Văn Nghệ

Lẽ sống trong Câu Chuyện Bà Thị Kính

Friday, 02/03/2018 - 08:21:42

Cả cuộc đời Thị Kính, chỉ có quyết định đầu tiên về việc lấy chồng là thể hiện sự chịu đựng theo tinh thần phong kiến, bởi vì Thị Kính đồng ý lấy Thiện Sĩ để cho cha vui lòng. Còn tất cả những quyết định khác sau khi lấy chồng đều là lựa chọn có suy nghĩ của Thị Kính.

Bài ANVI HOÀNG 

Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính) là vở opera lớn của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục), đã được mở màn tại sân khấu lớn chuyên nghiệp của trường nhạc Jacobs School of Music thuộc đại học Indiana University vào các ngày 7, 8, 14 và 15 tháng 2 năm 2014. Ngoài những khán giả ở thành phố Bloomington, cùng đến tham dự các buổi trình diễn mở màn là hàng trăm khách mời người Việt đến từ khắp nước Mỹ, và cả một số đến từ Việt Nam. Vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử âm nhạc phương Tây - đây là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của một nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ- và nó đã được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt.


Đám cưới Thị Kính và Thiện Sĩ (Anvi Hoàng)

Vui nhất là câu chuyện Việt Nam này đã nhận được sự đồng cảm từ khán giả bản xứ. Có nhiều lý do khiến câu chuyện cổ này của Việt Nam vượt khỏi biên giới văn hóa của đất nước Việt Nam mà trở thành tác phẩm văn hóa của thế giới. Trước hết phải nói đến vấn đề kể chuyện.

Kể câu chuyện đời của Thị Kính

Đúng là câu chuyện Quan Âm Thị Kính của vở hát chèo cùng tên có giá trị nhân bản vĩnh cửu (universalism) về tình yêu (love), lòng độ lượng (compassion), và sự hy sinh không giới hạn (selflessness). Nhưng cảm nhận về các giá trị văn hóa, xã hội và cách tư duy của mỗi dân tộc rất khác nhau. Chính vì hiểu được điều này mà P.Q. Phan biết rằng muốn khán giả Mỹ hiểu được câu chuyện Việt Nam này theo cách mình muốn họ hiểu, ông phải diễn giải nó với loại ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được. Đây cũng chính là cách nhìn và cách diễn giải mới của P.Q. Phan về tác phẩm Thị Kính cho khán giả của thế kỷ 21. Không thể chối bỏ giá trị tôn giáo trong tác phẩm, nhìn từ góc độ xã hội, câu chuyện Thị Kính thể hiện những giá trị nhân bản vượt thời gian và rất gần với triết lý nhà Phật theo cách người Việt Nam thường biết.


Cảnh Bà Thị Kính lên Niết Bàn (Anvi Hoàng)

Theo P.Q. Phan, các cảnh trong câu chuyện bắt đầu từ lúc Thị Kính ở nhà với cha, sau đó qua nhà chồng, rồi vào ở chùa, lang thang ở chợ, kiệt sức dưới gốc cây bồ đề, và lên Niết Bàn theo một thứ tự mang nhiều ý nghĩa. Đây là những dấu chấm mà khi được nối kết lại với nhau chúng sẽ kể một câu chuyện về hành trình của Thị Kính đi từ thấp—người con gái nghèo bình thường, đến cao—Phật bà. Chẳng khác nào quá trình thăng hoa. Do đó, “thăng hoa” sẽ là khái niệm của vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính cả về mặt thẩm mỹ lẫn âm nhạc. Các nhân vật khác như Thị Mầu, Sùng Bà, Thiện Sĩ đều là nhân vật phụ sau Thị Kính nhưng không thể thiếu vì họ chính là nguyên nhân gây ra tất cả những bi kịch và xung đột mà Thị Kính phải trải qua để rồi thoát trần thành Phật.


Dàn đồng ca kết thúc phiên xử Thị Mầu chửa hoang (Anvi Hoàng)

Nhìn gần, dưới góc độ thực tế của cuộc sống hiện đại, quá trình thăng hoa của Thị Kính không khác gì hình ảnh một người anh hùng bình dân tay trắng làm nên mà ở đâu, thời nào cũng có. Có lẽ vì thế mà khán giả Mỹ ngày nay có thể cảm nhận được sức hút của nó. Giải thích về ý nghĩa âm nhạc và khái niệm của vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính, P.Q. Phan đã nói như sau về các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời Thị Kính:

- Con gái:
Ngay từ bài hát đầu tiên, Thị Kính đã hát về vấn đề làm đàn bà nghĩa là như thế nào. Theo lời hát, đó là phục vụ gia đình, chồng, và xã hội. Câu nói này rõ ràng là về nghĩa vụ của một người đàn bà. Tuy nhiên Thị Kính lúc này là gái chưa chồng nên không hề đặt câu hỏi về vấn đề này mà chỉ hát lên những điều mình được dạy. Sự ngây thơ của Thị Kính ở giai đoạn này cũng được thể hiện qua âm nhạc ngây thơ và trong sáng.


Sư Cụ tại phiên xử Thị Mầu chửa hoang (Anvi Hoàng)

- Đàn bà:
Bài hát tiếp theo khi Thị Kính đồng ý lấy Thiện Sĩ là về nghĩa vụ của một người đàn bà có chồng, là bài hát để giảng giải chứ không phải để giải trí. Thị Kính lúc này là đàn bà có chồng nhưng sự trưởng thành chỉ thể hiện ở tuổi tác chứ chưa qua kinh nghiệm cuộc sống. Vì vậy bài hát vẫn còn mang tính ngây thơ, trong sáng, vui tươi, không nghi kỵ, chỉ hơi nghiêm trang một chút thôi.

- Trưởng thành:
Từ bỏ cuộc sống đời thường và đi tu là giây phút Thị Kính trưởng thành. Thị Kính bắt đầu đặt câu hỏi không những về cuộc đời của người đàn bà mà còn về thân phận con người. Để thể hiện tâm trạng suy tư này, âm nhạc không đi vòng vo, không mục đích mà trực tiếp: nhạc đi từ thấp lên cao để diễn tả quá trình phát triển trong tư tưởng này. Đây chưa phải là giây phút giác ngộ lớn trong đời Thị Kính nhưng là giây phút quan trọng và âm nhạc cũng được giải quyết đúng mức như thế.
Ở cảnh Thị Mầu lên chùa ghẹo Thị Kính- Tiểu Kính Tâm, Thị Kính chỉ là vai phụ ở cảnh này nhưng trong lòng đã bắt đầu có sự đa nghi không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau vụ tán tỉnh này. Cho thấy đây là sự suy nghĩ của một người đàn bà trưởng thành biết rằng cuộc sống không đơn giản, và đi tu không phải là câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề. Bài hát của Thị Kính là về sự thay đổi và không biết chắc mọi việc sẽ tiến triển tới đâu.

- Chín chắn:
Tại phiên xử Thị Mầu chửa hoang, Thị Kính nhận tội thay cho Thị Mầu. Hành động vì người khác như thế này của Thị Kính cho thấy Thị Kính đã thăng hoa để trở thành một người tốt hơn, nhưng con đường phía trước vẫn còn mờ mịt, chưa biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo. Do đó để mô tả tâm trạng này, âm nhạc không mô tả sự chấm dứt, không diễn tả quá trình như đi từ A đến B, mà đơn giản diễn tả một sự việc đang diễn ra.

- Thăng hoa:
Đến khi Thị Kính bị đuổi khỏi chùa thì chùa không phải là nơi nương tựa của Thị Kính nữa. Về mặt khái niệm, yếu tố này quan trọng ở chỗ nó gợi lên liên tưởng về việc Đức Phật đã giác ngộ dưới gốc cây bồ đề chứ không phải trong chùa. Nếu không bị đuổi khỏi chùa, Thị Kính cũng không giác ngộ được. Vậy nên bài hát về việc Thị Kính bỏ chùa ra đi giống như một lời giới thiệu để dẫn đến bài hát lớn tiếp theo khi Thị Kính hát về việc bế trẻ đi xin ăn ở chợ.

Bài “Bế trẻ ra chợ” là bài hát quan trọng nhất của Thị Kính. Về mặt lời, việc đi ra chợ miêu tả sự di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, cũng như quá trình thăng hoa là đi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Về mặt âm nhạc, ban đầu bài hát ít cảm động nhưng dần dần tình cảm tăng lên, nhạc đi từ thấp lên cao, bắt đầu từ thư giãn và dần dần trở nên bức thiết hơn. Bài hát “Bế trẻ ra chợ” chính là bài hát miêu tả sự thăng hoa của Thị Kính.

Tiếp theo là cảnh cuối của vở opera. Ở cảnh cuối này, âm nhạc của toàn bộ vở opera đã trở nên hoàn toàn hiện đại. Nếu mở đầu vở, nhạc gần với nhạc truyền thống Việt Nam, thì đến lúc này tính dân tộc giảm đi và âm nhạc đã đi gần đến chỗ phổ quát (universal).

Quá trình thăng hoa của Thị Kính kết thúc với đỉnh cao của sự thăng hoa khi Thị Kính trên niết bàn kể lại chuyện đời của mình cho mọi người nghe. Bài hát “Bế trẻ ra chợ” được mở rộng và biến thành bài hát kết thúc của vở opera “Trên niết bàn”. Bài hát này có phần giống bài hát “Bế trẻ ra chợ” nhưng lớn hơn cả về lời, lớn hơn trong sự chuyển âm và chuyển thể, và lớn hơn cả về lượng. Nghĩa là vào những phút cuối của vở opera, tất cả các nhân vật cùng hòa vào hát và và biến “Trên niết bàn” thành bài hát ca tụng Phật Quan Âm Thị Kính và vẽ lên một bức tranh thực tế trộn lẫn ước mơ: rằng cuối cùng thì một người bình thường cũng có thể trở thành một đấng siêu việt. Có thể nói Thị Kính là nhân vật nắm giữ khái niệm chính của toàn bộ vở opera và quá trình thăng hoa về mặt âm nhạc được thể hiện chủ yếu là qua các bài hát của nhân vật này.

Tại sao Thị Kính đi tu

Hai nhân vật dân gian Thị Kính và Thị Mầu có lẽ là một trong những nhân vật hát chèo được người Việt Nam biết đến nhiều nhất. Thị Mầu tượng trưng cho sự đam mê cuộc sống, và Thị Kính tượng trưng cho sự hy sinh vì người khác. Câu chuyện Thị Kính xuất hiện từ thế kỷ 10. Đến thế kỷ 21 hôm nay, câu chuyện này vẫn mang đầy ý nghĩa nhân văn mà nhìn dưới góc độ tôn giáo hay xã hội đều sâu sắc. Khi xem vở opera này, nhiều khán giả Mỹ và một số trẻ em người gốc Việt có một câu hỏi lớn về Thị Kính: Tại sao bà lại đi tu. Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản và dễ trả lời đối với người Việt Nam nào quen thuộc với câu chuyện Thị Kính, nhưng để có một câu trả lời thỏa đáng cho khán giả của thế kỷ 21 theo kiểu họ cảm nhận và chấp nhận được, chúng ta phải phân tích về hành động của nhân vật Thị Kính nhìn từ góc độ xã hội.

Với cách nhìn nhận xưa về Thị Kính, nhiều người cho rằng Thị Kính là mẫu mực của người đàn bà Việt Nam biết nhẫn nhục. Bây giờ là thế kỷ 21, không thể dùng lăng kính phong kiến mà đánh giá nhân vật được nữa. Chỉ cần đọc kỹ lại câu chuyện, chúng ta có thể thấy ngay rằng: chính xác là Thị Kính đã chọn làm những chuyện bà cho là đúng, cho dù điều này có nghĩa là hy sinh bản thân mình cho người khác. Chính vì thái độ sống này mà Thị Kính có thể trở thành Phật.

Cả cuộc đời Thị Kính, chỉ có quyết định đầu tiên về việc lấy chồng là thể hiện sự chịu đựng theo tinh thần phong kiến, bởi vì Thị Kính đồng ý lấy Thiện Sĩ để cho cha vui lòng. Còn tất cả những quyết định khác sau khi lấy chồng đều là lựa chọn có suy nghĩ của Thị Kính.

Khi bị nghi oan là có ý giết chồng và bị đuổi khỏi nhà chồng, Thị Kính có thể lựa chọn: hoặc là ở lại nhà cha đẻ mà mang tiếng xấu cho mình và cho cha, hoặc là tự kết liễu đời mình cho yên thân, hoặc là giả trai vào chùa đi tu. Thị Kính chọn cách thứ ba, cho thấy rằng bà là người biết nghĩ đến người khác và có tinh thần dấn thân.




Thị Mầu tán tỉnh Tiểu Kính Tâm (Anvi Hoàng)

Lúc ở chùa Thị Kính bị Thị Mầu dụ dỗ và sau đó bị vu oan là làm cho Thị Mầu mang thai, Thị Kính có có thể lựa chọn: hoặc là nói rõ sự thật mình là gái, như thế thì khỏi tội và Thị Mầu bị xấu mặt phải mang tiếng cả đời. Đồng thời, khi nhận mình là đàn bà thì nhà chùa nơi Thị Kính nương náu cũng sẽ bị mang tiếng lây vì đã để cho đàn bà vào tu trong chùa của sư đàn ông. Vì thương người, thương cho cuộc đời Thị Mầu, và không muốn nhà chùa mang tiếng xấu mà Thị Kính đã không lựa chọn hành động này. Thị Kính đã chọn rời khỏi chùa, một thân một mình tìm đường sống mới—cho thấy lòng thương người sâu sắc của Thị Kính và sự can đảm tận cùng của một con người trước thách thức của cuộc sống. 


Khi thấy đứa trẻ bị bỏ rơi nơi cửa chùa, Thị Kính có thể làm lơ. Nhưng vì tình thương người mà Thị Kính đã chấp nhận cưu mang đứa bé, cho dù biết rằng việc chú tiểu Kính Tâm bế trẻ đi ăn xin ở chợ sẽ gây xôn xao, bàn tán và phỉ nhổ cho bản thân mình. Tình thương người của Thị Kính lúc này đã đến mức thánh thiện. Và sự toan tính cho bản thân đã nhường chỗ cho sự chú tâm vào những việc cần làm mà thôi.

Tóm lại, từ sau khi lấy chồng, những việc Thị Kính làm cho thấy bà không ngừng suy nghĩ, đắn đo và đấu tranh với bản thân để lựa chọn những hành động bà cho là tốt nhất trong những hoàn cảnh nhất định, sao cho mọi người xung quanh được sống yên ổn. Đây không phải là hành động của một người biết nhẫn nhục chịu sống trong đau khổ. Thị Kính không hề lựa chọn những hành động kể trên để sống trong đau khổ và oán trách. Ngược lại, bà vui lòng làm tất cả. Hành động của Thị Kính mang tính triết lý sâu sắc về lẽ sống của con người trên đời. Nó cũng thể hiện lối sống của một người theo tinh thần Phật Thích Ca: làm những việc cần làm, để chấm dứt đau khổ, với một tâm thiền tĩnh lặng và bình yên. Điều đáng mừng là khán giả Mỹ đã cảm nhận được cả hai điều này. Chính vì vậy mà vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem.


Vợ Mõ và Lý Trưởng (Anvi Hoàng)

6 trích đoạn của vở opera này sẽ được diễn trong buối nhạc “Góc Nhìn Qua Thời Gian” vào 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 25 tháng 3 năm 2018. Vé có các hạng $40- $95. Quý vị muốn tìm hiểu thêm về buổi hòa nhạc “Góc Nhìn qua Thời Gian” (Of Times & Perspectives)và đặt mua vé online, hãy vào website: http://muscocenter.org. Hoặc mua vé tại Nhật Báo Viễn Đông và nhà sách Tú Quỳnh.
Để khuyến khích giới trẻ Mỹ gốc Việt đến xem di sản văn hóa của chính mình, hội VASCAM có chương trình vé giảm giá cho các học sinh, sinh viên cũng như người lớn tuổi khi mua vé trên mạng. Giảm giá này thật hấp dẫn: Vé $40 mua trên mạng sẽ được bán với giá $15 cho học sinh trung học và $20 cho sinh viên đại học. Người già trên 60 sẽ được giảm $5 mỗi vé khi mua trên mạng. Dưới đây là link để mua vé trên mạng:
http://muscocenter.org/event/of- times- and- perspectives/

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT