Đạo và Đời

Lúc lâm chung

Wednesday, 03/08/2016 - 07:17:06

Do đó, nếu khi sinh ra ta không làm chủ được, nhưng khi rời trần thế ta vẫn có nhiều hy vọng, nhiều khả năng để kiểm soát và ra đi một cách nhẹ nhàng. Đó là điều quan trọng trong cuộc sống.

Ghi lại bài giảng của Thầy Hằng Trường trên Radio Khai Tâm

Kính chào các bác và các anh chị đang lắng nghe chương trình Radio Khai Tâm. Hôm nay thầy xin nói về đề tài Lâm Chung.
Lâm chung là một thời điểm rất quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Có hai thời điểm quan trọng nhất là lúc ta sanh ra và lúc ta ra đi. Cả hai thời điểm đó chúng ta đều không thể làm chủ được. Thí dụ ta không thể biết lúc nào mình sinh ra, ai là người đầu tiên chạm vào mình ta, ta không biết và không làm chủ được. Rồi khi ta ra đi, ta cũng không làm chủ được. Ta cũng không biết được người nào là người cuối cùng xúc chạm tới mình để mình ra đi được bình an.

Lâm chung nghĩa là gì? Nó nói tới giai đoạn nào? Lâm là tới nơi, ở nơi đó, ngay nơi đó. Bản thân của chữ Lâm dưới có bộ thần, là một vị dưới vua, lúc nào cũng lắng nghe vua. Khi Vua kêu Thần lập tức tới. Cho nên chữ Lâm có ý nghĩa mạnh mẽ, giống như ta bị triệu tập tới, rồi phải ở đó, không thể nào thay đổi được gì cả. Chúng ta thường nghe nói tới chữ Lâm Hành, nghĩa là đúng vào lúc ta phải ra đi; hoặc chính phủ lâm thời, là một chính phủ không thể nào có gì khác hơn được vào lúc đó. Lâm thời còn có nghĩa là kịp vào thời điểm đó.
Như vậy chữ Lâm Chung khác với chữ Vãng Sinh. Vãng sinh là sau khi ta đã tắt thở rồi thì ta mới ra đi. Vãng là đi, Sinh là về một nơi nào đó để ta sanh ra. Nhưng chữ Lâm Chung ở đây nói tới giai đoạn mà ta phải ở đó, có mặt ở đó, không thể nào trốn tránh được. Chung có nghĩa là kết thúc. Ta thế nào cũng phải đối diện với giờ phút cuối cùng, không thể trốn chạy đi đâu được. Lâm chung có ý nghĩa như một mệnh lệnh là ta phải ở đó, không thể trốn chạy được. Ta phải tới nơi đó và ta phải làm sao có mặt.

Vấn đề chính của bài nói ngày hôm nay là giai đoạn mà ta nói là phải biết và hiểu đó là giai đoạn không thể nào không có được. Nhiều khi tới giây phút đó ta có mặt, nhưng không hoàn toàn làm chủ được. Đó là một trong những lý do ta phải suy nghĩ thật nhiều về chuyện làm thế nào để giây phút lâm chung đúng theo ý muốn của ta. Vì như chúng ta đã biết khi sanh và và lúc chết đi, ta không làm chủ được.

Một câu hỏi được đặt ra là ta làm gì để được tự tại lúc ra đi. Lúc ta tới cõi này, ta không thể biết. Nhưng lúc ra đi, ta có bao nhiêu phần trăm để được tự tại, có bao nhiêu phần trăm để ta chủ động được.

Lúc đến thế gian này, ta không tự chủ được vì lúc đó óc ta chưa phát triển đủ để kiểm soát sự việc. Nếu chúng ta muốn kiểm soát việc sinh ra của ta như thế nào, có lẽ chúng ta nên nói trong một bài khác về cách sống như thế nào để khi sinh ra, ta có thể tự tại được. Trong kinh Phật có nói tới một dạng bồ tát duy nhất, khi đầu thai, ngài đi vào trong bào thai, ngài coi bào thai đó như một cung điện, nhưng ngài không hề bị mê muội. Trong chín tháng mười ngày đó, ngài sống thanh tịnh vô cùng. Đến lúc ngài sinh ra, ngài hoàn toàn rõ ràng. Khi ngài bắt đầu thành hình một em bé, đương nhiên là óc của ngài chưa hoàn toàn phát triển, nhưng tâm thức của ngài đã rất cao rồi.

Câu chuyện duy nhất nên nói lại là chuyện về ngài Kumala Thập. Khi ngài còn ở trong bụng mẹ, ngài làm cho mẹ ngài có biện tài vô ngại, có trí huệ cao. Lúc trước bà không có khả năng nói pháp, nhưng từ ngày có con, bà nói pháp hay vô cùng. Té ra ngài Kumala Thập là một thánh nhân, một vị bồ tát, khi còn nằm trong bụng mẹ không bị mê muội, nên có khả năng ảnh hưởng tới mẹ ngài khiến bà thành người có trí huệ. Đây là một câu chuyện mà trong lịch sử có ghi chép lại.

Một câu chuyện khác là có rất nhiều vị thánh nhân không những khi còn trong bào thai, mà ngay lúc giáng sinh, đã làm cho người mẹ biết được chuyện quá khứ vị lai. Những vị bồ tát trong hàng Thập Địa bồ tát, các ngài không bị mê muội khi nhập thai hay xuất thai. Đó là những trường hợp mà trong nhà Phật nói tới. Do đó, khi các vị bồ tát này sinh ra, họ rất sáng suốt và sự sáng suốt đó khiến chúng ta ngạc nhiên vô cùng. Trong cuộc đời của đức Phật, như chúng ta biết, khi Ngài sanh ra, tương truyền rằng ngài đi bảy bước. Truyền thuyết muốn nhấn mạnh tới triết lý rằng một vị đã giác ngộ rồi, tâm thức không còn bị trói buộc. Bảy bước đi đó cũng giống như bảy đóa hoa sen là bảy giai tầng để con người chúng ta giải thoát khỏi tất cả những phiền muộn của vũ trụ. Đây chỉ là một ví dụ để nói rằng tiềm năng con người chúng ta có thể thoát ra khỏi, giống như hoa sen nở ra, ta có thể thoát khỏi những kiềm tỏa của giới hạn của con người chúng ta.

Khi đọc câu chuyện đó, đương nhiên chúng ta hiểu như vậy rồi thì chúng ta biết con người mình, từ ngay trong bào thai, có nhiều người có thể làm cho mẹ mình thông minh cực điểm, biết được chuyện quá khứ vị lai, biết tới những triết lý thâm sâu. Nhưng đại đa số chúng ta không có cái khả năng đó. Khi sinh ra đời, chúng ta không còn nhớ những chuyện trong kiếp trước. Ta không thể nào làm cho mẹ mình thông minh hơn, ta không thể nào bước bảy bước như trong truyền thuyết. Đó là lúc chúng ta nói mình không thể kiểm soát, khống chế và làm chủ được.

Bây giờ ở cái giây phút lâm chcung, là giây phút không ai tránh được, có những người tự tại vô cùng. Họ ngồi tọa hóa, như ngài Quảng Khâm, là một vị đại tăng trong thời này. Khi tu hành, ngài chỉ niệm Phật và ăn trái cây thôi. Ngài sống tới cả trăm tuổi. Nhưng điểm hay nhất ở ngài là ngài nói cho tất cả mọi người biết ngày lâm chung của ngài Ngài vừa ngồi gõ mõ vừa niệm Phật một hồi, ngài buông chầy gõ mõ, gục đầu xuống và lặng lẽ ra đi. Có những người lúc lâm chung đó họ biết không phải một giờ mà hai giờ hay cả một ngày hay một tuần trước. Trong trường hợp của đức Phật thì ngài cho biết trước cả mấy tháng; ngài đã đi bộ lên tận thành phố Kushigana, tìm ra cây Tala Song Thọ và ngồi xuống. Chỗ đó là chỗ rộng nhất để hàng ngàn đệ tử của ngài có thể tới tập trung lại. Có những người có thể làm chủ được giây phút cuối cùng đó. Mức độ làm chủ giây phút cuối cùng này cho biết mức độ tu hành, mức độ giác ngộ và nghệ thuật của chúng ta như thế nào. Càng hiểu triết lý sống bao nhiêu, ta càng có khả năng sống như thế nào để ra đi hay làm chủ lấy mình để tự tại được.

Do đó, nếu khi sinh ra ta không làm chủ được, nhưng khi rời trần thế ta vẫn có nhiều hy vọng, nhiều khả năng để kiểm soát và ra đi một cách nhẹ nhàng. Đó là điều quan trọng trong cuộc sống.

Trong cuộc sống, ít khi nào chúng ta nói tới chuyện lâm chung vì dường như vấn đề này quá tiêu cực và thường chúng ta hay dùng danh từ “chết” thay vì lâm chung. Chết nghĩa là chấm dứt hơi thở của thân xác này. Đối với một người Phật tử, chúng ta không tin vào sự chấm dứt của một thân xác tức là loại năng lượng này, là sự chấm dứt của tâm thức. Chúng ta nghĩ rằng sau khi chết, năng lượng của tâm thức vẫn còn và sẽ gá vào năng lượng của thân thể. Năng lượng của tâm thức và năng lượng của thân thể hai cái là một. Những dạng năng lượng đó cũng giống như phần cứng và phần mềm. Nhiều khi phần cứng đã ngừng rồi, nhưng phần mềm chuyển hóa vào trong một chỗ khác, mà thường thường chúng ta gọi là Tạng thức. Tạng thức là một kho tàng chất chứa năng lượng tâm linh. Khi chất chứa đủ rồi, sự vận hành của năng lượng tâm linh như thế nào thì cho đến ngày hôm nay ta không có khoa học để tìm hiểu và biết được. Nhưng theo những nhà yogi thì năng lượng tâm linh đó lại phát triển để biến thành năng lượng vật chất. Bằng cách nào? Sự đầu thai. Tiến trình đó là tiến trình sau khi ta tắt thở, ra đi. Thầy xin trình bày cùng các bác vào một dịp khác.
Nhưng tiến trình bây giờ chúng ta muốn nhắm vào là lâm chung. Giây phút đó thiêng liêng vô cùng. Tại sao thiêng liêng? Thì ra trước khi tắt thở, ta sẽ có một cảm nhận rất rõ ràng về mình hay nói đúng ra là về cái chơn tâm của ta. Giây phút quan trọng nhất có thể xẩy ra trong một chút xíu thôi.

Bây giờ chúng ta trở lại để định nghĩa giây phút lâm chung. Đó là khoảng thời gian trước khi ta tắt thở. Trong Phật giáo hiện đại bây giờ, chúng ta biết rằng nếu nói lâm chung là giây phút trước khi ta ra đi, thì có những người não bộ đã chết, phải chăng lúc não vừa chết thì đó là giây phút lâm chung hay giây phút lâm chung là lúc ta thực sự tắt thở? Có rất nhiều hệ luận trong câu trả lời này. Có người cho rằng não chết tức là người chết, do đó có thể rút ống để người đó được ra đi. Có người quan niệm rằng chết là khi hơi thở ngừng lại.
Lâm chung là giây phút mà chúng ta mất đi khả năng tự chủ. Trước khi não bộ ngừng, có khoảng thời gian chúng ta mất đi sự tự chủ. Trước khi hơi thở ngừng lại cũng là một khoảng thời gian chúng ta gọi là lâm chung. Như vậy lâm chung là khoảng thời gian trước khi não ngưng làm việc. Lâm chung cũng có nghĩa là khoảng thời gian trước khi hơi thở ngừng lại. Nói chung thì đó là khoảng thời gian rất quan trọng trước khi ta mất đi sự tự tại, mất đi khả năng làm chủ. Mất đi sự nhận tri nhận biết về mình.

Nói như vậy, chúng ta nên suy nghĩ thế nào về sự lâm chung này? Chúng ta nên suy nghĩ rằng vào giây phút này chúng ta cần sáng suốt. Chúng ta không muốn vào giây phút lâm chung mình lại mê man quá. Tại sao ta lại mê man? Tại sao ta lại mất những cái tự chủ đó? Câu trả lời rõ ràng là tại vì ta bệnh. Có người nào không tránh được bệnh đâu? Nhưng tại sao có những người ra đi vì tuổi già, họ ra đi một cách nhẹ nhàng sung sướng. Họ chỉ hơi bệnh một chút, nằm ngủ rồi họ ra đi, không có nhiều đau khổ. Nhưng không có người không những bị mất quyền tự chủ mà còn đau đớn vô cùng.

Thầy xin kể về sự lâm chung của mẹ thầy, thưa các bác. Mẹ của thầy là một người rất thuần thành về đạo Phật. Dường như ngày nào bà cũng tụng niệm kinh Pháp Hoa và niệm Phật. Bà có một bàn Phật nhỏ để nơi góc nhà chớ không có một phòng thờ lớn như thời bây giờ. Thời đó mẹ của thầy có một tủ thờ để trong một khoảnh nhỏ trong căn phòng đó thôi. Nhưng bà rất thành tâm, sáng nào bà cũng mặc áo tràng, ngồi trên ghế, tụng kinh Pháp Hoa, tụng phẩm Phổ Môn và ngày nào cũng niệm Phật. Đôi khi ban đêm bà cũng làm và năm nào cũng ăn chay ba tháng. Việc lên chùa thì hầu như thường xuyên. Sở dĩ thầy dài dòng như vậy để các bác biết thân mẫu của thầy rất thích chuyện tu hành và rất thành tâm. Bất kỳ khó khăn gì xẩy ra trong gia đình, bà thường ngồi trước bàn Phật rất lâu, rất nhiều để cầu nguyện. Lòng thành của bà rất sâu sắc. Quãng thời gian dành cho Phật là hàng ngày, nhiều khi không phải một giờ mà là một tiếng rưỡi hay hai tiếng. Như vậy chúng ta thấy 1/12 cuộc đời mình đã cống hiến cho vấn đề tâm linh rồi, thưa các bác. Thời gian đó trải qua 5, 10, 20 năm, số lượng thời gian là nhiều lắm chứ. Do đó ảnh hưởng tới tâm thức của ta ghê lắm. Chẳng may vào khoảng 60 tuổi, mẹ của thầy bị ung thư ruột già. Khi bà qua Mỹ bà được đưa vào bệnh viện, đưa đi thử nghiệm ở New York, thì được cho biết phương cách đầu tiên là phải ăn chay trường. Việc ăn chay sẽ làm cho bao nhiêu tế bào ung thư không thể phát triển được. Vì tế nào ung thư đòi hỏi những chất đạm từ loài vật. Nếu chất đạm từ nơi rau cỏ thì tế bào ung thư không thể sử dụng được. Tế bào ung thư sẽ chết. Tuy nhiên vì bệnh của mẹ thầy đã quá nặng nên không thể nào đi ngược lại. Vào giai đoạn cuối cùng của mẹ thầy, thầy đã bay từ California sang New Jersey để thăm bà. Ngày nào thầy cũng tụng kin niệm Phật, ngày nào thầy cũng hướng dẫn bà niệm Phật. Bà rất thích niệm Phật và rất thích nghe giảng. Thầy ở bên cạnh giảng cho bà nghe tất cả những kinh điển mà bà thích. Từ kinh Địa Tạng cho tới kinh Kim Cang, kinh Di Đà và ngay cả kinh Thủy Sám, thầy cũng có giải thích sơ sơ cho bà nghe. Bà rất thích kinh Địa Tạng và tin ngài Địa Tạng vô cùng.

Thưa các bác, trong khoảng thời gian ở như vậy khoảng 10 ngày hay hơn một tuần. Thầy thấy ngày nào bà cũng rất sáng suốt, tuy bụng có đau. Bà nghe kinh một ngày hai ba lần, bà tụng niệm ngày hai ba lần. Thầy còn đi nhiễu với bà. Thầy đặt cho thời gian đó là Thời Gian Chuyển Tiếp Vào Lâm Chung. Tức là trước khi lâm chung có một một thời gian chuyển tiếp rất quan trọng. Tuy bà ở vào giai đoạn bốn của bệnh ung thư, nhưng tất cả lục phủ ngũ tạng vẫn chưa ngừng lại. Bà vẫn còn sự hiểu biết. Một đêm nọ, thầy biết bà rất yếu, nên dắt và vào phòng vệ sinh, lúc ấy là 10:30 tối. Thầy chờ bà làm vệ sinh xong, bèn dắt bà ra ngoài, nằm xuống giường. Bà rất là sạch sẽ. Thầy ngồi phía đầu giường bên tay trái của bà. Tự nhiên có một sự linh thiêng gì đó mà cho tới ngày hôm nay, thầy vẫn không hiểu nổi, bởi vì thầy không biết tại sao thầy lại cảm thấy có một không gian rất khai mở, rất lạ, và rất linh thiêng. Rồi không chuẩn bị, thầy nói với mẹ thầy rằng, “Mạ ơi mạ, cõi cực lạc này sung sướng lắm, đẹp lắm. Chư vị bồ tát cũng từ bi lắm. Từ đức Di Đà, Di Lặc, Địa Tạng, Quán Âm, các ngài rất thương mình, rất từ bi. Còn cõi Ta Bà này khổ quá mạ ơi. Mạ theo các ngài đi”. Bà đang nằm, tự nhiên ngẩng đầu nhìn thầy ngạc nhiên vì không biết tại sao thầy lại nói những lời đó. Khi thầy nói xong, thầy nhìn bà, bà nhìn thầy. Hai người nhìn nhau. Thầy cũng giật mình không hiểu tại sao mình lại nói như vậy. Xong rồi thuận tay, thầy cầm chuỗi hạt và bắt đầu niệm. Thầy niệm Nam Mô A Di đa bà dạ, nhưng vì thầy miệng niệm tiếng Hán và tiếng phiên âm thanh cho người Mỹ đọc. Bà không hiểu tiếng thầy đọc là tiếng gì, nhưng bà hiểu đó là chú Vãng Sanh. Thầy niệm chưa đầy hai biến thì thấy bà thở hắt ra và bà đi. Giây phút bà đi, thầy cảm thấy một sự thiêng liêng cực kỳ bởi vì óc thầy hoàn toàn trống rỗng. Mình cảm thấy nó vắng thật vắng. Nó tĩnh lặng một cách kỳ lạ. Nó rất là thiêng liêng. Thầy không đụng gì tới thân xác của mẹ thầy. Lúc bà thở hắt ra, thầy rờ tay bà, nhìn vào mắt bà và biết là bà đã ra đi. Thưa các bác, đó là một điều rất kinh dị bởi vì mẹ thầy không bị mê man. Bà vẫn còn tỉnh táo, vừa mới từ phòng vệ sinh ra mà. Bà tỉnh táo và sáng suốt vô cùng.

Giây phút lâm chung có lẽ là giây phút rất thiêng liêng. Trước giây phút lâm chung là thời gian chuẩn bị. Mẹ thầy được thời gian chuẩn bị đó là hàng ngày nghe pháp và hàng ngày được niệm Phật chung, được đặt câu hỏi, được giải tỏa những nỗi niềm. Quan trọng hơn cả là có một sự im lặng trong nội tâm. Đó là sự chuẩn bị vào lâm chung. Lúc lâm chung, chỉ có một chút xíu thời gian để nghe thầy nói câu “Cõi ta bà này khổ quá”. Tức là thầy chỉ nói có một chút xíu thời gian thôi, thưa các bác. Thời gian lâm chung quả nhiên rất ngắn, chỉ một, hai phút thôi.

Thưa các bác, bây giờ chúng ta sẽ kết thúc loạt bài này. Lâm chung là thời điểm, thời gian mà không ai trong chúng ta có thể tránh được. Chúng ta cũng không biết rõ rằng trong thời gian này nó cần cái gì. Nhiều khi chúng ta sống vì những chuyện bên ngoài, những chuyện hay động lực gì đó khiến chúng ta quên chuẩn bị cho giây phút mà chúng ta sẽ mất đi tất cả khả năng tự chủ. Lâm chung là giây phút mà chúng ta phải đối đầu, cho nên ta phải sống như thế nào để tới giai đoạn cuối cùng đó, ta có thể nắm chụp được, nhận diện ra được sự thiêng liêng đó. Sự thiêng liêng đó là ta sẽ ra đi, ta sẽ ngừng lại. Đó là lý do tại sao chúng ta tu.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT