Người Việt Khắp Nơi

Mạch nước ngầm dưỡng nuôi tiếng Việt

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 24/06/2012 - 07:26:13

Họ ước mong thế hệ này sang thế hệ khác của người Việt nơi hải ngoại sẽ tiếp nối truyền thống cao quí, để phát triển sức mạnh cho cộng đồng Việt Nam nơi quê người, phát triển bản sắc riêng vốn có của dân tộc Việt, góp vào vẻ đẹp chung của nền văn minh Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 25)

Băng Huyền/Viễn Đông


Hiểu được những mất mát và hậu quả sẽ có của một cộng đồng di dân ngoài tổ quốc, rằng nếu đánh mất ngôn ngữ và chữ viết của mình, là đồng nghĩa với đánh mất cây cầu nối kết với văn hóa của cội rễ dân tộc, những người di dân, tị nạn gốc Việt giàu tâm huyết tại Hoa Kỳ nói riêng và ở hải ngoại nói chung, thuộc thế hệ di dân thứ nhất, hay 1,5 đã quyết tâm gìn giữ tiếng Việt và chữ Việt cho con cháu. Họ ước mong thế hệ này sang thế hệ khác của người Việt nơi hải ngoại sẽ tiếp nối truyền thống cao quí, để phát triển sức mạnh cho cộng đồng Việt Nam nơi quê người, phát triển bản sắc riêng vốn có của dân tộc Việt, góp vào vẻ đẹp chung của nền văn minh Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.


Thầy Lê Quang Tích (bìa phải) nhận tấm plaque vinh danh 35 năm gắn bó với phong trào dạy tiếng Việt trong đêm dạ tiệc mừng xuân Nhâm Thìn do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California tổ chức; bìa trái là GS. TS. Phạm Cao Dương - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Hiện nay, song song với thành công mà cộng đồng Việt Nam đã làm được khi vận động đưa tiếng Việt như một ngoại ngữ vào giảng dạy trong các trường đại học, trung học tại Hoa Kỳ, thì những cố gắng tồn tại và phát triển của các trung tâm độc lập, các trung tâm dạy tiếng Việt ở nhà thờ, nhà chùa, thánh thất… với các lớp dạy tiếng Việt ngày cuối tuần cho các em hiện nay, ví như những mạch nước ngầm dưới lòng đất, bền bĩ dưỡng nuôi cây cối mãi đâm chồi nảy lộc.
Chính những trung tâm dạy tiếng Việt cuối tuần này, từ buổi đầu mới hình thành cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cách nay 37 năm, đã phát động một phong trào dạy và học tiếng Việt, để gìn giữ và thăng hoa ngôn ngữ, văn hóa Việt. Càng về sau, cho đến ngày nay và cả trong tương lai, những trung tâm độc lập này biến việc dạy và học Việt ngữ từ một sinh hoạt nhất thời vì nhu cầu, nay trở thành một phần thiết yếu trong sinh hoạt cuối tuần của cộng đồng Việt Nam, cung cấp mỗi ngày thêm nhiều học sinh có căn bản vững vàng: biết đọc, nói, hiểu và viết tiếng Việt, học văn thơ, lịch sử, địa lý, những huyền thoại trong dân gian Việt Nam như truyện cổ tích, bài học nhân nghĩa trong ca dao, tục ngữ... Nơi đây truyền cho các em tình yêu ngôn ngữ và văn hóa Việt, giúp các em mạnh dạn ghi danh theo học các lớp tiếng Việt trong trường trung học, đại học tại Hoa Kỳ để nâng cao thêm khả năng Việt ngữ của mình.
Buổi tiệc mừng xuân Nhâm Thìn 2012 tối Thứ Bảy, 11-2-2012 trước đây, do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California tổ chức, là buổi họp mặt đầu xuân của các thầy cô và là đêm vinh danh những đóng góp của những thầy cô đã và đang dạy tiếng Việt tại các trung tâm, các trường Việt ngữ Nam California thuộc Ban Đại Diện. Trong đêm vinh danh này, có những thầy cô đã gắn bó với việc truyền dạy tiếng Việt đã 35 năm như thầy Lê Quang Tích (thuộc Trung Tâm Việt Ngữ Cộng Đoàn Đức Mẹ Lên Trời Riverside), hay như thầy Vũ Hoàng và phu nhân đã có 30 năm gắn bó việc giảng dạy Việt ngữ… và có cả những thầy cô giáo tuổi đời còn trẻ, là thế hệ kế thừa giàu tâm huyết như cô giáo trẻ - giảng viên xuất sắc Lê Ái Liên Kelly (Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Diego) bắt đầu đi dạy cuối tuần khi còn học lớp 11… Đó là những tấm lòng nhiệt thành và hết lòng phụng sự trọng trách bảo tồn, phát triển ngôn ngữ văn hóa Việt nơi xứ người.
Nhìn lại chặng đường gắn bó với việc thành lập Trung Tâm Việt Ngữ Cộng Đoàn Đức Mẹ Lên Trời Riverside suốt 35 năm qua và 25 năm tham gia điều hành, giảng dạy thiện nguyện của mình, thầy Lê Quang Tích nói với phóng viên Viễn Đông: “Tôi cám ơn bề trên đã cho tôi gắn bó với con em chúng ta trong việc dạy tiếng Việt ngay từ giây phút đầu. Gia đình tôi may mắn tới Mỹ rất sớm sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Nơi tôi sống tại Riverside khi đó có khoảng 20 gia đình người Việt. Ý tưởng thành lập một lớp học tiếng Việt đến vì tôi nhớ lời mẹ tôi: Trẻ em là người của thế giới. Rất mau, các em ở đâu sẽ trở thành người ở đó. Vì vậy việc giữ gìn tiếng Việt là điều rất quan trọng. Tôi đã mở lớp học ngay tại căn nhà gia đình tôi thuê để trú ngụ, khi đó có khoảng 18 em đến học. Đây là cơ sở dạy tiếng Việt đầu tiên của Cộng Đoàn ĐMLT Riverside. Lúc đó không có sách giáo khoa, nhưng nhờ kinh nghiệm là giáo sư dạy Việt văn, sử, địa tại Việt Nam, ở trường Văn Hóa và Trần Hưng Đạo tại miền Trung Nha Trang, tôi đã viết ra lại quyển công dân giáo dục, đức dục và lịch sử Việt Nam để làm giáo trình dạy các em. Tôi dạy được 7, 8 tháng thì có khoảng 40-50 em đến, do các em tìm đến học quá đông, nên nhà chúng tôi không đủ chỗ. Niên học 1977-1978, được phép của Đức Ông, lớp học được chuyển đến một phòng ở tầng hầm đầu Nhà Thờ của Cộng Đoàn ĐMLT Riverside. Dần dần, lớp học được mở thêm nhiều hơn, có thêm nhiều giáo viên thiện nguyện tham gia giảng dạy để duy trì cho đến tận ngày nay”.

Cần phát triển phong trào nói tiếng Việt trong cộng đồng và trong gia đình

Tinh thần của thầy Lê Quang Tích và của nhiều thầy cô giáo đã và đang đảm nhận việc dạy tiếng Việt cuối tuần hiện nay tại các trung tâm độc lập, trường dạy Việt ngữ, mà người viết không thể kể ra hết trong loạt bài phóng sự này, là những tấm lòng cao quý. Họ đã tiếp nối nhau giữ gìn tình yêu ngôn ngữ và văn hóa Việt cho các thế hệ trẻ. Nhưng mối ưu tư nhiều nhất của các thầy cô này, theo như chia sẻ của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Chấn Trí trong lá thư ngỏ nhân dịp đại hội thầy cô xuân Nhâm Thìn, chính là: “Các em vẫn đến trường học tiếng Việt, các em vẫn hào hứng tranh tài với nhau bằng tiếng Việt, các em vẫn hồn nhiên ca hát với nhau bằng tiếng Việt, nhưng thật sự các em không dùng tiếng Việt như một phương tiện để diễn tả tư tưởng hay tâm tình. Tiếng Việt đối với các em, chỉ là thứ tiếng để dùng với cha mẹ, ông bà hay thầy cô, trong khi tiếng Anh mới là ngôn ngữ mà các em sử dụng thoải mái nhất với anh chị em và bạn đồng trang lứa. Chúng tôi thiển nghĩ, chừng nào mà tiếng Việt chưa được các em nói một cách tự nhiên, thoải mái, chừng ấy dường như sứ mạng giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa của phụ huynh và thầy cô chúng ta vẫn chưa được hoàn thành. Một ngôn ngữ thật sống động phải là ngôn ngữ được dùng trong hầu hết mọi hoàn cảnh, và với bất cứ ai có cùng một ngôn ngữ ấy”.
Để kết luận, thầy Trần Chấn Trí tha thiết: “Chúng tôi xin được phép kêu gọi quý thầy cô hãy cùng hợp tác với chúng tôi và các bậc phụ huynh để dấy lên một phong trào mới: phong trào nói tiếng Việt. Đây không phải là điều dễ thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng chúng ta đồng tâm hết lòng, chúng tôi tin rằng, một ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ nghe các em nói tiếng Việt nhiều hơn, từ trong nhà ra tới trường lớp, phố phường. Những phương pháp và hình thức cụ thể để thực hiện điều này sẽ được chúng ta tìm kiếm, nghiên cứu và thực hành qua trường lớp, qua các cuộc hội thảo và qua các khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm sắp đến. Chúng tôi mong mỏi được sự hưởng ứng của tất cả quý thầy cô và những ý kiến quý báu về phong trào nói tiếng Việt này trong thời gian sắp tới”. - (BH)

Phóng sự nhiều kỳ "Tiếng Việt tại Hoa Kỳ" đã đăng trên nhật báo Viễn Đông:

Kỳ 24: Tiếng Việt học qua mạng Internet do các bạn trẻ hướng dẫn
http://www.viendongdaily.com/tieng-viet-hoc-qua-mang-internet-do-cac-ban-tre-huong-dan-ERLHap7v.html

Kỳ 23: Học sinh lớp tiếng Việt trung học: “Em không muốn bị mất gốc”
http://viendongdaily.com/hoc-sinh-lop-tieng-viet-trung-hoc-em-khong-muon-bi-mat-goc-hr4FMKtF.html

Kỳ 22: Những câu chuyện của các phụ huynh có con theo học lớp tiếng Việt trung học
http://viendongdaily.com/nhung-cau-chuyen-cua-cac-phu-huynh-co-con-theo-hoc-lop-tieng-viet-trung-9SWtJLtO.html

Kỳ 21: Thiếu lớp tiếng Việt trong các trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/thieu-lop-tieng-viet-trong-cac-truong-trung-hoc-quan-cam-Am5dmG9M.html

Kỳ 20: Nội dung lớp tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/noi-dung-lop-tieng-viet-trong-truong-trung-hoc-quan-cam-CbG0XKwW.html

Kỳ 19 : Sách giáo khoa tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/thieu-lop-tieng-viet-trong-cac-truong-trung-hoc-quan-cam-Am5dmG9M.html

Kỳ 18: Môn tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/mon-tieng-viet-trong-truong-trung-hoc-quan-cam-HIUAomFX.html

Kỳ 17: Từ việc thành công đưa Việt ngữ vào trung học đến ước mơ chương trình hai ngôn ngữ
http://www.viendongdaily.com/phone/tu-viec-thanh-cong-dua-viet-ngu-vao-trung-hoc-den-uoc-mo-chuong-trinh-VTsNQ97f.html

Kỳ 16: Dạy và học tiếng Việt trong hệ thống trung học
http://www.viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-trong-he-thong-trung-hoc-j0EBMM6Y.html

Kỳ 15: Học tiếng Việt tại đại học Mỹ khác ở Việt Nam
http://www.viendongdaily.com/hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-my-khac-o-viet-nam-StzuW9nj.html

Kỳ 14: Chuyện của sinh viên học tiếng Việt tại đại học (tiếp theo)
http://www.viendongdaily.com/chuyen-cua-sinh-vien-hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-tiep-theo-qnwZnSyU.html

Kỳ 13: Chuyện của sinh viên học tiếng Việt tại đại học
http://www.viendongdaily.com/chuyen-cua-sinh-vien-hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-bprirQyt.html

Kỳ 12: Sách giáo khoa tiếng Việt dùng trong đại học (tiếp theo) (tiếp theo)
http://www.viendongdaily.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-dung-trong-dai-hoc-tiep-theo-RW9JWyRs.html

Kỳ 11: Sách giáo khoa tiếng Việt dùng trong đại học
http://www.viendongdaily.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-dung-trong-dai-hoc-MfhhYjNF.html

Kỳ 10: Học viên lớp tiếng Việt ở đại học, họ là ai?
http://www.viendongdaily.com/hoc-vien-lop-tieng-viet-o-dai-hoc-ho-la-ai-6eQfqz9D.html

Kỳ 9 : Những lớp học tiếng Việt đầu tiên tại đại học
http://www.viendongdaily.com/nhung-lop-hoc-tieng-viet-dau-tien-tai-dai-hoc-G0poKsIz.html

Kỳ 8 : Dạy và học tiếng Việt trong hệ thống đại học
http://www.viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-trong-he-thong-dai-hoc-VnhAjKUg.html

Kỳ 7: Cộng đồng nói tiếng Việt và các cộng đồng di dân khác
http://www.viendongdaily.com/phone/cong-dong-noi-tieng-viet-va-cac-cong-dong-di-dan-khac-NDd8fqUo.html

Kỳ 6: Những khó khăn trong việc giữ gìn tiếng Việt
http://www.viendongdaily.com/phone/nhung-kho-khan-trong-viec-giu-gin-tieng-viet-MqixHNNv.html

Kỳ 5: Học sinh cố gắng, cha mẹ dìu dắt
http://www.viendongdaily.com/hoc-sinh-co-gang-cha-me-diu-dat-TRYowDv5.html

Kỳ 4: Tài liệu giảng dạy tiếng Việt tại những trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/tai-lieu-giang-day-tieng-viet-tai-nhung-trung-tam-doc-lap-9wgSXntH.html

Kỳ 3: Dạy và học tiếng Việt tại các trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-tai-cac-trung-tam-doc-lap-XgVv5jyT.html

Kỳ 2: Nỗ lực dạy và học tiếng Việt hiện nay của các trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/no-luc-day-va-hoc-tieng-viet-hien-nay-cua-cac-trung-tam-doc-lap-npqoMLK8.html

Kỳ 1: Dạy và học tiếng Việt tại Hoa Kỳ cách nay 30 năm
http://viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-tai-hoa-ky-cach-nay-30-nam-0NM4ux73.html

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT