Thế Giới

Liên bang điều tra vụ cảnh sát Anaheim bắn chết người, tin tức lan rộng toàn quốc

Vanessa White/Viễn Đông Friday, 27/07/2012 - 09:21:49

Cùng với những kết quả phân tích độc tố, gia đình ông Khoa đang chờ đợi kết quả của một cuộc điều tra phối hợp của quận và địa phương về vụ này. Nhật báo Viễn Đông đã liên lạc với một người trong gia đình ấy để xin bình luận thêm, nhưng khi bài báo này lên khuôn, thì Viễn Đông chưa nhận được hồi đáp.

Vanessa White/Viễn Đông

ANAHEIM, California – “Anaheim là một trong những thành phố an toàn nhất ở miền Tây nước Mỹ chúng ta. Chúng tôi đã có danh thơm như vậy, chúng tôi vẫn còn tiếng tốt ấy.
“Đêm qua chúng tôi có một cuộc họp lớn của hội đồng thành phố, và nhiều người trong công chúng đã đến đóng góp ý kiến bình luận, cũng như bày tỏ mối quan ngại, niềm phẫn nộ của họ, và đây là lần đầu tiên. Tôi chắc rằng sẽ có thêm nhiều cuộc họp nữa tiếp theo sau.


Hôm 24-7-2012, cảnh sát dàn ra chờ ở Tòa Thị Chính Anaheim trong khi người biểu tình vây quanh để phản đối cái chết của Manuel Diaz, 25 tuổi, dưới họng súng của cảnh sát - ảnh: Stuart Palley/The Orange County Register.

“Mối quan tâm trước tiên trên hết của tôi là cộng đồng địa phương của chúng ta”.
Để đáp ứng lời nhật báo Viễn Đông yêu cầu vào hôm 26-7-2012, xin nói chuyện với Thị Trưởng Tom Tait của Anaheim qua điện thoại, bà Ruth Ruiz – liên lạc viên của ông với giới truyền thông – đã gởi cho Viễn Đông một e-mail, có đính kèm theo một bản chép lại những câu trích dẫn lời Thị Trưởng Tait đã nói. Những lời lẽ ấy là từ những câu trả lời cho các câu hỏi giới phóng viên nêu ra, trong cuộc họp báo chung với Sở Cảnh Sát Anaheim (APD) vào hôm 25-7-2012, mô tả phản ứng của thành phố đối với những cuộc biểu tình bùng lên ở địa phương, phản đối vụ cảnh sát Anaheim nổ súng bắn chết anh Manuel Diaz, 25 tuổi, vào hôm 21-7-2012, cũng như bắn chết anh Joel Acevedo, 21 tuổi, vào ngày 22-7-2012.
Manuel Diaz không có võ khí, và theo tin tức cho biết thì bị bắn vào phía sau đầu, còn Joel Acevedo theo tin tức thì đã bắn vào cảnh sát, trước khi chính đương sự bị bắn chết. Cả hai trường hợp thiệt mạng này đều được liên bang và đã gây ra nhiều cuộc biểu tình, vì hai gia đình nạn nhân, các cư dân địa phương, những người sống nơi khác, và các tổ chức công lý dân sự, đều nhấn mạnh rằng hai người đàn ông này đã bị giết oan.
Tuy nhiên, những vụ nổ súng ấy chỉ là một tia lửa nhỏ, và cũng giống như những ngọn lửa mà những người biểu tình đốt lên trong mấy thùng rác vào hôm 24-7-2012, những tin tức loan ra bởi các phương tiện truyền thông từ địa phương đến quốc gia đã khơi nguồn cảm hứng gây ra thêm những cuộc biểu tình và các cuộc thảo luận lớn hơn, về chủng tộc, giai cấp, và những vụ cảnh sát ngược đãi. Hôm 27-7-2012, những vụ biểu tình của các nhóm Chiếm Đóng (Occupy) đã nổ ra khắp nước Mỹ, bày tỏ tình liên đới với những người trước đó đã xuống đường chống đối tại địa phương. Ngoài ra còn có một nhóm khác, tên là Vô Danh (Anonymous), đã phát động “Chiến Dịch Anaheim” (Operation Anaheim) vào hôm 26-7-2012, khuyến khích mọi người trên toàn thế giới tẩy chay Anaheim, bằng cách không tham gia vào hoạt động du lịch vốn là niềm hãnh diện của thành phố này.
Tuy vậy, giống như sự công phẫn vì các vụ nổ súng, thì chính những vụ nổ súng ấy đã không chỉ được giới hạn ở Anaheim, hay Quận Cam, mà thôi. Trong số ra ngày 27-7-2012, nhật báo Viễn Đông đưa tin về một số vụ nổ súng, liên kết những vụ này với một vấn đề lớn rộng hơn của nạn cảnh sát ngược đãi lạm dụng, bằng cách nhắc lại một vụ xảy ra năm 2011, khi cảnh sát Fullerton bắn chết một người đàn ông điên loạn và vô gia cư, tên là Kelly Thomas, và một vụ khác xảy ra ở Garden Grove trong năm 2008, trong đó cảnh sát bắn chết Trần Andy, một người đàn ông mắc chứng tâm thần phân liệt.
Tuy nhiên, mấy vụ thiệt mạng gần đây vì bị cảnh sát nổ súng bắn đã xảy ra trong các khu vực khác ở California cũng như trên toàn quốc Hoa Kỳ, nhiều vụ trong số ấy các nạn nhân đều không phải là người da trắng, và một số bị bắn là những người mắc bệnh tâm thần hoặc bị thương tật. Xu hướng này trong các vụ nổ súng của cảnh sát đã làm dấy lên nhiều mối quan ngại về chuyện huấn luyện đào tạo cảnh sát về vấn đề đa dạng chủng tộc, cũng như về tệ nạn cảnh sát lạm dụng quyền lực.
Mới đây ông Nguyễn Bảo, phó chủ tịch Hội Đồng Học Khu Garden Grove, đã bày tỏ mối quan ngại cho nhật báo Viễn Đông, sau khi câu chuyện về ông Andy đã được cập nhật hóa tại địa phương trong tháng 6 năm 2012. Trong một e-mail, ông Bảo chia sẻ rằng lạm dụng quyền lực là tệ nạn quen thuộc đối với những người Việt đã chạy thoát ách Cộng Sản Việt Nam. Ông nói: “Cần phải qui trách nhiệm rạch ròi hơn đối với giới có quyền, nơi mà những hệ thống được trao thẩm quyền để phục vụ dân chúng hiểu rằng quyền hành ấy đã được trao cho họ bởi chính những người mà họ phải phục vụ. Có một niềm kỳ vọng lớn hơn nhiều tại Hoa Kỳ”.

Khắp cả nước Mỹ, chứ chẳng riêng gì Quận Cam
Vào hôm 14-6-2012, cảnh sát El Monte đã đánh đập ông Lê Khoa, một người đàn ông bị bệnh tâm thần phân liệt, ngay sau đó nạn nhân đã chết trong một bệnh viện khu vực. Nhận được cú địện thoại do một người trong gia đình gọi cảnh sát tới nhà ông Khoa đang ở, các nhân viên công lực đã đáp ứng và giải quyết một cuộc cãi lộn giữa ông Khoa và cha của ông. Theo tin tức cho hay, mặc dù cảnh sát cứ quả quyết rằng họ tự vệ chống lại những hành động tấn công của ông Khoa, thế nhưng gia đình nạn nhân cho rằng cảnh sát đã sử dụng võ lực không cần thiết để chống lại ông Khoa. Sau khi đánh ông bằng dùi cui và đèn pin, cũng như dùng súng điện Taser bắn ông, cảnh sát đã dùng cánh tay siết chẹn họng ông, ép sức dồn lên chặn động mạch ở cổ.
Cùng với những kết quả phân tích độc tố, gia đình ông Khoa đang chờ đợi kết quả của một cuộc điều tra phối hợp của quận và địa phương về vụ này. Nhật báo Viễn Đông đã liên lạc với một người trong gia đình ấy để xin bình luận thêm, nhưng khi bài báo này lên khuôn, thì Viễn Đông chưa nhận được hồi đáp.
Sang qua những chuyện giống vậy trên khắp nước Mỹ, một vụ xảy ra trong tháng 10 năm 2011, ở White Plains, New York, trong đó cảnh sát bắn chết ông Kenneth Chamberlain, một người Mỹ gốc Phi Châu 68 tuổi và cũng là một cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến đang mắc bệnh tim. Cảnh sát được gọi đến căn chung cư của ông Chamberlain, sau khi ông vô ý làm cho dây lắc theo dõi sức khỏe LifeAid nổi lên tín hiệu báo động.
Khi cảnh sát đến nơi, ông Chamberlain nói với họ là ông không sao, nhưng họ vẫn cứ phá cửa xông vào, dùng súng điện bắn ông, sau đó bắn đạn bi, rồi cuối cùng một cảnh sát viên đã dùng súng lục bắn đạn thật làm ông thiệt mạng. Cảnh sát nói rằng ông Chamberlain đã mưu toan dùng dao tấn công họ.
Bất chấp toàn quốc phản đối, chánh án của White Plains quyết định không truy tố các cảnh sát viên đã bắn chết ông Chamberlain. Tuy nhiên, một trong những cảnh sát viên có mặt trong vụ ấy, và là người bị tố cáo sử dụng lời lẽ miệt thị chủng tộc với ông Chamberlain, đã bị đình chỉ công tác không được ăn lương và phải bị xử phạt kỷ luật, và được cho một khoảng thời gian cho tới ngày 30 tháng 7, 2012 để đáp ứng.
Nhớ lại những lời Thị Trưởng Tait nói, có nhiều nơi ở Hoa Kỳ – chẳng hạn White Plains, Anaheim, và một số chỗ của El Monte – được coi là “những chốn an toàn”. Thế nhưng, thường thì an toàn cho đến khi có chuyện xảy ra, và trong những trường hợp này thì chuyện xảy ra lại dính dáng tới cảnh sát. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT