Người Việt Khắp Nơi

Lễ Tro, khởi đầu Mùa Chay của Giáo Hội Công Giáo

Wednesday, 14/02/2018 - 08:51:18

Mở đầu thánh lễ cử hành lúc 6 giờ 30 sáng, linh mục Phạm Ngọc Tuấn nhắc nhở các tín hữu, hôm nay chúng ta đến thánh đường này để cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa và để bắt đầu Mùa Chay Thánh của Giáo Hội. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được ơn “trở về” với Chúa.

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Thứ Tư, ngày 14 tháng 2, 2018 Giáo Hội Công Giáo toàn cầu cử hành Lễ Tro, bắt đầu vào Mùa Chay Thánh. Tuy Lễ Tro không phải là lễ trọng hay lễ buộc nhưng các tín hữu đều đến nhà thờ để được vị linh mục hay các Thừa Tác Viên xức một chút tro trên trán, nhắc nhở mình ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu “bụi tro” mà Sách Sáng Thế đã chép: “Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về cùng bụi tro.”


Hàng ngàn giáo dân tham dự Thứ Tư Lễ Tro tại thánh đường Saint Barbara. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Vào ngày Thứ Tư Lễ Tro năm nay, tại giáo xứ Saint Barbara, Santa Ana do linh mục Josep Phạm Ngọc Tuấn làm chánh xứ có 4 thánh lễ vào lúc 6 giờ 30 sáng, 12 giờ trưa, 5 giờ chiều và 8 giờ tối để tất cả giáo dân có điều kiện tham dự. Các tín hữu người Mexico cho biết, họ không bao giờ bỏ nghi thức xức tro trong đầu Mùa Chay. Hôm nay theo giáo luật cũng là ngày các tín hữu đến tuổi phải ăn chay và kiêng thịt.

Mở đầu thánh lễ cử hành lúc 6 giờ 30 sáng, linh mục Phạm Ngọc Tuấn nhắc nhở các tín hữu, hôm nay chúng ta đến thánh đường này để cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa và để bắt đầu Mùa Chay Thánh của Giáo Hội. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được ơn “trở về” với Chúa. Do đó, tất cả lời nói, việc làm chúng ta hãy hướng về Chúa và làm đẹp lòng Chúa.


Hai LM Phạm Ngọc Tuấn và Trần Quang Lộc xức tro trên trán các giáo dân (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Trong bài giảng, linh mục chánh xứ cũng nhắc nhở giáo dân: Chúng ta phải sám hối trở về như lời Thánh Phaolô rất nhiều lần kêu gọi chúng ta: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Tin vào Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa Hằng Sống, và trong cuộc hành trình nơi dương thế, chúng ta luôn đặt Chúa trên hết và trước hết. Đó là lý tưởng của mọi Kitô hữu, là điều kiện tiên quyết để chúng ta được trở lại vườn Địa Đàng.
Trước khi kết thúc thánh lễ, linh mục chủ tế làm phép tro. Sau đó linh mục Phạm Ngọc Tuấn xức tro trên trán linh mục Trần Quang Lộc và cha Lộc cũng xức tro trên trán cha chính xứ. Cả hai linh mục cùng một số thừa tác viên lần lượt xức tro trên trán tất cả các giáo dân từ trẻ đến già.

Lịch sử và ý nghĩa Thứ Tư Lễ Tro

Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, là ngày khởi đầu “Mùa Chay Thánh.” Việc ăn chay trong mùa này có từ thời Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả (590-604). Còn tập tục xức tro được biến đổi từ một nghi thức thống hối công cộng thời xưa. Theo đó, mỗi phạm nhân phạm một số tội nặng một cách công khai như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình... thì người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Để được trở lại cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối nơi công cộng.


LM Phạm Ngọc Tuấn xức tro trên trán LM Trần Quang Lộc. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Vào ngày Thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, họ phải tụ tập tại nhà thờ chánh tòa, sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Đức Giám Mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu, trên mình. Sau đó họ phải ra khỏi nhà thờ để được chỉ định đến một tu viện, ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ trong Mùa Chay. Sau đó, Đức Giám Mục xem xét việc thực hành thống hối của họ và đọc lời xá giải tội lỗi để họ được trở lại giao hòa với cộng đoàn.

Về sau định chế này hủy bỏ, tuy nhiên Lễ Tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Đầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Đức Giáo Hoàng và mọi tín hữu đều nhận tro. Năm 1091, Công Đồng Benevento đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo Hội. Trong khi bỏ tro, linh mục hay Thừa Tác Viên sẽ đọc: “Hãy nhớ mình là bụi tro.”


Linh mục chánh xứ Phạm Ngọc Tuấn làm phép tro. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Năm nay Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro, ngày 14 tháng 2, và kéo dài 40 ngày trước lễ Chúa Phục Sinh (1 tháng Tư). Đối với người Công Giáo, bốn mươi ngày của Mùa Chay gợi nhớ 40 ngày Chúa Giêsu chay tịnh và chịu cám dỗ trong sa mạc; bốn mươi ngày cũng là thời gian lụt đại hồng thủy qua câu chuyện về ông Nôe; Bốn mươi ngày là thời gian ông Môisen ở trên núi với Thiên Chúa, và 40 ngày cũng là thời gian dân Israel tiến về Đất Hứa tại Canaan.

Trong suốt mùa chay, nhiều biểu hiệu được Giáo Hội thực hiện như các linh mục mặc màu áo lễ tím khi cử hành thánh lễ, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không đánh đàn trong thánh lễ; trong các bài giảng, linh mục sẽ chú tâm vào việc nhắc nhở tín hữu đi sâu vào tâm tình thống hối, suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình để ăn ăn sám hối, canh tân cuộc sống nhất là thực hành đức bác ái, yêu thương.

LM Michael D. Guinan,OFM nói về 40 ngày mùa chay, trong đó LM Giuse Ngô Quang Trung dịch một đoạn như sau: “Suốt 40 ngày Mùa Chay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội sống lại, trải nghiệm sa mạc hàng năm. Những vấn đề mà hôm nay chúng ta phải đối diện một cách gay gắt nhất cũng chính là những vấn đề đã xảy ra trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước.

“Đây là những chủ đề rất thiết thực để chúng ta sống Mùa Chay, qua đó chúng ta cũng nhận ra giá trị những cách thực hành đã trở thành truyền thống trong Giáo Hội, đó là cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Kinh Thánh cho thấy rằng chúng ta có thể không biết trước những dữ kiện của tương lai. Nhưng chúng ta cần biết điều quan trọng nhất liên hệ tới nó; đó là chúng ta không đơn độc lẻ loi Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Câu này được nói với dân Israel, cũng được nói với chúng ta hôm nay.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT