Thế Giới

Mã Lai: 2 phụ nữ vụ giết ông Kim sẽ bị giam lâu hơn

Tuesday, 21/02/2017 - 06:19:24

Mã Lai Á ngày 17 tháng 2 bắt thêm một công dân mang hộ chiếu Bắc Hàn tên Ri Jong Chol, 47 tuổi, nghi có liên quan trong sự việc. Ngày 19 tháng 2, Mã Lai Á thông báo truy lùng thêm 4 nghi can là công dân Bắc Hàn. Tuy nhiên, 4 người này đã rời Mã Lai Á ngay trong ngày 13 tháng 2.


KUALA LUMPUR - Mã Lai Á hôm thứ Ba thông báo có thể kéo dài thời gian giam giữ đối với hai nữ nghi can trong vụ sát hại ông Kim Jong Nam để thuận tiện điều tra. Ông Abdul Samah Mat, cảnh sát trưởng bang Selangor, Mã Lai Á, cho biết thời gian giam đối với nữ nghi can mang hộ chiếu Việt Nam có tên Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, và Siti Aisyah, 25 tuổi, công dân Nam Dương, sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư. "Chúng tôi dự kiến kéo dài thời gian giam giữ họ lâu hơn" vì cuộc điều tra chưa kết thúc, ông Mat cho biết.
Cảnh sát Mã Lai Á bắt nữ nghi can mang hộ chiếu Việt Nam hôm 15 tháng 2 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Nghi can Siti Aisyah bị bắt sau đó 1 ngày tại một khách sạn ở Ampang. Bạn trai của Aisyah cũng được đưa về sở cảnh sát để hỗ trợ điều tra. Mã Lai Á ngày 17 tháng 2 bắt thêm một công dân mang hộ chiếu Bắc Hàn tên Ri Jong Chol, 47 tuổi, nghi có liên quan trong sự việc. Ngày 19 tháng 2, Mã Lai Á thông báo truy lùng thêm 4 nghi can là công dân Bắc Hàn. Tuy nhiên, 4 người này đã rời Mã Lai Á ngay trong ngày 13 tháng 2.

Trung Cộng phản đối Mỹ tuần tra Biển Đông
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, sau khi Hải quân Hoa Kỳ thông báo bắt đầu thực hiện các hoạt động tuần tra thường kỳ trong khu vực Biển Đông. “Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết phản đối các nước liên quan đe dọa và làm tổn hại đến chủ quyền cũng như an ninh của các quốc gia ven biển, dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không,” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo hôm thứ Ba.
Cũng theo ông Cảnh Sảng, Trung Quốc hy vọng các nước liên quan hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Hải quân Hoa Kỳ thông báo sẽ đưa nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm Carl Vinson thực hiện việc tuần tra thường kỳ trên Biển Đông. Đây là nhóm tàu gồm các khu trục hạm Wayne E. Meyer và Michael Murphy cùng tuần dương hạm Lake Champlain. Ngoài ra, nhóm tàu này còn có các phi đội chiến đấu cơ, trực thăng tấn công và hậu cần hỗ trợ.

Biển Đông: ASEAN lo ngại hoạt động của Trung Cộng
Ngoại trưởng Phi Luật Tân Perfecto Yasay hôm thứ Ba cho biết tất cả các ngoại trưởng của 10 quốc gia thành viên Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) đều có chung mối lo ngại về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa các đảo nhân tạo trong thời gian gần đây. Ông Yasay không nêu chi tiết về hành động nào của Bắc Kinh đã gây lo ngại, nhưng nói rằng khối ASEAN hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực. Các ngoại trưởng ASEAN vừa tham dự cuộc họp thường niên tại đảo Boracay của Philippines, với đại diện Manila làm người chủ trì.
Ngoại trưởng Yasay cho biết, các nước ASEAN đều quan tâm và lo ngại trước việc Trung Quốc lắp đặt nhiều hệ thống vũ khí trên các đảo nhân tạo trên biển Đông. Ông Yasay cũng nói, các nước ASEAN đều biết rằng Tổng Thống Trump sẽ có các chính sách liên quan đến biển Đông, và ASEAN hy vọng tổng thống Hoa Kỳ sẽ công bố các chính sách này trong vòng vài tháng tới, để cung cấp một cái nhìn rõ ràng và vững chắc hơn cho khu vực. Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về thương mại và lãnh thổ đã gây ra lo ngại rằng, vùng biển Đông có thể sẽ trở thành tâm điểm tranh chấp, trong bối cảnh có quá nhiều nền kinh tế tại Đông Nam Á đang phải phụ thuộc vào cả 2 cường quốc này.

Úc: Máy bay rớt, 4 người bạn từ Mỹ chết
Vào sáng thứ Ba, một phi công người Úc và bốn du khách Hoa Kỳ đã thiệt mạng, khi chiếc máy bay nhỏ chở họ lao xuống một khu thương mại và bốc cháy, không lâu sau khi cất cánh từ thành phố Melbourne. Chiếc máy bay hai động cơ Beechcraft Super King Air bị rơi khoảng 45 phút trước khi khu thương mại Direct Factory Outlet tại Essendon mở cửa kinh doanh.
Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Canberra xác nhận bốn du khách trên máy bay là công dân Mỹ, với 3 người đã được xác định danh tính là Greg Reynolds De Haven, 70 tuổi, Russells Munchs, 62 tuổi, và Glenn Garland, cùng là cư dân Texas. Bốn người này là bạn thân. Họ rủ nhau đến Úc để chơi golf.
Phi công Úc thiệt mạng là ông Max Quartermain, chủ hãng máy bay tư nhân Corporate and Leisure Travel. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba cho biết, Tổng Thống Trump chia buồn với gia đình nạn nhân, và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Úc sẽ hợp tác với cuộc điều tra của nhà chức trách địa phương. Cảnh sát Úc cho biết, không có người nào dưới mặt đất bị thương. Phi công đã thông báo về việc “động cơ tắt máy” trong khoảnh khắc trước khi máy bay rơi.

Pakistan tịch thu heroin trị giá $1 triệu
KARACHI – Cảnh sát Pakistan vừa tịch thu 11 ký (24 pound) heroin, trị giá hơn $1 triệu Mỹ kim, từ một hành khách di chuyển trên một xe bus địa phương, theo viên chức quan thuế cho biết hôm thứ Ba. “Hành lý của người hành khách tên Naeem đã bị kiểm tra. Cảnh sát tìm thấy 11 bao nhựa chứa ma túy heroin, với mỗi bao 1 ký. Tổng cộng 11 ký heroin giá $1.05 triệu Mỹ kim theo giá thị trường thế giới,” Chỉ huy quan thuế Zahid Khokhar cho biết trong cuộc họp báo tại Karachi.
Ông Khokhar cho biết, số ma túy được phát hiện vào trưa thứ Hai, tại trạm kiểm tra bên ngoài Karachi, bởi lực lượng chống buôn lậu Pakistan. Người đàn ông buôn ma túy đang đi từ thành phố Quetta ở phía tây nam đến thành phố cảng Karachi. Kẻ buôn lậu, tài xế xe bus, và tài xế phụ, đều bị bắt. Một nghi can thứ 4 đã bỏ trốn. Pakistan là một trong những con đường thường được giới buôn lậu sử dụng, để vận chuyển ma túy từ Afghanistan - nơi sản xuất heroin lớn nhất thế giới. Việc sản xuất heroin tại Afghanistan đã phát triển mạnh gần lên mức kỷ lục, sau khi chính quyền Taliban bị lật đổ tại đây vào năm 2001.

Hy Lạp: Biểu tình chống chính sách tiết kiệm
ATHENS – Hàng ngàn người Hy Lạp đã xuống đường vào hôm thứ Ba để biểu tình chống việc cắt giảm ngân sách và tăng thuế, sau khi chính phủ Athens đồng ý với kế hoạch cải tổ của châu Âu để tiếp tục nhận được tiền cứu trợ tài chính. Chính phủ Hy Lạp và những tổ chức cho mượn tiền, gồm khu vực dùng đồng Euro và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, vào hôm thứ Hai đã đồng ý mở lại các cuộc đàm phán về việc cứu trợ, sau khi Hy Lạp đồng ý thực hiện các kế hoạch cải tổ tài chính từ năm 2019 trở đi.
Các công nhân thuộc công đoàn lao động PAME, liên minh với đảng Cộng Sản, đã tuần hành qua các con đường ở thủ đô và tập trung trước tòa nhà Quốc Hội Hy Lạp, hô lớn các khẩu hiệu chống chính sách tiết kiệm chi tiêu. Giới công nhân cáo buộc chính phủ lừa gạt người dân, và cắt giảm mọi khoản trợ cấp và phúc lợi. Trong khi đó, các chủ nợ của Hy Lạp muốn nước này phải thắt lưng buộc bụng nhiều hơn nữa, vì cho rằng hệ thống phúc lợi hiện nay không phù hợp, vì dựa trên một lượng người đóng thuế quá ít, trong khi phải phục vụ số người nhận phúc lợi quá đông.
Bảy năm tiết kiệm ngân sách đã khiến tỷ lệ người nghèo tại Hy Lạp tăng cao, và nước này cũng là quốc gia có tốc độ tăng tỷ lệ nghèo đói cao nhất tại Liên Âu. Báo cáo thống kê tại châu Âu trong năm 2015 cho thấy, 22% của dân số 11 triệu người của Hy Lạp hiện đang trong tình trạng thiếu thốn vật chất nghiêm trọng.

LHQ: Tòa xử con trai Gaddafi không công bằng
Phiên tòa xét xử và kết án tử hình khiếm diện ông Saif al-Islam Gaddafi, con trai của nhà độc tài bị lật đổ Gaddafi tại Libya, đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế và ông Saif lẽ ra nên được đưa ra trước tòa án hình sự quốc tế ICC, theo lời Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Ba. Kể từ khi nhà độc tài Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, ông Saif đã bị giam giữ tại khu vực miền núi Zintan, bởi một trong các phe phái đang tranh giành quyền lực tại Libya sau khi ông Gaddafi bị giết.
Ông Saif bị kết án tử hình vắng mặt vào tháng 7, 2015, bởi tòa án tội ác chiến tranh tại Tripoli, với tội danh giết hại người biểu tình trong thời gian diễn ra cuộc nổi dậy. Lực lượng Zintan đã từ chối giao trả ông Saif cho chính quyền Tripoli, với lý do họ không tin rằng chính phủ sẽ bảo đảm ông Saif không bỏ trốn. Báo cáo của Cơ quan nhân quyền thuộc Liên Hợp Quốc cho rằng, phiên tòa xét xử ông Saif và 36 bị cáo khác đã có nhiều sai phạm, bao gồm việc tù nhân bị giam trong thời gian dài mà không được gặp thân nhân và luật sư, và tin tức về việc tù nhân bị tra tấn đã không được chính phủ Tripoli điều tra.
Ông Saif, cùng cựu giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi, và cựu Thủ Tướng Al-Baghdadi a-Mahmoudi, là 3 trong số 9 bị cáo bị kết án tử hình. Liên Hợp Quốc kêu gọi chính phủ Tripoli nên giao ông Saif cho tòa hình sự quốc tế ICC tại The Hague xét xử, theo đúng các cam kết quốc tế Libya. Tòa án ICC lâu nay không chấp nhận hình phạt tử hình.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT