Đạo và Đời

Lễ Mình Máu Thánh Chúa

Wednesday, 18/06/2014 - 08:39:34

Ăn, uống là hai nhu cầu không thể thiếu cho sự sống của con người. Người ta chết vì đói và cũng chết vì khát.
Con người dưới cái nhìn Kitô giáo gồm hai phần thể xác và linh hồn. Con người thuộc thể lý cần ăn, uống để duy trì sự sống, thì con người thuộc tâm linh cũng có những cơn đói khát cần có lương thực để sống còn

LM. Trịnh Ngọc Danh

Đói và Khát

Ăn, uống là hai nhu cầu không thể thiếu cho sự sống của con người. Người ta chết vì đói và cũng chết vì khát.
Con người dưới cái nhìn Kitô giáo gồm hai phần thể xác và linh hồn. Con người thuộc thể lý cần ăn, uống để duy trì sự sống, thì con người thuộc tâm linh cũng có những cơn đói khát cần có lương thực để sống còn. Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra. Con người thể xác đói ăn, khát uống, thì con người tâm linh cũng đói, cũng khát: Đói công bằng bác ái, đói yêu thương nhân ái, khát hòa thuận hạnh phúc, khát chân thiện mỹ, khát hy vọng cuộc đời. Lương thực nào có thể thỏa mãn cơn đói khát của tâm linh?

Trong suốt cuộc hành trình 40 năm đi về miền Đất hứa, “tất cả cha ông chúng ta đều ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môsê. Tất cả cùng ăn một thức ăn thiêng liêng, tất cả cùng uống một thức uống thiêng liêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn theo họ, tảng đá ấy chính là Đức Kitô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc”.

Ngày nay, trong cuộc hành trình đi về Nhà Cha, chúng ta cũng cần có những thức ăn, thức uống thiêng liêng nuôi dưỡng. Thức ăn, thức uống thiêng liêng để nuôi dưỡng con người tâm linh, nuôi sống linh hồn, đó chính là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại và đã tự hiến mình làm lương thực nuôi sống con người tâm linh trên con đường đi vào cuộc sống vĩnh hằng trên trời. Ngài là Lời hằng sống , là Nước hằng sống, là Bánh trường sinh. Máu Thịt của Ngài đã trở thành lương thực nuôi sống con người trong suốt cuộc lữ hành trần gian.

Ở bên giêng nước Jacob, Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari rằng Ngài là nguồn nước mà ai uống vào sẽ không bao giờ khát nữa: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Và trong Diễn từ trong Hội đường Caphacnaum, Chúa Giêsu lại khẳng định Ngài là bánh từ trời xuống, là bánh trường sinh: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”; ngược lại: “nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”.

Trong bữa Tiệc Ly, trước khi bước vào cuộc tử nạn, và trước khi về trời cùng Chúa Cha, để nuôi sống linh hồn con người, đồng thời “để ở cùng con người cho đến tận thế,” Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh thể. Ngài đã biến bánh và rượu trở thành Thịt và Máu của Ngài.

Đức Giêsu là nước hằng sống, là Lời hằng sống, là bánh trường sinh. Máu Thịt Ngài là làm cho con người được sống muôn đời.Tấm bánh Đức Kitô là lương thực nuôi dưỡng tâm hồn con người, là sự hiện diện hằng ngày với con người cho đến tận thế. Tấm bánh được bẻ ra và phân phát cho nhiều người nói lên sự hiệp thông, sự thông phần vào ơn cứu chuộc. Tấm bánh là Một Thân Thể, một Đức Kitô, nhưng những mảnh bánh được bẻ ra là những chi thể trong một thân thể.

Người ăn thịt và uống máu con Người thì có sự sống nơi mình, được sống muôn đời, được sống lại vào ngày sau hết, được ở lại trong Chúa và Chúa ở trong người ấy như lời thánh Phaolô đã nói: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.”

Bà Marthe Robin là một trong những người được in 5 dấu thánh. Bà sống đương thời với chúng ta. Mắt bà bị mù lòa, thân xác đau đớn, co quắp, thông phần vào sự thương khó của Chúa Giêsu.

Trên 30 năm nay, bà không ăn uống gì, chỉ sống bằng Mình Thánh Chúa. Khi trao Mình Thánh Chúa cho bà, vị linh mục có cảm giác như Mình Thánh bay từ tay mình vào thẳng miệng bà. Bà sống âm thầm trong một ngôi nhà nhỏ, có cha linh hướng săn sóc; đi đâu thì cha khóa cửa lại, vì bà chẳng cần ăn uống gì hết.

Tuy mắt đã mù, không đọc được sách báo, chẳng nghe được đài phát thanh, nhưng mỗi lần có ai xin cầu nguyện về một việc gì, bà trả lời như đã nghe biết tất cả những tin tức cuối cùng và mới mẻ nhất về nơi chốn, diễn tiến của sự việc vừa mới xảy ra.

Việc tham dự thánh lễ là cơ hội gặp gỡ Đấng tôi yêu. Thế nhưng có người lập luận rằng: Tôi tin Chúa ở khắp mọi nơi, thì ở đâu tôi cũng có thể gặp Chúa, cần gì phải đi tham dự Thánh Lễ mới gặp được Ngài! Những người quan niệm như thế, có lẽ họ chưa hiểu được ý nghĩa và ơn ích vô giá và sự cần thiết của Thánh Lễ. Thánh lễ nguồn cung cấp hai lương thực hằng sống là Lời Chúa và Máu Thịt của Ngài.

Một Chúa Nhật nọ, ông Mazoni, một thi sĩ trứ danh của nước Ý, đứng lên từ giã các bạn để đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Các bạn khuyên ông: “Trời mưa lạnh, nhà thờ lại xa, thôi để Chúa Nhật tới.” Thi sĩ Mazoni ôn tồn đáp: “Trong các bạn, nếu ai mất 100 ngàn lires, chắc không ai ngồi đợi cho đến khi trời ấm áp mới đi tìm. Nhưng 100 ngàn lires có là gì so với Thánh lễ!”

Người Kitô hữu là những chi thể của Thân Thể Đức Kitô, thì để sống với Đức Kitô, chúng ta cũng phải có máu và thịt Đức Kitô như lời thánh Phaolô đã nói: Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Là chi thể của Đức Kitô, chúng ta sống nhờ máu và thịt của Ngài nuôi dưỡng, như cành nho sống nhờ thân nho thì người Kitô hữu cũng phải hút nhựa sống từ thân thể Đức Kitô. Tách lìa khỏi thân nho sẽ bị khô héo, thì không có máu thịt Đức Kitô, con ngươi tâm linh cũng sẽ chết.

Ngàn hạt lúa miến thành bột và thành một tấm bánh, và từ một tấm bánh lại trở thành tấm bánh chia phần cho nhiều người khác. Tấm bánh như một sự hợp nhất trong Đức Kitô. Chúng ta đã bị chia cách vì tội lỗi thì nay chúng ta được hiệp nhất với nhau để tạo thành một Thân Thể của Đức Kitô là Giáo Hội.

Lới Chúa nói: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” cho phép chúng ta tin tưởng rằng chỉ duy nhất Thiên Chúa là Đấng có thể thỏa mãn được mọi khát vọng và mong ước của chúng ta. Nhưng chúng ta tin và đến với Ngài hay lại quỵ ngã như cha ông ta xưa trong sa mạc!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT