Bình Luận

Mặc cảm tự tôn

Saturday, 31/03/2018 - 10:28:40

Mục tiêu thứ nhất đó là làm cho người Nam Hàn xúc động trước thiện chí của Bắc Hàn, chấp nhận mọi nhượng bộ để mưu tìm thống nhất trong hòa bình; tạo ra thành phần thân Bắc Hàn trong xã hội Nam Hàn hiện còn nghi kỵ với Bắc Hàn.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hoa Kỳ là nước mạnh nhất, giầu nhất, tiến bộ nhất thế giới; ngoài ba điều “nhất thế giới” đó, còn có thể kể thêm năm, bảy điều nữa, nếu chịu khó rị mọ tìm kiếm; nhưng nếu chỉ cần tìm nguyên nhân khiến người Mỹ có thái độ tự tôn thì ba thứ “số dzach” vừa liệt kê tưởng cũng tạm đủ.

Nói kiểu khác -chỉ mạnh, giầu, và tiến bộ thôi, cũng đã đủ khiến người Mỹ mang mặc cảm tự tôn rồi. Tuy nhiên, “tự tôn” lại là một hiện tượng khá phức tạp, vì bên trong mặc cảm tự tôn lại có ẩn dấu một thoáng tự ti; vì tự ti, vì thiếu tự tin nên con người phải tỏ ra huênh hoang, ra vẻ mạnh mẽ, tự tôn.

Quan điểm rắc rối này của khoa tâm lý học có thể dễ hiểu hơn nếu chúng ta mượn tạm câu Tổng Thống Donald Trump nói với Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in hôm mùng 7 tháng 11 năm ngoái khi Trump đến thị sát một trong những căn cứ quân sự của Mỹ đặt trên lãnh thổ Nam Hàn.

Trump nói, “Lực lượng quân sự của Hoa Kỳ là một sức mạnh không có gì đủ mạnh để so sánh, tôi cầu trời để không bao giờ phải sử dụng đến sức mạnh đó.”

Điều tổng thống mô tả về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ hoàn toàn chính xác, thái độ tự tôn của ông cũng không có gì là quá đáng -nếu Hoa Kỳ phải sử dụng đến sức mạnh quân sự để đối phó với Bắc Hàn, thì cuộc tranh tài đó không dài hơn hai tiếng đồng hồ.

Nhưng chính tổng thống Trump cũng ý thức được là sức mạnh quân sự vô địch đó đã thất trận tại Việt Nam, và chưa thắng tại Trung Đông. Cái ý thức đó là một tí mặc cảm tự ti khiến ông phải nhận lời ngồi đối diện với nhà lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, tuổi chưa bằng nửa tuổi ông, ngân sách quân sự không đủ cho Mỹ đóng một chiếc chiến hạm.

Trong lúc đó, chủ tịch Kim của Bắc Hàn lại không có gì để tự tôn cả; hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân ông không thể so sánh với Tổng Thống Trump được, do đó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi ông sang Bắc Kinh để dặn dò đôi điều; chư hầu Kim đáp xe lửa sang Bắc Kinh, chiếc xe lửa sơn mầu xanh của “tiên đế” Kim Jong-il -bố ông- để lại.
 
Thiếu kinh nghiệm chính trị -và mọi thứ kinh nghiệm khác- nhưng Kim biết nghe lời Tập, làm đúng những điều Tập bảo ông làm, và những điều đó -bắn đi vài chục hỏa tiễn- đã khiến lãnh tụ một nước nhỏ nhất, nghèo nhất thế giới sắp ngồi đối diện với tổng thống Hoa Kỳ -quốc gia giầu nhất, mạnh nhất, và tiến bộ nhất.

Tập ý thức được khả năng đóng phim câm của Kim không đủ để đáp ứng đòi hỏi của diễn đàn thế giới, và sẽ khiến Kim lọng cọng, rồi biến thành trò cười cho mọi người. Ông mời Kim sang Bắc Kinh, và đón tiếp Kim với những nghi lễ dành cho thượng khách -như lần ông đón Trump.
Cũng duyệt binh, cũng quốc yến; vợ chồng Tập còn ngồi bên vợ chồng Kim xem ban văn nghệ Trung Quốc trình diễn

Dĩ nhiên hai vai trò “yếu nhân quốc tế” và “đối thủ của Mỹ” không giản dị để có thể dạy và học trong một ngày; Kim chỉ đến Bắc Kinh cho phải phép, và làm rõ vai trò đạo diễn của Tập.

Truyền thông Mỹ ca ngợi Kim chững chạc trong những bước đầu bước vào chính trường thế giới. Tờ The New York Times viết, “Chuyến du hành Bắc Kinh là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Kim, việc này cho thấy tầm quan trọng ông dành cho nhu cầu giải quyết cuộc khủng hoảng nguyên tử, và cuộc hội đàm giữa ông và hai vị tổng thống Mỹ, Nam Hàn.”

Chưa cần nói đến giải pháp, mà chỉ riêng cuộc hội đàm tay ba cũng đã vô cùng quan trọng cho cả Mỹ và hai miền Nam, Bắc Hàn Quốc, lẫn toàn thế giới -nhất là đối với Trung Quốc.

Chính tầm quan trọng đó khiến Tập Cận Bình phải triệu Kim Jong-un về Bắc Kinh để đích thân căn dặn những tình tiết quan trọng. Điều có thể đoán được là nhiều cố vấn Trung Quốc đã sống bên cạnh Kim từ mấy tháng nay, và có thể sẽ theo Kim đi phó hội.

Lập trường của Mỹ trong cuộc hòa đàm là đòi giải giới nguyên tử Bắc Hàn; lập trường của Nam Hàn là hai miền Nam-Bắc Hàn Quốc sống chung hòa bình, và lập trường của Bắc Hàn đối với Mỹ là chấp nhận giải giới nếu không bị đe dọa tấn công, và đối với Nam Hàn là thân thiện Bắc-Nam trong hòa bình, dù vẫn chưa giải giới nguyên tử, ngày nào Mỹ còn duy trì 30,000 quân trên 15 căn cứ quân sự đặt tại Nam Hàn.

Phần dự đoán 85 chữ trong đoạn trên là quan điểm riêng của người viết bài báo này; lập trường của Mỹ và Nam Hàn không cần phải đoán, vì đó là những điều đã được chính phủ hai nước lập đi, lập lại nhiều lần.
Lập trường của Bắc Hàn do tác giả suy đoán từ nhu cầu của cả Trung Quốc lẫn Bắc Hàn muốn nhổ đi cái gai “căn cứ Mỹ cuối cùng” trên lục địa Á Châu, mà họ không đủ khả năng quân sự để nhổ.

Tập Cận Bình thừa khôn ngoan để biết là Mỹ sẽ không rút quân; chính ông ta cũng không kỳ vọng điều đó; Tập chỉ muốn Kim thực hiện mục tiêu thứ nhất trong nhiều mục tiêu cần thực hiện, trước khi tiến đến mục đích “nhổ căn cứ Mỹ tại Nam Hàn.”

Mục tiêu thứ nhất đó là làm cho người Nam Hàn xúc động trước thiện chí của Bắc Hàn, chấp nhận mọi nhượng bộ để mưu tìm thống nhất trong hòa bình; tạo ra thành phần thân Bắc Hàn trong xã hội Nam Hàn hiện còn nghi kỵ với Bắc Hàn.

Thành phần đó tự mệnh danh là thành phần thứ ba, hiện tượng mà người Việt chúng ta đã thấy tại Sài Gòn trong giai đoạn cuối của chiến tranh -thành phần chủ trương “chống Mỹ, cứu nước”; khẩu hiệu cũ đã 50 năm đó chỉ cần thêm hai chữ “căn cứ” vào để trở thành “chống căn cứ Mỹ, cứu nước.”

Khẩu hiệu đó cũng chẳng có gì hay ho, chẳng có gì mới mẻ, nhưng rồi vẫn tạo được hậu thuẫn trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Hiện tượng chiến tranh Việt Nam thắng trên trận địa, mà thua trên dư luận Mỹ là chuyện có thật, không người Mỹ nào phủ nhận.

Cáo già họ Tập, không tự tôn mà cũng chẳng tự ti; ông ta chỉ khôn ngoan, bùa phép. Nhổ căn cứ Mỹ là nhu cầu của Tập nhiều hơn là nhu cầu của Kim, vậy mà ông ta đẩy Kim vào vai trò người lính tiền đạo, đi tiên phong đối đầu với Mỹ.
Quyền lợi của Trung Quốc va chạm với quyền lợi của Mỹ, Tập đang theo vết chân của những người tiền nhiệm đuổi Mỹ ra khỏi lục địa Á Châu, Đổng Tất Vũ sai Việt Cộng đuổi Mỹ ra khỏi Việt Nam năm 1973, Tập đang sử dụng Kim trong vai trò đuổi Mỹ ra khỏi Nam Hàn- cuộc chiến tranh chính trị bắt đầu vào tháng sau. (ndt)




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT