Người Việt Khắp Nơi

Lễ giỗ Chí Sĩ Phan Châu Trinh lần thứ 92

Wednesday, 28/03/2018 - 08:19:34

Trong lời phát biểu, ông Phan Ứng Thời cho biết, Hội cựu học sinh PCT tổ chức lễ giỗ chí sĩ PCT là để các thế hệ sau, những người Việt sinh ra tại hải ngoại và trong nước biết noi gương yêu nước của chí sĩ Phan Châu Trinh.

Bài THANH PHONG

ANAHEIM - Sáng Chủ Nhật, ngày 25 tháng 3, 2018, Hội Cựu Học Sinh Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng đã tổ chức Lễ Giỗ Chí Sĩ Phan Châu Trinh (PCT) lần thứ 92 một cách long trọng tại nhà hàng Golden Sea, thành phố Anaheim, Nam Califonia.


Các ông Phan Ứng Thời, Phan Thanh Thắng và hai bà Mộng Huyền và Tạ Minh Nguyệt đại diện Hội dâng hương trước bàn thờ chí sĩ Phan Châu Trinh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Đến tham dự có khá đông các giáo sư trường Phan Châu Trinh, quan khách, thân hữu và đại gia đình cựu học sinh trường trung học được vinh dự mang tên nhà chí sĩ họ Phan. Lễ giỗ được tổ chức chu đáo. Quý Thầy, Cô, quan khách và thân hữu đến nhà hàng được hai cựu học sinh Trương Công Lập và Phương Lan đón tiếp đưa vào tận bàn, và đúng 11 giờ 15 chương trình được khai mạc với nghi thức chào cờ và mặc niệm do cựu học sinh PCT Huỳnh Tuấn điều khiển. Sau đó, các nam nữ cựu học sinh PCT đồng ca nhạc phẩm “Phan Châu Trinh hành khúc,” nhạc phẩm do GS Hoàng Bích Sơn sáng tác và cũng là bản Hiệu Đoàn ca của trường PCT. Tiếp đến, ban tổ chức mời ông Phan Thanh Thắng (đại diện gia đình cụ Phan), ông Phan Ứng Thời (Hội Trưởng), cô Mộng Hoàng và cô Tạ Minh Nguyệt đại diện Hội lên dâng hương trước bàn thờ Chí Sĩ Phan Châu Trinh.


Các cựu học sinh đồng ca nhạc phẩm Phan Châu Trinh Hành Khúc trong buổi lễ ngày Chủ Nhật, 25 tháng Ba, 2018 tại Anaheim, Nam California. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Trong phần giới thiệu quan khách tham dự, cựu học sinh PCT Trương Công Lập đã làm tròn bổ phận, giới thiệu không sót một vị giáo sư, quan khách hay thân hữu nào. Kế đến, ông Phan Ứng Thời, Hội Trưởng và cũng là Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Giỗ có lời chào mừng, cảm tạ quý Thầy, Cô, quan khách, thân hữu, các cơ quan truyền thông và các cựu học sinh PCT từ nơi xa về tham dự. Trong lời phát biểu, ông Phan Ứng Thời cho biết, Hội cựu học sinh PCT tổ chức lễ giỗ chí sĩ PCT là để các thế hệ sau, những người Việt sinh ra tại hải ngoại và trong nước biết noi gương yêu nước của chí sĩ Phan Châu Trinh.

Sau lời chào mừng của Trưởng Ban Tổ Chức, Thầy Thái Doãn Ngà (cựu Hiệu Trưởng trường PCT được mời lên phát biểu cảm tưởng về lần giỗ năm thứ 92 chí sĩ Phan Châu Trinh). Vị giáo sư đã hy sinh suốt đời cho nền giáo dục và cố gắng tranh đấu cho Đà Nẵng không thiếu lớp, thiếu trường. Thầy nói, “Cùng tất cả anh chị em cựu học sinh PCT, Tôi rất hân hoan được gặp mặt anh em trong năm nay. Đây là ngày lễ thứ 92 của cụ Phan Châu Trinh, chúng ta là những học sinh trường PCT thì không thể nào quên được nhà cách mạng Á Châu của đất Quảng Nam. Tôi không nói gì nhiều vì tất cả các diễn giả sẽ nói về công lao của nhà cách mạng đó. Tôi chỉ xin chào mừng quý vị và chúc quý vị có sức khỏe dồi dào để đưa con cháu lên, để hy vọng ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ trở lại Việt Nam và đem lại hạnh phúc cho dân tộc. Tôi cam đoan với quý vị rằng, một ngàn năm giặc Tàu không bao giờ đồng hóa được dân Việt Nam thì một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ có cuộc cách mạng giải phóng cho đất nước. Tôi hy vọng như vậy và quý vị cũng có quyền hy vọng, vì một ngàn năm không làm gì được thì cho đến bây giờ cũng không làm gì được. Tôi xin trân qúy các bạn.”

Ông Phan Ứng Thời, Hội Trưởng Hội Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh, phát biểu khai mạc. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Diễn giả Trần Gia Phụng, một cựu học sinh PCT, vì lý do sức khỏe không đến được nên có nhờ ông Vũ Duy Huân đọc lời phát biểu của ông với đề tài “Phan Châu Trinh, người đi trước thời đại.” Sau khi nhắc lại tiểu sử của chí sĩ PCT, ông Trần Gia Phụng nhấn mạnh, “Vì vậy, PCT kêu gọi dân chủ dưới chế độ quân chủ là một điều quá mới mẻ và táo bạo ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, vì người Việt đã trải qua hàng ngàn năm quân chủ. Một điểm mới hơn nữa của PCT, đi trước thời đại cả trăm năm, và cho đến ngày nay vẫn còn mới mẻ, là ông dừng lại ở chủ trương dân chủ, không đi vào chủ nghĩa cộng sản. Khi biết Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng CS, PCT gửi cho Nguyễn Ái Quốc thư đề ngày 12-2-1922, nói rằng nhờ CS chống Pháp thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi.”

Cuối bài phát biểu, ông Trần Gia Phụng nói, “Chủ trương và hoạt động của PCT cho thấy ông là nhà chính trị rất sáng suốt, cấp tiến, luôn luôn đi trước thời đại. Ông tỏ ra sáng suốt và tiến bộ cả trăm năm trước. Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh; đúng là chín chữ vàng của người Việt Nam, và cũng là chín chữ vàng của toàn thế giới, vì thời nào, lúc nào, ở đâu, nước nào cũng luôn luôn cần mở mang trình độ dân chúng, nâng cao tinh thần dân chúng và phát triển đời sống dân chúng.”

Diễn giả kế tiếp là một cựu học sinh PCT, nay là một Luật gia được nhiều người trong cộng đồng biết tiếng, Luật Sư Đỗ Thái Nhiên trình bày đề tài “Tư Tưởng Phan Châu Trinh và Thời Sự VN.” Mở đầu phần trình bày đề tài, ông nói, “Tư tưởng Dân Khí – Dân Trí của Phan Châu Trinh và Thời Sự Việt Nam là đề tài được chọn cho Lễ Giỗ Cụ Phan năm 2018. Đề tài này nhằm diễn ý rằng tư tưởng chỉ có giá trị chừng nào tư tưởng có năng lực biến suy nghĩ thành hành động sống cụ thể. Thêm vào đó, tư tưởng phải gắn bó với thực tại, với thời sự xã hội.”

Diễn giả đã dùng câu chuyện cô giáo Nhung ở trường tiểu học Bình Chánh, Bến Lức Long An, bị ông Võ Hòa Thuận bắt quỳ gối 40 phút vì cô đã phạt con của họ quỳ gối, mặc dù cô giáo đã nhận lỗi và xin lỗi nhưng tên Võ Hòa Thuận đã không tha. LS Đỗ Thái Nhiên nói, “Hẳn nhiên ông hiệu trưởng và cô giáo trường tiểu học Bình Chánh có thừa Dân Trí để nhận biết rằng, ép buộc cô giáo quỳ gối ngay tại nơi đương sự dạy học là một hành động làm nhục nạn nhân, và rằng hành động này rõ ràng vi phạm đạo đức ứng xử giữa con người với con người.

LS Đỗ Thái Nhiên, một trong các diễn giả phát biểu trong lễ giỗ chí sĩ Phan Châu Trinh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


“Thế nhưng, tại sao ông hiệu trưởng trường tiểu học Bình Chánh đã không có Dân Khí để đứng lên bênh vực cô Nhung, một giáo viên của trường? Tại sao cô giáo Nhung không có Dân Khí để dứt khoát khước từ đòi hỏi phi lý và trịch thượng của nhóm Võ Hòa Thuận? Trả lời câu hỏi vừa nêu người ta tìm thấy tâm lý sợ mất địa vị chỉ huy của ông hiệu trưởng và tâm lý sợ mất nồi cơm vốn vơi đầy của cô giáo Nhung. Chính tâm lý sợ sệt kia đã tạo ra tình cảnh chia tay đau buồn giữa Dân Trí và Dân Khí. Ông hiệu trưởng Bình Chánh có Dân Trí nhưng không có Dân Khí. Làm thế nào để dân trí và dân khí bao giờ cũng gắn bó với nhau? Làm thế nào để hiểu biết lẽ phải và hành động bảo vệ lẽ phải bao giờ cũng quyết liệt nắm tay nhau?”

Luật sư Đỗ Thái Nhiên kết luận, “Tư tưởng Phan Châu Trinh là tư tưởng diễn tả thực tiễn đời sống, nêu bật qui luật sống và đề ra các ứng xử thích nghi cho mỗi tình huống sống.” Và ông mong muốn, “Hôm nay nhân lễ giỗ 2018 của cụ Phan, trước bàn thờ chí sĩ Phan Tây Hồ, chúng ta, tất cả người Việt Nam hãy hứa với chính mình, hãy hứa với nhau sẽ không ngừng nỗ lực sống theo phương châm dân trí phải được thể hiện bằng hành động dân khí. Dân trí trong hiện tình Việt Nam là dân chủ, thịnh vượng và công bằng, là ước vọng tha thiết của toàn thể quần chúng Việt Nam. Dân khí trong hiện tình Việt Nam là toàn dân tùy theo vị trí sống của mỗi người hãy dũng cảm tham dự vào công cuộc giải trừ lực lượng thống trị của đảng CSVN độc tài, tham nhũng, bán nước.”

Sau đó, mọi người nhập tiệc và một chương trình văn nghệ đặc sắc với 15 tiết mục do các MC: Trần Quang Sanh, Xuân Thu, Huỳnh Tuấn và Phương Lan điều hợp với các tiếng hát của một số ca sĩ như Kim Loan, Hương, Bích Ngọc, Trần Quang, Dương Viết Đang, Nguyễn văn Bông, Tuyết Nhung, tiếng sáo réo rắt của Ngọc Nôi và giọng ngâm truyền cảm của Phi Loan. Cuối cùng ban tổ chức có lời cảm tạ và kết thúc Lễ Giỗ thứ 92 của Chí Sĩ Phan Châu Trinh.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT