Đạo và Đời

Mẹ là Bồ Tát

Wednesday, 15/08/2018 - 07:20:51

Không hiểu có phải lúc đó mẹ đã muốn ra đi chăng mà tôi còn quyết tâm giữ lại? Tôi giữ mẹ lại cho mẹ, cho tôi, cho các em tôi, cho gia đình tôi, hay chỉ cho bát phong? Bát phong ngoài đời và bát phong trong chính đầu tôi. Dấy lên ào ào, ầm ĩ.


Làm sao biết được có một ngày mẹ lại đem chính thân mình ra dạy tôi, nhắc nhở tôi về thực chất của cuộc đời? (Getty Images)

Bài HUYỀN TRÍ

(Nhân mùa Vu Lan, xin tặng quý độc giả một đoạn văn dưới đây về tình thương yêu của con dành cho mẹ, về bài học của thân bất tịnh của đạo Phật, được trích từ bài Mẹ Là Bồ Tát Trong Nhà của tác giả Huyền Trí đăng trên Tinh Tấn Magazine xuất bản trong tháng Tám 2018 tại California).

Khởi đầu là gió độc thời khí của thiên nhiên vào mùa đông. Mẹ ho nặng và nhiều hơn chứng cảm lạnh thông thường. Mấy lần tôi đề nghị vào bệnh viện nhưng mẹ không chịu, sợ nhà thương. Một đêm kia, nghe mẹ ho sặc sụa quá bất thường, tôi chạy vào phòng thăm, mẹ lại từ chối. Lần này tôi cảm thấy bất ổn, quyết định không nghe nữa và đưa mẹ vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết mẹ bị pneumonia, sưng phổi nặng, nếu không cấp cứu kịp là khó qua. Thế là mẹ vào nằm bệnh viện hơn tháng trời. Thời gian đó mẹ suy sụp lắm, không muốn cười, không muốn nói. Người hốc hác gầy xọp đi, yếu ớt và trông chán nản. Không hiểu có phải lúc đó mẹ đã muốn ra đi chăng mà tôi còn quyết tâm giữ lại? Tôi giữ mẹ lại cho mẹ, cho tôi, cho các em tôi, cho gia đình tôi, hay chỉ cho bát phong? Bát phong ngoài đời và bát phong trong chính đầu tôi. Dấy lên ào ào, ầm ĩ.

Đó cũng vừa lúc bắt đầu chuyển sang một giai đoạn khác, một bài học khác. Ít lâu sau mẹ về lại nhà. Cơn bệnh tăng cấp rõ rệt. Sóng thần Kanagawa. Khi đó mẹ hầu như không nói được, nuốt cũng khó khăn và cứ sặc sụa mỗi khi ăn uống. Cân lượng tuy không lên nhưng người như nặng hơn nhiều vì không còn chút sức nào để gượng dậy. Hầu như không còn cựa quậy nổi, nằm đâu yên một chỗ. Hai mắt lạc thần, tuy vẫn còn hiểu biết.

Một hôm, mẹ chỉ cho tôi một cục u lạ bên hông trái mẹ. Nó có màu sắc bình thường, và cũng không đau. Tôi đưa đến bác sĩ gia đình. Hai ba bác sĩ vào xem, thấy lạ, không nghĩ ra là khối u gì. Vì nó không đau và không biến sắc nên khó biết. Có thử máu và không thấy nhiễm trùng. Một ít thuốc giảm đau phòng ngừa, và thuốc trụ sinh theo yêu cầu của tôi. Theo bác sĩ thì đó là khối u bình thường và có thể sẽ vỡ ra rồi lành.

Khối u đó lớn rất nhanh, vài tuần sau đã có bề rộng gần bằng trái banh quần vợt, và bắt đầu bốc mùi tanh tưởi. Mẹ vẫn không kêu đau. Chưa đến ngày tái khám thì khối u đã vỡ, máu mủ chảy ra. Tôi tức tốc đưa mẹ đến bác sĩ chuyên khoa vết thương ở bệnh viện. Trời ạ, khối u này chỉ do chấn động va chạm mà thành vì da thịt đã lão hóa, và các tế bào bên trong và sâu bên dưới khối u đã chết cả nên mới ùn lên như vậy. Bác sĩ đã nạo chỗ hư thối sâu gần tới xương, băng bó rồi cho về nhà. Có lẽ họ thấy bà già quá nên không muốn cứu thêm nữa.
Một vết thương thật to lọt cả nắm tay, máu thịt đỏ hỏn vừa mới cắt, lẫn vào chút mỡ màng, còn có chút màu xương trắng ngà ló dạng bên dưới. Tôi tê tái cả người khi cho tay vào trong da thịt mẹ săn sóc vết thương, cố gắng lau rửa bó băng. Mẹ không kêu la dãy dụa, cũng không rên rỉ lấy một lời. Không biết đau hay biết được tôi đau lòng? Hình ảnh phũ phàng của xương thịt người thân yêu đó cứ bám lấy tôi.

Một pháp thoại trong Kinh Pháp Cú chợt trở về. Câu chuyện của các vị sư tu thiền Tứ Niệm Xứ tìm vào nghĩa trang, đến nơi có những người chết rã thịt phơi xương, hầu tu tập quán chiếu về thân bất tịnh, về khổ thọ điền, vân vân. Pháp thoại này rất mạnh mẽ, đánh động. Tôi ít nghĩ đến vì không đủ sức đối diện. Làm sao biết được có một ngày mẹ lại đem chính thân mình ra dạy tôi, nhắc nhở tôi về thực chất của cuộc đời? Mẹ ơi, máu mủ thịt xương mà mẹ trao ra để dạy cho con bài học về sự đau khổ sự bất tịnh ở trong đời, hầu đánh thức con không còn mê đắm, làm sao con chưa thức tỉnh được, làm sao con chưa có quyết tâm tìm một con đường giải thoát?
Thực sự lúc đó người tôi như có phần tê dại, tôi chỉ còn mỗi quyết tâm phải chữa trị cho mẹ. Thấy mẹ vẫn còn sinh lực, còn chưa muốn đi. Mẹ nằm ở nhà vài ba hôm, máu mủ vẫn cứ ứa rịn qua lớp băng. Tôi đưa mẹ trở lại bệnh viện xin cấp cứu lần nữa. Bác sĩ cấp cứu gọi bác sĩ trị vết thương, rồi cho tôi lời khuyên là nên đưa về nhà nhận Hospice chứ bệnh viện không chữa trị được hơn. Ông còn thuyết cho tôi nghe lợi ích của Hospice, nào là mẹ tôi tuổi đã gần chín mươi, nào là quality of life, nào là có con cái quay quần, vân vân. Lấy ví dụ cả đến trường hợp cá nhân của ông và mẹ ông. Tôi vẫn cương quyết… quậy... năn nỉ khắp nơi. Còn nước còn tát.

Sau cùng, vị bác sĩ gia đình tử tế của mẹ, ông NHV, đến nhận lời giúp đỡ. Ông cho biết sẽ dùng hai ba thứ trụ sinh để ngăn nhiễm trùng, chuyền máu và IV, khi giảm bệnh sẽ đưa về convalescence home để có bác sĩ phẫu thuật khâu vết thương lại. Cuối cùng vết thương cũng khâu lại, lõm sâu xuống có thể cho cả nắm tay vào!!! Vết thương này chưa lành, thì lại vết khác. Vì nằm ngửa mãi trong bệnh viện khi giải phẫu vết thương bên hông, mẹ lại sinh lở loét ở xương cùng, lại phải đưa vào khoét đục, kéo da ra khâu vá... Tóm tắt là mẹ ra vào bệnh viện triền miên. Nhờ trời cho ít biết đau cũng đỡ khổ. Đồng lúc, mẹ đi dần đến chỗ không còn ăn uống nói năng được nữa vì các cơ bắp cổ họng đã ngưng hoạt động. Mắt cũng chỉ còn có 80%. Parkinsons đã bước vào thời kỳ cuối.
Hai năm sau cùng của đời mẹ lại diễn ra tại nhà. Với cái ống ở bụng để chuyền sữa. Cái máy trợ hơi thở, mặt nạ chụp để thở, máy hút đàm, máy đo máu đo đường, các thứ. Một vài loại thuốc thử thuốc chích. Với thân hình tay chân co quắp lại không còn kéo ra được. Với máy băng niệm Phật và tụng kinh mở quanh năm suốt tháng. Kinh Tịnh Độ và Kinh Thủy Sám. Phật A Di Đà và Bồ Tát Quan Thế Âm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT