Đời Sống Việt

Lê Lâm Yến Chi, người tranh đấu cho xe buýt an toàn hơn

Vincent Thái/Viễn Đông (phỏng vấn) Monday, 23/07/2012 - 07:57:45

Bằng cách làm gương sáng trước, mẹ dạy tôi sống sao cho kiên trì, và sống trọn đời với niềm vui và ân sủng, dù cho trên đường đời có gặp phải bao thách đố hoặc tang thương.

Vincent Thái/Viễn Đông (phỏng vấn)


Lê Lâm Yến Chi và mẹ ở Hawaii - ảnh tài liệu gia đình.

Lê Lâm Yến Chi, 35 tuổi
- Tốt nghiệp Tiến Sĩ ngành Tâm Lý Học Xã Hội, đại học University of Hawaii
- Làm việc tại Trung Tâm Khoa Học Y Tế của trường đại học University of Texas, Houston, Texas.

Vincent: Như bạn đã biết, đây là mục viết về lối sống, để chia sẻ cho cộng đồng Việt Nam biết những người Mỹ gốc Việt hiện nay làm ăn sinh sống ra sao. Đã vào mùa hè rồi, bạn có những kế họach nào cho kỳ nghỉ hè năm nay?
Yến Chi: Dường như mùa hè này đầy đám cưới, và cũng là mùa lý tưởng cho việc du lịch đó đây. Ngoài tiệc cưới của tôi vào đầu tháng 6, vợ chồng tôi đã đi dự mấy đám cưới ở Houston, cũng như ở Savannah, tiểu bang Georgia. Đến cuối tháng 7, chúng tôi sẽ đi Ottawa và Montréal, ở Canada.

Vincent: Trước khi chúng ta đi sâu hơn vào cuộc phỏng vấn, xin bạn chia sẻ với quý độc giả chúng tôi biết bạn làm gì để mưu sinh? Cho đến nay bạn ưa thích công việc của mình như thế nào?
Yến Chi: Mặc dù tôi được đào tạo để trở thành một chuyên gia tâm lý xã hội, tôi đang làm việc với tư cách một người nghiên cứu về y tế công cộng. Các lãnh vực nghiên cứu của tôi bao gồm việc xem xét ảnh hưởng của các mối quan hệ tác động trên những hệ quả về sức khỏe, và cũng khảo sát những yếu tố liên quan đến việc phòng bệnh và kiểm soát ung thư. Chẳng hạn, một trong những dự án hiện nay tôi đang làm là nghiên cứu về cách thức các cặp vợ chồng làm những quyết định về bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Thường thì các bà vợ muốn cho chồng mình loại trừ được bệnh ung thư ngay lập tức, trong khi ấy các ông chồng lại quan tâm nhiều hơn tới chuyện phẩm chất cuộc sống của họ có thể gặp nguy cơ gây ra do giải phẫu hoặc trị liệu bằng phóng xạ. Một dự án thứ nhì mà tôi đang xúc tiến là nhìn vào những yếu tố có liên quan với việc chụp hình dò chứng ung thư cổ tử cung nơi giới phụ nữ Mỹ gốc Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, các phụ nữ Mỹ gốc Việt đều chiếm một trong những mức tỉ lệ cao nhất về ung thư cổ tử cung. Không giống như những chứng ung thư khác, ung thư cổ tử cung là chứng bệnh mà trong đa số các trường hợp đều có thể phòng ngừa được. Vì vậy chúng tôi đang làm việc để hình dung ra cách thức làm gia tăng những tỉ lệ chủng ngừa HPV nơi các phụ nữ Mỹ gốc Việt.

Vincent: Tôi biết rằng gần đây bạn vừa đạt được thành công về chính trị, xin chúc mừng bạn. Xin bạn kể cho chúng tôi biết về sự thành đạt mới đây của mình, trong việc đem lại sự an toàn nhiều hơn cho xe buýt. Để cho quý độc giả tiện theo dõi, mặc dù nhật báo Viễn Đông đã đưa tin từ năm 2008 về nỗ lực này của bạn, xin bạn nhắc lại lý do theo đuổi chuyện này và nó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn.
Yến Chi: Vào hôm 8-8-2008, mẹ tôi là bà Catherine Lâm Sở Tường bị thiệt mạng, cùng với 16 người khác, trong một tai nạn xe bus xảy ra ở Sherman, Texas. Các hành khách đi trên chuyến xe ấy đều là những người Mỹ gốc Việt theo đạo Công Giáo, đang trên đường đi tới tham dự Đại Hội Thánh Mẫu thường niên ở Carthage, tiểu bang Missouri. Tai nạn làm cho nhiều người chết và bị thương ấy tác động tai hại rất lớn cho cộng đồng người Việt ở Houston. Tất cả chúng tôi đều kinh động vì số lượng tử vong và trọng thương do tai nạn này gây ra.
Khi xem xét chuyện đã xảy ra, tôi ngạc nhiên hết sức khi nhận ra rằng nước Mỹ chẳng có luật lệ phép tắc gì cả, khi nói đến sự an toàn của xe buýt xe đò. Cũng giống như nhiều người khác, tôi cứ tin rằng xe buýt thì cũng an toàn như các loại xe hơi và máy bay, thế nhưng thực ra không đúng như vậy.
Cách một tháng sau ngày mẹ tôi qua đời, tôi ra sức cổ động ủng hộ cho luật lệ bảo đảm an toàn cho xe buýt, ở cấp độ quốc gia. Cùng với những gia đình khác bị mất đi những người thân yêu trong những tai nạn xe buýt, tôi đã lên thủ đô Washington D.C., tới thăm Trụ Sở Quốc Hội, để vận động sự ủng hộ của các nhà lập pháp dành cho Đạo Luật Gia Tăng An Toàn Xe Buýt (MESA), do hai Thượng Nghị Sĩ Kay Bailey Hutchison (Cộng Hòa – Texas) và Sherrod Brown (Dân Chủ – Ohio) đệ trình.
Sau gần 4 năm và hơn 15 chuyến đi Washington D.C., dự luật MESA đã được Quốc Hội chấp thuận vào ngày Thứ Sáu 29 tháng 6, và được Tổng Thống Barack Obama ký để biến thành đạo luật chính thức vào Thứ Sáu 6 tháng 7.
Ý nghĩa quan trọng của luật này đối với tôi là sẽ giảm bớt đi nhiều số lượng những gia đình phải trải qua cái thảm kịch vô nghĩa và có thể phòng ngừa được, như nỗi đau thương gia đình tôi đã kinh qua và sống với nó từ 4 năm nay. Nếu dự luật MESA được biến thành đạo luật sớm hơn, thì tôi tin chắc rằng mẹ tôi sẽ còn sống cho đến nay. Việc chứng kiến ngày mà dự luật này trở nên đạo luật đã làm thành tựu một lời mà tôi đã hứa với mẹ tôi. Tôi hứa với mẹ rằng cái chết của bà sẽ không luống công. Mà quả thực nó không trở thành vô ích.

Vincent: Sau khi tất cả chuyện ấy xảy ra, và sau khi thấy được nỗ lực của mình sinh hoa kết quả, thì bạn còn có những lãnh vực chính trị nào khác mà bạn muốn dấn thân vào hay không?
Yến Chi: Việc vận động tranh đấu và tham gia chính trị đều khó nhọc và thỉnh thoảng làm cho mình đau lòng. Tôi không chắc là tôi có nhìn thấy mình dấn thân vào những đấu trường khác nữa hay không, nhưng tôi nghe người ta bảo rằng tôi có khiếu cổ động bênh vực. Tôi giả thiết rằng nếu như tôi sẽ theo đuổi những lãnh vực khác, thì đều sẽ liên quan đến những mức chênh lệch về y tế mà những người Mỹ gốc Việt vẫn gặp phải tại xứ Mỹ này. Mặc dù các nhóm dân số gốc Á Châu đang tăng lên đông hơn tại Hoa Kỳ, nhưng có một số người Mỹ gốc Việt vẫn không có bảo hiểm y tế, không được tiếp cận đều đặn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và chiếm những mức tỉ lệ cao về một số chứng bệnh ung thư.

Vincent: Nếu vậy, bằng cách nào mà bạn xúc tiến làm việc ấy?
Yến Chi: Liên quan tới những mức chênh lệch y tế và sức khỏe công cộng, tôi sẽ bắt đầu bằng cách cộng tác với cộng đồng địa phương. Hiện nay tôi có chân trong Hội Đồng Quản Trị của chi hội Houston của tổ chức Boat People SOS. Với tư cách này, tôi giúp hướng dẫn cách thức cho tổ chức này đáp ứng được mục tiêu của mình là “đem lại năng lực, tổ chức và trang bị cho các cá nhân và cộng đồng người Việt Nam trong việc họ theo đuổi tự do và nhân phẩm”. Tôi cũng giúp tạo điều kiện hợp tác dễ dàng cho các tổ chức cộng đồng khác, hoặc những nhà chính trị địa phương nào có thể cùng chung những mục tiêu. Nếu thời gian và cơ hội xuất hiện, tôi sẽ không ngần ngại cổ võ tranh đấu cho những nhu cầu của người Mỹ gốc Việt, trên cấp độ quốc gia.

Vincent: Nói chuyện tương lai nhé, bạn hình dung mình đang ở đâu trong 5 năm nữa?
Yến Chi: Trong 5 năm nữa à, hy vọng tôi nhìn thấy mình cân bằng được công việc hàn lâm với sinh hoạt gia đình tôi. Trong những giờ rảnh rỗi, tôi vẫn dự định tham gia phục vụ cộng đồng và cổ võ cho y tế công cộng.

Vincent: Còn 10 năm nữa thì sao?
Yến Chi: Trong 10 năm nữa, dù ở đâu thì ở, tôi vẫn cứ mong mình đang mừng 10 năm hôn lễ của mình. Tôi có thể hình dung ra cuộc sống và gia đình của tôi ở Houston, nhưng tôi biết rằng cuộc đời thì chóng đổi thay. Vì thế người ta chẳng bao giờ biết được khi nào vận may đến gõ cửa nhà mình cả.

Vincent: Ngoài chính trị và vận động hành lang, bạn có những mục tiêu nào cho bản thân?
Yến Chi: Về mặt nghề nghiệp, tôi muốn tiếp tục công tác nghiên cứu giảng dạy. Sẽ là một điều tuyệt diệu khi mà rốt cuộc nhận được chức giáo sư thực thụ, để cho ngoài chuyện theo đuổi việc nghiên cứu của riêng mình, thì tôi còn có thể dạy cho các thế hệ trẻ hơn về cách thức suy nghĩ với óc phê phán và dấn thân vào hoạt động công dân. Về bản thân, tôi đang trông mong gầy dựng một gia đình. Cha tôi là ông Lê Minh Chỉ, đã qua đời năm tôi mới lên 7 tuổi, và mẹ tôi cũng mất khi tôi 31 tuổi. Cha mẹ tôi đều tuyệt vời, và tôi rất thân thiết với mẹ. Tôi rất mong mau đến lúc để có thể yêu thương và day dỗ con cái mình, theo cách thức mà cha mẹ tôi đã dạy dỗ và yêu thương tôi. Tôi hy vọng nuôi dạy con cái trở thành những con người tử tế biết lo lắng, đền đáp lại cộng đồng của mình.

Vincent: Bạn dự tính đạt tới những mục tiêu ấy bằng cách nào?
Yến Chi: Để đạt được những mục tiêu chức nghiệp, tôi ra sức làm việc để xuất bản những bài nghiên cứu trong các tạp chí chuyên ngành (do đồng nghiệp duyệt đọc) và có giá trị khoa học xứng đáng. Tôi cũng đang nộp đơn xin tài trợ nghiên cứu. Tôi cũng dự định vào dạy tại các trường đại học địa phương. Trong việc đạt cho được những mục tiêu mình nhắm tới, tôi nghĩ rằng mình sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chồng, gia đình và bạn bè của tôi.

Vincent: Bạn có muốn nên người thành công hay không” Bạn định nghĩa thành công là gì?
Yến Chi: Nói cho ngay thì tôi đã cảm thấy mình thành công rồi đấy. Tôi đã có thể đứng lên bênh vực cho điều mà tôi tin tưởng vào, và làm cho những nhân vật quan trọng phải lưu ý để thay đổi luật lệ để đem lại an toàn nhiều hơn cho xe buýt, cho mỗi người ở Hoa Kỳ. Được tham gia vào việc thúc đẩy dự luật MESA thành đạo luật là một trong những điều thành đạt lớn lao nhất của đời tôi. Đó là điều tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi muốn làm hoặc có thể làm được. Tôi cũng đạt được thành công từ công tác chuyên môn của mình, với tư cách là một chuyên viên nghiên cứu, và từ việc tôi dấn thân với cộng đồng.
Đối với tôi thì thành công là đến cuối đời thì mình quay lại nhìn và biết rằng mình đã tạo ra được một sự khác biệt trong cuộc sống của những người chung quanh mình. Tôi dám đánh cược rằng có rất ít người, vào cuối cuộc đời của họ, quay đầu nhìn lại mà nghĩ: “Chớ gì hồi trước tôi làm việc thêm nhiều ngày hơn, hoặc kiếm được nhiều tiền hơn”. Tôi dám cá rằng hầu hết người ta sẽ nói: “Tôi ước gì mình dành thì giờ nhiều hơn cho gia đình mình”. Những người có mặt trong cuộc sống của tôi chính là điều quan trọng hơn cả đối với tôi.

Vincent: Ban có những người nào dìu dắt bạn trong cuộc sống hay không? Nếu có, thì họ giúp cho bạn thế nào?
Yến Chi: Mẹ tôi chính là người dắt dìu tôi trên đời. Bằng cách làm gương sáng trước, mẹ dạy tôi sống sao cho kiên trì, và sống trọn đời với niềm vui và ân sủng, dù cho trên đường đời có gặp phải bao thách đố hoặc tang thương. Mẹ dạy tôi lòng nhân từ, tính nhẫn nại và tử tế. Mẹ khuyến khích tôi học cho đến lúc tốt nghiệp bậc hậu đại học khoa tâm lý, và nâng đỡ tôi mọi mặt trong cuộc sống. Mẹ cũng dạy tôi biết giúp đỡ cộng đồng, khi nào mình có thể giúp được. Mẹ tôi bốn là một cán sự xã hội làm việc cho tiểu bang Texas, trong gần 30 năm. Để tưởng nhớ mẹ, tôi đang xúc tiến thành lập quỹ Catherine Tuong So Lam Memorial Endowment in Social Work, tại trường đại học University of Houston. Quỹ tưởng niệm này sẽ cung cấp học bổng cho những người đi học ngành cán sự xã hội, dấn thân phục vụ cộng đồng. Ưu tiên dành cho những học viên gốc Việt.

Vincent: Bạn muốn làm gì để giải trí? Sở thích của bạn là gì?
Yến Chi: Tôi thích văn hóa nghệ thuật. Quả vậy, tôi có những tấm vé theo mùa đi xem diễn ở hí viện Houston Grand Opera. Tôi cũng ưa xem kịch và nhạc kịch. Tôi cũng ủng hộ các ngành nghệ thuật. Menil Foundation là một bảo tàng viện mà tháng nào tôi cũng tới viếng. Tôi cũng thích ăn uống. Houston thực sự là một nơi quy tụ nhiều nhà hàng và các đầu bếp tài ba. Tôi cũng đi xem trình diễn nhạc sống với chồng tôi. Khi cần thì giờ yên tĩnh, tôi thích đọc sách và nấu ăn.

Vincent: Bạn thích loại âm nhạc nào? Xin nêu tên một vào nghệ sĩ mà bạn hâm mộ.
Yến Chi: Sở thích âm nhạc của tôi thì đa dạng. Tôi yêu nhạc indie, ca kịch opera, Top 40 và alternative. Nhà soạn nhạc tôi thích nhất là Giacomo Puccini. Những nghệ sĩ hiện đại mà tôi ái mộ là Adele, The National, Ingrid Michaelson, và The Shins.

Vincent: Xin hỏi bạn câu cuối cùng: Triết lý cuộc sống của bạn là gì?
Yến Chi: Cuộc đời thì ngắn ngủi, thật là bóng câu qua cửa. Hãy nói với người khác về chuyện hàng ngày bạn cảm thấy như thế nào về họ, và sống với hiện tại từng ngày.

Vincent: Xin cám ơn bạn Yến Chi.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT