Người Việt Khắp Nơi

Little Saigon kỷ niệm 40 năm chiến thắng Quảng Trị

Băng Huyền/Viễn Đông Monday, 17/09/2012 - 08:47:18

Cuộc tái chiếm cổ thành Quảng Trị là thử thách lớn lao nhất đối với số phận của quân lực VNCH miền Nam bấy giờ, vì tái chiếm lại được Quảng Trị sẽ gây tiếng vang lớn trên thế giới, sẽ gây áp lực được với nhà cầm quyền Hà Nội và cả chính quyền Hoa Kỳ (đang muốn bỏ rơi miền Nam Việt Nam) trên bàn hòa đàm ở Paris.

Băng Huyền/Viễn Đông

QUẢNG TRỊ / LITTLE SAIGON - Ngày 16-9-1972, cách nay 40 năm, lực lượng quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa (QCCVNCH) đã lưu danh trong quân sử Việt Nam và thế giới với chiến thắng tái chiếm lại cổ thành Quảng Trị từ tay Cộng Sản Bắc Việt. Trong suốt chiều dài của cuộc chiến tranh ở Đông Dương, chưa có chiến sự nào diễn ra ác liệt, thảm khốc và bi tráng như tại Cổ Thành Quảng Trị vào mùa hè năm 1972. Mặc dù quân đội Mỹ không còn trực tiếp tham gia cuộc chiến này bằng bộ binh nữa, nhưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) vẫn hoàn toàn có thể đứng vững, chiến đấu và có thể chiến thắng quân đội miền Bắc Việt Nam để tái chiếm lại Quảng Trị, vùng đất giới tuyến miền Nam VNCH đối với miền Bắc Cộng Sản nơi sông Bến Hải, cầu Hiền Lương. Nhưng chiến thắng nào cũng phải trả giá. Nhiều chiến binh VNCH đã ngã xuống ở chiến trường, để lại bao tiếc thương cho những người ở lại. Chiến tranh là vậy. Cuộc chiến nào mà không có mất mát, hy sinh. Cuộc tái chiếm cổ thành Quảng Trị là thử thách lớn lao nhất đối với số phận của quân lực VNCH miền Nam bấy giờ, vì tái chiếm lại được Quảng Trị sẽ gây tiếng vang lớn trên thế giới, sẽ gây áp lực được với nhà cầm quyền Hà Nội và cả chính quyền Hoa Kỳ (đang muốn bỏ rơi miền Nam Việt Nam) trên bàn hòa đàm ở Paris.
Đúng 40 năm sau, những hồi ức cũ có dịp sống lại với những cựu chiến binh năm xưa. Vào chiều Chủ Nhật, 16-9-2012 vừa qua, tại nhà hàng Paracel Seafood, thành phố Westminster, Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại đã tổ chức họp mặt các Chiến Sĩ thuộc các Quân Binh Chủng QLVNCH và đồng hương Quảng Trị, đồng hương Việt Nam tại Nam California, ngồi lại bên nhau để cùng bày tỏ lòng tri ân, tưởng niệm những chiến binh quả cảm đã tạo nên chiến thắng này, và hàng ngàn người dân vô tội của Quảng Trị, trên đường di tản đã bị những trận pháo kích của quân thù, đã làm đoạn đường hơn 2 cây số giữa con sông Thạch Hãn và Mỹ Chánh trở thành “Đại Lộ Kinh Hoàng”.


Một số đại diện các quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trên sân khấu nhân buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm chiến thắng Quảng Trị ngày Chủ Nhật, 16-9-2012, tại Westminster, California - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

40 năm từ một mùa hè của những hy sinh
Phóng viên Viễn Đông không đi vào tường thuật chi tiết những nghi thức khai mạc của buổi lễ và diễn tiến của chương trình, mà chỉ xin gửi đến quý độc giả những câu chuyện, những ký ức của Mùa Hè Đỏ Lửa qua lời kể của một vài người tham dự buổi lễ này, được khơi dậy chân thực và sống động, được giãi bày từ tấm lòng của những người đang sống với những người đã khuất.
Họ là những chứng nhân của cuộc chiến tàn khốc vào Mùa Hè Đỏ Lửa cách nay 40 năm.
Tất cả những tháng ngày chiến đấu đó giống như một thước phim quay chậm, mọi thứ dần dần hiện lên thật rõ nét qua giọng kể tâm tình, có đôi lúc câu chuyện bị ngưng lặng thật lâu vì những cựu chiến binh này đã không nén được xúc động. Bởi nỗi đau vô hạn khi họ chứng kiến sự khốc liệt mà chiến tranh gây ra với những đồng đội, mà cuộc đời chiến đấu đã gắn bó những người lính này lại với nhau đôi khi hơn cả ruột thịt. Nhìn những đồng đội ngã xuống ngay trước mắt mình đã trở thành những vết hằn thật khó phai nơi ký ức của những cựu quân nhân này.
Cựu Trung Sĩ Nhất Lý Khải Bình, thuộc tiểu đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), là đơn vị đánh những mục tiêu chung quanh, để tiểu đoàn 2 Trâu Điên, tiểu đoàn 3, tiểu đoàn 6 là mũi dùi chính tiến sâu vào cổ thành, nói rằng bản thân ông và những đồng đội khác khi đến dự buổi lễ này, vui cũng có, nhưng buồn nhiều hơn. Vui vì lúc đó bản thân ông đã làm tròn bổn phận được giao phó. Nhưng cái buồn trong phạm vi nhỏ là ngày hôm nay, nhớ lại những người bạn đã từng bên cạnh mình chung chiến hào đã không còn nữa. Còn phạm vi lớn hơn là “sự hy sinh của anh em mình quá lớn, nhưng rồi chung cuộc, thì mình cũng mất tất cả, đã không giữ được miền Nam, nên nỗi buồn đó càng nặng nề hơn”.
Ông Bình kể rằng, ông không phải chứng kiến một lần, mà rất nhiều lần nhìn thấy đồng đội mình ngã xuống, bị thương cũng nhiều, mà tiễn biệt ra đi mãi mãi cũng không ít. Chính sự hy sinh của đồng đội quá nhiều mà ông thấy rất quen thuộc giữa sự sống và cái chết. Ông cho rằng lúc đó nếu nói rằng có những cảm xúc cá nhân thì thật sự không có, cảm xúc dường như đã không còn nữa. Vì cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, bom đạn ác liệt trên chiến trường. “Nhưng khi qua rồi, có thời gian ngồi nghĩ lại, nhớ lại thì tình cảm riêng tư của tôi mới bộc phát, giống như hiện tại bây giờ, khi kể lại, tôi khó mà kềm được xúc động”.
Không thể bình thản trước cái chết của đồng đội mình, nỗi đau trong ông thật nặng trĩu, nó hẫng, hụt, xót xa.
Ông Bình nói: “Có một câu chuyện mà tôi không quên được, khi đó còn 2 ngày nữa chiếm được cổ thành, tôi và người bạn cùng chung một trung đội, rất thân, anh là binh nhất, tên Hùng. Khi đó, chúng tôi đang ẩn núp phía sau địa hình để giữ an toàn cho mình và chuẩn bị xung phong. Hai đứa đang chia nhau điếu thuốc. Rồi anh chạy về vị trí của mình, thì bị ngay một đạn cối 82 ly rớt xuống, anh không kịp nói lời nào. Tôi nhảy ra ngay, xem có cứu được anh không, lúc đó anh đã chết rồi, không còn làm gì được. Ấn tượng đó vẫn giữ sâu trong lòng tôi đến tận hôm nay”.
Còn với cựu Trung Úy Phan Văn Đuông, chiến dịch tái chiếm cổ thành Quảng Trị là cuộc chiến đầu tiên ông tình nguyện tham gia ngay sau khi vừa rời khỏi trường Bộ Binh Thủ Đức. Cấp bậc lúc đó của ông là chuẩn úy, là trung đội trưởng trung đội 3, lữ đoàn 2, tiểu đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến, thường hay gọi là Hắc Long.
Bằng giọng bùi ngùi, ông Đuông kể lại sự khốc liệt của cuộc chiến: “Mặt trận khi đó đang sôi động, khóa tôi ra là 10 sĩ quan đều về tiểu đoàn 5, khi chúng tôi đến trình diện tiểu đoàn trưởng, pháo kích ngay bộ chỉ huy của tiểu đoàn. Sau đó, tôi trực tiếp tham gia ngay cuộc chiến tại ngã ba Long Hưng, đường đi vô Cổ Thành. Điều mà tôi nhớ mãi đến ngày hôm nay, khi tôi nhận những tân binh mới ra trường, vẫn chưa nhìn và nhớ mặt được họ, rồi phân phối ra đơn vị, tối hôm đó người tân binh đó bị thương và đưa về tuyến sau, hay có khi có những người ra đi vĩnh viễn. Lúc đó anh em chúng tôi bị mất mát rất nhiều. Khóa tôi ra trường lúc đó, có 110 người, vừa bị thương, bị chết trong cuộc chiến tái chiếm Quảng Trị, đến tháng 4 năm 1975, chỉ còn chưa đến 30 người. Riêng những người bạn cùng lớp với tôi khoảng 10 người ra làm trung đội trưởng cùng tiểu đoàn 5, chưa đến một tuần lễ, đã mất hết 3 người. Những người đó chưa được một ngày phép của quân trường và chưa kịp nhận tháng lương nào…”.
Ông Đuông nhắc lại sự hy sinh của người lính mang máy truyền tin cho ông đã ra đi ngay cạnh ông trước 2 ngày khi cuộc tái chiếm Cổ Thành thành công. Ông Đuông bảo rằng, khi nhìn người đồng đội chết trước mắt mình, cảm xúc lúc đó khó tả lắm, vì có thể người đó hy sinh cho mình sống, và ngày mai, mình sẽ hy sinh cho người khác sống. Nhiệm vụ mình giữa lằn ranh của sống chết và lằn đạn rất mong manh, mình chỉ biết hôm nay, ráng làm tròn nhiệm vụ, và không biết số phận của mình ngày mai ra sao.
Hồi tưởng lại, Thiếu Tá TQLC Trần Vệ, kể: “Khi đó tôi là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến, khi tấn công qua khỏi sông Mỹ Chánh, tiểu đoàn chúng tôi thay thế cho tiểu đoàn dù, trực tiếp tiến vào cổ thành Quảng Trị. Chúng tôi ngày đêm tấn công vào thành Quảng Trị, cuộc chiến lúc đó rất cam go, sự tổn thất của chúng tôi cũng rất nặng nề, có thể tưởng tượng mỗi ngày chúng tôi mất đi khoảng 20-30 binh sĩ chỉ riêng tiểu đoàn của tôi. Nguyên sư đoàn TQLC có khoảng 5.000 binh sĩ hy sinh và bị thương. Công lao này không phải của riêng sư đoàn TQLC, mà là chiến thắng của quân dân cán chính VNCH, của các đơn vị hải quân, không quân, biệt động quân, nhảy dù, địa phương quân… Tất cả chúng ta đều chung sức để dựng ngọn cờ vàng ba sọc đỏ, chiếm lại cổ thành Quảng Trị, đem lại an bình cho nhân dân địa đầu giới tuyến cho mãi đến khi mất nước vào tháng 4 năm 1975”.


Nghi lễ chào cờ Quốc Gia Việt Nam và Hoa Kỳ trong buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm chiến thắng Quảng Trị ngày Chủ Nhật, 16-9-2012, tại Westminster, California - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Đến niềm vui khi cờ bay trên thành cổ

Cựu Thiếu Úy hoa tiêu vận tải chiến thuật Bùi Trí Dũng, đồng thời cũng là trưởng ban tổ chức của đại hội lần này, kể rằng nhiệm vụ của ông trong cuộc chiến lúc đó là chuyển vũ khí và đạn dược, lương thực và cả những tân binh từ Sài Gòn ra Huế, để anh em tiếp vận đưa xuống Quảng Trị. Khi đó ông chỉ mới 27 tuổi, và dẫu ông đã tham gia nhiều trận chiến, nhưng trận đó nặng nề nhất, nhất là khi ông đưa các tân binh đi và chỉ vài ngày sau ông lại đón họ, là những thương binh và tử sĩ về lại. Đau lòng nhất là khi ông bay trên trời, nhìn thấy từng đoàn người dân chạy vào miền Nam bị pháo kích, ngay trên “Đại Lộ Kinh Hoàng”, mà không có cách gì cứu đồng bào mình.
Ông Dũng nói: “Thời gian đó tôi cũng như những đồng đội khác, tinh thần đều rất căng thẳng, đau buồn vì thấy đồng bào mình chết nhiều quá, đồng đội của mình cũng chết nhiều lắm. Nên vào ngày 16 tháng 9 năm 1972, khi nghe tin cờ VNCH đã cắm lại trên cổ thành, lúc đó tôi đang ở sân bay Tân Sơn Nhất, chuẩn bị chở lương thực ra tiếp viện, chuyến bay đó trong tâm trạng hớn hở vô cùng và không thấy mệt nữa”.
Là một trong những người đầu tiên đã nhìn thấy lá cờ Quốc Gia Việt Nam tung bay nơi cổ thành, cựu Trung Sĩ Nhất Lý Khải Bình kể lại: “Lúc đó là buổi trưa, ngày 15 tháng 9 năm 1972, tôi cùng đồng đội của mình đang trên đường tiến vào cổ thành thì nhìn thấy lá cờ thân yêu đang tung bay ở cổ thành, phản ứng đầu tiên của tôi là đã bật khóc. Vì thấy rằng, cuối cùng mình cũng đã làm xong nhiệm vụ”.
Ông Bình giải thích rằng khoảng trưa ngày 15 tiểu đoàn 3 và tiểu đoàn 6 đã lọt vào bên trong rồi. Nhưng khi đó QLVNCH không công bố, vì chưa củng cố vững, sợ bị đánh bật ra, vì vậy đến ngày 16 tháng 9, VNCH mới tuyên bố chiếm lại được cổ thành.
Cựu Trung Úy Phan Văn Đuông cũng đã khóc khi nhìn thấy lá cờ tung bay, ông nói: “Tất cả chúng tôi đều vui mừng, vì nhiệm vụ của người lính là nghe theo quân lịnh, chúng tôi phải thi hành, nhưng nếu ngày nào còn đánh nhau là còn thiệt hại, còn thương vong. Chính vì vậy, tất cả chúng tôi đều quyết tâm chiến đấu, người này ngã xuống, có người khác thay thế, để mong mau chóng giành lại cổ thành, để sớm kết thúc sự tàn khốc này”.


Một phần thành phố Quảng Trị những ngày điêu tàn, đổ nát vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972
- ảnh: Nick Út (gửi cho Viễn Đông)

Đôi điều đọng lại sau chiến thắng Mùa Hè Đỏ Lửa cách nay 40 năm
Dù không về dự được buổi lễ này, nhưng cựu Đại Tá Thiết Giáp Hà Mai Việt, nguyên là tỉnh trưởng Quảng Trị ngay sau thời gian QLVNCH tái chiếm thành công cổ thành Quảng Trị, giúp người dân hồi cư ổn định lại đời sống, đã trả lời phỏng vấn phóng viên Viễn Đông rằng, ông rất hoan nghênh buổi lễ này vì ý nghĩa của nó rất cần được phổ biến cho những bạn trẻ Việt Nam trưởng thành tại hải ngoại và cả những bạn trẻ trong nước. Đại Tá Việt nói: “QLVNCH là một quân đội tinh nhuệ, chỉ tiếc mình là nước nhỏ, phải lệ thuộc vào những cường quốc lớn trên bàn cờ chính trị, cho nên việc VNCH mất miền Nam là điều đáng tiếc, chứ nếu đối đầu với nhau, thì VNCH giỏi hơn so với cộng sản Bắc Việt nhiều. Vì VNCH yếu thì làm sao chúng ta đánh bật họ ra khỏi cổ thành và lấy lại được, đưa dân về, lập lại đời sống mới cho dân mãi đến biến cố năm 1975. Rõ ràng các quân nhân phía VNCH với tinh thần cao, điều hành tốt, có đủ khả năng, nhưng do bàn cờ chính trị, mình phải đành chấp nhận thua cuộc. QLVNCH thua cuộc chỉ vì bị đồng minh phản bội, không còn được viện trợ trong khi miền Bắc nhận được tối đa vũ khí, thì chuyện VNCH phải buông súng là lẽ tất nhiên.
Nếu nói Cộng Sản Bắc Việt giỏi, sao trong suốt 20 năm họ chỉ thắng được một hai trận, phải đợi đến khi chúng ta không thể chiến đấu nữa vì bị đồng minh bỏ rơi, họ mới chiến thắng được? Năm 1975, chúng ta bỏ cả nước mà ra đi, chứ đâu riêng gì Quảng Trị”.
Trong niềm xúc động khi nhắc lại những mất mát từ những người lính dưới quyền của mình thuộc tiểu đoàn 2 pháo binh TQLC, cựu quân nhân TQLC Nguyễn Phục Hưng (hội trưởng Thủy Quân Lục Chiến, thành viên trong ban tổ chức buổi lễ này), ngậm ngùi nói: “Thiệt hại rất lớn của các đơn vị tinh nhuệ này khiến QLVNCH không đủ sức tấn công tiếp ra phía bắc. Nên các chiến dịch Lam Sơn 72A và các cuộc hành quân Sóng Thần để tái chiếm bờ bắc sông Thạch Hãn và đánh chiếm Cửa Việt đã bị thất bại, để rồi cuối cùng chúng ta phải buông súng vào tháng 4 năm 1975. Vậy, chúng tôi nhắc lại chiến thắng cũ để làm gì? Có người chê trách sao mấy ông cứ sống hoài với dĩ vãng. Chúng tôi muốn nhắc lại chiến thắng này là muốn ôn lại những gì đi qua là cho thế hệ kế tiếp nhìn thấy con đường những người đi trước đã trả giá. Để thấy rằng QLVNCH đã giữ cho miền Nam từ mũi Cà Mau đến vĩ tuyến 17, 21 năm trời là vùng tự do, dù trong tình trạng chiến tranh, nhưng người dân không khốn khổ như hiện nay”.
Chiến hữu Nguyễn Phục Hưng ước mong: “Làm sao chúng ta biến ngày quốc hận thành nỗ lực lớn để cộng đồng mình đấu tranh! Tôi nhận thấy cộng đồng Do Thái chỉ chiếm 2,5% dân Mỹ nhưng hiện chiếm 7% số Dân Biểu và 13% số Thượng Nghị Sĩ (trong Quốc Hội), thế lực chính trị của Do Thái ở Mỹ này rất mạnh, họ bênh vực lợi ích người Do Thái và Israel.Cộng đồng mình không thể một sớm một chiều làm được như Do Thái, nhưng ít nhất, mình cũng phải có ý tưởng đó. Nên chuẩn bị cho con em mình vào con đường chính trị. Chính mỗi cha mẹ và cộng đồng hỗ trợ để giúp con em mình điều này, trong một ngày không xa, giúp quang phục lại quê hương. Chỉ mong thế hệ trẻ hãy tiếp nối những người lính già chúng tôi làm được việc mà chúng tôi còn dang dở”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT