Mẹo Vặt

Mẹo vặt về đái đường (bài 4)

Thursday, 23/02/2017 - 07:10:08

Trước khi nói đến việc giảm thiểu Carbohydrate, chúng ta cần tìm hiểu Carbohydrate là gì? Có liên quan gì với tình trạng “đường cao trong máu”?

Bài VŨ HẰNG

Đây là bài thứ tư trong “truyện dài” về đái đường của ông Cả Đẫn nhà em. Thực ra, ổng mới đứng trước “thềm” đái đường, tức là giai đoạn mấp mé vào bệnh mà chúng ta vẫn gọi là “tiền tiểu đường” (pre-diabetic). Với tình trạng như vậy, bạn chưa phải uống thuốc mà được khuyên ăn uống kiêng khem thêm một chút và vận động chân tay nhiều hơn. Nhưng với ông Cả Đẫn, lời khuyên đó tưởng dễ mà thực ra rất khó theo.


Bác sĩ Westman: Với người tiểu đường, cần hạn chế Carbohydrate tới mức tối đa!

Ổng cho rằng phải có cách nào thực tế, cụ thể, và hiệu quả hơn, chứ ổng không thể bóp mồm bóp miệng nhịn “đệ nhất khoái” được; còn nói rằng “tập thể dục” nhiều hơn thật quá mông lung! Tập bao nhiêu mới đủ? Vì thế, khi Bác Sĩ Eric Westman đưa ra một phương pháp đơn giản, dễ dàng để đối phó tiểu đường, thì ông xã Hằng thích lắm và đội “thầy” lên tới tận mây xanh, như các bạn đã thấy trong BA bài trước.

Tổng hợp những gì giới khoa học đã biết, liên kết với những nghiên cứu của riêng mình, Bác Sĩ Westman nói thẳng: Tiểu đường là hậu quả tích lũy dài lâu do ăn uống quá nhiều Carbohydrate, muốn chữa tiểu đường thì cần phải giảm thiểu Carbohydrate.

Thực ra, không có một nhà khoa học nào dám nói thẳng như thế. Về nguyên nhân tiểu đường, các tài liệu chính thức chỉ nói rằng: Tiểu đường là hiện tượng nạn nhân có quá nhiều đường trong máu, vì cơ thể của họ thiếu chất Insulin hoặc “nhờn” chất Insulin. Mà Insulin thì lại rất cần để chuyển hóa đường thành năng lượng. Vì thiếu Insulin hoặc nhờn Insulin trong cơ thể mà đường không thể đi “đầu thai” và đành phải đọng lại trong máu, gây ra tiểu đường và những hậu quả tai hại của nó.


Cô Paige Smathers, chuyên gia dinh dưỡng trong hiệp hội tiểu đường Mỹ Quốc: “Carbohydrate là một trong 3 nguồn dưỡng chất chính của cơ thể chúng ta.”

Đặt câu hỏi vì sao lại có hiện tượng “thiếu” hoặc “nhờn” Insulin trong người này mà người khác lại không? Các thầy cô thuộc Mayo Clinic, một tổ chức có uy tín về việc phổ biến kiến thức y khoa trên mạng, trả lời: “Không biết! Chỉ biết rằng hệ đề kháng trong cơ thể của người này muốn làm dữ, chuyên đi tìm các tế bào sản xuất Insulin trong tụy tạng để tấn công và tiêu diệt, gây ra tình trạng thiếu Insulin trong những nạn nhân tiểu đường loại I. Trong một số trường hợp khác, tế bào tụy tạng không bị tiêu diệt, Insulin không thiếu nhưng lại bị “lờn mặt,” không có tác dụng gì với đường cả, khiến cho tụy tạng lại càng phải gắng sức hơn mà vẫn không sản xuất đủ Insulin để hóa giải đường. Hậu quả là đường tăng lên trong máu, tạo thành tiểu đường loại II.

Vậy tại sao hệ đề kháng trong cơ thể lại nổi cơn tam bành lục tặc tiêu diệt các tế bào sản xuất Insulin, hay tại sao cơ thể lại “lờn mặt” insulin? Thì các thầy cô Mayo Clinic trả lời: “Không biết! Có thể là do yếu tố di truyền, cộng với một số tác nhân môi trường, nhưng những tác nhân đó là gì thì vẫn còn chưa rõ”.
(http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/basics/causes/con-20033091)
Nhưng bây giờ, nếu đi “thỉnh” Bác Sĩ Westman thì các bạn sẽ được nghe ông thầy trả lời ngay (em xin phép lặp lại lần nữa): “Tiểu đường là hậu quả tích lũy dài lâu do ăn uống quá nhiều Carbohydrate, muốn chữa tiểu đường thì cần phải giảm thiểu Carbohydrate.” Đó là câu trả lời cho những người bình dân như …ông Cả Đẫn: Ngắn, đơn giản, dễ hiểu, vào ngay vấn đề! Và đó là lý do tại sao trượng phu em coi Bác Sĩ Westman là thần tượng.

Trước khi nói đến việc giảm thiểu Carbohydrate, chúng ta cần tìm hiểu Carbohydrate là gì? Có liên quan gì với tình trạng “đường cao trong máu”?

Carbohydrate là gì?

Nghe câu trả lời ngắn gọn và đơn giản của Bác Sĩ Westman, chúng ta có cảm tưởng Carbohydrate là một độc chất nguy hại. Không! Hiểu như vậy là lầm chết được. Theo cô Paige Smathers trong Hiệp Hội Chuyên Gia Về Tiểu Đường (The American Diabetes Association) thì Carbohydrate là một trong ba nguồn dưỡng chất chính (macronutrients) của cơ thể chúng ta Thiếu Carbohydrate, chúng ta không thể sống được. Carbohydrate cung cấp nhiên liệu cho hệ thần kinh trung ương và năng lượng cho bắp thịt. Cô Smathers nói: “Carbohydrate rất quan trọng cho bộ óc chúng ta. Nó ảnh hưởng tới trí nhớ, và cả tâm trạng vui buồn của chúng ta nữa.”
Vậy Carbohydrate có liên quan gì tới lượng đường trong máu? Là vầy: Khi được tiếp nạp vào trong cơ thể, Carbohydrate sẽ phân hóa thành các đơn vị đường rất nhỏ. Ruột non sẽ hấp thụ lấy các đơn vị đường này, đưa vào trong máu, rồi vào gan. Gan chế biến những đơn vị đường này thành một loại đường thích hợp gọi là glucose, đưa trở lại máu, nhờ Insulin chuyển hóa thành năng lượng nhập vào bắp thịt, nhờ đó chúng ta mới có đủ “xí quách” để hoạt động, làm việc và... quậy phá. Đến đây, các bạn đã nhận ra mối tương quan giữa Carbohydrate và đường trong máu rồi, phải không?

Theo Viện Sức Khỏe Quốc Gia NIH (National Institutes of Health) thì một người Mỹ khỏe mạnh trung bình cần tới 135 grams mỗi ngày. Con số này dĩ nhiên không thể coi là tiêu chuẩn chung, mà cần phải được điều chỉnh để thích ứng cho từng người. Chẳng hạn, những người tiểu đường không nên ăn quá 200 grams Carbohydrates một ngày, trong khi phụ nữ có bầu cần ăn ít nhất 175 gram Carbohydrates một ngày.

Trở về với Bác Sĩ Westman, ông thầy khuyên chúng ta không nên ăn quá 20 grams Carbohydrates một ngày!
Chà! Một tiêu chuẩn xem ra thật khắt khe! Làm sao có thể hạn chế đến mức đó? Ăn như vậy thì đói chết chứ còn à? Và nhất là làm sao biết “tội đâu mà tránh, phúc đâu mà lường?” Biết cái gì có “carbohydrate” cái gì không? Thì các bạn cứ từ từ! Để xem ông Cả Đẫn trình bầy hết phép tắc của sư phụ ổng ra sao, nghe quảng cáo là dễ dàng và đơn giản lắm cơ mà!
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT