngàn thứ Lizards lổm nhổm trên mặt đất này. Có lẽ bạn phân vân không biết gọi tên nào cho chính xác, nên mới nói chung là Lizard. Với người mình, Lizards có ít nhất 4 tên phổ thông: Thằn lằn, thạch sùng, rắn mối, và … tắc kè. Đúng vậy, tắc kè cũng là một giống lizard, nhưng là lizard cao cấp và đặc biệt, có tên riêng là Chameleon.
Xuất hiện bên trong nhà, bò trên vách tường hoặc đeo ngược trên trần nhà, đó là thạch sùng hoặc thằn lằn. Lizards ở ngoài vườn là thằn lằn, rắn mối và tắc kè. Phần dưới đây, Hằng cũng theo bạn, gọi chung là Lizards cho đỡ rắc rối.

Lizards trong vườn

Cô giáo em bảo Lizards không xấu, bởi vì chúng không ăn rau quả của mình. Trái lại, chúng chỉ ăn sâu bọ, ruồi, nhện, kiến, dế chũi… những loài chuyên quấy phá và sống tầm gửi vào cây, mà không bao giờ xâm phạm vào rau trái trong vườn. Đối với con người, lizards hoàn toàn vô hại. Ngay cả cái loài có cái tên dữ dằn là rắn mối cũng vậy. Chúng không tấn công, không cắn, không phun nọc độc như rắn, ong… không chích như muỗi, kiến. Trái lại, chúng rất nhát, nghe thấy chân người là vội vàng lỉnh xa.
Bởi Lizards góp phần tiêu diệt sâu bọ, chúng được coi là phúc thần của vườn cây. Nhiều nhà vườn chuyên nghiệp còn muốn tạo thêm điều kiện thích hợp để mời chúng vào vườn.
Nói tóm lại, lizards, dù đó là thằn lằn, rắn mối, hay tắc kè… đều không phải là “bad guys”. Chắc bạn may mắn nên mới được mấy người “bạn” này đến giúp đỡ. Chúng đến nhiều là vì vườn nhà bạn có quá nhiều sâu bọ. Nếu không thích, bạn có thể tự mình diệt bớt sâu bọ, thì lizards sẽ từ từ kéo đi.


Một loài khác là thạch sùng (thằn lằn)

Và cả tắc kè cũng được kêu là Lizards,


… Nhưng chúng chỉ ăn sâu bọ, chứ không phá vườn.

 

Lizards và bài học lớn

Nói như vậy là chẳng giúp được gì, Hằng sợ bạn sẽ không vui. Vậy, xin mời bạn vào nhà, để em kể hầu một câu chuyện khác:
Số là có một người kia, nghe nói ở Nhật Bản, muốn sửa lại ngôi nhà cũ nên phải phá mấy bức tường. Trong lúc phá tới một bức tường gỗ rỗng ruột, anh nhìn thấy một con thằn lằn bị mắc kẹt bên trong do chiếc đinh từ phía ngoài đóng ghim chân nó vào cột tường. Người ấy rất thương cảm, tìm hiểu nguyên nhân, mới biết rằng đây là cái đinh đã được đóng từ khi mới dựng nhà cách đây ít nhất 10 năm. Như vậy, có thể nào con thằn lằn này đã bị ghim chân vào đây suốt 10 năm? Nó không thể xê dịch thì ăn làm sao? Uống làm sao? Một điều tưởng chừng như quá dị thường, không thể nào tìm được lời giải đáp! Vì thế, anh tạm ngừng làm việc, ngồi một góc quan sát.
Một lúc sau không biết từ đâu xuất hiện một con thằn lằn khác, miệng ngậm thức ăn, bò về phía con thằn lằn mắc kẹt để mớm cho con kia. Thì ra vậy, lý do giúp “nạn nhân” còn sống tới bây giờ là hoàn toàn nhờ vào sự săn sóc và bảo dưỡng của con thằn lằn kia! Không biết chúng có “bà con” với nhau không? Có phải ruột thịt hay chỉ là bạn bè? Và có phải nó đã liên tục mang thức ăn tới trong suốt 10 năm nay, không mệt mỏi, không từ bỏ hy vọng? Hay là có một vài con khác, thay phiên nhau đến để giúp đỡ và nuôi sống con vật bị nạn? Dù thế nào chăng nữa, đây cũng là một hành động biểu hiện yêu thương, mà loài người chúng ta không thể nào tưởng tượng được trong một loài hạ cấp như … con sâu cái kiến!
Người kể lại câu chuyện này cứ một hai cam kết rằng đó là chuyện có thật. Nhưng Hằng nghĩ, ngay cả khi tác giả chỉ có ý “nhân cách hóa” để nhấn mạnh bài học thương yêu và chia sẻ, thì câu chuyện vẫn rất đáng nghe. Và sở dĩ những con lizards được chọn là vì bản tính chúng hiền lành.
Cám ơn bạn đã tham khảo về một đề tài rất hay. Hy vọng, bạn sẽ đọc được bài này trong ấn bản phát hành tại San Diego. Còn vấn đề bài đăng vào ngày nào thì Hằng mù tịt. Nhưng chắc chắn xếp của em biết, vậy bạn quay số tòa soạn (714-379-2851), và xin nói chuyện với tổng thư ký Hoàng Mai Đạt nhé.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT