Thế Giới

Luật bầu cử một số tiểu bang ngăn cử tri bỏ phiếu?

Tuesday, 11/10/2011 - 07:51:30

Các nhóm Cộng Hòa ở California đã nộp hai đơn kiện chống lại Ủy Ban Công Dân Tái Phân Chia Địa Hạt Tuyển Cử California (CRC), liên quan tới những tấm bản đồ bầu cử Quốc Hội và Thượng Viện Tiểu Bang, đã được chấp nhận vào hôm 15-8-2011.

Cử tri và lá phiếu 2012

Vanessa White/Viễn Đông


SACRAMENTO – Những vụ kiện mới đây, liên quan tới việc tái phân định địa hạt tuyển cử ở California và những tiểu bang khác, lập luận rằng những đường ranh giới của các địa hạt bầu cử mới có thể làm tan loãng những tiếng nói cử tri trong những địa hạt nhất định, gây nguy hại cho những cuộc tuyển cử trong tương lai. Tuy nhiên, những vụ kiện tụng như vậy có thể là một phần trong một nỗ lực lớn hơn nhằm làm tan loãng thêm nữa tiếng nói của các cử tri trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Các nhóm Cộng Hòa ở California đã nộp hai đơn kiện chống lại Ủy Ban Công Dân Tái Phân Chia Địa Hạt Tuyển Cử California (CRC), liên quan tới những tấm bản đồ bầu cử Quốc Hội và Thượng Viện Tiểu Bang, đã được chấp nhận vào hôm 15-8-2011. Là một ủy ban do các cử tri bầu ra, CRC lãnh nhiệm vụ vẽ bản đồ của những địa hạt bầu cử Quốc Hội, Hạ Viện Tiểu Bang, Thượng Viện Tiểu Bang, và Ủy Ban Thuế. Những tấm bản đồ mới này sẽ được sử dụng trong tiểu bang cho những kỳ tuyển cử trong mười năm tới.

Cả hai lá đơn kiện này đều cho rằng những tấm bản đồ của CRC sẽ gây bất lợi cho một số cử tri. Nhưng theo cô Lois Beckett, đồng tác giả của một bài đăng trên báo ProPublica, viết về vấn đề tái phân chia địa hạt bầu cử và có tựa đề là “Những bàn tay đằng sau việc tái phân định địa hạt tuyển cử”, thì những công ty hiến tặng tiền bạc đang tài trợ cho những vụ kiện trên toàn quốc về chuyện tái phân định địa hạt bầu cử, hy vọng sẽ ảnh hưởng đến những cuộc bầu cử của tiểu bang để tạo lợi thế cho các công ty. Ký giả Beckett cho biết rằng những người hiến tặng như thế phần lớn đều thuộc Đảng Cộng Hòa và có thể cũng chính là những người hiến tặng tài trợ cho các nhóm bất vụ lợi cổ võ cho việc phân chia lại các địa hạt bỏ phiếu. Hôm 4-10-2011, ký giả Beckett nói với Democracy Now!: “Những nhóm tái phân định địa hạt tuyển cử không bị luật lệ về tranh cử đòi buộc phải tiết lộ danh tánh những nhà hiến tặng. Chúng tôi biết rằng họ đang gây ra một tác động lớn, nhưng chúng tôi không biết chắc chắn những người hiến tặng ấy là ai”.

Cô nói tiếp rằng việc mướn những chuyên viên cố vấn về bản đồ gây ra tốn kém, đặc biệt đối với những nhà lập pháp muốn có một số đường ranh giới được vẽ ra để giữ họ ở lại trong chức vụ hiện thời. Cô Beckett cho biết thêm rằng số tiền cần để thuê những người cố vấn về bản đồ như vậy phát xuất từ các công ty hiến tặng. Cô nói với Democracy Now!: “Những phần đóng góp cho chiến dịch vận động tranh cử đều không hữu hiệu cho bằng việc tái phân định địa hạt tuyển cử, vì việc phân chia lại địa hạt sẽ định đoạt chuyện ai sẽ thắng cử trong một cuộc bầu cử tại một tiểu bang trong 10 năm”.

Ở cấp độ địa phương, những cuộc họp của CRC lắng nghe công chúng đóng góp ý kiến, được tổ chức trên khắp California vào mùa hè năm nay, bừng bừng nhiệt huyết và tràn đầy hy vọng, khi những công dân lên tiếng bày tỏ những nguyện vọng của họ hầu được lắng nghe về những nỗi quan ngại trong việc phân định lại những đường biên giới địa hạt.

Nếu những vụ kiện nêu trên được các công ty tài trợ, với những chương trình hành động nào đó, đặt những nhu cầu của những cơ sở kinh doanh giàu có lên trên những nhu cầu của các cử tri tài trợ cho những cơ sở kinh doanh ấy, thì liệu những cuộc họp lắng nghe công chúng đóng góp ý kiến như thế trên khắp California có phải chăng đã sử dụng đầy đủ thời giờ và sức lực?

* Luật bầu cử ở các tiểu bang khác
Theo ông Ari Berman, người mới viết một bài đăng trên báo Rolling Stone, với tựa đề “Chiến tranh của Đảng Cộng Hòa về việc bỏ phiếu”, thì những thành viên Cộng Hòa – đã bắt đầu nắm bắt lại quyền hành trên toàn quốc từ kỳ bầu cử năm 2010 – đang ra sức làm những gì mà họ có thể làm được để giữ vững quyền lực ấy. Hôm 4-10-2011, khi mô tả đạo luật của những tiểu bang khác nhau vừa được thông qua mới đây, ông Berman nói với Democracy Now!: “Những người Cộng Hòa đang cố gắng hình thành một cử tri đoàn có lợi cho họ, và nói với người ta rằng ‘ngay cả khi quí vị không đồng ý với chúng tôi, thì hiện nay quí vị cũng không thể hành xử quyền bỏ phiếu dân chủ của mình để bỏ phiếu gạt chúng tôi ra khỏi chức vụ được’”.

Những khoản thay đổi trong luật lệ bầu cử của các tiểu bang có thể tước mất quyền bỏ phiếu của hơn 5 triệu người trên toàn quốc Hoa Kỳ, theo Trung Tâm Brennan Vì Công Lý cho biết. Đây là một cơ sở phi đảng phái, chuyên về chính sách công cộng.

Ông Berman nói: “Từ kỳ bầu cử năm 2010, có 34 tiểu bang đã đưa ra những dự luật và 12 tiểu bang đã thông qua những đạo luật, mà xét về căn bản thì những luật này được thiết kế nhằm ngăn cản các cử tri tại từng giai đoạn trong tiến trình tuyển cử”. Ông nói thêm rằng một số tiểu bang hiện thời đang đòi cử tri phải có thẻ căn cước có dán ảnh để ghi danh đi bầu. Ông nói: “Có một điều mà người ta không ý thức về những tấm thẻ căn cước có ảnh này, đó là 10 phần trăm trong số các công dân Mỹ không có những tấm thẻ như vậy, trong đó có 18 phần trăm là những người trẻ và 25 phần trăm là những người Mỹ gốc Phi Châu”.

Ông Berman nói tiếp rằng những tiểu bang, như Iowa và Florida, đang ngăn chặn những cựu tù nhân – đã mãn hạn tù và lẽ ra trước đó có thể đi bầu – không cho họ bỏ phiếu.

Những tổ chức bầu cử giúp cho các cử tri ghi danh, như Liên Đoàn Nữ Cử Tri, phải trả những khoản tiền phạt 1.000 Mỹ kim tại một số tiểu bang.

Ông cho biết thêm rằng, trong khi ấy, những tiểu bang khác như Florida đang cắt giảm việc bỏ phiếu sớm. Chẳng hạn, như Florida và Ohio, hai tiểu bang có thể nghiêng hẳn về phía các ứng cử viên Cộng Hòa hoặc Dân Chủ cách riêng thấy rõ, đã loại bỏ việc bỏ phiếu vào ngày Chủ Nhật trước kỳ tuyển cử. Xét về mặt lịch sử, các giáo đường của người da đen thường huy động cử tri đi bầu vào những ngày Chủ Nhật như thế.

Ông Berman nói: “Tất cả những luật lệ bầu cử này đều được các thành viên Cộng Hòa thông qua với đa số phiếu áp đảo. Trong cuộc thảo luận về chuyện bỏ phiếu, không nên biến thành một vấn đề về phe tả hoặc phe hữu”.

* Nguồn tài trợ cho luật lệ tuyển cử
Ông Berman nói với Democracy Now! rằng các giới chức Cộng Hòa trên khắp Hoa Kỳ đang thúc đẩy để thông qua những luật bầu cử, sẽ làm tan loãng đi những tiếng nói của các cử tri, mà phần đông đều thuộc về các nhóm thiểu số, giới trẻ và những người có lợi tức thấp. Cùng với các giới chức Cộng Hòa, Hội Đồng Giao Dịch Pháp Lý Hoa Kỳ (ALEC) cũng đứng đằng sau những luật lệ tuyển cử như thế.

Trong tháng 7 năm nay, Trung Tâm Truyền Thông và Dân Chủ (CMD) tường trình rằng những công ty lớn nhất, như những nhà hiến tặng cho vận động tranh cử, đã có quan hệ với ALEC và đứng đằng sau việc thay đổi những luật quan trọng của tiểu bang. ALEC là một hội đồng được các công ty tài trợ, gồm những thành viên là những người lãnh đạo công ty và các chính khách. Họ họp kín với nhau và biểu quyết về những dự luật nhằm soạn thảo lại luật lệ tiểu bang. Các công ty được coi như ngang hàng với các chính khách dân cử, bỏ phiếu biểu quyết những dự luật ảnh hưởng đến những lãnh vực của tiểu bang, như giáo dục, thuế khóa, chăm sóc y tế, các quyền của người lao động, và những lãnh vực khác.

Tiến trình ngắn gọn dành cho việc soạn thảo các dự luật thông qua ALEC bao gồm việc tranh luận giữa mọi thành viên hội đồng, với việc bỏ phiếu được thực hiện một cách riêng rẽ giữa các thành viên công ty và các chính khách công quyền. Trước khi các chính khách ALEC, hoặc những người trước đây từng làm việc trong các văn phòng thống đốc, đệ trình những dự luật cho cơ quan lập pháp tiểu bang, thì danh tánh của các công ty được xóa bỏ. Những sự chấp nhận của các công ty và việc soạn thảo các dự luật như thế là bí mật kín đáo.

Ông Berman nói với Democracy Now! rằng sau kỳ tuyển cử năm 2008, ALEC đã soạn thảo những luật kiểu mẫu liên quan tới thẻ căn cước có dán ảnh để đi bầu, và tiếp theo sau những bản dự thảo ấy, có năm tiểu bang đã thông qua những luật lệ tương tự, có nội dung gần giống với những bản dự thảo.

Ông Berman nói tiếp rằng ông Paul Weyrich, người sáng lập ALEC, trong năm 1980, từng nói với các mục sư Cơ Đốc bảo thủ rằng ông không muốn rằng bất cứ ai cũng có thể đi bỏ phiếu. Ông Weyrich nói: “Đương nhiên, lợi thế hành động của chúng tôi trong tuyển cử rõ ràng tăng lên, khi số người đi bầu giảm xuống”. - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT