Đạo và Đời

Lương thực trường sinh

LM. Trịnh Ngọc Danh Wednesday, 01/08/2012 - 09:12:21

Ngoài nhu cầu thỏa mãn cái đói, cái khát của thân xác, con người còn có nhiều cơn đói khát, nhiều thứ khát vọng cần được thỏa mãn.

LM. Trịnh Ngọc Danh

Sau khi được ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá, họ lại đi tìm Chúa Giêsu. Không thấy Ngài và các môn đệ có mặt ở biển hồ Galilê, họ xuống thuyền đi Caphanaum để tìm Ngài. Khi gặp thấy Ngài ở bên kia Biển Hồ, họ đã vồn vã: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”.
Họ tìm Ngài để làm gì? Có thật họ cất công đi tìm Ngài để được nghe Ngài giảng dạy, để được xem những việc lạ, xem Ngài chữa bệnh hay để được ăn no nê khỏi phải làm việc vất vả?
Hiểu được tâm trạng của họ, Chúa đã khiển trách: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn no nê” (Ga. 6: 26). Chúa đã đoán đúng ý đồ của họ, nên họ đã đánh trống lãng bằng cách khiêu khích Ngài: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông?”(Ga. 6: 28).
Quả đúng như lời Chúa đã quở trách!
Con người có cuộc sống trần thế và cuộc sống thiêng liêng, có cuộc sống hư nát và cuộc sống trường tồn. Mỗi cuộc sống đều có những nhu cầu cần được thỏa mãn, có những thứ lương thực để đáp ứng cơn đói khát. Lương thực cho cuộc sống trần thế không phải chỉ là những thứ thỏa mãn ăn uống mà còn là những thứ thỏa mãn ước mơ, khát vọng. Có những lương thực hay hư nát cho cuộc sống trần thế thì cũng có những lương thực trường sinh cho cuộc sống vĩnh hằng.
Ngoài nhu cầu thỏa mãn cái đói, cái khát của thân xác, con người còn có nhiều cơn đói khát, nhiều thứ khát vọng cần được thỏa mãn.
Khát vọng được giàu sang phú quí, được trẻ mãi không già, được sống thỏa mãn với những nhu cầu vật chất, được khoẻ mạnh không ốm đau bệnh tật, được có một cuộc sống hạnh phúc…
Khát vọng được cảm thấy mình là người quan trọng, được chấp nhận, được có những mối quan hệ tốt đẹp, được yêu thương…
Ít nhiều, chúng ta cũng có thể thỏa mãn được những khát vọng ấy; dù biết rằng thành quả của chúng rồi cũng qua đi, cũng đi vào mục nát, nhưng chúng ta vẫn bận tâm lo lắng, vẫn chạy theo kiếm tìm. Xưa cha ông ăn Manna cũng đã chết; được ăn bánh Chúa đã hóa ra nhiều rồi cũng chết. Đúng là con người đã và đang “ra công làm việc để tìm những thứ lương thực hay hư nát!”.
Thực tế, chúng ta chỉ mới chú tâm kiếm tìm những thứ lương thực hay hư nát để phục vụ cho cơn đói khát của thể xác mà không chú tâm tìm kiếm thứ lương thực trường sinh, một thức ăn qúy giá hơn, cần thiết hơn để thỏa mãn khát vọng, cơn đói khát của tâm hồn cho cuộc sống bất tử.
Làm việc để thỏa mãn những nhu cầu vật chất đã đành, chúng ta còn phải làm việc để thỏa mãn những nhu cầu tinh thần, nhu cầu tâm linh.
Để có được lương thực nuôi sống thân xác và tâm hồn, con người phải “ra công làm việc”. Nhưng lương thực nào là lương thực cần thiết chúng ta phải ưu tiên hàng đầu?
Chúa đã trả lời cho vấn nạn trên bằng một lời khuyến cáo: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga. 6: 27).
Hôm nay Chúa giới thiệu với chúng ta một thứ bánh ăn vào sẽ không phải chết, không bị mục nát: đó là bánh trường sinh. Nhưng bánh ấy ở đâu ra? Ai có thứ bánh trường tồn ấy?
Chúng ta hãy nghe Ngài giới thiệu thứ bánh ấy: Bánh ấy không phải như Manna mà ông Môisê đã cho cha ông họ ăn nơi hoang địa ngày nào đâu, bánh ấy là bánh bởi trời, bánh đích thực, bánh đem lại sự sống cho thế gian do Cha Ngài ban cho họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môisê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga. 6: 32-33).
Đặc tính của bánh mà Chúa Giêsu giới thiệu là bánh bởi trời, bánh đích thực, bánh ban sự sống cho thế gian, bánh do Thiên Chúa Cha ban.
Nghe thế, dân chúng lên tiếng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”. Họ cứ tưởng thứ bánh ấy cũng như bao thứ bánh khác, nên họ xin được ăn mãi thứ bánh ấy. Và Chúa đã làm cho họ chưng hửng khi Ngài nói: “Chính tôi là bánh trường sinh” (Ga. 6: 35).
Phải! Lương thực trường sinh ấy là Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha, là Đấng Thiên Sai, là Thiên Chúa làm người để ở cùng chúng ta, là Đấng chịu chết và phục sinh vì yêu thương loài người.
Nhưng để có được bánh bởi trời, bánh ban sự sống cho thế gian thì “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc của Thiên Chúa?”. Ngài trả lời với họ: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Người sai đến” (Ga. 6: 29).
Điều kiện để có được thứ bánh trường tồn là ĐẾN và TIN: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga. 6: 35).
Đến với Chúa để thỏa mãn cơn đói, Tin vào Ngài để thỏa mãn cơn khát
Tin là gắn bó với chính Thiên Chúa, tin tưởng phó thác bản thân cho Ngài và chấp nhận tất cả những chân lý do Ngài mặc khải, vì chính Ngài là Chân Lý. Tin là tin kính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Và thêm một điều kiện nữa để có được bánh trường sinh là “anh em hãy cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Êph. 4: 22-24).
Làm việc để thỏa mãn những nhu cầu vật chất đã đành, còn phải làm việc để thỏa mãn những nhu cầu tinh thần, nhu cầu tâm linh. Đó là hai nhu cầu cần thiết cho cuộc sống con người khi còn tại thế. Sẽ khập khễnh, què quặt nếu chúng ta chỉ quan tâm đến những nhu cầu vật chất mà quên đi hay lơ là không nhận ra cơn đói khát của tâm hồn; nhưng đi tìm lương thực để thoả mãn cái đói khát của tâm hồn lại cần thiết hơn. Chúng ta đặt cái phụ trên cái chính yếu, lấy cái phụ làm cái chính, tìm lương thực phục vụ cái hư nát mà bỏ quên không tìm lương thực cho cái trường tồn. Ai cũng biết rằng cái trường tồn cấn thiết và quý giá hơn cái mục nát chóng qua; thế mà trong cuộc sống, dường như lương thực hay hư nát lại được chúng ta nhọc công kiếm tìm hơn là lương thực trường sinh! Vì thế, Chúa đã cảnh cáo chúng ta: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực trường sinh” mà lương thực trường sinh là thực hiện những việc Thiên Chúa muốn, mà việc Thiên Chúa muốn là “tin vào Đấng Người sai đến”.
Mục đích của việc ra công làm việc không phải vì những cái mục nát, hư đi, chóng qua, nhưng là vì những cái đem lại cho con người sự sống vĩnh cửu, cái trường tồn. Chính Chúa Giêsu là bánh trường sinh, là lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho, vì “chính Con người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.
Ngày nay, chúng ta được may mắn hơn cha ông là có được lương thực trường sinh là Mình và Máu Chúa Kitô qua phép Thánh Thể, nhưng hình như chúng ta cũng không mấy mặn mà, quan tâm bằng những thức ăn vật chất! Chúng ta vẫn trăn trở với những cơn đói khát thể xác mà không thấy hay không thiết tha mấy với của ăn trường sinh nuôi sống tâm hồn!
Nếu chỉ miệt mài làm việc để lo kiếm tìm lương thực nhằm thỏa mãn cơn đói khát của thân xác, để thỏa mãn những dục vọng trần tục mà bỏ quên nước trời, quên hạnh phúc đích thực đời sau thì rồi sẽ mất tất cả.
Tại Pháp, có một thương gia giàu có; phương châm của đời ông là làm tiền, ăn nhậu, chơi bời. Nhưng chẳng bao lâu, ông bị câm, vì thần kinh chỉ huy thanh quản bị tê liệt. Trên giường bệnh, ông luôn luôn thở dài chán nản. Cuối cùng, trước khi chết, ông bảo gia nhân đem bút giấy cho ông. Cầm bút, ông ghi một hàng chữ và truyền khắc nó trên bia mộ của ông. Hàng chữ ấy như thế này: “Đây là người dại dột, đã sống mà không biết sống. Hỡi những người đang sống, chớ gì sự vô phúc của kẻ khác mở mắt cho các người”.
Không biết ai trong chúng ta sẽ là những cô trinh nữ khờ dại mang đèn mà không mang dầu hay sẽ là những cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn lại mang theo dầu để đi đón chàng rể vào ngày Tiệc Cưới Nước Trời!

(Bài giảng Chủ Nhật thứ 18 mùa Thường Niên, năm B. Bài đọc 1: (Xh. 16: 2-4. 12-15); Bài đọc 2: (Ep. 4: 17.20-24). Phúc âm theo Thánh Gioan: (Ga. 6: 24-35)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT