Tiêu Thụ

Làm thế nào để trị bệnh Shopping?

Saturday, 21/12/2013 - 12:02:36

Nhưng thế nào rồi cũng đến lúc “thấy quan tài mới đổ lệ,” đương sự sẽ nhận rằng mình bị trăng trói của tật mê shopping, và muốn thoát ra khỏi sự trăng trói đó.

Eric Trần

Shopping … sướng lắm chứ, có khổ gì đâu mà phải trị! Còn nói được như thế là vì cơn bệnh chưa hành hạ, dày vò, làm khổ mình. Nhưng nếu đó là một kiểu sướng như “chăn trâu sướng lắm chứ!” thì chắc là không ổn. Người nghệ sĩ có thể ngồi ôm đàn bên điếu thuốc, ly cà phê… nhìn ra ngoài cánh đồng ca ngợi cảnh chăn trâu, nhưng bản thân em bé chăn trâu chắc không sung sướng gì. Còn shopping, lúc đầu thì vui, nhưng nếu bạn đã cảm thấy nghèo đi, con cái nheo nhóc, chồng vợ bất hòa, nhà cửa nhếch nhác… chỉ vì cái tật ham mê shopping của mình, thì chắc không còn gì vui nữa, và có thể bạn cũng đã muốn bỏ nó lắm rồi. Chỉ có điều là không bỏ được, biết nó là nguyên nhân gây phiền toái, nhưng làm sao dứt khoát bây giờ?
Cần phải nói lại rằng, shopping là một sinh hoạt không thể thiếu của đời sống. Nó làm cho đời sống được tiện nghi, xã hội tiến bộ, thị trường khởi sắc. Nhưng Shopping phải được coi như một chứng bệnh khi nó tiến tới một tình trạng mà giới tâm lý học gọi là “compulsive shopping,” có nghĩa là mua hàng bốc đồng, mua hàng theo sự thúc giục của cảm tính. Người mình nói “tiêu tiền…. chết bỏ,” người Mỹ nói “shop til you drop,” y giới gọi nó là “Oniomania,” một “hội chứng” sinh ra do các hỗn loạn hóa chất não bộ. Với giới bình dân, các ông bà bác sĩ gọi nó là “shopaholics,” cũng như người nghiện rượu được gọi là “alcoholics”…. Ai cũng biết là ngành y khoa tây phương có rất nhiều tham vọng, cái gì họ cũng đòi chữa bằng thuốc. Ngay cả khi chúng ta chán nản buồn rầu, họ cũng gọi mình là bệnh nhân, rồi “kê” ngay mấy viên thuốc để về uống cho hết buồn. Không hiểu tây y có một thứ thuốc gì bán ở Pharmacy, mua về uống là … tự nhiên hết ham đi shopping không? Thú thực, người viết không tin lắm ở những cách chữa bênh bằng thuốc như vậy. Với “bệnh” shopping vốn là một yếu đuối về tâm lý, cách chữa trị chủ yếu là sử dụng, nội lực, ý chí và quyết tâm. Có quyết tâm rồi, chúng ta mới có thể tiến hành những việc làm cụ thể như sau:
1. Nhận rằng mình có bệnh: Bởi vì đây là bệnh tâm lý, nên điều đầu tiên là phải nhận mình có bệnh, và muốn tìm cách từ bỏ nó. Điều này nghe tưởng dễ nhưng thực sự rất khó: Nhiều người không thừa nhận rằng mình có bệnh, và cũng không thừa nhận những hậu quả do mê shopping gây ra. Gặp những con bệnh như vậy thì chẳng có phương pháp gì hơn là đành chờ thời gian trả lời … Nhưng thế nào rồi cũng đến lúc “thấy quan tài mới đổ lệ,” đương sự sẽ nhận rằng mình bị trăng trói của tật mê shopping, và muốn thoát ra khỏi sự trăng trói đó.
2. Phân biệt giữa “nhu cầu” (Need) và “ý muốn” (Want): Người mê shopping không cần phân biệt, hoặc nói đúng hơn, họ chỉ có một chữ “tôi muốn.” Hai chữ đó, thực ra, rất khác biệt mà bất cứ ai cũng nhận ra nếu bình tâm suy nghĩ. Và bước đầu để chữa bệnh shopping là đặt ra câu hỏi: “Đây là điều tôi cần thiết cho đời sống cá nhân, đời sống gia đình, đời sống con cái? Hay đây chỉ là điều tôi muốn có vì tôi thấy nó … dễ thương?”
3. Lập danh sách trước khi đi shopping: Trước khi đi mua sắm, cần bỏ ra chút thời giờ ghi lại những gì mình tính mua. Ghi ra tất cả những gì chợt đến trong đầu, bất kể giá cả. Đọc kỹ lại danh sách đó một lần nữa, bạn sẽ có thể xác định được đó là điều “cần” hay là điều “muốn.” Gạch bỏ điều “muốn,” rồi cầm tờ danh sách ấy ra cửa hàng, và chỉ mua những gì có ghi trong danh sách mà thôi. Nhất định không mua thêm. Nhưng đứng trong cửa hàng mới thực sự là đứng giữa trận địa. Thật khó có thể cưỡng nổi sự cám dỗ của những món đồ khác. Vẫn biết rằng nó không có trong danh sách, nhưng không thể …. không mua. Dĩ nhiên, không ai dám nghĩ rằng phản công ngay trận một trận đầu đã thắng. Nếu bạn vẫn mua những món đồ ngoài danh sách, cũng xin đừng nản, chúng ta đã thua mãi rồi, bây giờ có thua ít hơn một chút, thì vẫn nên ghi điểm cho mình. Miễn là đi shopping lần này, chúng ta đã làm chủ được một phần nào. Ra quân những lần sau, hãy cứ làm như vậy – đi shopping với một tờ danh sách ghi rõ những món cần mua. Mỗi lần mình “lấn sân” một chút, tức là cưỡng lại được sức thôi thúc mua sắm ngoài chương trình một chút, rồi từ từ mình sẽ làm chủ “trận địa.”
Trong trường hợp bạn thấy có một món đồ nào đó thuộc loại “cần” nhưng lại không có trên danh sách, thì sao? Các chuyên gia tâm lý khuyên: Hãy cố chờ ít nhất 24 tiếng đồng hồ qua đi rồi tính. Là bởi vì, có thể đó chỉ là lúc bệnh shopping lên cơn, ra khỏi cửa hàng là nó lắng xuống rồi không chừng….
Giữa mùa mua sắm rộn rịp mà nói chuyện chữa “bệnh shopping” thật là khó. Vậy để cho đỡ “sốc” thuốc, chúng ta hãy tạm ngừng ở đây, và sẽ thảo luận thêm vào lần sau.
Erictran15751@gmail.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT