Đạo và Đời

Mẹ là Bồ Tát trong nhà

Wednesday, 16/05/2018 - 11:41:50

Còn tôi thì ít nói, sống nội tâm, thường suy tư, tưởng tượng phong phú. Không phải vì mẹ nói vậy mà tôi bỏ nghiệp văn đâu, nhưng sau đó tự dưng tôi lại buông bỏ, cảm thấy sống trong vọng tưởng hộ người khác như vậy chẳng ích lợi gì.

Bài HUYỀN TRÍ

Từ sau một giấc mơ lạ là một chuỗi ngày dài, rất dài, xuyên suốt hơn hai mươi năm, của một cặp mẹ con nương tựa nhau đương đầu với hai cái khổ lớn nhất trong đời người: bệnh và già. Bệnh đáng sợ hơn già. Nhưng vừa già vừa bệnh lại gia tăng cái khổ gấp bội.


Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát Tam Diện tại Tây Thiên Thiền Viện, Westlock, tỉnh bang Alberta, Canada. (Phúc Quỳnh)

Đầu tiên khi mẹ vừa từ Pháp về sống cùng tôi, tôi khá vui mừng, nghĩ rằng được chăm sóc cho mẹ là điều vạn phúc. Lại nữa, tôi từng khấn nguyện thay ba tôi chăm sóc cho mẹ để ba đỡ nghiệp chướng, vì đã bỏ bê vợ hiền và bầy con nhỏ. Phải chăng do lời nguyện ấy mà từ đó hai mẹ con dắt dìu nhau lao vào biển khổ?
Mẹ về nhà tôi ít lâu thì lắm chuyện đổi thay chẳng mấy tốt lành ụp xuống - nếu nhìn theo mắt đời. Tôi là người viết sách, viết truyện. Từ nhỏ tôi đã mê thích làm việc này, cứ như là thiên tính. Nhưng mẹ đọc qua truyện thì bảo, “nói xạo.” Mới đầu tôi hơi tức mình. Mẹ với tôi thực ra chẳng hợp tánh nhau, mẹ rất chân thật, đơn giản, nói nhiều chuyện thực tế. Còn tôi thì ít nói, sống nội tâm, thường suy tư, tưởng tượng phong phú. Không phải vì mẹ nói vậy mà tôi bỏ nghiệp văn đâu, nhưng sau đó tự dưng tôi lại buông bỏ, cảm thấy sống trong vọng tưởng hộ người khác như vậy chẳng ích lợi gì.

Rồi, mới ít tuần nhảy ra làm văn phòng để kiếm sống thì hay tin mẹ lâm bệnh té lăn ngoài đường. Thế là tôi quay về nhà chăm sóc mẹ, với hy vọng đây chỉ là cơn bệnh nhỏ chữa ít lâu lại lành. Cũng có chút tính toán, ở nhà viết và phụ làm sách với bạn đạo vui hơn. Không ngờ căn bệnh mẹ không lành chút nào, ngày càng nặng thêm. Cứ thế, kéo dài hơn hai mươi năm trời, mẹ vô hình trung cho tôi cơ hội (tạm dùng vài chữ văn hoa đạo vị) phát bồ đề tâm, minh quán sát, hầu liễu ngộ thực tánh của khổ.

Căn bệnh của mẹ tôi đại khái thế này. Mới đầu mẹ đau một chân, rồi chuyển sang hai chân, nhức nhối, chân này yếu hơn chân kia, dần dà cả hai chân đều không đi được. Mới đầu tay run rẩy, sau thì cứng lại, rồi các ngón tay từ từ cong cứng lại. Cuối cùng tay chân cùng co quắp… Thú thật tôi không dám đếm ngày đếm tháng. Như thế này, cứ mỗi năm năm chính phủ cấp cho một chiếc xe lăn, chiếc đầu tiên nghĩ là chỉ tạm dùng qua rồi bỏ hẳn, nhưng rồi kéo dài mãi cho đến chiếc thứ tư sắp hỏng, chưa kịp lấy chiếc thứ năm thì mẹ chỉ còn dùng đến những chiếc băng ca của bệnh viện.

Trong giai đoạn đó tôi chỉ biết tùy duyên, phương tiện thiện xảo. Khi cười xòa, lúc lặng câm. Lúc xót thương, khi nhẫn nại. Cười là khi hai mẹ con cùng nhau làm gì luộm thuộm quá, như mẹ té lăn ra đất và con cứ mải loay hoay kéo co mà nâng không lên. Cười xòa lên cho mẹ cùng cười mà xem nhẹ. Lặng câm là khi mẹ gắt gỏng, càu nhàu, tuy không phải là trách móc, nhưng người bệnh hoạn hay cau có. Mới đầu tôi còn đáp trả, sau lại chọn lặng câm, cũng dễ thôi, vì tôi vốn ít nói. Tưởng lòng xót thương (từ bi tâm) sẽ khô cứng dần, chai sạn dần theo ngày tháng, nó lại cứ tăng trưởng cùng nhịp với sự suy hoại của thân thể mẹ. Tứ chi mẹ cứ như từ từ hóa đá, mới đầu là hai chân, rồi lên đến hai tay, và dần dà leo đến tận cổ, và cả mắt.

Lúc đó, đã nhận rõ bản án, tôi chỉ còn biết cố làm mẹ quên bớt suy tư phiền muộn. Nhiều ngày qua hai mẹ con cứ nằm xem hết phim chưởng lại đến phim hài. Hết Ngộ Không rồi đến Tế Điên. Đôi khi tôi cũng có cảm tưởng mình như một thứ Tế Điên, có cái cười ngây dại, khác một điều là tôi lại thừa Điên mà thiếu Tế, chắc vì không kham nổi cây quạt rách nát. Thỉnh thoảng tôi đẩy xe đưa mẹ ra chùa, hay đi chơi lòng vòng đâu đó. Lúc đó cũng cho mẹ nghe kinh và niệm Phật nhưng không nhiều. Vì mẹ lại thích nghe cải lương hơn. Nuối tiếc những ngày xưa cũ.

(Trích đoạn từ bài viết cùng tên sẽ đăng trên tạp chí Tinh Tấn trong tháng Bảy 2018)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT