Đạo và Đời

Mầu Nhiệm Đau Khổ

Wednesday, 11/02/2015 - 07:09:05

Bài Phúc Âm hôm nay, Mc 1,29-39, tường thuật một ngày làm việc của Chúa Giêsu là chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật về tinh thần lẫn thể xác. Sau khi chữa cho bà mẹ vợ ông Phêrô khỏi cơn sốt nặng thì “chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.


Niềm vui Giáng Sinh chưa tròn thì ngày 26.12.2014 trên xa lộ ở tiểu bang Indiana, chiếc xe Jaguar do anh Dennis Nguyễn 43 tuổi lái, chở vợ và ba người con đi thăm người thân ở Michigan trở về Arkansas đã bị gặp nạn. Chiếc xe bị lạc tay lái đụng vào chiếc xe vận tải ngược chiều, cả gia đình năm người đều bị thiệt mạng. Nhân viên cứu hỏa đã phải dùng dụng cụ đặc biệt để cắt kim loại mới mang từng nạn nhân ra khỏi chiếc xe bị dập nát. Biết nói sao trong đám tang của toàn bộ gia đình này? Tại sao có đau khổ?
Một câu hỏi rất khó tìm được câu trả lời cách rõ ràng hợp lý. Trong Thánh Kinh, sách Gióp cũng là một nỗ lực trực tiếp đối diện với vấn đề đau khổ của con người. Ông Gióp, một người đạo hạnh, ăn ngay ở lành, bị Thiên Chúa đem ra thử thách. Ông bị mất tất cả vợ con và tất cả mọi tài sản, rồi sau cùng bị ngã quỵ vì đủ thứ bệnh tật. Ông đã buông xuôi bỏ cuộc đến nỗi cảm thấy rằng ngoài cái nỗi khốn cùng này ông không còn gì đáng sống nữa. Nghĩ tới nghĩ lui tại sao ông phải chịu đau khổ, hay tại sao Thiên Chúa giáng xuống quá nặng tay, ông Gióp không tìm thấy một câu trả lời hợp lý nào có thể đem lại ý nghĩa cho nỗi tuyệt vọng hiện thời của ông. Sự thật là không dễ gì có ngay câu trả lời. Gióp không phải là người đầu tiên cũng chẳng phải là người cuối cùng bị dày vò và bế tắc trước vấn nạn đau khổ con người.
Bài Phúc Âm hôm nay, Mc 1,29-39, tường thuật một ngày làm việc của Chúa Giêsu là chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật về tinh thần lẫn thể xác. Sau khi chữa cho bà mẹ vợ ông Phêrô khỏi cơn sốt nặng thì “chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ”. (Mc 1,32-34). Khó có thể chối cãi sự thật này là Chúa Giêsu tìm mọi cách xoa dịu khổ đau của con người. Ngài đã không trao cho chúng ta câu trả lời về vấn đề đau khổ cũng không giải thích tại sao con người phải chịu đau khổ. Nhưng Ngài cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc biến đau khổ thành niềm vui bằng cách đồng hóa mình với bệnh nhân hay người hấp hối. Chúa Giêsu khi hấp hối trên Thập Giá đã mặc khải cho chúng ta thấy rõ ràng đau khổ là một phần trong chương trình của Thiên Chúa. Tất cả đều tùy thuộc cách chúng ta vác thập giá của mình. Bởi lẽ một khi kết hợp những gian nan thử thách của chúng ta với những gian nan thử thách của Đức Kitô, chúng ta có thể vui hưởng chiến thắng của Ngài. Cho dù bất cứ điều gì xẩy ra, đối với những ai yêu mến Thiên Chúa và sẵn sàng chung phần thương khó với Chúa Giêsu, tất cả mọi việc đều có ý nghĩa. Tin Mừng không bảo đảm cho chúng ta thoát khỏi những nỗi đau khổ nhưng đoan chắc với chúng ta rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta cho dù những nỗi khổ đau của chúng ta có lớn đến đâu đi chăng nữa. Ngài cũng đau khổ như chính chúng ta đang chịu đau khổ.
Lm Joseph Nguyễn Thái

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT