Chuyện Nước Pháp

Láng giềng Anh quốc: mạnh hơn Tây gần đây vì sao? (kỳ 2)

Thursday, 31/08/2017 - 08:14:09

Tuy nhiên, nạn thiếu nước trầm trọng và thiếu giấy rất thường xuyên. Vì thế, tôi để ý số người viếng thăm nó đếm đầu ngón tay.

Bài NGỌC DIỄM

Trong bài viết lần trước, tôi đã giới thiệu sơ qua nước Anh và bắt đầu kể lại chuyến đi thăm thủ đô Luân Đôn với phương tiện di chuyển xe bus Macron đang được chú ý đến nhiều. Xe có máy lạnh, hiệu Mercedes-Benz, bước lên nghe mát rượi như khi xưa vào rạp chiếu bóng Rex đại lộ Lê Lợi Sài Gòn nhưng vén màn bước ra thì nóng hầm như cũ. Giữa lòng xe, là nhà xí tý hon y như trên máy bay mà còn bé hơn chút xíu. Đúng là hiện đại vô cùng, hành khách muốn đi là đến ngay. Tuy nhiên, nạn thiếu nước trầm trọng và thiếu giấy rất thường xuyên. Vì thế, tôi để ý số người viếng thăm nó đếm đầu ngón tay.

Hai bên hông xe dọc theo các hàng ghế phía bên cửa sổ nhìn ra ngoài có gắn các ổ điện để cắm dây sạc smartphone hay mấy cái labtop – máy tính cỡ nhỏ đem theo khắp nơi. Có chiếc chỉ trang bị đúng một ổ điện có khe nhỏ đủ cho khóa USB cắm vào ở mỗi ghế ngồi bên trong. Người bên cạnh phải chia sẻ thế nào đó với người kia, tôi đem theo một cái ổ cắm nhiều đầu ra thì bị kẹt vì không đúng kiểu. Chỉ là chỗ dùng điện duy nhất một vào một ra mà thôi. Nhờ thông tin trên mạng, tôi đã sắm một cái adaptator bán trong siêu thị để dùng khi qua Anh made in China tiện lợi với ba chĩa nhọn để xài dụng cụ cần điện. Chỉ khác về hình dạng chứ dòng điện và hiệu thế giống nhau là 230 V, 50 Hz. Đây là tiện nghi cần thiết để dùng máy móc thường ngày. Nếu không mua cái biến đổi điện Anh-Pháp, thì tôi phải xếp xó cái máy “bóp cổ” Shiatsu cũng như quân sư 21 sẽ mù tịt đường đi nước bước vì cái smartphone hết xài.

Có một cách xoay sở hợp pháp là dùng một nắp đậy bút viết bằng chất dẻo để cạy cái dải nhỏ hình chữ nhật trên ổ điện bật lên rồi cắm dây Pháp vào xong hạ xuống cũng được không cần adaptator. Chịu thôi vì phải đè xuống khá mạnh lỡ gẫy chân răng thì nguy to. Điện thế và hình dạng các ổ cắm điện khác nhau bên Mỹ và lân cận so với các nước Châu Âu. Lý do là vì Thomas Edison, nhà phát minh ra điện, đã ấn định dùng dòng điện 110 volts lúc đầu. Vào thế kỷ đó, thì dùng vậy là tốt nhất, Pháp và Châu Âu cũng tuân theo. Qua Thế Chiến Thứ Hai, sự đổ nát hoang tàn do chiến tranh để lại làm Châu Âu ngã về dòng điện 220 volts vì nó ít tốn kém hơn 110. Hoa Kỳ không bị tổn thất tại chỗ bởi chiến tranh nên vẫn giữ nguyên hệ thống đường dây điện như cũ.

Xe buýt có hệ thống tư nhân Internet phục vụ khách hàng thật tiện lợi. Trước khi xe lên đường, bỗng nhiên một xe cảnh sát từ đâu không rõ chạy tới đậu ngay đầu xe buýt. Thế là có một màn kiểm soát giấy tờ diễn ra lần nữa sau khi viên tài xế kiêm nhiệm đủ thứ đã làm xong chuyện này. Tôi hỏi nhỏ khách hàng mới biết xe từ Đức qua và driver nói tiếng Đức đi có mình ên không phụ tá. Chà, hơi mệt đa. Ông ấy dừng xe lại xong là mở cửa hông để khách xuống trạm lấy hành lý ra hết, rồi đón khách mới đi Paris và xem giấy tờ cá nhân cùng với code-barres trên smartphone (e-ticket) thay vé giấy. Mọi vụ diễn ra cũng khoảng nửa giờ vì trạm lớn Đức-Pháp. Tưởng đã xong, thì cảnh sát tới và lên xe xem giấy tờ từng người một. Điểm son đáng kể của cơ quan công lực địa phương.



Xe hơi của nhân viên công lực đến kiểm soát giấy tờ khách đi Flixbus. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Mất một khúc thời gian dài ngoằng cho kẻ nóng ruột thì có thanh niên da đen bị giữ lại vì giấy tờ không hợp lệ. Tôi ngóc đầu ra ngó thấy cậu đưa tờ giấy khổ lớn và cảnh sát xem kỹ rồi bàn bạc với nhau. Tôi chụp được hình thì xe bỗng nổ máy. Thế rồi cậu thanh niên lủi thủi đi bên lề ngược chiều với xe đang tiến tới chầm chậm ra khỏi bến. Ô, mọi người trong xe đều hiểu ngay là cậu đã bị lỡ chuyến đò rồi! Tội nghiệp thay. Cảnh sát làm việc ghê thật, đến bất ngờ và chận lại viên cát nhỏ muốn di cư sang Anh dù cho làn sóng biển sẽ cuốn theo nhiều di dân khác? Các tờ báo cho không Metro và London Standars Evening đều cho tin ngắn khoảng 66,000 dân di tản lậu qua Anh đến từ Pháp đã bị bắt giao trở lại lúc tôi đã tới nơi xem báo.
Xe chạy một lúc lâu thì đến nơi có lệ phí cho xa lộ và phải ngừng lại. Tài xế xuống làm thủ tục, thanh sắt chận đường ngóc lên cao cho xe qua. Rồi nó vào bãi đậu và tài xế tắt máy đứng lên nhìn về phía hành khách nói vỏn vẹn “Forty five minutes”. Tôi đã nghe ông nói tiếng Đức không thôi, té ra cũng biết nói tiếng Anh ngắn gọn khi cần. Mọi người lục tục xuống xe vào gian phòng thương mại nghỉ tạm.



Tiệm bánh hấp dẫn bên trong cơ sở thương mại ở nơi trục xa lộ thu phí. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Một chỗ bán đồ kỷ niệm tiêu biểu của thủ đô Paris là tháp Ép-Phen. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông).

Chúng tôi đến Paris lúc 10 giờ đêm và chờ chuyến sang Luân Đôn hai giờ sau. Bến xe đò ở cạnh bờ sông Seine nhưng đêm hôm khuya khoắc nên ngồi chờ tại chỗ. Thế rồi cuộc chạy xe tiếp diễn ngon lành cho đến ba giờ sáng thì tới phố cảng Calais giáp giới Pháp-Anh. Tài xế kỳ này là một người Pháp thật sự, tuổi trung niên và nói giỏi cả Anh lẫn Pháp ngữ. Ông đã bảo mọi người điền tên tuổi vào tờ giấy để giao cho hải quan. Tôi là niên trưởng trong xe, còn lại toàn là đám con nít đi chơi. Quân-sư 21 đã dặn bà-bà 20 lấy chuyến đêm để dễ bề ngủ ngon mở mắt ra đã tới chỗ! Điều này còn lạ hơn vì xe lửa Eurostar và máy bay không bao giờ có chuyến đêm như thế! Vậy là có thêm hai ngày để la cà ở Luân Đôn tha hồ đi shopping. Ngược lại, thời gian kéo dài lê thê như kẹo kéo nhùng nhằng, nhờ ngủ ngon mà không thấy nó như dây thung dài chín khúc giờ. Ngoài Flixbus còn có Ouibus và Eurolines phục vụ khách, giá cả như nhau nếu dành chỗ càng sớm càng rẻ và ngược lại.

Tôi bất ngờ quá vì bị dựng cổ dậy ra khỏi xe để vào trạm kiểm soát trước khi lên ferry sang sông, à quên, sang biển. Bên ngoài khá lạnh, phải mặc thêm áo ấm. Chuyện khí hậu ngày đêm mưa gió đã được biết trước qua mạng nên khỏi lo trúng bệnh cảm cúm. Ôi trời, có mấy chục mạng mà cũng bị check in nghiêm cẩn như đi máy bay. Sắp hàng qua hai nơi có nhân viên người Anh đứng xét passeport, trước đó chỉ cần thẻ căn cước nội địa. 

Chiếc ferry khổng lồ đưa mấy xe buýt và nhiều xe hơi nhà tư nhân sang đất Anh. Chúng tôi thấy mọi người trưng dụng ghế làm giường ngủ tạm và ngáy khò khò. Ban đêm nên nhìn ra ngoài tối thui, thất vọng quá vì chẳng thấy gì nên cả bọn cũng gục ngã như vậy sau khi làm một vòng xem xét có gì nơi tầng này. Chỗ chơi games điện tử, sòng bài Casino cũng thế, nhiều tranh ảnh treo tường có chân dung ngài Churchil…
Nó lớn đến đỗi êm ru bà rù không như 20 năm trước chúng tôi đi Hovercraft chạy nửa giờ tung sóng lắc lư rất mạnh qua biển. Tiến bộ văn minh thật quá rõ! Năm 2016 có hai chiếc hovercraft sống sót cuối cùng có thể sẽ bị phá huỷ luôn.



Sơ đồ chiếc tàu đi từ Calais Pháp sang Dover harbour thuộc đất Anh. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông).

Chiếc tàu Pride of Canterbury (tên cũ là European Pathway thời kỳ 1991-2003) do Đức sản xuất dài 180 mét nặng 30 tấn vượt biển Manche với vận tốc 21 nơ hay 24 mph tức là 39 cây số giờ. Hèn gì chúng tôi ngủ gà ngủ gật vì êm ru bà rù, chỉ cảm nhận chút xíu lắc lư rất là nhẹ không đáng kể. Bọn con nít trái giờ giấc lại thức đêm như cú, đòi ăn uống ríu rít như chim non chung quanh mấy quầy hàng bánh còn mở cửa. Chúng nó đến từ các gia đình tư nhân Anh khác xe đò Macron. Thời gian qua biển kéo dài khoảng một giờ rưỡi cho đến hai giờ.

Ngoài chiếc Canterbury, còn có Burgundy, Kent và Spirit of Britain, of France; tổng cộng là năm chiếc cạnh tranh nhau khai thác đường biển. Hải cảng Calais chỉ lớn thứ tư trong nước Pháp nhưng lại quan trọng nhất về số hành khách chuyên chở qua lại. Thật bất ngờ khi chúng ta biết rằng bên kia bờ là Dover harbour (Pháp gọi là Douvres) vốn là nơi phố cảng nối liền Anh-Pháp, chỗ eo ếch chật hẹp nhất của biển Manche, được sắp số một thế giới về lượng người và xe hàng năm qua đây. Có 16 triệu du khách đi trong 3 triệu xe hơi, xe mô tô và 86 ngàn xe đò hạng sang; số xe cam-nhông chở hàng hoá là 2 triệu. (nd)
(Còn tiếp kỳ chót)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT