Thế Giới

Mexico: Hàng trăm di dân tới được Orizaba

Wednesday, 04/04/2018 - 08:27:48

Đoàn người di dân này được tổ chức bởi nhóm bênh vực quyền lợi di dân Pueblo Sin Fronteras, có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhằm thu hút chú ý về quyền lợi của di dân, và cung cấp cho các di dân này sự hỗ trợ mà họ cần.

ORIZABA – Vào chiều tối thứ Ba, một nhóm hơn 500 di dân Trung Mỹ đã đến được thành phố Orizaba, cách Mexico City khoảng 300 cây số về phía đông nam, trong hành trình đi lên phía bắc đến biên giới Hoa Kỳ. Nhóm di dân đến được thành phố nhỏ này nhờ bám vào một đoàn xe lửa. Họ là những người tách ra từ đoàn di dân lớn, với số lượng gần 1,200 người, khởi hành từ Trung Mỹ đi lên phía bắc để tìm cách nhập cư lậu vào Hoa Kỳ. Trước đó trong ngày thứ Ba, nhà chức trách Mexico đã tập trung người di dân tại một sân thể thao ở thành phố Matias Romero, nhằm tìm cách giải tán đoàn người vốn đang khiến Tổng Thống Donald Trump nổi giận.
Trước đó, phẫn nộ trước ý định nhập cư lậu một cách ngang nhiên, Tổng Thống Trump đã dọa sẽ hủy bỏ hiệp ước NAFTA, vốn có ý nghĩa quan trọng đối với ngoại thương của Mexico, đồng thời dọa cắt viện trợ với các nước Trung Mỹ, và muốn gởi quân đội tới bảo vệ biên giới cho tới khi bức tường được xây xong. Để giải quyết sự việc, chính phủ Mexico nói rằng những người di dân đang được sàng lọc, để xác định xem họ có quyền ở lại Mexico hay không, hoặc sẽ bị gởi trả về quê hương. Dù vậy, nhiều nhóm người đã tách khỏi đoàn chính và tiếp tục hành trình lên phía bắc.
Đoàn người di dân này được tổ chức bởi nhóm bênh vực quyền lợi di dân Pueblo Sin Fronteras, có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhằm thu hút chú ý về quyền lợi của di dân, và cung cấp cho các di dân này sự hỗ trợ mà họ cần. Chính phủ Mexico cho biết, đoàn di dân kiểu này được Pueblo Sin Fronteras tổ chức mỗi năm kể từ năm 2010. Các di dân sẽ di chuyển bằng cách đi bộ, đi xe, hoặc đi lậu trên xe lửa.

Bahrain tìm thấy mỏ dầu lớn
MANAMA – Quốc gia nhỏ bé Bahrain hôm thứ Tư thông báo khám phá một mỏ dầu lớn, có trữ lượng 80 tỷ thùng dầu thô, cũng là mỏ dầu và khí đốt lớn nhất mà nước này từng tìm ra. Trong cuộc họp báo, Bộ Trưởng Năng Lượng Bahrain cho biết, mỏ dầu được tìm thấy ngoài khơi vùng lòng chảo Khalij al-Bahrain, một khu vực rộng 2,000 cây số vuông trong một vùng nước cạn ở phía tây quốc gia. Mỏ dầu này cũng được cho là chứa khoảng 14 ngàn tỷ feet khối khí gas tự nhiên. Bộ Trưởng Dầu Mỏ Sheikh Mohammed al Khalifa nói, lượng dầu mỏ có thể khai thác tại lòng chảo Khalij al-Bahrain hiện vẫn đang được tìm hiểu.
Khám phá mới vượt qua 1 mỏ dầu khác đang hoạt động tại Bahrain, vốn sản xuất khoảng 45,000 thùng 1 ngày. Ngoài ra, Bahrain còn sản xuất thêm 160,000 thùng dầu khác mỗi ngày, tại một mỏ trên biển khai thác chung với Ả Rập Saudi. Nhà chức trách cho biết, mỏ dầu vừa được phát hiện sẽ có thể được khai thác trong vòng 5 năm. Bahrain bắt đầu khai thác dầu từ năm 1932, là 1 trong những nước đầu tiên tại vùng vịnh Ả Rập sản xuất dầu.

Ngoại Trưởng Bắc Hàn thăm Nga tuần tới
MOSCOW - Ngoại trưởng Bắc Hàn sẽ đến Moscow và gặp người đồng nhiệm Nga vào ngày 10 tháng 4, theo Bộ Ngoại Giao Nga cho biết hôm thứ Tư. Moscow và Bình Nhưỡng "sẽ thảo luận về quan hệ song phương và ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là tình hình trên bán đảo Triều Tiên,” phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói. Ngoài Nga, Ngoại Trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho dự kiến sẽ tới Azerbaijan và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Đây là một phần trong các hoạt động ngoại giao nhằm giảm căng thẳng trong khu vực, sau nhiều tháng đối đầu giữa lãnh đạo Bắc Hàn và Hoa Kỳ, liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ngoại Trưởng Ri hôm thứ Ba đã đến Bắc Kinh và gặp người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, một tuần sau chuyến thăm bất ngờ ông Kim Jong-un tới nước này. Bắc Hàn được cho là đang tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc, trước khi ông Kim dự kiến có cuộc gặp với Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in vào tháng 4, và Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng 5.
Ông Ri sẽ là viên chức cấp cao nhất của Bắc Hàn tới thăm Nga trong những năm gần đây. Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un từng định tham dự lễ diễn binh Chiến Thắng tại Moscow năm 2015, nhưng từ chối lời mời sau đó. Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, đã tới Nga năm 2011, chỉ vài tháng trước khi ông qua đời.

Phi Luật Tân muốn tái hòa đàm với phiến quân Maoist
MANILA - Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte hôm thứ Tư đã yêu cầu nội các của ông xem xét việc đình chiến với phiến quân Maoist, nhằm tái khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình. Quyết định này được đưa ra vào 4 tháng sau khi ông Duterte hủy bỏ mọi cuộc đàm phán, và thề sẽ nghiền nát nhóm nổi loạn này. Trong chiến dịch tranh cử 2016, ông Duterte hứa sẽ chấm dứt cuộc chiến dài gần 50 năm với phiến quân Maoist, vốn đã khiến hơn 40,000 người thiệt mạng, bằng cách tìm kiếm giải pháp chính trị. Tuy nhiên, lãnh đạo Phi Luật Tân đã từ bỏ mọi nỗ lực hòa bình vào tháng 11 năm ngoái, sau khi chỉ trích các cuộc tấn công liên tục của phiến quân.
Cho đến ngày thứ Tư, ông Duterte mới lại nghĩ đến việc đàm phán. Ông Jesus Dureza, cố vấn của tổng thống về tiến trình hòa bình, nói rằng ông Duterte muốn “cho việc này một cơ hội cuối cùng.” Tổng thống Phi Luật Tân đã yêu cầu nội các tìm cách khôi phục đàm phán hòa bình, và khẳng định cần đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, nhằm tránh việc tấn công qua lại lẫn nhau khi đàm phán diễn ra. Chính phủ Manila và nhóm đại diện chính trị của phiến quân Maoist, có tên là Mặt trận dân chủ quốc gia, đã nhiều lần đàm phán ngắt quãng suốt từ năm 1986 đến nay.
Phiến quân cộng sản Maoist đã phá hoại sự phát triển kinh tế của nhiều tỉnh có nhiều tài nguyên của Phi Luật Tân. Người sáng lập và lãnh đạo của phong trào cộng sản này, Jose Sison, vốn đang sống lưu vong tại Hòa Lan, đã chào đón đề nghị của ông Duterte, nói rằng phe Maoist sẵn sàng tham gia đàm phán hòa bình.

Malaysia lên tiếng về vụ ám sát Kim Jong-nam

KUALA LUMPUR – Vào ngày thứ Tư, Thượng Viện Malaysia khẳng định, chính phủ nước này không cho phép bất cứ bên thứ ba nào can thiệp vào vụ sát hại ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, để bảo đảm việc xét xử diễn ra suôn sẻ. Phụ tá Ngoại Trưởng Datuk Merican cho biết, tuyên bố này là hồi đáp cho câu hỏi của Nghị Sỹ Datuk Yusoff, về khả năng chính phủ Bắc Hàn có thể can thiệp vào phiên xét xử. Ông Merican khẳng định, Bộ Ngoại Giao Malaysia sẽ tiếp tục giám sát tiến triển của phiên tòa.
Trước đó, trong phiên tòa ngày 29 tháng 1, một cảnh sát nói rằng ông Kim Jong-nam đã gặp một công dân Hoa Kỳ tại một khách sạn của Malaysia, trước khi bị sát hại vào cuối tháng 2, 2017. Trước tòa, điều tra viên Wan Azirul Nizam nói, ông Kim Jong-nam đã tới Malaysia vào ngày 6 tháng 2, trước khi du lịch tới đảo Langkawi, một điểm du lịch nổi tiếng ngoài khơi bờ biển phía Tây của quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, người cảnh sát này không thể xác nhận nhiều thông tin chi tiết, không thể nhớ tên khách sạn mà ông Kim Jong-nam đã ở, và cũng không biết tên người đàn ông Hoa Kỳ được cho là đã gặp ông Kim Jong-nam vào ngày 9 tháng 2.

Lợi và hại trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
BẮC KINH – Sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc có những hành động có thể là mở đầu của một cuộc chiến thương mại, thế giới đang chuẩn bị để đối phó với những hậu quả có thể xảy ra từ sự đối đầu của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bắc Kinh hôm thứ Tư ra lệnh đánh thuế nhập cảng đối với nhiều hàng hóa Hoa Kỳ, với tổng trị giá $50 tỷ Mỹ kim. Thông báo này đưa ra sau khi Washington công bố danh sách một loạt các hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế.
Theo giới phân tích, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với nền kinh tế và các ngành nghề là rất khác biệt. Những nền kinh tế châu Á tham gia vào hoạt động giao thương trực tiếp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ bị thiệt hại. Những nước như Nam Hàn, Đài Loan, Việt Nam, và Malaysia, vốn chuyên bán phụ tùng cho những thiết bị mà Trung Quốc sau đó xuất cảng sang Hoa Kỳ, sẽ là những quốc gia bị tổn thất trước tiên. Nhật, một trong những nước xuất cảng lớn nhất thế giới, cũng sẽ gặp rủi ro, do Hoa Kỳ và Trung Quốc là các đối tác hàng đầu của nước này.
Ngược lại, những nước có lợi trong cuộc chiến thương mại sẽ là các nhà xuất cảng đậu nành. Việc Bắc Kinh đánh thuế 25% vào đậu nành Mỹ sẽ là lợi thế cho các nước xuất cảng ngũ cốc khác, như Brazil và Argentina. Tương tự, việc Bắc Kinh đánh thuế các sản phẩm thịt heo và máy bay Hoa Kỳ sẽ làm lợi cho những nhà cung cấp khác, như Nga, Đức, Tây Ban Nha, và Đan Mạch. Ngoài ra, việc Hoa Kỳ đánh thuế thép sẽ có ích cho các nước nhập cảng kim loại này, như Philippines, do Trung Quốc buộc phải chuyển hướng xuất cảng nhôm và thép đến các nước khác, khiến giá thép trên thị trường sụt giảm.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT