Người Việt Khắp Nơi

Lễ cung tống giác linh sư bà Thích Nữ Tịnh Liên

Sunday, 10/11/2013 - 05:48:11

Sư bà Thích Nữ Tịnh Liên, thế danh Phù Thị Tỉnh, nguyên viện chủ đầu tiên của Tịnh Xá Giác Lý đã viên tịch ngày 28-10-2013.

Thanh Phong/Viễn Đông


Hòa Thượng Thích Giác Sĩ, trưởng ban tổ chức tang lễ, ngỏ lời cám ơn và giải thích vì sao gọi sư cô Tịnh Liên là Sư Bà.

WESTMINSTER – Sư bà Thích Nữ Tịnh Liên, thế danh Phù Thị Tỉnh, nguyên viện chủ đầu tiên của Tịnh Xá Giác Lý đã viên tịch ngày 28-10-2013. Sau lễ nhập kim quan được tổ chức long trọng vào sáng thứ Năm 7-11-2013, vào lúc 9 giờ 30 sáng thứ Bảy, ngày 9-11-2013 gần 100 vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Ni Trưởng, Sư Trưởng thuộc Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ, Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thủy và các chùa, tự viện, tịnh xá thuộc Orange County, cùng một số Phật tử trong đó có ông bà chánh án Nguyễn Trọng Nho, bà Nguyễn Hữu Chánh, đã đến nhà quàn Peek Family tham dự Lễ Cung Tống Giác Linh (Trà Tỳ) Sư bà Thích Nữ Tịnh Liên.

Chương trình lễ Trà Tỳ sư bà do Hòa Thượng Thích Giác Sĩ làm Trưởng Ban, Hòa Thượng Thích Minh Tuyên chủ lễ và sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Chơn Thành (chùa Liên Hoa) cùng một số vị Hòa Thượng khác.

Thân bằng, hiếu quyền quỳ trước bàn thờ Phật và bàn thờ có di ảnh Sư bà để các vị Hòa Thượng cử hành nghi lễ. Sau khi chư tôn Hòa Thượng niệm hương và tụng kinh, Hòa Thượng Thích Giác Sĩ, Viện chủ Tịnh Xá Giác Lý lên có đôi lời về sự thành tựu của Sư bà Tịnh Liên. Hòa Thượng cho biết, Sư bà Thích Nữ Tịnh Liên sinh ngày 15.01.1917 tại Trà Cú tỉnh Trà Vinh, con thứ năm trong gia đình gồm 8 người con.

Năm 12 tuổi đã phát nguyện xin quy y xuất gia ở quê nhà, nhưng duyên lành chưa đủ, thời gian không bao lâu thì mẫu thân qua đời nên sư bà nghe lời khuyên của Hòa Thượng Bổn Sư trở về gia đình phụ giúp thân phụ nuôi nấng dạy dỗ các em nhưng tối tối vẫn lên chùa tụng kinh, niệm Phật. Năm 17 tuổi, xuất gia lần thứ hai nhưng nghiệp trần còn quá nặng, một nghịch cảnh khác đưa đến, sư bà lại rời chùa về nhà lo phụng dưỡng cha già, lo cho các em, và sau đó đã lập gia đình sinh được 5 người con.

Qua năm 1975 tai biến của quê nhà, gia đình vượt biên qua Mỹ. Đầu năm 1980 tìm đến Hòa Thượng Pháp Chủ Thích Giác Nhiên thế phát xuất gia lần nữa và được Hòa Thượng bổn sư cho pháp hiệu Tịnh Liên. Khi Tịnh xá Giác Lý về địa chỉ gần góc Hazard và Titus, sư bà về tu luyện tại đây và trở thành vị trụ trì đầu tiên của tịnh xá Giác Lý.

Theo quy luật của Phật Giáo, muốn trở thành Sư Bà phải có thời gian tu học ít nhất từ 40 tuổi Hạ trở lên (tức là tính từ năm bắt đầu đi tu). Hòa Thượng Thích Giác Sĩ giải thích: “Thời gian tu luyện của sư bà còn ngắn không thể nào mà được chức vị ‘Sư Bà’ như hôm nay, và chúng ta thấy thời gian tu học không bao lâu mà sao được sự thành tựu như thế?”

Hòa Thượng kể: Một hôm Hòa Thượng đi chợ ABC gặp một sư bà từ trong chợ đi ra nói, “Bạch Thượng Tọa, con muốn về nhà mà không biết đường về. Hòa Thượng hỏi sư bà ở đâu để chở sư bà về. Sư bà nói ở trên đường Magnolia qua khỏi Westminster chút xíu. Hòa Thượng chở sư bà về nhà, đó là một cái chùa rất nhỏ đơn sơ và đến đây mới biết sư bà có học vị Tiến sĩ và là một họa sĩ, một điêu khắc gia. Nhà của sư bà có tạc rất nhiều tượng và nhiều bản vẽ tượng Phật. Hai tháng sau, sư bà đến Tịnh Xá Giác Lý nói: “Bạch Thượng Tọa, con phải dọn nhà gấp, chưa có chỗ ở, con xin Thượng Tọa cho con tá túc ít hôm con tìm nhà rồi con đi.’ Sẵn Tịnh Xá đang có một sư cô ở nên ông mời sư bà này về để hai vị cùng ở chung một phòng. Ba hôm sau, sư bà bắt một cái ghế trước chánh điện rồi rước sư cô Tịnh Liên ra ngồi trên ghế, sư bà quỳ xuống nói: “Bạch Thượng Tọa, Thượng Tọa hoan hỷ cho tụi con kết nghĩa huynh đệ.” Thượng Tọa hỏi: “Sao mau quá vậy, mới ba hôm mà đã thành huynh đệ rồi?” Sư bà mới nói: “Không, con biết sư bà này, cho nên con kính sư bà đây là sư tỷ của con, con là sư muội vì nếu như nhìn vào bề ngoài thì con tu lâu hơn sư bà này nhưng về đạo đức và tiền kiếp thì sư bà này hơn cả sư phụ của con rất nhiều.”

Từ đó về sau, sư bà đó đến viếng thăm sư bà Tịnh Liên, các Phật tử đến chùa thấy sư bà kia gọi sư bà Tịnh Liên này là sư tỷ nên mọi người gọi theo là Sư Bà Tịnh Liên. Thời gian sau, sư bà ngỏ ý muốn về với sư cô Xuân Liên, vì hồi đó hai vị biết nhau qua chuyến đi hành hương Ấn Độ. Cho nên cái danh xưng Sư Bà đó là do sư bà tiến sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia tấn phong Tịnh Liên lên làm Sư Bà. Từ đó cái danh “Sư Bà Tịnh Liên” mới có đến ngày hôm nay…”

Sau đó, đại diện hiếu quyền đọc các điện thư từ quê nhà của sư bà ở Trà Vinh, ở Sóc Trăng gửi sang phân ưu, và một người con gái của sư bà thay mặt gia đình đọc điếu văn khóc mẹ, bài điếu văn rất cảm động làm nhiều người không cầm được nước mắt.

Hòa Thượng Thích Minh Tuyên làm nghi thức rảy nước Cam Lồ trên quan tài, sau đó Chư Tôn Đức Tăng, Ni tụng một thời kinh trước khi quan tài được rước vào phòng hỏa thiêu đúng 11 giờ trưa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT