Hôn Nhân, Cuộc Sống

Mẹ lúc nào cũng đúng

Friday, 09/11/2018 - 08:21:04

Nếu người đó trích dẫn các “luận cứ” không đáng tin cậy hoặc các số liệu không công bằng, cố gắng “lột trần” được cái mà họ đang trích dẫn để bạn có thể lật tẩy nó thay vì chỉ đơn giản là tức tối hay tuyên bố rằng chúng không đúng sự thật.


(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Ngày “theo chàng về dinh,” Trish Pham được chồng dặn dò, “Mẹ anh là phụ nữ đảm đang, chung thủy, cả đời chỉ biết lo cho chồng cho con mà thôi. Có điều, bà là người luôn cho rằng mình đúng, nên em cố gắng chiều bà.”

“Ồ, tưởng gì, mình cũng đã từng làm việc với những người như thế rồi. Không lo,” Trish nghĩ.
Nhưng sự đời không như cô ấy nghĩ. Trish đã phải rất cố gắng (như chồng nói) để tránh được những cuộc tranh cãi với mẹ chồng những lúc bà không đúng nhưng luôn cho mình là đúng.

Cô tâm sự, “Nhiều lúc thật sự khó chịu khi phải đối phó với mẹ. Những lúc ấy, tôi lại tự trấn an mình: bình tĩnh, bình tĩnh. Tôi hiểu, nếu càng tranh cãi với người lớn tuổi, lại là người luôn cho rằng mình đúng, sẽ không lợi lộc gì, mà đôi khi còn làm cho quan hệ mẹ chồng, con dâu trở nên xấu tệ.”

Đúng như vậy, các nhà tâm lý đã khuyên, bình tĩnh là sự đáp ứng thông minh nhất, bởi vì tức giận sẽ khiến cuộc tranh luận trở nên gay gắt hơn. Thậm chí, bạn có thể nói ra một điều gì đó mà mình sẽ vô cùng hối hận về sau.

Chủ đề cũng là điều cần chú ý. Nếu người luôn nghĩ rằng mình đúng nói về một vấn đề không đáng để tranh cãi, thì hãy ngừng tranh cãi. Ví dụ, mẹ chồng của Trish luôn cho rằng vỏ bánh mì là thứ nên ăn, còn ruột thì vứt đi. Trish rất thích ăn ruột bánh mì, nên thay vì nói ra ý nghĩ của mình chắc chắn sẽ làm bà khó chịu, cô đã vừa cười vừa nói, “Vậy là mình sẽ không bao giờ lãng phí thức ăn mẹ ạ, vì mua ổ bánh mì về, mẹ thì ăn vỏ, con ăn ruột.”

Nếu trong gia đình của bạn có người luôn cho rằng mình đúng, bạn có thể dễ xử sự hơn, vì dù sao bạn cũng đã biết rõ tính tình của người thân, nhưng có thể khi tiếp xúc ở ngoài xã hội, bạn cũng sẽ gặp người như thế.

Để luôn giữ được hòa khí trong các mối quan hệ, bạn có thể tham khảo những điều dưới đây:
Trong cuộc sống có nhiều điều không phải ai cũng biết tất cả, vì thế, nếu bạn không có kiến thức cơ bản về một chủ đề nào đó khi nói chuyện với người luôn cho rằng mình đúng, thì cứ để cho người ấy nó. Việc tranh luận trong tình huống này là hoàn toàn vô nghĩa.

Cân nhắc mối quan hệ của bạn với người đó. Những mối quan hệ khác nhau sẽ quyết định tình huống đó nên được giải quyết như thế nào. Nếu họ là bạn thân, thành viên trong gia đình hoặc bạn đời của bạn, hãy thành thật với họ. Nói cho họ biết rằng bạn cảm thấy khó có thể nói chuyện với họ khi mà họ luôn khăng khăng cho mình là đúng. Nếu điều đó lại tiếp tục xảy ra, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở mà thôi, bởi có lẽ họ thậm chí không hề nhận ra họ đang cư xử như thế nào.

Nếu người đó là đồng nghiệp – hay tệ hơn, là quản lý của bạn – hãy tiếp cận tình huống một cách cẩn trọng hơn. Với thái độ thân thiện nhưng tự tin, giải thích cho họ rằng những suy nghĩ của họ đã sai ở điểm nào, và bạn cảm thấy họ không tôn trọng suy nghĩ và ý kiến của bạn nếu họ cứ khăng khăng rằng mình đúng.
Nếu người đó chỉ là một người bạn quen biết sơ sơ hay thậm chí là hoàn toàn xa lạ, bạn không cần phải tranh luận với họ. Hãy lịch sự rời khỏi tình huống đó.

Trước tiên hãy hết sức lắng nghe, mà khoan tranh luận. Biết đâu người mà bạn đang tiếp xúc có một luận cứ vững chắc. Nếu không, ít nhất bạn cũng hiểu được họ đang nói gì và có thể tranh luận với họ hiệu quả hơn.
Trong trường hợp bạn có thể tranh luận, hãy sử dụng ngôn ngữ hiệu quả. Cũng giống như việc tức giận sẽ không cải thiện được tình hình, việc sử dụng ngôn ngữ nông cạn cũng không giúp ích được gì. Phản lại một cuộc tranh luận bằng một câu như: “Điều đó thật ngu ngốc” sẽ chẳng có ích lợi gì cho bạn và rất có thể sẽ dồn người kia vào thế phòng ngự.

Chỉ nói những gì bạn thật sự biết. Bạn nên hiểu, nếu có bất cứ câu nói nào của mình được chứng minh là không chính xác, nó sẽ làm giảm giá trị tất cả những gì bạn đã nói vào thời điểm đó và tiếp theo nữa. Để duy trì một cuộc thảo luận bền vững và bình tĩnh, hãy trung thành với sự thật.

Công nhận ý kiến của người kia bằng một số cụm từ như “Tôi hiểu ý anh” hoặc “Tôi có thể hiểu được sao anh lại suy nghĩ như vậy”. Sau đó bạn có thể đưa ra luận cứ phản biện của mình một cách lịch sự và tôn trọng. Nên lưu ý tới những luận điểm mập mờ, không rõ ràng. Lợi thế đó là, người kia không thể giải thích quan điểm của họ một cách thỏa đáng. Hãy tận dụng sự không chắc chắn này.

Nếu bạn thường xuyên phải nói chuyện với một người lúc nào cũng phải đúng, hãy trở thành một chuyên gia chuyển hướng. Thay đổi chủ đề để làm họ bớt tức giận, hoặc hướng cuộc tranh luận sang một lĩnh vực trung lập hơn. Cố gắng tìm một chủ đề mà cả hai bên cùng đồng ý, lúc đó cả hai người đều có thể đúng.

Tuy vậy, trong thực tế cũng có những người có tính cố chấp, ngoan cố, không thay đổi ý kiến dù đã chỉ ra những điều mà họ suy nghĩ không đúng. Trong trường hợp này, việc tranh cãi là hoàn toàn vô ích và bạn cần phải thay đổi chủ đề hoặc chấm dứt bất cứ cuộc tranh luận nào. Đó không phải là chịu thua một người có tính cách quá cố chấp, mà vì thời gian và sức khỏe tinh thần của chính bạn có giá trị hơn nhiều so với việc lao vào chứng minh rằng người đó sai. Đối với kiểu người như vậy thì anh ta/cô ta sẽ không bao giờ sai, vì vậy bạn thật sự đang lãng phí thời gian của mình.

Lời khuyên

Để tóm tắt, các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên dành cho bạn:
Nếu bạn biết rằng bạn sẽ chạm trán với một người thích tranh cãi, hãy lên kế hoạch trong đầu trước và chuẩn bị chính xác những gì bạn muốn nói.

Đừng bịa ra cơ sở lập luận chỉ để thắng một cuộc tranh luận. Bạn sẽ phải trả giá cho điều đó về sau.
Hãy kiên quyết với ý kiến của bạn giống như họ.

Hãy giữ vững quan điểm của bạn nhưng luôn thể hiện sự tôn trọng
Nếu có thể, thử thay đổi chủ đề. Nếu người đó cứ liên tục đưa ra những luận cứ mà thậm chí còn không phải sự thật, hãy gợi ý một chủ đề khác, chẳng hạn như thể thao.

Chắc chắn rằng họ thật sự am hiểu hoặc không hề biết gì về chủ đề đó. Điều này sẽ giúp bạn quyết định xem nên nói gì.

Cân nhắc đến môi trường xung quanh bạn – chỉ có một mình bạn và người đó, hay bạn hoặc người đó còn có ưu thế về người ủng hộ hay lĩnh vực chuyên môn?

Nếu vấn đề quan điểm quan trọng hơn so với việc họ đối xử với bạn như thế nào, hãy để cho người khác tranh luận giúp bạn nếu họ ủng hộ bạn và có nhiều khả năng được tin tưởng hơn. Đôi khi mọi người sẽ tin tưởng vào một điều gì đó dễ dàng hơn nếu chúng tới từ một nguồn khác.

Nếu người đó trích dẫn các “luận cứ” không đáng tin cậy hoặc các số liệu không công bằng, cố gắng “lột trần” được cái mà họ đang trích dẫn để bạn có thể lật tẩy nó thay vì chỉ đơn giản là tức tối hay tuyên bố rằng chúng không đúng sự thật.

Việc tranh cãi với người khác sẽ dễ dàng hơn nếu họ ở cùng trình độ giống bạn. Nếu người đó ở cấp lãnh đạo, có thể mọi người sẽ xem trọng những lời người đó nói hơn là lời nói của bạn. Tuy nhiên, có thể nếu ai đó bị trù dập bằng đàn áp hoặc bạo lực, họ sẽ khó chịu khi phải nghi ngờ ý kiến của mình. Nếu người đó quyền lực hơn bạn, công việc của bạn có thể sẽ gặp nguy hiểm vì việc khiến người đó bị nghi ngờ. Nếu người đó có đặc quyền hơn bạn, họ thường ít có động cơ cá nhân để thay đổi hành vi của mình hơn, miễn là không bị đồng nghiệp của họ nghi ngờ. Nếu ai đó có ít đặc quyền hơn bạn, những phản biện của bạn có thể bị hiểu nhầm là bắt nạt, quấy rối hoặc cố chấp. Còn nếu đó là người thân trong gia đình, nhất là người lớn hơn, tốt hơn hết hãy chọn giải pháp giữ hòa khí, vì nếu kết thúc cuộc tranh cãi mà phần thắng thuộc về bạn, thì bạn vẫn phải tôn trọng người lớn hơn mình.
(Thinksimplenow.com, Wikihow.com)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT