Người Việt Khắp Nơi

LM. Simon Nguyễn Ngọc Thạch tâm tình cùng độc giả Viễn Đông (kỳ 3)

Tuesday, 02/08/2016 - 08:23:39

Cha hẹn người đó đến ngay chỗ nhà thờ chính tòa của giáo phận đợi cha ở đó. Cha khoác áo mưa lấy xe gắn máy lái đi, Đến nơi gặp người này, cha hỏi, “Sao con, kể đầu đuôi cha nghe coi.”

THANH PHONG ghi

Người Việt Nam sang làm lao động giúp việc nhà cho người Đài Loan cũng hay bị lừa gạt, như trường hợp sau đây được Linh Mục Simon Nguyễn Ngọc Thạch kể lại,

Một hôm trời đang mưa tầm tã, tự nhiên một cú điện thoại gọi đến cho cha nói, “Con có người bạn bị tụi Đài Loan nó lừa, bây giờ xin cha tới giúp gấp.” Cha hỏi, “Thế bạn con đang ở đâu và bị lừa thế nào?” Người đó trả lời, “Bạn con làm việc cho nó bốn tháng nay nó không trả tiền, bây giờ nó đánh lừa cho bạn con về nước rồi, đồ đạc giấy tờ gì của bạn con vẫn để trong nhà nó.”

                              LM Simon Phạm Ngọc Thạch tại Santa Ana. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Cha hẹn người đó đến ngay chỗ nhà thờ chính tòa của giáo phận đợi cha ở đó. Cha khoác áo mưa lấy xe gắn máy lái đi, Đến nơi gặp người này, cha hỏi, “Sao con, kể đầu đuôi cha nghe coi.”

Người đó kể, “Bạn con từ Việt Nam sang làm cho cái nhà đó, bốn tháng rồi nó không trả tiền công cho bạn con. Một hôm nó nói với bạn con, Mày có muốn về thăm gia đình không? Nếu muốn, tao mua vé máy bay cho mày về, nó còn bảo, đồ đạc mày cứ để lại đây, mày còn qua làm nữa mà, đừng có mang về. Nó mưu mẹo quỷ quyệt như vậy nên bạn con tin, đồ đạc, giấy tờ đều để lại. Nó trao cho bạn con cái vé máy bay khứ hồi, bạn con đâu có biết, cứ nghĩ là vé thiệt mình còn qua lại nữa nên cầm vé đi. Khi xuống phi trường tại Việt Nam, nhân viên kiểm soát hỏi, Chị về luôn à? Không! Em đâu có về luôn, em còn qua Đài Loan nữa mà. Anh công an nói, Đây này, trên cái vé của chị họ đóng dấu về luôn mà! Chị này chưng hửng bèn nói với người công an, Chủ nó nói với em cho về thăm nhà rồi qua lại mà. Người công an nói với chị, Chị coi lại xem, rõ ràng là họ đóng dấu về luôn. Chị này mặt tím ngắt, Thôi chết rồi, bị nó lừa rồi! Chị bèn gọi điện thoại cho con, vừa khóc vừa nói, Bây giờ không biết làm sao? và con nói với bạn, Thôi đừng khóc nữa, cứ an tâm đi, để tôi gọi điện thoại cho cha nhờ cha giúp đỡ cho, và con gọi cha, cha đã đến ngay. Con và bạn con cám ơn cha.”
Cha đến văn phòng gặp một anh người Phi Luật Tân, anh này rất am tường về thủ tục, giấy tờ. Anh ta nói với cha, “Thứ nhất, cha nói với người vừa bị gạt về Việt Nam làm giấy ủy quyền cho người bạn bên Đài Loan được quyền thưa kiện, được quyền nhận lãnh tiền cũng như đồ đạc. Chụp hình tất cả giấy tờ hợp đồng thuê mướn với chủ cũng như vé máy bay của chị đó Fax qua bên này cho người bạn, rồi người bạn đem đến văn phòng cho con.” Người Phi làm văn phòng nói tiếp với cha, “Thôi được rồi, cha cứ để con lo, con sẽ liên lạc với chủ, bắt nó phải trả tiền, bối thường thiệt hại cho cô đó, không thể để thế này được.”

Người Phi sau đó chất vấn ông chủ của cô gái Việt, “Tại sao ông lừa người ta, không trả tiền cho người ta?” Người chủ Đài Loan đáp, “Đâu có, tại vì nó về Việt Nam vào thứ Bảy, Chủ Nhật tôi đâu có lãnh tiền ở nhà bank được để trả cho nó.” Người làm văn phòng hỏi, “Thế tại sao cho nó cái vé khứ hồi giả, cho nó về luôn là làm sao?” Anh ta ấp úng không trả lời được. Bấy giờ người làm văn phòng mới nói thế này, “Ông không trả cho cô đó, chúng tôi truy tố ông ra tòa.” Nó nghe vậy sợ quá phải chấp nhận trả hết tiền và trao cho người bạn được ủy quyền rồi người bạn đó gửi tiền về cho cô kia ở Việt Nam. Cô ấy nhận tiền xong gọi điện thoại qua cám ơn cha.

Một trường hợp bị lừa khác mới xảy ra, các em sang đây làm lao động đều phải qua môi giới tại Việt Nam, nó ăn mỗi người sáu, bảy ngàn đô la. Thực sự chỉ cần tốn khoảng hai ngàn thôi. Những người từ Phi Luật Tân sang Đài Loan lao động họ chỉ tốn có hai ngàn đô, trong khi người VN muốn qua Đài Loan làm công việc gì phải tốn sáu, bảy ngàn đô; tụi môi giới nó ăn trên đầu trên cổ như vậy.

Khi qua đến Đài Loan nó vẫn còn ăn nữa. Cái kiểu lừa của nó như thế này. Các em muốn qua nước ngoài đến làm hồ sơ, đa số đều không rành, không biết tiếng Hoa, tiếng Anh, nó kêu làm thế nào thì cứ làm thôi. Chúng ta hãy nghe cuộc đối thoại giữa một em xin đi lao động với một cô làm văn phòng môi giới: “Chị ơi! Hồ sơ của em tới đâu rồi chị?” Chị văn phòng nói, “Em chỉ cần ký cái giấy này nữa là đi ngay.” “Ký giấy gì vậy chị?” “Chị đã bảo em ký giấy này rồi đi ngay đừng có hỏi chị rườm rà, mất thì giờ.” “Nhưng em phải hiểu là em ký giấy gì chứ?” “Chị đã bảo em ký, em không ký thì đi về đi.”

Mỗi tháng cha tổ chức một bữa ăn chung để các cô dâu và người sang lao động có dịp gặp gỡ trao đổi tin tức. (Hình cha Thạch cung cấp)

Người này về nhưng hôm sau nóng lòng lại đến hỏi y như hôm qua, “Chị ơi, chị giúp em đi, em chờ lâu quá rồi!” “Chị đã bảo em cứ ký đi là đi liền, em không ký cứ lôi thôi mãi, em phải hiểu chứ.” Rồi sau đó, thấy chờ lâu quá, đặt bút vô ký. “Đó, chỉ có vậy thôi mà mất bao nhiêu thời gian. Thôi em về chuẩn bị hành lý, chị kêu cái là em đi liền đó nghe.” Về chuẩn bị đồ đạc quần áo xong, nó gọi đi thiệt. Qua Đài Loan làm mấy tháng chẳng thấy tiền bạc gì cả. Lên hỏi văn phòng, nó đưa ra cái giấy nợ có chữ ký của mình bằng tiếng Hoa. Thế là chạy đến cha nhờ đưa ra tòa. Quan tòa hỏi, “Chữ ký này của ai?” Người đó trả lời, “Thưa quan tòa là của tôi.” Ông tòa gõ búa một phát và tuyên bố, “Anh đã ký thì anh phải trả.” Người này phân bua, “Nhưng tôi đâu có biết.” Ông tòa nói, “Không biết thì đừng ký, có ai bắt buộc anh ký đâu.” Thế là công toi!

Một trường hợp khác, anh này khôn hơn, nhất định không ký, anh ta tới văn phòng rất nhiều lần, lần nào cũng hỏi, “Giấy tờ của em tới đâu rồi chị?” Và cũng được trả lời như trường hợp trước, “Chị đã bảo em chỉ cần ký một chữ vào đây là xong thôi mà!” Và người này cương quyết nói, “Em không thể ký, khi nào em phải hiểu cái giấy đó nói cái gì em mới ký.” Thế là nó bảo, “Đây này, để chị dịch cho mà nghe.” (Nó dịch tiếng Tàu, làm sao biết được, nó dịch bậy bạ theo ý nó). Anh này nghi ngờ cũng không ký. Sau đó có giấy gọi đi Đài Loan làm việc. Cũng làm mấy tháng liền chẳng thấy chủ trả lương nên kiện ra tòa. Ông tòa hỏi chữ ký này của ai? Anh đó trả lời, “Không phải của tôi.” Ông tòa nói, “Không phải của anh thì của ai?” “Tôi không biết.” Ông tòa cho chuyên viên giảo nghiệm chữ ký, họ xác nhận chữ ký đó không phải của người này mà là chữ ký giả từ văn phòng môi giới nên nó phạt văn phòng môi giới bên Việt Nam.

Còn chuyện vừa xảy ra tại Đài Loan mà bên đó mới gọi báo cho cha. Có hai thanh niên một em tên Thắng, một em tên Hà ký hợp đồng sang làm cho một người chủ Đài Loan, nghe nói lương tháng hai ba vạn, nghe sướng quá nên làm đơn xin đi. Qua đến nơi mới ngã ngửa. Không phải như thế. Cái công ty đó đang sống dở chết dở, èo uột, có ngày chỉ làm ba tiếng, có ngày bốn tiếng, lâu lắm mới có ngày làm bảy tiếng nên tiền thu nhập thấp quá bèn bỏ hợp đồng nhảy ra ngoài làm tự do.

Ra ngoài thì trở thành người lao động bất hợp pháp, phải trốn tránh cảnh sát vì nếu cảnh sát bắt được thì phải vào tù, gặp ai thuê làm gì thì làm nhưng lương cao hơn nhiều so với làm theo hợp đồng. Tuy nhiên phải tự túc tìm chỗ trốn và tự túc ăn uống vì ông chủ nào mướn mấy người bất hợp pháp thì ông chủ đó sẽ bị phạt rất nặng.

Ra ngoài có khi tìm được việc làm nhưng chủ nó biết tình trạng bất hợp pháp nên nó cứ khất lần, hoặc nó giữ lại ba bốn tháng lương không thèm trả, đến khi nhiều quá rồi nó tìm cách nó tống đi. Không đi nó vác xà beng nó rượt nó đánh như trường hợp hai em Thắng và Hà mới xảy ra chiều hôm qua. Hai em bị tụi Đài Loan nó vác xà beng nó rượt, các em vừa chạy vừa móc điện thoại ra chụp hình tụi nó.
Bên đó vừa gọi điện thoại hỏi cha phải làm sao? Cha nói, việc trước tiên là nói hai em đó ra đầu thú để được hợp thức hóa rồi mới kiện nó được. Theo luật bên Đài Loan, những người cư trú bất hợp pháp khi đầu thú với cảnh sát thì không bị bắt, mà cho ở lại một thời gian rồi về nước. Thời gian đó tùy thuộc chuyện đang xảy ra, thí dụ bị tai nạn thì chờ vết thương lành rồi về nước. Trường hợp hai em này nếu nạp đơn kiện thì được ở lại đến khi tòa xử xong, và người bên Đài Loan gọi cho cha biết, hai em này muốn về nước nhưng không có tiền mua vé máy bay nên cha bảo, cứ nói với hai em đó bình tĩnh để cha tìm cách lo cho.

Làm cách nào cha tiếp xúc được với các cô dâu hay người Việt sang làm lao động để giúp đỡ họ?
Cha nói, “Mình có nhiều cách. Thí dụ mình kiếm cái nhà hàng nào có người Việt làm việc, người đó chạy bàn cũng được. Mình mặc thường phục tới đó ăn. Lúc họ rảnh tay, mình làm bộ hỏi thăm họ thì chủ không biết mình với người đó nói gì, vì mình dùng tiếng Việt với nhau, và nó không có cách gì đuổi mình vì mình đến tiệm nó ăn mà. Rồi cô đó liên lạc với các cô khác cho biết số điện thoại của cha, khi gặp nguy khốn cần giúp họ gọi cha ngay, nhờ vậy mà mình có cơ hội giúp người đồng hương vượt qua những khó khăn trở ngại trên xứ người.”

Cần liên lạc, hỗ trợ công việc với cha trong thời gian cha đang ở Santa Ana, Hoa Kỳ xin gọi số (714) 724-2430.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT