Hôm Nay Ăn Gì

Lòng bò xào lá lốt

Thursday, 14/05/2020 - 05:49:47

Ai đã từng sống phố thị lây lất nơi này sang chốn nọ, ngày này sang ngày nọ, làm thân ở đậu mới thấu hiểu cái cảm giác mình đang ở đậu


Bài TOM

Sáng ra bao tử mơ mòng
Cà phê bên nọ cháo lòng bên kia…

(Bùi Giáng)
Ai đã từng sống phố thị lây lất nơi này sang chốn nọ, ngày này sang ngày nọ, làm thân ở đậu mới thấu hiểu cái cảm giác mình đang ở đậu ngay trong chính căn phận của mình. Ở đậu phố thị hay ở đậu trên một quốc gia nào đó, ấy là chuyện thường tình của kiếp con người. Nhưng, ở đậu ngay trong căn phận của mình và một sớm nọ, mặt trời lên, nhìn nắng chói qua khe cửa, chung quanh không thấy ai, chỉ thấy mình đang lẻ loi với chính mình, nghe cái bao tử réo rắt gọi một thứ gì đó vừa tục lụy nhưng lại vừa rất tao nhã, bởi nó, có thể là ly cà phê, có thể là bát cháo lòng với chút mùi vị ngùi ngùi quê đồng đất rạ hay gợi nhớ quê hương miên viễn… Lại thấy thèm một ly cà phê vỉa hè, lại thấy thèm cái cảm giác ngồi cùng đồng loại, nghe âm thanh xì xụp của cháo lòng đang hội ngộ cùng bao tử… Mới thấu hiểu nỗi lòng ở trọ.

Hồi ở trọ Sài Gòn, tôi nhớ như in, đầu đông năm 1998, thi sĩ Bùi Giáng qua đời. Lúc đó, hội đồng hương Quảng Nam họp mặt cuối năm, trời lạnh, cả hội đồng hương chừng 300 sinh viên họp mặt dưới rừng cao su. Những “chủ tịch hội,” “phó chủ tịch hội” mời tất cả ngồi thành mấy vòng tròn rộng bao quanh một đống củi tượng trưng. Thế rồi họ bắt đầu nói, như đang diễn thuyết, họ nói rất nhiều về tình làng nghĩa xóm, về giá trị của một sinh viên, về tình đồng hương, về tương lai…
Nói xong họ bắt đầu ăn kẹo và cùng nhau hát, những bài hát đỏ chói của một sinh viên xã hội chủ nghĩa. Rồi họ chơi trò “xì điện” (người này chỉ tay vào người kia, người kia truyền điện vào người khác bằng cách chỉ tay vào… Chỉ cho đến bao giờ có người mệt quá hoặc lơ là quên chỉ thì phải hát – một trò chơi phải nói là vô bổ và có phần rất trẻ con của các sinh hoạt tập thể sinh viên có dính tới yếu tố đoàn, đội…). Tự dưng giữa đám đông đó, tôi lại lan man nhớ tới thi sĩ Bùi Giáng, tôi nhớ ông bởi vì với tôi, nói tới sự học, chữ nghĩa, nói tới người Quảng Nam mà không nhắc tới ông thì dường như thiếu một điều gì đó thiêng liêng và nghiêm túc. Nhất là trong lúc này, ông vừa qua đời!

Trước đó vài hôm, các báo Thanh Niên và Tuổi trẻ có đưa những bản tin qua quýt về sự ra đi của ông. Cùng lúc đó, tờ Thời Văn có làm một bản tin sâu về ông. Thế nhưng hầu hết các sinh viên, kể cả sinh viên văn khoa và luật khoa, chẳng ai nhớ hay nhắc tới ông. Không hiểu sao lúc đó họ còn làm mấy phút mặc niệm về Nguyễn Văn Trỗi, gọi là tưởng nhớ công ơn người đi trước! Trời ạ, tôi chỉ biết ngồi và chờ cho tới lúc phù hợp để nói một điều gì đó. Và tôi đã xin họ mấy phút mặc niệm cố thi sĩ Bùi Giáng. Họ không những không mặc niệm mà còn cười cợt tôi, họ bảo rằng ở đây chả ai biết Bùi Giáng là ông nào.
May sao hôm đó không có Lý Đợi tham dự, nếu có, chắc hắn cũng nổi điên. Thế rồi tôi cố gắng đọc một bài thơ của Bùi Giáng, với hi vọng tác phẩm của ông sẽ giúp họ hiểu được tôi đang nói về ai. Nhưng rồi họ càng thêm cười cợt tôi. Chiều hôm đó, tôi thực sự sốc và buồn, về đến ký túc xá, tôi bắt xe buýt chạy thẳng xuống Tân Bình để gặp Lý Đợi, Bùi Chát. May sao hai đứa nó rủ tôi ăn tối thật sớm để đạp xe chở nhau lên nghĩa trang Gò Dưa mà dự buổi tưởng niệm Bùi Giáng. Vì hôm đó các văn nghệ sĩ Sài Gòn làm lễ tưởng niệm ông tại nghĩa trang Gò Dưa.

Khác với không khí của sinh viên hội đồng hương, ở nghĩa trang, chúng tôi lại gặp những người yêu quí ông, nhưng chúng tôi cũng gặp cả những người nhân danh đêm thơ tưởng nhớ ông để đọc những bài thơ của họ. Tự dưng ba thằng trẻ ngồi nhìn nhau chẳng biết nói gì. Cuộc thơ - rượu bên mộ thi sĩ Bùi Giáng kéo dài tới 12 giờ đêm, có người rủ chơi tới sáng. Và một số người ngồi lại chơi tới sáng. Ba thằng tôi đến thắp nhang cáo biệt ông rồi đạp xe về lại Sài Gòn. Đường về cho cảm giác mệt hơn lúc đi, về tới đoạn sân bay Tân Sơn Nhất thì đã quá 2 giờ sáng. Lúc này ba thằng ngồi vào chỗ gốc cây có bóng đèn bên đường phía ngoài sân bay, trên đường Trường Sơn rồi chia phiên, đứa này canh xe đạp cho đứa kia chợp mắt. Nhưng nói vậy thôi chứ có chợp mắt được đâu. Về nhà trọ thì giờ đó không ai cho vào, vậy là nói chuyện trên trời dưới biển cho đến sáng hôm sau, ba thằng lại lọ mọ đạp xe về, mệt và đói lả.

Về tới hẻm Vinh Sơn, chỗ Đợi ở trọ, đây cũng là con hẻm mà chạy thêm một đoạn nữa thì gặp nhà thờ Vinh Sơn, rồi gặp nhà thờ Lộc Hưng, vườn rau Lộc Hưng, nơi đây có rất nhiều kỉ niệm đối với thời sinh viên của chúng tôi mà có dịp tôi sẽ kể quí vị nghe. Ở đây (gần vườn rau Lộc Hưng) có một quán cháo lòng bình dân, giá bình dân, chủ quán bình dân và sau này chúng tôi đặt tên quán là “tích hợp nỗi niềm.”
Nghĩa là chủ quán người miền Nam, không liên quan hay đồng hương gì với Bùi Giáng. Nhưng ông lại đặc biệt thích đọc Bùi Giáng, ông có tất cả các tác phẩm thơ, khảo cứu, dịch thuật của Bùi Giáng, ngoài ra, ông đọc Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Văn Trung, Kim Định… Suzuki, Krisnamusti… Nhìn chung, cái sở đọc của ông chủ quán cháo lòng này chỉ khiến tôi há hốc mồm kinh ngạc. Và cũng không biết tự bao giờ, tôi trở thành khách ruột của ông. Đợi và Chát ở ngay thành phố, ở gần ông nhưng hình như chưa đủ duyên nên không biết về ông mấy.

Sau một đêm mệt mỏi, ba thằng ghé quán cháo lòng, ăn ba bát cháo rồi lại về nhà tắm rửa chuẩn bị đi học. Khi chúng tôi đi ra, ông nói nhỏ, “Chút quay lại đây, chú có cái này hay lắm!”
Vậy là tôi quyết định cúp cua quay lại quán ông. Hóa ra cái “hay lắm” của ông là dĩa lòng bò xào lá lốt. Ông để chai rượu nhỏ xíu, ông nói đây là rượu táo mèo ngoài miền Bắc gửi vào biếu. Ông cũng giải thích thêm là ông định mời cả hai người bạn của tôi nhưng nghiệt là chưa đủ thân thiết và hơn nữa, ông cảm nhận sau này họ sẽ rất nổi tiếng, lúc đó gặp nhau chưa muộn, còn tôi, ông nói thẳng là ông nhận ra ở tôi có chút gì đó lận đận, mọi sự sẽ rất muộn màng nhưng ông tin tôi sẽ làm được điều gì đó xuất chúng.

Nghe tới đây, tôi chỉ biết cười và mắc cỡ. Vì thực tâm mà nói, hai người bạn của tôi có điều kiện hơn tôi nhiều, tôi mang tiếng là con cháu nhà địa chủ từng giàu có một thời trong vùng nhưng khi vào đại học, còn được đôi dép dính chân là may mắn. Nên tôi luôn lấy niềm vui đọc sách để an ủi mình, tôi biết ngay từ ngày bước vào đại học là cuộc đời mình sẽ gian nan hơn bạn bè nhiều lắm, và miễn sau này làm đủ sống, đủ lo ba bữa cho gia đình và mua nổi cuốn sách để đọc, viết được một câu nào đó là đủ an lòng, không mong gì hơn. Nên khi ông đưa ra nhận định, tôi vừa mắc cỡ lại vừa chua xót, cái cảm giác ấy khó tả lắm.
Và đó cũng là bữa ăn cho cảm giác khó tả nhất trong cuộc đời, bởi đơn giản, một người sống phóng khoáng, bất cần đời, từng tốt nghiệp cử nhân văn khoa trước 1975, từng nhiều lần lên bờ xuống ruộng trong chính thể mới nhưng vẫn giữ thói quen sống an nhiên, ngạo nghễ và lấy việc đọc sách làm thú vui, khi kinh tế mở cửa, cơ hội làm giàu cũng không ít nhưng ông lại chọn bán cháo lòng, món bình dân, không lãi bao nhiêu nhưng lại cho gia đình ông cái cảm giác sâu sắc và gắn bó với đời sống… (lời ông nói), chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ ý vị và có cái để suy ngẫm.

Ông nói, “Lá lốt là món chống thống phong, triệt ô khí, giúp thư giãn thần kinh, lấy khí cho gân cốt và triệt tiêu các loại hắc khí, nó thuộc dương. Lòng bò là thực phẩm thuộc âm, nó bổ can phế, nó giúp con người ổn định dạ tràng sau những căng thẳng, cả hai thứ này tuy rẻ tiền nhưng lại có gái trị dinh dưỡng. Cái giá trị của nó nằm ở chỗ nó không có giá thành cho mấy và dễ bị lãng quên trong bàn ăn cuộc đời. Nhưng nó lại giúp cho người ta những điều mà loại thức ăn mắc tiền không có được. Nếu nhức mỏi hay thức đêm nhiều, lao tâm khổ tứ, chỉ cần một dĩa lòng bò xào lá lốt, uống thêm một cốc rượu nhỏ thì ngủ ngon và sáng mai êm ru…”

Câu chuyện còn dài lắm. Nhưng thôi, quí vị nào thấy mất ngủ, mệt mỏi, xin vui lòng mua một ít lòng bò, mua được lòng lá sách thì càng tốt (nếu không có vẫn có thể thay thế bằng lòng heo, mặc dù mùi vị đặc trưng của món ăn không bằng được và đạm nhiều so với lòng bò nhưng vẫn có tác dụng tương tự), thái mỏng, hái hoặc mua một ít lá lốt, xắt vừa, xào chung với nhau, cho thêm một chút tiêu bột, muối hoặc nước mắm là có thể ăn. Nhớ bật máy hút khói ở mức cao nhất để hút mùi khi xào món này, bởi món này có mùi thơm hơi nặng, nếu không hút kĩ, nhà kín hơi thì cả ngày cũng không hết mùi. Đây là món ngon, làm rất đơn giản nhưng lại rất ngon, uống với bia hay rượu đều thú vị!
Xin chúc quí vị có một bữa cơm ngon miệng và ngủ ngon giấc, sáng mai tỉnh táo, sảng khoái!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT