Mẹo Vặt

Mẹo vặt về đái đường (bài 5)

Tuesday, 28/02/2017 - 07:14:52

Chưa hết, Bác Sĩ Westman lại phán tiếp: “Làm đúng được như vậy, bạn chỉ cần bảy tuần lễ hoặc hai tháng là đẩy lui căn bệnh mãn tính.”

Bài VŨ HẰNG

Hôm nay, trong bài thứ năm này, ông Cả Đẫn sẽ kể tiếp về câu chuyện tầm sư học đạo để chữa cái chứng “trước thềm” đái đường của ổng. Nghe ổng nói có vẻ hơi mất vệ sinh, nên có lần Hằng đề nghị ổng dùng chữ “tiền tiểu đường” (pre-diabetic) cho đỡ... khai một chút có được không? Nhưng ổng vặn lại rằng thiên hạ vẫn nói “trước thềm năm mới” thì tại sao ổng không thể nói trước thềm đái đường. Dạo này ông Cả Đẫn bướng lắm (có thể vì ổng già rồi!). Thôi chúng ta nhịn một chút, để ổng nói vào đề tài chính nhé.


Nạn nhân đái đường phải cảnh giác luôn luôn về lượng đường trong máu.

Các bậc thánh hiền từ đông sang tây, từ cổ chí kim vẫn dạy: “Mình ăn uống thế nào thì ra con người thế ấy.” Nói một cách khác, bệnh tật cũng là do chúng ta nạp vào cơ thể qua thức ăn đồ uống hằng ngày cả. Đối với bệnh tiểu đường, Bác Sĩ Eric Westman, sư phụ của ông Cả Đẫn, nói thẳng ra rằng: Nguyên nhân là vì bệnh nhân ăn quá nhiều Carbohydrates! Và Bác Sĩ khuyến cáo: Để chữa khỏi tiểu đường, bạn chỉ nên ăn chừng 20 grams carbohydrates một ngày mà thôi.

Để có thể hình dung được con số 20 grams ấy nó ít ỏi bèo bọt thế nào, chúng ta hãy so sánh với chế độ ăn uống tiêu chuẩn, không kiêng cữ của một người đàn ông bình thường:

- Người Mỹ trung bình ăn chừng… 400 grams carbohydrate một ngày.
- Người Á Châu, bụng nhỏ hơn, cũng phải xài chừng 300 grams carbohydrate (carb) một ngày.
Con số 20 quả thực là quá thấp, chỉ bằng 1/15 hoặc 1/20 số carb được tiếp nạp bình thường qua thực phẩm mà thôi. Như vậy nếu theo đúng lời dạy của sư phụ, chúng ta sẽ phải bóp mồm bóp miệng tới mức tối đa; và có thể, phải nhịn đói luôn không chừng. Đối với đa số chúng ta, sống kham khổ như vậy khó lắm (mặc dầu trong thiên hạ vẫn có người làm được đấy. Chả thế mà có khoa “tuyệt thực chữa bệnh” à?)


Kim tự tháp về việc ăn uống để tạo ra Ketosis

Bí quyết của Bác Sĩ Westman

Nhưng sống theo Bác Sĩ Westman, bạn không phải kham khổ tới mức đó, đúng hơn, không kham khổ chút nào. Đây là bí quyết của Bác Sĩ dành cho những nạn nhân đái đường loại II và những người sắp trở thành nạn nhân (gọi là “trước thềm đái đường” như ông Cả Đẫn nhà em vẫn nói):

- Tuyệt đối KHÔNG ĂN: Đường (Sugar), Các Loại Hạt Ngũ Cốc (Grains) hoặc Khoai (Khoai lang, khoai mì, khoai tây…)

- Thay vào đó, CHỈ ĂN: Thịt, Cá, Trứng và các loại rau mọc trên mặt đất như rau diếp, broccoli, (đối nghịch với các loại rau mọc dưới mặt đất, như cà rốt, củ cải....)

Vậy thì đâu có phải là ăn kiêng! Chưa cần biết công hiệu ra sao, chúng ta có thể yên tâm, rất yên tâm ở cái mục vẫn được ăn thịt, cá, trứng như thường! Không biết các bạn thấy sao, riêng cái khoản này đã là một khích lệ rất lớn đối với ông Cả Đẫn nhà em rồi đó.

Chưa hết, Bác Sĩ Westman lại phán tiếp: “Làm đúng được như vậy, bạn chỉ cần bảy tuần lễ hoặc hai tháng là đẩy lui căn bệnh mãn tính.”

Thật là quá dễ dàng! Chỉ sợ rằng, sau bảy tuần lễ, chúng ta chưa muốn “xả trại” mà còn muốn ăn thêm vài tuần lễ. Bởi vì, vẫn theo bác sĩ Westman, chế độ ăn uống này còn giúp mình... giảm cân nữa! Thật vậy sao? Ôi, thật là mê ly, thật là hấp dẫn! Hằng muốn hỏi thêm về chuyện này, nhưng ông Cả Đẫn đã khoát tay: “Mục đó để từ từ nói đi. Bây giờ bà phải nghe cắt nghĩa trên cơ sở khoa học về lý do tại sao lại xảy ra như vậy.”

Theo bác sĩ Westman, khi theo chế độ ăn uống này, cơ thể chúng ta sẽ trực tiếp chuyển sang trạng thái Ketosis.

Ketosis là gì?

Ketosis là tên gọi của một tiến trình biến dưỡng thực phẩm (metabolic process) do cơ thể tự thích ứng để có đủ năng lượng hoạt động. Tình trạng này sẽ xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ Carbohydrate, hay Carb, để tạo ra năng lượng cho tế bào. Vì không có đủ Carb, cơ thể phải đốt các lượng chất béo (fat) có sẵn trong cơ thể để lấy năng lượng thay thế. Trong tiến trình phân hóa, trước hết nó biến chất béo thành những “viên nhiên liệu” cực nhỏ, gọi là Ketones, nằm trong trạng thái sẵn sàng được đốt để cung cấp năng lượng.
Nếu ăn uống bình thường, cơ thể không phải dùng tới chất béo (nếu có thừa thì để dành... trước bụng!), và không có cơ hội chế tạo ra ketones. Nhưng nếu tiết giảm Carb tới mức tối đa, cơ thể sẽ tự động và dứt khoát chuyển sang trạng thái Ketosis, đi tìm mỡ để biến thành Ketones và sẵn sàng chuyển hóa thành năng lượng. Tình trạng Ketosis này cũng xảy ra khi chúng ta tập thể dục lâu giờ, hoặc trong cơ thể các bà bầu.
Nói như vậy không có nghĩa Ketosis luôn luôn là một trạng thái tốt. Nó có thể trở thành nguy hiểm khi số Ketones gia tăng, dẫn tới tình trạng ráo nước (dehydration) và làm cho thành phần hóa chất trong máu bị thay đổi.

Trước tình trạng này, Bác Sĩ Westman nói sao? Xin hẹn gặp lại các bạn kỳ sau.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT