Thế Giới

Ma túy, võ khí Mexico tới lập pháp Hoa Kỳ, và ngược lại?

Bạch Vân/ Viễn Đông Saturday, 12/11/2011 - 10:30:32

Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, địa hạt 34 - California, nói với nhật báo Viễn Đông rằng tiền bạc thu được từ buôn bán ma túy chính là động lực thúc đẩy nằm đằng sau băng đảng này.

Bạch Vân/ Viễn Đông

MEXICO CITY, Mexico – Hôm 4-11-2011, nhật báo Viễn Đông viết về câu chuyện của bà Sandra Martinez và một người chị em họ của bà đã trở thành nạn nhân của một băng đảng ma túy ở Mexico.
Bà Martinez là một người cư ngụ tại thành phố Huntington Beach, California, trước đây từng sống trong một thị trấn biên giới Nuevo Laredo, trong tiểu bang Tamaulipas ở miền Bắc Mexico. Trước khi quân đội Mễ hiện diện đông đảo trong thị trấn, người ta vẫn thấy Zetas, một băng đảng lớn ở Mexico chuyên buôn lậu ma túy, hoành hành ở Nuevo Laredo, sử dụng bạo lực để đe dọa dân chúng và chiêu mộ thanh niên làm việc cho chúng. Những thành viên ban đầu của Zetas trước đây từng là binh sĩ quân đội Mexico. Khi họ thấy có thể kiếm được nhiều tiền nhờ buôn bán ma túy, họ liền rời khỏi quân đội, và sử dụng kinh nghiệm được huấn luyện khi còn tại ngũ để đánh bại những kẻ cạnh tranh, và tuyển mộ nhiều thành viên trẻ tuổi để làm việc như là những tay mật vụ và buôn bán ma túy.
Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, địa hạt 34 - California, nói với nhật báo Viễn Đông rằng tiền bạc thu được từ buôn bán ma túy chính là động lực thúc đẩy nằm đằng sau băng đảng này. Ông Correa là người gốc Mễ và gia đình ông vẫn còn sống ở miền Trung Mexico. Ông nói tiếp rằng bạo động chưa được ngăn chặn trong những thị trấn vùng biên giới, và vẫn xảy ra trong những khu làng nhỏ trên khắp Mexico. Ông cho biết: “Người ta sợ đi bộ ngoài đường. Cảnh tượng ấy thật là xấu hổ”.
Thượng Nghị Sĩ Correa nói với Viễn Đông rằng tiền bạc đổ vào trong Mexico cho ma túy đang gây ra những vấn đề lớn cho nền dân chủ Mexico. Tuy nhiên, một số luật mà các cử tri Mỹ đang thúc đẩy có thể càng đóng góp nhiều hơn vào tình trạng bạo động tại Mexico. Chẳng hạn, có cuộc tranh cãi đang diễn ra ở California về vấn đề hợp pháp hóa cần sa y tế. Nếu một đề nghị nhằm hợp pháp hóa cần sa như thế xuất hiện trong những dự luật sắp được biểu quyết, và các cử tri bỏ phiếu tán thành việc hợp pháp hóa cần sa trị liệu, thì sẽ có thêm động lực kích thích những tay trùm ma túy Mễ bán cần sa, và như vậy sẽ làm cho băng đảng của họ lớn mạnh hơn. Ông nói thêm rằng chính sách trước đây của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn ma túy vào Mỹ đã giúp làm cho đường dây cung cấp ở Mễ Tây Cơ bị gián đoạn.
Mười đến mười lăm năm về trước, chính phủ liên bang Hoa Kỳ tỏ ý quan ngại về chuyện cần sa ma túy được chuyển vào đất Mỹ, bằng ghe thuyền hoặc máy bay tới Miami, qua ngả các đảo trong vùng biển Caribbean. Ban đầu, ma túy được chở tới những hòn đảo này từ các nước Nam Mỹ Châu, như Venezuela và Columbia. Bằng cách can thiệp vào đường dây đưa ma túy sang Mỹ từ các hòn đảo vùng Caribbean, chính phủ Hoa Kỳ đã buộc những tay buôn lậu ma túy phải đi tìm những trục lộ thay thế để vận chuyển. Họ chuyển phương thức từ việc dùng phi cơ và ghe thuyền sang cách thức chở ma túy vào trong đất liền qua ngả Mexico.
Nếu Hoa Kỳ thành công trong việc ngăn chặn không để cho ma túy lọt vào đất Mỹ từ Mexico, thì những kẻ buôn bán ma túy chỉ tìm kiếm những cách thức thay thế để đưa ma túy vào Mỹ, theo Thượng Nghị Sĩ Lou Correa nói với nhật báo Viễn Đông. Thậm chí họ có thể lén lút vận chuyển ma túy trực tiếp băng qua California, hoặc có thể coi Canada như là một cách lựa chọn khác để đưa ma túy vào Mỹ.

Lược sử Mễ Tây Cơ
Trước khi thực dân Tây Ban Nha đặt chân đến miền đất này vào năm 1521, những nền văn minh thổ dân Mỹ Châu, như Olmec, Toltec, Teotihuacan, Zapotec, Maya và Aztec đã có mặt tại khu vực Mexico. Những người nô lệ Phi Châu cũng được đem tới đây để lao động, đóng góp vào sự hỗn dung văn hóa bên trong nước này.
Đến năm 1821, Mexico giành được độc lập, tách khỏi Tây Ban Nha, mặc dù những cuộc nội chiến và tranh chấp biên giới với Hoa Kỳ đã làm cho Mexico suy yếu. Texas, miền đất ngày nay là California, Arizona, New Mexico, Utah, Nevada và một số vùng ở Colorado, Wyoming, Kansas và Oklahoma đều bị mất vào tay Mỹ trong năm 1848. Lực lượng Pháp xâm lăng Mexico trong năm 1861 và ở lại đây cho tới giữa năm 1867.
Đến đầu thế kỷ 20 nổ ra những cuộc cách mạng ở Mexico, khi dân chúng nước này nổi dậy chống lại những quyền lực cai trị quốc gia. Có một giai đoạn kinh tế tăng trưởng, từ giữa cho tới cuối thế kỷ này, rồi đến năm 1982, nền kinh tế bắt đầu sa sút.
Tiếp theo sau đó là những khoảng thời gian khó khăn, khi dân chúng nổi dậy và những thành phần ngoại quốc nhảy vào để giúp cứu nguy Mexico. Một số quốc gia, như Hoa Kỳ, vẫn còn hiện diện, được đại diện bởi những quyền lợi của họ.

Buôn bán võ khí ở Mễ
Hoa Kỳ vẫn còn hiện diện như là một thành phần ngoại quốc có quyền lợi tại Mexico, khuyến khích việc bán những loại võ khí kiểu quân đội cho những băng đảng ma túy của Mễ.
Một bản phúc trình được công bố trong tháng 6 năm 2011, bởi ba thượng nghị sĩ Mỹ, trong đó có Thượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein của California, cho thấy rằng có 70 phần trăm trong số những loại súng tịch thu được ở Mexico, từ năm 2009 đến năm 2010, đều phát xuất từ Hoa Kỳ. Các băng đảng ma túy sử dụng những thứ súng này trong những vụ bạo động chống lại các công dân Mễ.
Tổng Thống Felipe Calderón của Mexico là một người lên tiếng thẳng thắn chống lại việc buôn bán võ khí giữa Hoa Kỳ và Mexico. Trong năm 2010, ông nói: “Người Mỹ bắt đầu biến việc buôn bán võ khí thành một kỹ nghệ nhiều tham vọng. Việc buôn bán võ khí Mỹ thường gây ra những cuộc xung đột trong những quốc gia nghèo và kém phát triển”. Ông nói tiếp rằng những kẻ buôn lậu võ khí đều xem việc bán súng cho những tay tội phạm như là một công việc kinh doanh, và công luận quốc tế cần phải đoàn kết chống lại “sự tắc trách của người Mỹ”.
Thượng Nghị Sĩ Correa nói với nhật báo Viễn Đông rằng nếu các băng đảng Mễ không nhận được súng ống từ Mỹ, thì họ sẽ kiếm được súng từ những nước như Nga, Trung Quốc, hoặc Venezuela, và cảnh đổ máu vẫn xảy ra tại Mexico. Ông nói rằng, một lần nữa, tiền bạc liên quan tới chuyện buôn bán ma túy giữ cho hoạt động này tiếp tục được. Ông nói: “Cách thức tốt nhất để ngăn chặn là phải bảo đảm rằng con cái chúng ta không bắt đầu”. Ông cho rằng việc dạy cho trẻ em biết từ chối cần sa ma túy, từ khi chúng còn nhỏ, là một chiến lược hữu hiệu, không những trong việc giữ cho chúng thoát khỏi ma túy và được an toàn, mà còn giúp vào việc chấm dứt bạo động do cuộc chiến ma túy ở Mexico gây ra. - (BV)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT