Thế Giới

Luật bầu cử mới có cản trở tiến trình dân chủ?

Tuesday, 18/10/2011 - 08:05:16

Theo Trung Tâm Brennan vì Công Lý, những điều khoản thay đổi trong luật bầu cử của 12 tiểu bang có thể tước bỏ quyền bầu cử của hơn 5 triệu người trên toàn nước Mỹ.

Cử tri và lá phiếu 2012

Vanessa White/Viễn Đông

WASHINGTON – Tuần trước, hôm 12-10-2011, nhật báo Viễn Đông có đăng một bài đề cập đến chuyện những khoản thay đổi trong luật lệ bầu cử của các tiểu bang có thể gây ra bất lợi, thất thế cho các cử tri trên toàn quốc Hoa Kỳ. Bài báo để cho quý độc giả suy nghĩ về vấn đề là nếu những thay đổi ấy được đem tới California thì có thể ảnh hưởng như thế nào đến chính họ.

Theo Trung Tâm Brennan vì Công Lý (Brennan Center for Justice, một viện nghiên cứu phi đảng phái về chính sách công cộng, có trụ sở ở New York), những điều khoản thay đổi trong luật bầu cử của 12 tiểu bang có thể tước bỏ quyền bầu cử của hơn 5 triệu người trên toàn nước Mỹ. Những sự sửa đổi này phần lớn đều được thúc đẩy bởi các nhà lập pháp tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa, ở miền Nam và miền Trung Tây Hoa Kỳ, mặc dù những cơ quan lập pháp do đảng Dân Chủ kiểm soát, tại West Virginia và Rhodes Island, cũng tham gia và những nỗ lực ấy.

Những khoản thay đổi trong luật bầu cử sẽ được áp dụng cho kỳ tuyển cử năm 2012. Kỳ bầu cử này rất quan trọng đối với những ứng cử viên Cộng Hòa đang hy vọng đẩy Tổng Thống Barack Obama ra khỏi Tòa Bạch Ốc, hoặc không để cho một ứng cử viên Dân Chủ khác lên làm tổng thống. Những điều sửa đổi ấy cũng sẽ có lợi cho các ứng cử viên Cộng Hòa ở cấp độ tiểu bang, giữa lúc những ứng cử viên như thế đang cố gắng kiểm soát, hoặc giữ vững quyền kiểm soát, tại các cơ quan lập pháp tiểu bang.
Báo Huffington Post trích dẫn lại lời của bà Wendy Weiser, chủ tịch Chương Trình Dân Chủ tại Trung Tâm Brennan vì Công Lý, nói: “Có một trận chiến đang diễn ra đối với quyền bầu cử”. Đây là một trận chiến có tính cách lịch sử, giữa những nhóm từng cầm quyền tại Hoa Kỳ và những nhóm chưa bao giờ chạm tay tới quyền lực. Liệu Hoa Kỳ có phải là một nền dân chủ đích thực hay không, nếu việc bỏ phiếu bầu cử, hình thức chính yếu để diễn đạt một nền dân chủ như thế, lại bị kiểm soát và mất cân đối?

* Luật xuất trình căn cước khi bỏ phiếu
Theo Trung Tâm Brennan vì Công Lý cho biết, có hơn 3 triệu người sẽ không thể đi bỏ phiếu, vì họ không có những thứ giấy tờ chứng minh căn cước (ID) cần thiết cho việc đi bầu. Trước năm 2011, chỉ có hai tiểu bang là Georgia và Indiana đòi buộc các cử tri phải có những thẻ ID có dán ảnh. Hiện nay Texas, Alabama, Kansas, Tennessee và Wisconsin cũng sẽ đòi cử tri phải có ID dán ảnh, trong kỳ bầu cử năm 2012. Những loại thẻ ID có ảnh sẽ bao gồm: bằng lái xe, những ID có dán ảnh do chính phủ cấp, sổ hay thẻ thông hành, và thẻ căn cước quân đội.

Alabama, Kansas và Rhodes Island sẽ chấp nhận thẻ sinh viên của các trường đại học tiểu bang, coi như là thẻ ID có ảnh, trong khi đó một số tiểu bang như Texas và Tennessee sẽ chấp nhận những loại giấy phép sử dụng súng ngắn được giấu, coi như là một loại ID có ảnh dành cho các cử tri.

Tiến Sĩ Luật Khoa Erwin Chemerinsky, khoa trưởng sáng lập Trường Luật Khoa thuộc viện đại học University of California - Irvine, nói với nhật báo Viễn Đông về những luật ID dán ảnh: “Tôi tin rằng đây là một sự hạn chế đáng kể đối với việc bỏ phiếu, sẽ ảnh hưởng trước tiên đến các nhóm thiểu số, và không làm được bao nhiêu để duy trì tính cách toàn vẹn của tiến trình tuyển cử”.

Khoa Trưởng Chemerinsky là tác giả cuốn sách nhan đề Conservative Assault on the Constitution (Bảo Thủ Tấn Công Hiến Pháp), trong đó ông trình bày đại cương về chuyện Tối Cao Pháp Viện trở thành bảo thủ về ý thức hệ và làm giảm bớt những biện pháp bảo vệ các công dân, chiếu theo Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Có nhiều trở ngại cho người dân, nhất là các nhóm thiểu số, trong việc có được ID dán ảnh. Chẳng hạn, không phải ai cũng đều đi học đại học của tiểu bang, hoặc xin được sổ thông hành. Đối với những người không đủ tiền mua xe, thì bằng lái xe dường như không phải là điều cần thiết đối với họ.

Đối với những người bị áp bức về mặt chính trị và xã hội, bởi các nhà cầm quyền ở các nước khác, trước khi họ di cư sang Mỹ, thì việc xuất trình thẻ ID cần thiết để đi bầu có thể gợi ra những cảm giác bất tín nhiệm vào tính cách minh bạch của tiến trình đầu phiếu.

* Ghi danh, bỏ phiếu sớm
Không những có thể có những cử tri không đi bỏ phiếu được vì những luật đòi hỏi ID dán ảnh tại một số tiểu bang, mà còn có thể có những cử tri không thể nào tiến đến gần cơ hội thực hành chuyện bỏ phiếu, vì thậm chí có thể họ không có được sự tiếp cận đầy đủ với việc ghi danh đi bầu cử. Đặc biệt tại Florida, những tổ chức giúp ghi danh bầu cử, như Liên Hiệp Nữ Cử Tri, đều phải gửi trả lại tất cả những đơn ghi danh trong vòng 48 tiếng đồng hồ của việc hoàn tất thủ tục, và phải nộp lên những bản phúc trình hàng tháng về những cuộc hô hào cử tri ghi danh cho các dân cử tiểu bang. Nếu những tổ chức trung gian ấy làm những sai lầm trong luật lệ bầu cử của tiểu bang, thì họ có thể phải nộp phạt 1.000 Mỹ kim.

Ở tiểu bang Texas, Thống Đốc Rick Perry đã ký một đạo luật đòi buộc những người phụ trách ghi danh cho cử tri phải qua một cuộc huấn luyện và trở thành người hội đủ điều kiện để giữ nhiệm vụ ấy. Sau đó, những người này không được phép chấp nhận thù lao dựa trên số lượng những cử tri mà họ ghi danh.

Texas cũng sẽ cứng rắn với tiến trình bỏ phiếu sớm. Trước đây, thời gian bỏ phiếu sớm là 96 tiếng đồng hồ trải ra trong 15 ngày, nay cũng 96 tiếng nhưng dồn lại vào 8 ngày mà thôi. Đối với những người làm việc tại những phòng phiếu, mỗi ngày trong 8 ngày ấy hiện nay sẽ trở thành ngày làm việc kéo dài lên tới 12 tiếng đồng hồ.

Khoa Trưởng Chemerinsky nói với nhật báo Viễn Đông rằng, mặc dù những khoản thay đổi trong luật bầu cử của nhiều tiểu bang đều có tính cách vi hiến, Tối Cao Pháp Viện vẫn cứ duy trì những luật lệ ấy. Ông tin rằng, thay vì đưa ra những phán quyết trung hòa dựa trên Hiến Pháp Hoa Kỳ, các thẩm phán bảo thủ “đang áp đặt những thành kiến riêng của họ”. Cách thức duy nhất để cho dân chúng Mỹ có thể có được quyền tự do và bình đẳng thông qua các tòa án và luật pháp, là ý thức rằng hệ thống tư pháp Hoa Kỳ đã chuyển sang một ý thức hệ bảo thủ nghiêm khắc, thăng tiến những lợi ích tư nhân và tự do kinh doanh. Còn quyền tự do của những người bình thường hàng ngày là các cử tri thì sao đây?

* Tính cách quan yếu về mặt lịch sử

Việc thiết lập Đạo Luật Quyền Bỏ Phiếu (Voting Rights Act) trong năm 1965 đã cưỡng bách thi hành Tu Chính Án Thứ 15 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, được chấp thuận cách đây gần 100 năm, vào năm 1870. Chiếu theo Tu Chính Án Thứ 15, việc từ chối không cho một người nào đó những quyền dựa trên chủng tộc, màu da, hoặc “tình trạng  lệ thuộc trước đó”, tức chế độ nô lệ, là một điều đã trở thành bất hợp pháp.

Tu Chính Án Thứ 15 đã được chấp thuận cách bảy năm sau khi tất cả những người nô lệ, mà hầu hết đều là những người Mỹ gốc Phi Châu, được tuyên bố trở thành những người tự do, chiếu theo Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ.

Thế nhưng, được tự do không có nghĩa là được bỏ phiếu.

Bắt đầu trong thập niên 1870, các nhà lập pháp tham gia thi hành nhiều biện pháp, như đặt ra những cuộc thi trắc nghiệm về khả năng biết chữ, và những loại thuế bầu cử, để không cho những người Mỹ gốc Phi Châu đi bỏ phiếu.

Khi Hoa Kỳ phát triển về mặt sắc tộc, có thêm những nhóm thiểu số bị thất thế về mặt chính trị, không được đón nhận vào việc đầu phiếu.

Những luật bầu cử mới của các tiểu bang khác biệt như thế nào so với sự đàn áp bầu cử trước năm 1965, chống lại những người Mỹ gốc Phi Châu và những người sắc tộc khác? Chúng có khác nhau hay không? - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT