Hoa Kỳ

Máy bay giá hàng trăm triệu mài bụng trên phi đạo

Monday, 17/09/2018 - 07:53:24

Hải quân dự kiến sẽ mua tổng cộng 68 chiếc UAV Triton và đang dự định đưa 2 chiếc tới căn cứ Andersen ở đảo Guam trong năm 2018, và hai chiếc khác vào đầu năm 2021, nhằm tăng cường hoạt động giám sát biển Đông.

CALIFORNIA – Một chiếc máy bay không người lái UAV MQ-4C Triton đã phải hạ cánh bằng bụng tại căn cứ ở Point Mugu, California, do gặp trục trặc. “Các phi công điều khiển đã tắt động cơ và cố gắng đưa chiếc UAV MQ-4C Triton hạ cánh xuống căn cứ Hải quân Ventura ở Point Mugu. Tuy nhiên, càng đáp UAV không thể bung ra, buộc máy bay phải tiếp đất bằng bụng,” Hải quân Hoa Kỳ thông báo vào cuối tuần trước. Hải quân xác nhận chiếc UAV do thám bị thiệt hại khoảng $2 triệu Mỹ kim sau sự việc, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
MQ-4C Triton là UAV dành cho Hải quân, được phát triển từ mẫu RQ-4 Global Hawk. Mỗi hệ thống bao gồm một trạm điều khiển mặt đất và các máy bay không người lái. Một chiếc Triton có thể làm nhiệm vụ liên tục trong 30 giờ, tầm hoạt động 15,200 cây số, độ cao tối đa 18 cây số, và đạt tốc độ tối đa 575 cây số/giờ. Giá một chiếc UAV này lên đến $180 triệu Mỹ kim. Hải quân dự kiến sẽ mua tổng cộng 68 chiếc UAV Triton và đang dự định đưa 2 chiếc tới căn cứ Andersen ở đảo Guam trong năm 2018, và hai chiếc khác vào đầu năm 2021, nhằm tăng cường hoạt động giám sát biển Đông.


NASA phóng vệ tinh theo dõi băng tan
CALIFORNIA – Vào sáng thứ Bảy trước, cơ quan không gian NASA đã phóng vệ tinh laser tiên tiến nhất, có tên ICESat-2, nhằm theo dõi lượng băng tan trên toàn thế giới, đồng thời gia tăng khả năng dự báo mực nước biển dâng do Trái Đất ấm lên. Vệ tinh ICESat-2, nặng 500 ký, trị giá $1 tỷ Mỹ kim, đã được phóng lên vũ trụ bằng hỏa tiễn Delta II từ căn cứ Không quân Vandenberg ở California vào 6 giờ sáng thứ Bảy, giờ địa phương. Vụ phóng vệ tinh ICESat-2 đánh dấu lần đầu tiên trong gần 1 thập niên qua, NASA lại đưa thiết bị lên không gian để theo dõi lớp băng trên bề mặt Trái Đất.
Để thu được hình ảnh về độ dày của các khối băng, ICESat-2 được trang bị hệ thống laser vượt trội so với ICESat đời đầu. Theo đó, tốc độ phóng tia của ICESat-2 có thể đạt tới 10,000 lần/giây, cao hơn nhiều so với tốc độ 40 lần/giây của ICESat. Mỗi lần chụp ICE-2 sẽ cho ra 130 bức ảnh trong khu vực có diện tích tương đương một sân banh. Trong một tuyên bố, NASA khẳng định ICESat-2 sẽ thu thập đủ dữ liệu để đánh giá sự thay đổi về độ dày hằng năm của các tảng băng ở Greenland và Nam Cực, ngay cả khi nó chỉ dày 4 milimét. Đặc biệt, vệ tinh laser còn đo được độ dốc của băng. Tuy có cường độ mạnh, nhưng ICESat-2 sẽ không làm tan chảy băng khi bay cách Trái Đất 500 cây số.
Dự kiến, nhiệm vụ của ICESat-2 sẽ kéo dài 3 năm, nhưng sẽ đủ nhiên liệu để hoạt động trong vòng 10 năm, trong trường hợp các nhà quản lý quyết định kéo dài nhiệm vụ của vệ tinh. Trước đó, NASA đã phóng vệ tinh ICESat vào năm 2003, nhưng nhiệm vụ của vệ tinh này đã kết thúc vào năm 2009. ICESat đầu tiên phát hiện lượng băng trên biển đang mỏng dần đi, và lượng băng bao phủ đang biến mất tại các khu vực duyên hải ở đảo Greenland và Nam Cực.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT