Thế Giới

Lãnh đạo đối lập Venezuela tự tuyên bố là tổng thống lâm thời

Wednesday, 23/01/2019 - 09:11:30

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Venezuela kể từ sau làn sóng bạo động đã khiến hơn 120 người thiệt mạng vào năm 2017.

CARACAS - Lãnh đạo đối lập Venezuela, ông Juan Guaido, đã tự tuyên bố là tổng thống lâm thời trong bài diễn văn vào ngày thứ Tư, 23 tháng 1, trước khi người biểu tình đổ xuống đường phố để yêu cầu Tổng Thống Nicolas Maduro từ nhiệm.
Sự thách thức đối với chính quyền Maduro đã ngay lập tức nhận được sự công nhận từ Washington. Đồng thời, chính phủ Trump cũng kêu gọi ông Maduro từ chức và tuyên bố sẽ vận dụng toàn bộ sức mạnh kinh tế và ngoại giao của Hoa Kỳ để giúp khôi phục nền dân chủ tại Venezuela. Các nước Canada, Brazil, Colombia, và nhiều quốc gia Châu Mỹ La-tinh cũng có thông điệp tương tự, ủng hộ cho ông Guaido.
Đứng trước hàng chục ngàn người ủng hộ tại thủ đô Caracas, ông Guaido, lãnh đạo mới của quốc hội Venezuela, đã giơ tay phải trong nghi thức tuyên thệ mang tính biểu tượng, tuyên bố ông sẽ là tổng thống lâm thời của quốc gia, cho tới khi ông tổ chức các cuộc bầu cử mới. Ông Guaido, 35 tuổi, cho biết ông thực hiện hành động chính trị đầy rủi ro này là vì “đây là cách duy nhất để cứu Venezuela khỏi chế độ độc tài và khôi phục trật tự hiến pháp.”
Ngay sau lễ tuyên thệ mang tính biểu tượng, ông Guaido đã nhanh chóng di chuyển đến nơi ẩn náu bí mật, vì có tin tức cho rằng ông sẽ sớm bị bắt. Tuyên bố của ông Guaido diễn ra giữa lúc hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ đổ xuống đường, cáo buộc Tổng Thống Maduro chiếm đoạt quyền lực và yêu cầu ông phải rút lui. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Venezuela kể từ sau làn sóng bạo động đã khiến hơn 120 người thiệt mạng vào năm 2017.

Kim hài lòng với các cuộc đàm phán trước hội nghị với Trump
BÌNH NHƯỠNG – Truyền thông nhà nước Bắc Hàn vào ngày thứ Năm cho biết, Chủ Tịch Kim Jong Un đã có nhiều lời ca ngợi Tổng Thống Donald Trump, và bày tỏ sự hài lòng đối với kết quả của các cuộc thảo luận gần đây giữa phái đoàn Bình Nhưỡng và viên chức Hoa Kỳ, chuẩn bị cho hội nghị lần 2 giữa ông Kim và ông Trump. Ông Kim nói ông sẽ tin tưởng cách suy nghĩ lạc quan của Tổng Thống Trump, theo hãng KCNA cho biết, cho thấy lãnh đạo Bắc Hàn rất quan tâm đến việc được gặp trực tiếp ông Trump để thảo luận.
KCNA thêm rằng ông Kim rất hài lòng khi nhận được lá thư “tốt đẹp” từ ông Trump, và khi nghe báo cáo kết quả đàm phán từ phái đoàn đại diện. KCNA cũng cho biết ông Kim hiện đã ra lệnh chuẩn bị cho cuộc họp Mỹ-Triều lần hai. Tổng Thống Trump dự kiến sẽ gặp Chủ Tịch Kim vào cuối tháng 2, nhưng Hoa Kỳ vẫn sẽ duy trì lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Trong bài diễn văn mừng năm mới, ông Kim nói rằng ông sẵn sàng gặp Tổng Thống Trump lần nữa vào bất kỳ lúc nào, để đạt được mục tiêu chung về việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Kim cũng khuyến cáo Bình Nhưỡng có thể sẽ đi theo “con đường mới” nếu các áp lực đối với quốc gia này tiếp tục kéo dài.

Pháp khuyến cáo về chất độc hại trong tã dùng cho trẻ sơ sinh
PARIS - Cơ quan an toàn sức khỏe quốc gia Pháp vừa công bố báo cáo đáng chú ý về mức độ an toàn của tã dành cho trẻ sơ sinh. Theo đó, sản phẩm này chứa một lượng đáng lo ngại các chất gây dị ứng, nhiễm độc hay gây ung thư. Chính phủ Pháp đã triệu tập các nhà sản xuất và phân phối, đồng thời cho những cơ sở này thời hạn 15 ngày để đưa ra “hành động sửa chữa.”
Theo báo cáo về thành phần của tã dùng một lần cho trẻ sơ sinh, tất cả các sản phẩm được kiểm tra đều chứa một số hóa chất vượt mức tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe. Phó giám đốc Cơ quan An toàn sức khỏe quốc gia Gerard Lasfargues cho biết, cuộc kiểm tra được thực hiện đối với 23 sản phẩm, bao gồm cả những loại tã được quảng cáo là thân thiện với môi trường.
Những chất gây hại được phát hiện chủ yếu là các chất tạo mùi được cho vào tã mà không qua kiểm nghiệm, hay các phân tử hình thành trong quá trình sản xuất và trong quá trình tẩy trắng. Dù không có dữ liệu để chứng minh mối liên hệ giữa việc mặc tã và sức khỏe trẻ sơ sinh, nhưng báo cáo nhắc rằng, các phân tử hóa chất có thể di chuyển vào nước tiểu và tấn công làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh, có thể gây ra các bệnh ở da như viêm da hoặc dị ứng.
Cơ quan An toàn sức khỏe quốc gia Pháp đã đề nghị các nhà sản xuất loại bỏ hoặc giảm sự hiện diện của hóa chất trong các loại tã dùng 1 lần. Cơ quan này cũng cho biết, trong 3 năm đầu đời, một đứa trẻ có thể sử dụng tới 4,000 chiếc tã.

Hải quân Ấn Độ mở thêm căn cứ để đối phó Trung Quốc
NEW DELHI - Hải quân Ấn Độ sẽ mở 1 căn cứ hàng không thứ 3 trên quần đảo Andaman and Nicobar vào ngày thứ Năm, để tăng cường giám sát các chiến hạm và tàu ngầm Trung Quốc đi vào Ấn Độ dương qua eo biển Malacca. New Delhi đang ngày càng lo ngại về sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc tại các vùng biển trong khu vực, và cả mạng lưới hải cảng mà Bắc Kinh đang xây dựng từ Sri Lanka đến Pakistan, vốn có thể được sử dụng làm căn cứ hải quân.
Quân đội Ấn Độ đã điều chiến hạm và máy bay đến quần đảo Andaman, nằm gần lối vào eo biển Malacca, để làm nơi đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, kể từ sau khi Thủ Tướng Narendra Modi lên nhậm chức vào năm 2014 và hứa sẽ thực hiện chính sách ngoại giao cứng rắn hơn.
Chỉ huy Hải quân Ấn Độ, Đô Đốc Sunil Lanba, sẽ quản lý căn cứ mới, có tên là INS Kohassa, cách thủ phủ Port Blair của quần đảo Andaman khoảng 300 cây số về phía bắc. Căn cứ mới sẽ có phi đạo dài 1,000 mét, phục vụ cho trực thăng và máy bay giám sát Dornier. Chính phủ Ấn Độ cũng đang có kế hoạch mở rộng phi đạo này lên 3,000 mét, để dùng cho chiến đấu cơ và các loại máy bay đường dài.
Khoảng 120,000 tàu thuyền đi qua Ấn Độ dương mỗi năm, và gần 70,000 trong số này đi qua eo biển Malacca. Một tàu ngầm Trung Quốc đã cập cảng Colombo của Sri Lanka vào năm 2014, gây nghi ngờ lớn cho New Delhi, khiến chính phủ của Thủ Tướng Modi phải nhắc đến vấn đề này với nhà chức trách Sri Lanka.

Nga công khai hỏa tiễn để cứu hiệp ước hạt nhân với Hoa Kỳ
MOSCOW – Chính phủ Nga hôm thứ Tư đã giới thiệu hỏa tiễn Novator 9M729 với truyền thông và viên chức quân sự nước ngoài, khẳng định nó không vi phạm Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung INF. Hoa Kỳ vào năm ngoái đe dọa sẽ rút khỏi INF, ký kết năm 1987 với Nga, do cáo buộc rằng hỏa tiễn mới của Nga, Novator 9M729 vi phạm hiệp ước. INF cấm hai nước phát triển mọi loại hỏa tiễn hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5,500 cây số, Hoa Kỳ cho rằng 9M729 có tầm bay lên đến hơn 5,000 cây số.
Trong buổi họp báo hôm thứ Tư, Nga đã giới thiệu chi tiết các đặc điểm của hỏa tiễn với truyền thông và 21 viên chức quân sự nước ngoài, tuy nhiên, sự kiện này không có đại diện từ các nước NATO. Ông Mikhail Matveevsky, chỉ huy Lực lượng pháo binh và hỏa tiễn Nga, cho biết tầm bắn của hỏa tiễn là 480 cây số, không vi phạm quy định 500-5,500 cây số của INF. "Nga đã và sẽ tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của hiệp ước,” ông Matveevsky nói.
Phó Ngoại Trưởng Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow quyết định công bố hỏa tiễn sau khi cuộc hội đàm với các viên chức Hoa Kỳ ở Geneva trong tháng này "thất bại hoàn toàn.” Tháng trước, Hoa Kỳ cho Nga thời hạn 60 ngày - hạn chót là ngày 2 tháng 2 - để hủy bỏ 9M729 hoặc Hoa Kỳ sẽ bắt đầu quá trình rút khỏi hiệp ước kéo dài 6 tháng. Căng thẳng Nga - Mỹ khiến nhiều đồng minh của Washington lo ngại, cho rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi INF sẽ mở đầu cuộc chạy đua vũ trang mới và đặt châu Âu trong tầm ngắm của nhiều loại hỏa tiễn hạt nhân.

Máy bay tuần tra Nhật áp sát chiến hạn Nam Hàn
SEOUL - Quân đội Nam Hàn hôm thứ Tư cáo buộc một máy bay tuần tra trên biển của Nhật Bản đã áp sát chiến hạm nước này, nhưng không tiết lộ địa điểm xảy ra sự việc. "Bộ Trưởng Quốc Phòng Jeong Kyeong-doo cùng với Tham mưu trưởng liên quân đang làm việc về vấn đề này,” một viên chức quân sự Nam Hàn tuyên bố. Sự việc diễn ra trong bối cảnh Tokyo và Seoul đang tranh cãi về về vụ chiến hạm Nam Hàn bị cáo buộc khóa radar nhắm bắn vào trinh sát cơ P-1 của Nhật hoạt động trên Biển Nhật Bản hồi cuối tháng 12, 2018.
Bộ Quốc Phòng Nhật Bản ngày thứ Hai công bố 2 bản ghi âm trích từ hệ thống khuyến cáo chiếu xạ radar trên máy bay P-1, và tuyên bố đây là bằng chứng mới nhất chứng minh chiến hạm Nam Hàn đã bật radar kiểm soát hỏa lực nhắm vào họ. Bằng chứng được viên chức Nhật đưa ra trong cuộc họp với đại diện Nam Hàn ở Singapore hôm 14 tháng 1, nhưng dường như phía Nam Hàn đã từ chối nghe những bản ghi âm này. Tokyo cáo buộc Seoul liên tục bác bỏ sự thật, cho rằng việc tiếp tục thảo luận là rất khó khăn. Nhật Bản kêu gọi Nam Hàn thừa nhận sự việc và tránh để tái diễn trong tương lai, đồng thời khẳng định căng thẳng sẽ không làm thay đổi quan hệ quốc phòng giữa hai nước và Hoa Kỳ.

Vua Thái Lan ký sắc lệnh phê chuẩn bầu cử
BANGKOK – Quốc vương Thái Lan vào ngày thứ Tư đã ký sắc lệnh phê chuẩn việc tổ chức bầu cử trong nước, 5 năm sau khi chính quyền dân sự nước này bị lật đổ trong cuộc đảo chính của quân đội. "Đây là thời điểm thích hợp để tổ chức cuộc bầu cử quốc hội,” theo sắc lệnh được công bố hôm thứ Tư của Quốc Vương Maha Vajirusongkorn, 66 tuổi. Sau khi sắc lệnh được ban hành, Ủy Ban Bầu Cử Thái Lan sẽ có 5 ngày để thông báo thời điểm tổ chức bầu cử. Nhiều cuộc biểu tình nhỏ đã nổ ra ở thủ đô Bangkok trong tháng này, để hối thúc tổ chức bầu cử, sau khi chính quyền quân sự nhiều lần trì hoãn sự kiện này.
Chính quyền quân sự Thái Lan trước đó cho biết cuộc bầu cử sẽ diễn ra trễ nhất là vào cuối tháng hai. Tuy nhiên, việc Quốc Vương ký sắc lệnh trễ có nghĩa là cuộc bầu cử sẽ bị lùi lại vài tuần, có thể sẽ bắt đầu vào ngày 24 tháng 3. Đây là lần đầu tiên Thái Lan tổ chức bầu cử sau khi quân đội nước này lật đổ chính quyền cựu Thủ Tướng Yingluck Shinawatra vào năm 2014. Nhiều đảng mới, bao gồm cả những đảng liên kết với quân đội hoặc gia tộc Shinawatra, đã bắt đầu họp và tuyển chọn ứng cử viên cho vị trí thủ tướng Thái Lan. Các nhà phân tích cho rằng quân đội Thái Lan sẽ tìm cách tiếp tục nắm giữ quyền lực thông qua đảng của họ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT