Người Việt Khắp Nơi

Lễ tưởng niệm Quân, Dân, Cán, Chính VNCH bỏ mình trong cuộc rút lui trên liên tỉnh lộ 7 B, Pleiku

Monday, 23/03/2015 - 09:10:50

Sau đó, MC nhường lời cho người trong cuộc, chiến hữu, nhà văn quân đội Phan Nhật Nam lên nói về những đau thương, mất mát, những cái chết tức tưởi, oan khiên mà chính ông chứng kiến. (Bài phát biểu của nhà văn Phan Nhật Nam rất nhiều chi tiết, chúng tôi chi ghi lại những đoạn chính).

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Dưới cơn nắng gắt của ngày đầu mùa Xuân, thứ Sáu 20 tháng Ba, 2015, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt - Mỹ ở Westminster, Hội Phố Núi Pleiku đã tổ chức buổi lễ Tưởng Niệm, cầu nguyện cho anh linh các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH đã hy sinh và tử nạn trong cuộc lui binh trên liên tỉnh lộ 7B vào khuya ngày 16 tháng Ba, 1975, một cuộc lui binh thảm hại nhất trong cuộc chiến Việt Nam.
Đến tham dự Lễ Tưởng Niệm có Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong đó, ngoài Hòa Thượng Thích Minh Nguyện, Hiền Tài Phạm Văn Khảm, Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, nay có thêm quý thành viên mới là Linh Mục Mai Khải Hoàn, Hiền Tài Hoa Thế Nhân, Mục Sư Nguyễn Văn Bé.

Hội Đồng Liên Tôn niệm hương và cầu nguyện cho các anh linh QDCC/VNCH đã bỏ mình trên liên tỉnh lộ 7B năm 1975. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Về dân cử có Thị Trưởng và Phó Thị Trưởng Westminster, ông Tạ Đức Trí và ông Sergie Contreras, LS Nguyễn Xuân Nghĩa, Chủ Tịch CĐNVQG Nam Cali, Phái đoàn CĐVN Nam Cali; ông Khanh Nguyễn, đại diện TP Santa Ana, ông Phan Ngọc Lượng, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, nguyên Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II trong thời điểm rút quân trên Liên Tỉnh Lộ 7B, ông Nguyễn Minh Chánh, Tổng Hội Trưởng BĐQ cùng các chiến sĩ BĐQ Phạm Văn Thuận, Nguyễn Thanh Xuân, Cai Văn Trung, Quách Thượng, Phan Văn Hiền; ông Phó Tỉnh Trưởng Pleiku cùng một số Quân, Cán, Chính thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Chiến hữu Trần Vệ và Nguyễn Hoài Cát (Tổng Hội Trưởng và THP Võ Bị Đà Lạt), và nhiều chiến hữu khác từng có mặt trên chiến trường Pleiku, ông Đoàn Ngọc Đa, Hội QNĐN, phái đoàn cựu SVQGHC, cùng rất đông cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Quận Cam.
Đặc biệt có cựu Trung Tá QL Hoa Kỳ, bà Phạm Phan Lang, người phụ nữ VN đầu tiên mang cấp bậc Trung Tá QLHK (chúng tôi có cuộc phỏng vấn bà, sẽ đăng trong những ngày tới), nhà văn Phạm Tín An Ninh đến từ Na Uy và chiến hữu Nguyễn Hữu Cam, Trung Tâm Trưởng TT Chiến Sĩ VNCH Đông Nam Hoa Kỳ và đội vũ Hồn Việt đến từ Florida, phái đoàn BĐQ/VNCH đến từ San Diego, một số chiến hữu đến từ New York. Phái đoàn đại diện Liên Trường Trung Học và một số đông đồng hương thuộc Hội Phố Núi Pleiku..
Cựu Trung Tá Phi Đoàn Trưởng Không Quân, ông Võ Ý là Trưởng Ban Tổ Chức, chiến hữu Trần Vệ, cựu Thiếu Tá TQLC, Tổng Hội Trưởng Võ Bị điều hợp chương trình buổi lễ cùng với nữ MC Ngọc Liên.
Trong không khí u buồn của buổi lễ, sau khi mọi người nghiêm chỉnh chào quốc kỳ VNCH và Hoa Kỳ, và trong lúc tiếng kèn chiêu hồn tử sĩ vang lên ai oán, MC Ngọc Liên nói: “Đặc biệt hôm nay chúng ta tưởng niệm tất cả các Quân, Dân, Cán, Chính Quân Đoàn II đã hy sinh trên liên tỉnh lộ 7 B trong cuộc rút lui khuya ngày 16 tháng Ba, 1975 từ Pleiku về Tuy Hòa. Nguyện cầu chư anh linh liệt vị hòa nhập vào hồn thiêng sông núi độ trì cho chúng ta và con cháu chúng ta để dựng lại ngọn cờ vàng ba sọc đỏ trên núi cũ, sông xưa.”
Sau phần giới thiệu quan khách, MC Ngọc Liên tóm lược cuộc rút binh trên Liên Tỉnh Lộ 7 B: Sau khi mất Ban Mê Thuột, chính quyền VNCH đã quyết định bỏ cao nguyên rút về duyên hải bằng đường bộ và sử dụng Liên Tỉnh Lộ 7 B để tạo yếu tố bất ngờ. Liên tỉnh lộ 7 B dài chừng 300km gồ ghề, lởm chởm đá, nhất là đoạn từ Cheo Reo về Tuy Hòa đã trở thành hoang hóa từ lâu. Quân Đoàn II và các đơn vị trực thuộc đã tham gia cuộc rút binh này.
Sau đó, MC nhường lời cho người trong cuộc, chiến hữu, nhà văn quân đội Phan Nhật Nam lên nói về những đau thương, mất mát, những cái chết tức tưởi, oan khiên mà chính ông chứng kiến. (Bài phát biểu của nhà văn Phan Nhật Nam rất nhiều chi tiết, chúng tôi chi ghi lại những đoạn chính).
Sau khi trình bày sơ lược về cuộc chiến khởi đầu từ trận Đồng Xoài năm 1965, Mậu Thân 1968 và việc để mất Ban Mê Thuột dẫn đến cuộc rút quân dọc tỉnh lộ 7B theo lộ trình từ Pleiku xuống đồng bằng duyên hải miền Trung, nhà văn Phan Nhật Nam nói, “Cuộc di tản dọc tỉnh lộ 7 B theo lộ trình Pleiku - Phú Bổn xuống Tuy Hòa quá lớn với nỗi đau thương dài đặt trên hơn 200 cây số đường núi với 200 ngàn dân thường đi từ hai thành phố Pleiku, Kontum. Ngày 16 tháng Ba, một Chúa Nhật điêu linh tan nát dọc con đường đỏ sẫm đất núi và máu. Đoàn di tản bị cộng quân chận tại phía đông Củng Sơn, bị cắt rời ở quận Phú Túc, bị đuổi dập từ tây quận lỵ Phú Bổn.
“Xe tăng cán ngang lên xe GMC, xe GMC hất xe đò chở thường dân xuống vực thẳm, hất luôn những xe Jeep nhỏ, cán qua những chiếc xe Dodge 4 của Địa Phương Quân chở những người già và trẻ em tan tác... Và cộng sản nổ súng 130 ly, 122 ly, B40, B41 cùng hòa vào nhau thành một luồng hỗn loạn tan tác, làm rung rinh sắc núi mờ nhòa ánh nắng... Sư Đoàn 320 Điện Biên của Việt cộng bắn thẳng vào đoàn người di tản... Cuối cùng đoàn di tản cũng về đến Tuy Hòa vào ngày 25 tháng Ba do Tiểu Đoàn 58 BĐQ dẫn đầu. Hai trăm ngàn dân theo lính chạy loạn từ Kontum, Pleiku nay chỉ còn khoảng 60,000.”
Sau đó, Hội Đồng Liên Tôn được mời lên trước bàn thờ dâng hương và HT Thích Minh Nguyện, Chủ Tịch đọc lời khấn nguyện, xin cho các oan hồn uổng tử năm xưa được sớm siêu thoát. Sau đó, một người lính già, đại diện cho Phố Núi Pleiku được mời lên niệm hương.
Trưởng Ban Tổ Chức, KQ Võ Ý đọc một tài liệu mới được bạch hóa cho biết, “Kế hoạch của chính phủ Nixon đã quyết định bỏ vùng I và vùng II để về cố thủ vùng IV. Bản kế hoạch này Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch của VNCH đã tình cờ thấy để trên bàn của Tổng Thống Thiệu vào tháng 5/1974 nghĩa là hai tháng trước khi Nixon từ chức.
“Như vậy chính phủ Mỹ chính là tác giả kế hoạch rút bỏ vùng I & vùng II. Một kế hoạch mà cho tới 39 năm sau, người ta vẫn lầm là sáng kiến của TT Nguyễn Văn Thiệu. Để thực hiện kế hoạch, lãnh đạo VNCH họp bàn kế hoạch bỏ Kontum và Pleiku nhưng không cho người Mỹ biết, vì người Mỹ biết tức là số quân nhân gốc người thiểu số do người Mỹ đào tạo biết họ sẽ cho là họ bị bỏ rơi, từ đó họ sẽ nổi loạn. Nhưng đau buồn thay, người Mỹ đã biết vì tin được tiết lộ. Như vậy 40 năm sau thảm họa Liên tỉnh lộ 7 B coi như được giải mã. Giải mã kia đưa đến 2 kết luận: Một là Mỹ bỏ rơi Việt Nam và hai là kế hoạch bị tiết lộ gây nên cuộc hỗn loạn trong cuộc lui binh.”
Sau lời phát biểu của KQ Võ Ý, chiến hữu Trần Vệ và chiến hữu Nguyễn Hoài Cát hướng dẫn các phái đoàn lên Đặt Vòng Hoa Tưởng Niệm gồm có: Hội Phố Núi Pleiku - Tiểu Khu Pleiku - Tổng Hội Biệt Động Quân, và Tập Thể BĐQ Nam Cali - Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị - Liên Đoàn 6 KQ, Liên Trường Pleiku.
Chiến hữu Biệt Động Quân Nguyễn Phú Thuận (Liên Đoàn 21 BĐQ) có mặt trong buổi lễ. Trả lời câu hỏi của Viễn Đông, chiến hữu nói, “Tôi thấy cấp lớn của mình không nghiên cứu về tình hình chiến trận. Thật sự tụi Việt cộng nó dương Đông kích Tây, nó nhắm chỗ này nhưng nó đánh chỗ kia nên thật sự cấp lãnh đạo cấp lớn của mình không nghiên cứu rõ điều đó, thành ra cứ nghĩ là vùng II thì nó phải đánh Kontum, Pleiku nhưng thật sự cái yết hầu là Ban Mê Thuột, không có kế hoạch rút quân một cách an toàn thành ra mình để cho bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào chết tức tưởi trên liên tỉnh lộ 7B, nhất là anh em BĐQ chúng tôi.”
Buổi lễ diễn ra thật cảm động và kết thúc vào buổi trưa cùng ngày.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT